Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CĐ-BNN

Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2011

 

CÔNG ĐIỆN KHẨN

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG GIA SÚC

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN điện:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW

Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm 2011 đến nay dịch Lở mồm long móng (LMLM) xảy ra ở 1.040 xã thuộc 157 huyện của 26 tỉnh (gồm: Quảng Ninh, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Nai, Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An) với tổng số gia súc mắc bệnh là 66.625 con, gồm : 38.286 trâu, 7.507 bò, 20.832 lợn và 268 dê; số gia súc chết tiêu hủy là 2.507 trâu bò và 15.704 lợn.

Theo kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy: Đặc điểm dịch tễ học của bệnh LMLM trong đợt dịch này khác so với những đợt dịch trước đây do đã có sự biến đổi của vi rút gây bệnh làm cho bệnh lây lan nhanh hơn và tỷ lệ chết cao hơn, đặc biệt ở gia súc non.

Để nhanh chóng dập tắt dịch, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi và nhanh chóng khôi phục sản xuất, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ban, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung theo Công điện số 08/CĐ-BNN-TY ngày 01/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh LMLM gia súc và những nội dung sau:

1. Đối với gia súc mắc bệnh bị chết và lợn con theo mẹ bị mắc bệnh (chưa cai sữa): Phải tổ chức tiêu hủy ngay.

2. Đối với lợn, dê, cừu, hươu, nai mắc bệnh: Có thể giết mổ để tiêu thụ tại chỗ nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: Phải có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thú y; không làm lây lan dịch bệnh; thịt và phụ phẩm ăn được phải được xử lý chín; thịt và phụ phẩm không ăn được phải chôn hoặc đốt; đồng thời phải thực hiện vệ sinh và tiêu độc khử trùng sau khi giết mổ gia súc.

3. Đối với trâu bò mắc bệnh đã khỏi bệnh về lâm sàng:

Phải tổ chức quản lý và theo dõi chặt chẽ, đóng dấu chín hoặc yêu cầu các chủ gia súc cam kết không được bán gia súc sang địa phương khác với mục đích làm giống hoặc để chăn nuôi, cày kéo. Việc vận chuyển giết mổ để tiêu thụ thực hiện theo quy định và phải được kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thú y.

4. Một số tỉnh có dịch đã được các phương tiện truyền thông đưa tin nhưng chưa công bố dịch phải thực hiện chế độ báo cáo và công bố dịch; triển khai ngay các biện pháp chống dịch; xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố gửi văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp, xử lý kịp thời.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (để b/cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để b/cáo);
- Sở NN & PTNT, Chi cục Thú y các tỉnh, TP;
- TT Diệp Kỉnh Tần, Cục Thú y, Cục Chăn nuôi;
- Cơ quan Thú y vùng, Chi cục KDĐV thuộc Cục (t/h);
- Lưu: VT,TY.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công điện 10/CĐ-BNN tăng cường công tác phòng chống bệnh lở mồm long móng gia súc do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điện

  • Số hiệu: 10/CĐ-BNN
  • Loại văn bản: Công điện
  • Ngày ban hành: 09/03/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/03/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản