Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8365/BNN-TY
V/v tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế phẩm sinh học.

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 2015

 

Kính gửi: Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản để phòng, trị bệnh dẫn đến sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản bị tồn dư kháng sinh, chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín thị trường xuất khẩu sản phẩm động vật và sản phẩm thủy sản của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử các Đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại các cửa hàng buôn bán thuốc thú y, cơ sở nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, thành phố Hồ Chí Minh,.... Qua kiểm tra thực tế, các Đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều tồn tại, bất cập, cụ thể như sau:

(1) Có nhiều sản phẩm thuốc thú y, hóa chất và chế phẩm sinh học đang được dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sản xuất, kinh doanh;

(2) Nhiều sản phẩm thức ăn bổ sung có nhãn mác không đúng với đăng ký, có thành phần khác với đăng ký, ghi thêm nhiều công dụng phòng, trị bệnh để thu hút người mua, tăng giá thành sản phẩm; có nhiều thức ăn bổ sung ghi nhãn như siêu nạc, siêu tăng trọng, bung đùi, nở vai, nở ức,...;

(3) Nhiều cửa hàng thuốc thú y mua các thùng nguyên liệu kháng sinh và san chia tại cửa hàng thành các gói 0,5 kg hoặc 01 kg nguyên liệu kháng sinh để bán trực tiếp cho người nuôi trồng thủy sản với mục đích để phòng, trị bệnh cho thủy sản, trong đó có một số loại thuốc không được phép sử dụng để phòng, trị bệnh thủy sản như Enrofloxacin,...; san chiết thuốc tiêm hoặc dùng bơm tiêm để hút thuốc tiêm trong các lọ để bán dần cho người chăn nuôi;

(4) Vắc xin tiêm phòng gia súc không được bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8°C theo hướng dẫn của nhà sản xuất, để trong tủ sắt hoặc trên sàn nhà; Có trường hợp thuốc thú y bày bán chung khu vực với thuốc bảo vệ thực vật; Hầu hết các cửa hàng bán thuốc thú y không có sổ sách theo dõi, ghi chép việc nhập và xuất bán thuốc thú y; nhiều thuốc thú y nhập khẩu nhưng không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt theo đúng quy định;

(5) Nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản sử dụng trực tiếp nguyên liệu kháng sinh để phòng, trị bệnh không đúng với quy định; mua các loại thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh với liều lượng tùy tiện;

(6) Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, bao gồm cả kinh doanh, sử dụng thuốc thú y, hóa chất và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa được quan tâm đúng mức, kém hiệu quả do chức năng nhiệm vụ quản lý chuyên môn được giao cho nhiều đơn vị đảm nhiệm.

Để sớm khắc phục những tồn tại nêu trên, bảo đảm sản phẩm thịt và sản phẩm thủy sản không gây hại sức khỏe con người và giữ uy tín thị trường hàng nông sản xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp và các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị số 9270/CT-BNN-TY ngày 17/11/2014, Chỉ thị số 10318/CT-BNN-QLCL ngày 25/12/2014, Chỉ thị số 1865/CT-BNN-TY ngày 04/3/2015 và Chỉ thị số 6621/CT-BNN-TY ngày 14/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm; trong đó tập trung một số nội dung chính sau:

1. Nghiêm cấm tất cả các hình thức buôn bán thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học ngoài danh mục (nhất là các loại thức ăn kích thích tăng trọng nhanh, tạo nạc, tạo màu vàng, phòng trị bệnh,...), nguyên liệu kháng sinh, thuốc y tế, thuốc bảo vệ thực vật, sai nhãn mác, ghi thêm công dụng và thành phần, không ghi nhãn phụ,...; san chia thuốc tiêm, thuốc bột tại các cửa hàng bán thuốc thú y;

2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các ban, ngành của địa phương và các lực lượng liên quan nhất là Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng liên quan của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, khu vực tập kết, buôn bán thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc;

3. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quản lý thị trường và các ban, ngành của Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; lấy mẫu thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học để kiểm tra chất lượng; thu hồi, tiêu hủy thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học (kém chất lượng, cấm sử dụng, nhập lậu, không có trong danh mục được phép lưu hành, thuốc giả, ghi sai nhãn mác, ghi sai công dụng, gian lận thương mại,...) và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành;

4. Tăng cường tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin về nguy cơ tác hại của việc buôn bán, sử dụng thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học không đúng quy định; vận động người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mua thuốc thú y, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học ở những cơ sở kinh doanh có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có trong danh mục được phép lưu hành; hướng dẫn người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng, ngừng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch, giết mổ, đặc biệt không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh cho động vật trên cạn và động vật thủy sản nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh.

5. Công khai danh tính các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế phẩm sinh học trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được biết, tránh mua phải hàng cấm, hàng ngoài danh mục, hàng giả, hàng kém chất lượng,...; phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm theo quy định.

6. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và gửi báo cáo kết quả thực hiện hàng tháng về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y) để tổng hợp và báo cáo Bộ; thời gian gửi báo cáo hàng tháng từ ngày 05 đến ngày 10 hàng tháng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo bằng văn bản về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp, xử lý kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg. Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Văn phòng Trung ương Đảng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Tổng Cục Thủy sản;
- Các Cục: TY, CN, QLCLNL&TS;
- Thanh tra Bộ;
- Sở NN&PTNT, CCTY, NTTS các tỉnh, TP;
- Các đơn vị thuộc Cục Thú y;
- Lưu: VT, TY.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát