Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 836/BGDĐT-KHTC
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ Hai và kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải phòng

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hải phòng gửi tới sau kỳ họp thứ Hai và kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV do Văn phòng Chính phủ chuyển đến tại Công văn số 580/VPCP-QHĐP ngày 22/01/2022.

Nội dung kiến nghị:

Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm phân bổ ngân sách, điều chỉnh đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo để đảm bảo chất lượng công tác giáo dục và đào tạo, tăng cường năng lực, khả năng ứng phó phòng, chống với dịch Covid-19.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cảm ơn sự quan tâm của cử tri Thành phố Hải phòng. Về vấn đề này, Bộ GDĐT xin được trả lời cụ thể như sau:

Để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước coi Giáo dục là quốc sách hàng đầu, trong thời gian qua, Bộ GDĐT đã trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành Luật Giáo dục năm 2019 quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Đồng thời, Bộ GDĐT đã có ý kiến đề xuất với Bộ Tài chính, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 (Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg) cũng quy định định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục trong đó yêu cầu tỷ lệ tối thiểu chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập là 19% so với tổng chi sự nghiệp giáo dục, tỷ lệ này đã được điều chỉnh tăng so với quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017 (Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg) chỉ là 18%.

Như vậy, về quan điểm Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội là quan tâm đầu tư cho giáo dục và đã được thể chế trong các quy định của Luật, quyết định của Thủ tướng chính phủ. Tuy nhiên, trong thực tế tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo cũng như tỷ lệ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập trong tổng chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại các địa phương là rất khác nhau (theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách tại Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, việc bố trí ngân sách cho giáo dục đào tạo tại các địa phương thuộc thẩm quyền của các tỉnh, thành phố). Ngân sách chi thường xuyên toàn ngành giáo dục những năm gần đây cũng như giai đoạn 2016-2020 chủ yếu là chi cho con người. Qua số liệu báo cáo của các địa phương, nhiều tỉnh chưa đạt tỷ lệ tối thiểu chi cho chuyên môn 18% trong tổng chi thường xuyên theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg, tỷ lệ chi cho các hoạt động giảng dạy và học tập chiếm tỷ lệ thấp. Thực trạng này đã gây khó khăn, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động giáo dục, nhất là tại các cơ sở giáo dục vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, hiện nay để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa trường lớp học… đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải được trang bị thêm phương tiện, thiết bị, công nghệ dạy học mới. Vì vậy, việc tăng cường đầu tư cho lĩnh vực giáo dục là cần thiết.

Để hỗ trợ các cơ sở giáo dục gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, trong đó có chính sách hỗ trợ cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch, tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng và ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 01 năm 2022 đang giao Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất phương án để báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ thực hiện một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bộ GDĐT ghi nhận ý kiến của Đại biểu và sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo đảm bảo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước; đồng thời đề nghị Đại biểu kiến nghị Hội đồng nhân dân Thành phố Hải phòng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hải phòng một số giải pháp chính tăng cường đầu tư cho giáo dục và tăng cường khả năng ứng phó phòng, chống với dịch Covid-19 như sau:

(1) Rà soát, đánh giá thực trạng nhu cầu đầu tư của ngành giáo dục địa phương trong giai đoạn 2021-2025 để tích hợp vào các nội dung phù hợp của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, đặc biệt ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục,...để đảm bảo triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để đối ứng đủ tỷ lệ theo quy định nhằm thực hiện các Chương trình. Ưu tiên bố trí sắp xếp các chương trình đề án, dự án của ngành giáo dục vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của địa phương và hàng năm cần ưu tiên bố trí kinh phí thường xuyên để đào tạo bồi dưỡng đội ngũ, mua sắm trang thiết bị và cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

(2) Quan tâm bổ sung kinh phí chi thường xuyên cho các cơ sở GDĐT thuộc phạm vi quản lý để đảm bảo tối thiểu 19%-20% chi chuyên môn giảng dạy trong tổng chi thường xuyên theo quy định tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo chất lượng giáo dục tại địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Thứ trưởng;
- Văn phòng (để tổng hợp);
- Lưu: VT, Vụ KHTC.(K.Thúy)

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Kim Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 836/BGDĐT-KHTC năm 2022 về phân bổ ngân sách, điều chỉnh đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo để đảm bảo chất lượng công tác giáo dục và đào tạo, tăng cường năng lực, khả năng ứng phó phòng, chống với dịch Covid-19 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 836/BGDĐT-KHTC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/03/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Kim Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản