Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 8669/BTC-TCHQ
V/v hướng dẫn thủ tục hải quan áp dụng thí điểm cơ chế chuyển cửa khẩu đối với hàng tiêu dùng tại ICD Mỹ Đình

Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2014

 

Kính gửi:

- Cục Hải quan thành phố Hà Nội;
- Cục Hải quan thành phố Hải Phòng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 789/TTg- KTTH ngày 26/05/2014 về việc chuyển cửa khẩu hàng hóa tiêu dùng để thực hiện thủ tục hải quan nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, thuộc Cục Hải quan thành phố Hà Nội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thí điểm thủ tục hải quan đối với hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu chuyển cửa khẩu từ cảng Hải Phòng đến cảng nội địa (ICD) Mỹ Đình - Hà Nội như sau:

1. Đối tượng áp dụng:

a) Người khai hải quan hoặc người khai hải quan được ủy quyền theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là người khai hải quan) có trụ sở chính hoặc chi nhánh, đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, căn cứ vào hồ sơ người khai hải quan lưu trữ trên hệ thống của cơ quan Hải quan;

b) Cục Hải quan thành phố Hà Nội, Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội và các đơn vị trực thuộc Cục Hải quan thành phố Hà Nội;

c) Cục Hải quan thành phố Hải Phòng, các Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng và các đơn vị trực thuộc Cục Hải quan thành phố Hải Phòng;

d) Công ty TNHH MTV Đầu tư, Thương mại và dịch vụ quốc tế, các đơn vị thành viên và các chi nhánh trực thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư, Thương mại và dịch vụ quốc tế (sau đây gọi tắt là Công ty Interseco);

đ) Các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển đáp ứng quy định tại Điểm 5 công văn này.

2. Điều kiện người khai hải quan:

a) Có trụ sở chính hoặc chi nhánh, đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội;

b) Có thời gian hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tối thiểu 365 ngày tính đến ngày đăng ký tờ khai nhập khẩu và không bị cơ quan Hải quan xử phạt về hành vi trốn thuế hoặc buôn lậu.

c) Người khai hải quan lựa chọn tự nguyện quyết định việc thực hiện cơ chế thí điểm thủ tục hải quan điện tử đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu chuyển cửa khẩu từ cảng Hải Phòng về ICD Mỹ Đình để thông quan.

3. Điều kiện đối với hàng hóa được chuyển về ICD Mỹ Đình:

Hàng hóa của người khai hải quan được chuyển cửa khẩu về ICD Mỹ Đình để làm thủ tục hải quan (gồm cả hàng rời, hàng lỏng đáp ứng yêu cầu niêm phong hải quan; máy móc thiết bị, dây chuyền nhưng không thể niêm phong) trừ những hàng hóa thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất ban hành kèm theo Thông tư số 01/2013/TT-BTNMT ngày 28/01/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Tuyến đường, thời gian vận chuyển hàng hóa trên đường và thời gian lưu giữ tại ICD Mỹ Đình:

a) Tuyến đường từ cảng Hải Phòng theo quốc lộ số 5 về thẳng ICD Mỹ Đình;

b) Thời gian vận chuyển tối đa không quá 12 giờ kể từ thời điểm hàng qua khu vực giám sát hải quan tại cảng Hải Phòng;

c) Thời gian lưu giữ hàng và hoàn thành thủ tục hải quan tại ICD Mỹ Đình là 30 ngày kể từ thời điểm hàng về đến ICD Mỹ Đình trừ trường hợp hàng hóa phải chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành.

d) Hàng hóa đã được chuyển cửa khẩu về ICD Mỹ Đình thì không được chuyển tiếp đến các địa điểm khác để thực hiện thủ tục hải quan.

5. Điều kiện và trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển:

5.1. Điều kiện doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển:

a) Doanh nghiệp vận chuyển phải đăng ký số lượng các phương tiện tham gia vận chuyển hàng hóa chuyển cửa khẩu với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội (số lượng, biển số phương tiện vận chuyển);

b) Phương tiện vận chuyển hàng hóa phải được gắn thiết bị theo dõi hành trình định vị vệ tinh GPS và kết nối với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội để theo dõi quá trình vận chuyển;

5.2. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển:

a) Bố trí phương tiện vận chuyển phải đáp ứng yêu cầu niêm phong hải quan và chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa nguyên niêm phong hải quan từ cảng Hải phòng về ICD Mỹ Đình.

b) Thông báo cho Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội ngay sau khi hàng hóa được xếp lên phương tiện vận tải để vận chuyển qua khu vực giám sát tại cảng biển đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu nêu tại khoản b điểm 7.3 công văn này.

c) Đảm bảo đi đúng tuyến đường và thời gian quy định tại điểm a và b Điểm 4 công văn này.

Trường hợp vì lý do khách quan không đảm bảo đi đúng tuyến đường, thời gian quy định nêu trên thì có trách nhiệm thông báo ngay với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội để có biện pháp xử lý kịp thời.

6. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh ICD Mỹ Đình (Công ty Interseco):

a) Bố trí địa điểm làm việc cho Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội để quản lý giám sát hàng hóa ra, vào ICD Mỹ Đình;

b) Bố trí kho bãi tập kết, lưu giữ hàng hóa chuyển cửa khẩu về ICD Mỹ Đình;

c) Bảo quản nguyên trạng niêm phong và hàng hóa trong thời gian lưu trữ tại ICD Mỹ Đình;

d) Chỉ cho phép đưa ra khỏi khu vực ICD Mỹ Đình các lô hàng đã được cơ quan Hải quan quyết định thông quan giải phóng hàng hoặc đưa hàng về bảo quản theo đúng pháp luật về hải quan.

đ) Định kỳ hàng tháng báo cáo cơ quan hải quan tình hình hàng hóa kinh doanh chuyển cửa khẩu về ICD Mỹ Đình.

7. Thủ tục hải quan áp dụng thí điểm cơ chế chuyển cửa khẩu đối với hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu tại ICD Mỹ Đình:

7.1. Trách nhiệm của Cục Hải quan thành phố Hà Nội, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng.

a) Cục Hải quan thành phố Hà Nội có trách nhiệm chủ động phối hợp với Cục Hải quan thành phố Hải Phòng trong việc thực hiện thủ tục hải quan hướng dẫn tại công văn này; thông báo với Cục Hải quan thành phố Hải phòng danh sách doanh nghiệp và phương tiện vận tải được phép vận chuyển hàng hóa chuyển cửa khẩu từ cảng Hải Phòng về ICD Mỹ Đình; chỉ đạo Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Đội kiểm soát Hải quan tổ chức lực lượng để truy tìm các lô hàng quá thời hạn vận chuyển theo quy định tại khoản b điểm 4 Công văn này;

b) Cục Hải quan thành phố Hải Phòng có trách nhiệm phối hợp với Cục Hải quan TP Hà Nội tổ chức lực lượng thực hiện giám sát hải quan theo hướng dẫn tại công văn này; tiếp nhận danh sách doanh nghiệp và phương tiện vận tải được phép vận chuyển hàng hóa chuyển cửa khẩu từ cảng Hải phòng về ICD Mỹ Đình Cục Hải quan thành phố Hà Nội gửi; chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng trực thuộc, Đội kiểm soát hải quan phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan thành phố Hà Nội trong việc thực hiện thủ tục hải quan và truy tìm hàng hóa quá thời hạn vận chuyển theo quy định;

7.2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội:

Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan thực hiện theo các quy định tại Luật Hải quan, Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ, Nghị định số 87/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 của Chính phủ, Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/09/2013, Thông tư số 22/TT-BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính, Quyết định số 988/QĐ-TCHQ ngày 28/03/2014 của Tổng cục Hải quan và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

a) Đối với tờ khai luồng xanh

Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng thông tin trên Hệ thống e-Customs. Căn cứ thông tin hàng hóa và đề nghị chuyển cửa khẩu ghi nhận tại “Phần ghi chú” của tờ khai, nếu phát hiện doanh nghiệp hoặc hàng hóa không đáp ứng được điều kiện quy định tại Điểm 2, Điểm 3 công văn này thì thực hiện như sau:

a.1) Trường hợp hàng hóa chưa qua khu vực giám sát hải quan: sử dụng chức năng dừng thông quan trên Hệ thống, công chức được giao nhiệm vụ hướng dẫn người khai thực hiện thủ tục hủy tờ khai và khai lại tờ khai theo đúng quy định về địa điểm đăng ký tờ khai khi người khai hải quan có yêu cầu.

a.2) Trường hợp hàng hóa đã qua khu vực giám sát hải quan: công chức được giao nhiệm vụ chuyển ngay thông tin về lô hàng cho Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Đội kiểm soát Hải quan và Phòng Quản lý rủi ro thuộc Cục Hải quan thành phố Hà Nội để phối hợp với các đơn vị thuộc Cục Hải quan thành phố Hải Phòng để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết.

b) Đối với tờ khai luồng vàng, luồng đỏ

Căn cứ đề nghị chuyển cửa khẩu của người khai hải quan ghi nhận tại “Phần ghi chú” của Tờ khai hàng hóa nhập khẩu, công chức hải quan đề xuất Chi cục trưởng quyết định cho phép chuyển cửa khẩu trên Hệ thống VCIS và thực hiện thủ tục chuyển cửa khẩu sau khi được Chi cục trưởng phê duyệt như sau:

b.1) Thực hiện ghi nhận việc chuyển cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu tại ô “Cập nhật ý kiến của công chức xử lý”, thông báo cho người khai hải quan và khu vực giám sát hải quan quyết định chuyển cửa khẩu tại ô “Chỉ thị của hải quan” trên Tờ khai hải quan thông qua nghiệp vụ IDA01 (mã B).

b.2) Đối với hàng hóa thuộc tờ khai hàng hóa nhập khẩu được phân luồng vàng và thuộc đối tượng đưa hàng về bảo quản theo quy định tại Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính, công chức hải quan cập nhật quyết định cho phép đưa hàng về bảo quản trên Hệ thống VNACCS/VCIS và Hệ thống e-customs.

b.3) Đối với tờ khai hàng hóa nhập khẩu có đề nghị chuyển cửa khẩu được phân luồng đỏ việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện ở địa điểm kiểm tra tại ICD Mỹ Đình, công chức hải quan cập nhật quyết định cho phép vận chuyển hàng về địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa tại Hệ thống VNACCS/VCIS và Hệ thống E-Customs để thực hiện kiểm tra thực tế tại ICD Mỹ Đình.

b.4) Theo dõi hàng chuyển cửa khẩu rời cảng Hải Phòng về ICD Mỹ Đình:

b.4.1) Tiếp nhận biên bản bàn giao hàng chuyển cửa khẩu do Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng fax về Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội hoặc thực hiện phương thức điện tử theo quy định của Tổng cục Hải quan;

b.4.2) Thực hiện việc theo dõi, giám sát tín hiệu của phương tiện vận chuyển trên Hệ thống GPS được kết nối với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội và thực hiện việc lưu giữ hình ảnh này theo quy định;

b.5) Hoàn thành thủ tục hải quan đối với lô hàng chuyển cửa khẩu và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm theo quy định hiện hành;

b.6) Định kỳ cuối ngày làm việc Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội lập danh sách Biên bản bàn giao gửi hoặc fax cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng hoặc thực hiện phương thức điện tử theo quy định của Tổng cục Hải quan;

b.7) Trường hợp lô hàng chuyển cửa khẩu quá thời hạn quy định mà chưa đến ICD Mỹ Đình, báo cáo ngay Cục Hải quan TP Hà Nội chỉ đạo Đội kiểm soát Hải quan chủ động phối hợp với Công ty Interseco, doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển, chủ hàng và Chi cục Hải quan cảng Hải Phòng nơi hàng đi để truy tìm;

c) Thông báo danh sách các phương tiện vận tải để báo cáo Cục Hải quan thành phố Hà Nội chuyển cho Cục Hải quan thành phố Hải Phòng.

7.3. Trách nhiệm của các Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng thuộc Cục Hải quan TP Hải Phòng:

Tiếp nhận tờ khai hàng hóa nhập khẩu của lô hàng chuyển cửa khẩu đăng ký tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội do người vận chuyển hoặc người khai hải quan chuyển đến và thực hiện các công việc sau:

a) Đối với các lô hàng thuộc tờ khai luồng xanh, luồng vàng đã được thông quan, giải phóng hàng thì thực hiện xác nhận hàng qua khu vực giám sát theo quy định hiện hành (không phải niêm phong và không phải lập biên bản bàn giao hàng hóa). Hoặc theo yêu cầu của người khai hải quan chuyển cửa khẩu về ICD Mỹ Đình để thực hiện thông quan, giải phóng hàng; khi đó phải thực hiện niêm phong và lập biên bản bàn giao theo quy định;

b) Đối với các lô hàng phải kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc đưa hàng về bảo quản thì thực hiện niêm phong hàng hóa và lập biên bản bàn giao hàng hóa theo quy định hiện hành để giao cho người vận chuyển hoặc người khai hải quan vận chuyển hàng hóa về ICD Mỹ Đình để thực hiện kiểm tra hàng hóa trước khi thông quan hoặc địa điểm bảo quản theo quy định của pháp luật để thực hiện kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi thông quan;

b.1) Kiểm tra đối chiếu phương tiện vận tải chở hàng chuyển cửa khẩu với danh sách phương tiện vận tải đã được Cục Hải quan thành phố Hà Nội chuyển đến; không cho phép hàng hóa chuyên chở trên các phương tiện vận tải không thuộc danh sách nêu trên;

b.2) Thực hiện xác nhận hàng qua khu vực giám sát theo quy định hiện hành;

b.3) Fax ngay biên bản bàn giao hàng chuyển cửa khẩu cho Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội hoặc thực hiện phương thức điện tử theo quy định của Tổng cục Hải quan;

b.4) Phối hợp với Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội để theo dõi hàng hóa chuyển cửa khẩu, truy tìm lô hàng quá thời hạn mà chưa đến địa điểm kiểm tra, địa điểm bảo quản;

c) Trong thời hạn 02 giờ làm việc kể từ khi tiếp nhận đủ hồ sơ (tờ khai hải quan, danh sách container đối với hàng hóa vận chuyển bằng container, chứng từ giao nhận hàng hóa của cảng), Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng phải hoàn thành việc xác nhận hàng qua khu vực giám sát.

7.4. Doanh nghiệp nhập khẩu:

a) Doanh nghiệp nhập khẩu tự xác định việc đáp ứng các điều kiện tại Điểm 2, Điểm 3 công văn này trước khi đăng ký tờ khai hải quan;

b) Đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình A11 - Nhập kinh doanh tiêu dùng, ghi rõ: “chuyển cửa khẩu theo CV 789/TTg-KTTH của TTCP” tại chỉ tiêu “Phần ghi chú” trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu trên hệ thống VNACCS/VCIS và thực hiện thủ tục hải quan theo quy định;

c) Đối với lô hàng phải kiểm tra thực tế, doanh nghiệp nhập khẩu có trách nhiệm vận chuyển hàng về ICD Mỹ Đình;

d) Đối với trường hợp đưa hàng về bảo quản, hàng kiểm tra chuyên ngành thực hiện theo quy định tại Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/09/2013 của Bộ Tài chính và Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính;

đ) Xuất trình hàng hóa, bố trí nhân lực, phương tiện để cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa tại ICD Mỹ Đình.

8. Triển khai thực hiện:

8.1. Thủ tục hải quan áp dụng thí điểm cơ chế chuyển cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu tại ICD Mỹ Đình có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký công văn này đến hết ngày 31/12/2016;

8.2. Trong tháng 12/2014, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm chỉ đạo Cục Hải quan thành phố Hà Nội, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng và Công ty Interseco tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 789/TTg-KTTH ngày 26/5/2014 và đề xuất, báo cáo Bộ Tài chính;

8.3. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản liên quan đề cập tại công văn này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế;

8.4.Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hà Nội và Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp; tổ chức quản lý, theo dõi và triển khai thực hiện nội dung quy định tại công văn này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị phản ánh kịp thời Bộ Tài chính (qua Tổng cục Hải quan) để được hướng dẫn, giải quyết.

Bộ Tài chính hướng dẫn Cục Hải quan thành phố Hà Nội, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- BT Đinh Tiến Dũng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- UBND TP Hà Nội (để p/h);
- Công ty Interseco (để thực hiện)
- Lưu: VT, TCHQ (14b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn