Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8444/BNN-TY
V/v tăng cường phòng, chống bệnh LMLM gia súc.

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2017

 

Kính gửi: Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong thời gian vừa qua, dịch bệnh Lở mồm long móng (LMLM) trâu bò đã xảy ra tại một số khu vực thuộc địa bàn các tỉnh miền núi phái Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và LMLM trên lợn đã xảy ra ở một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thuộc một số tỉnh phía Nam. Mặc dù các địa phương đã tích cực kiểm soát nhưng nguy cơ lây lan ra diện rộng là rất cao trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa hiện nay; đặc biệt, có sự lưu hành của 02 típ vi rút LMLM khác nhau là típ O và típ A gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Để khống chế nhanh và ngăn chặn kịp thời các ổ dịch phát sinh, không để dịch lây lan hoặc dây dưa, kéo dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các cấp và các ban, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn trong đó có bệnh LMLM gia súc, đặc biệt chú trọng các nội dung sau:

1. Đối với các tỉnh đang có dịch LMLM:

a) Củng cố và thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch; tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định típ vi rút gây bệnh, làm căn cứ lựa chọn loại vắc xin phù hợp tiêm phòng bao vây dịch; tập trung mọi lực lượng để nhanh chóng dập tắt dịch; cách ly triệt để và đánh dấu gia súc mắc bệnh để quản lý; giao cho chính quyền cấp xã, thôn quản lý chặt chẽ các ổ dịch; vệ sinh tiêu độc khử trùng ổ dịch; tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM bao vây các ổ dịch, cho đàn gia súc ở vùng có nguy cơ mắc bệnh; lựa chọn chủng loại vắc xin tiêm phòng phù hợp theo khuyến cáo của Cục Thú y.

b) Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, làm lây lan dịch bệnh.

c) Khoanh vùng và kiểm soát chặt chẽ vùng dịch bệnh theo quy định. Tiến hành tiêu độc khử trùng các phương tiện giao thông qua lại.

d) Quản lý chặt chẽ gia súc bị bệnh để ngăn chặn lây lan. Tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại theo hướng dẫn của chuyên môn thú y.

2. Đối với các tỉnh chưa có dịch LMLM:

a) Tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh. Khi có dịch xảy ra, thực hiện tiêu hủy triệt để gia súc mắc bệnh khi dịch còn ở diện hẹp và áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt dập tắt nhanh ổ dịch;

b) Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh;

c) Tham khảo thông tin về típ vi rút LMLM đang lưu hành trên địa bàn và đánh giá nguy cơ lây nhiễm các típ vi rút từ các địa phương khác; đồng thời căn cứ vào khuyến cáo về sử dụng vắc xin của Cục Thú y để xây dựng kế hoạch tiêm phòng phù hợp tại địa phương.

3. Các địa phương thuộc Chương trình 30a và Chương trình quốc gia khống chế bệnh LMLM khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm việc bố trí, tiếp nhận kinh phí, tổ chức mua vắc xin, tiếp nhận vắc xin và thực hiện tiêm phòng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1358/QĐ-TTg ngày 13/9/2017 và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại văn bản số 6540/VPCP-KTTH ngày 23/6/2017 của Văn phòng Chính phủ.

4. Rà soát, bổ sung kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong năm 2017, đặc biệt cần khẩn trương bố trí kinh phí mua vắc xin LMLM và tổ chức tiêm phòng kịp thời cho đàn gia súc mẫn cảm; đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật của năm 2018 bao gồm kế hoạch về kinh phí, nhân lực và các trang thiết bị dụng cụ phục vụ công tác phòng, chống dịch.

5. Tổ chức thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn quốc đợt 2 năm 2017.

6. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại, tính chất lây lan và các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí địa phương bố trí thời lượng thích hợp để tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung trên. Trong quá trình chỉ đạo, nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp, xử lý kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (để b/c);
- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục;
- Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia;
- Lưu: VT, TY.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 8444/BNN-TY năm 2017 về tăng cường phòng, chống bệnh Lở mồm long móng gia súc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 8444/BNN-TY
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/10/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Vũ Văn Tám
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/10/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản