Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 821/ĐK
V/v: Bổ sung, sửa đổi Hướng dẫn 370/ĐK về kiểm tra khí thải

Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2006

 

Kính gửi: Các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới

Căn cứ yêu cầu thực tế khi triển khai thực hiện Quyết định 249/2005/QĐ-TTg về kiểm tra khí thải đối với ô tô đang lưu hành thuộc 05 thành phố trực thuộc trung ương, để việc kiểm tra khí thải được nghiêm túc nhưng không gây ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, Cục Đăng kiểm Việt nam bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến kiểm tra khí thải của phương tiện lắp động cơ cháy do nén (điêzen) trong Hướng dẫn kiểm tra khí thải xe cơ giới nhập khẩu và ô tô tham gia giao thông số 370/ĐK ngày 11 tháng 4 năm 2006 như sau:

1. Trước khi thực hiện các chu trình đo, đăng kiểm viên nhất thiết phải kiểm tra kỹ tình trạng động cơ và kiểm tra thử, xác định tốc độ lớn nhất thực tế của động cơ. Nếu phát hiện thấy có dấu hiệu không đảm bảo an toàn hoặc tốc độ lớn nhất thực tế quá cao do hỏng bộ hạn chế tốc độ hay sự Điều chỉnh sai, đạt đến giới hạn nguy hiểm có thể gây hư hỏng động cơ khi đo, yêu cầu chủ phương tiện bảo dưỡng, sửa chữa hoặc Điều chỉnh lại. Trong trường hợp chủ phương tiện có nhu cầu kiểm tra ngay thì phải ký cam kết chịu trách nhiệm về hư hỏng có thể xảy ra khi kiểm tra khí thải.

2. Trong trường hợp tốc độ vòng quay không tải lớn nhất thực tế của xe thấp, không đạt được 90% tốc độ ứng với công suất cực đại theo qui định của nhà sản xuất, yêu cầu chủ phương tiện phải Điều chỉnh lại trước khi đo. Riêng đối với một số trường hợp đặc biệt (ví dụ như một số xe đầu kéo nhập từ Mỹ) có đặc tính theo thiết kế nguyên thủy (không phải do sự Điều chỉnh động cơ sai hoặc thao tác đo sai) khống chế tốc độ vòng quay không tải lớn nhất ở giá trị nhỏ hơn 90% tốc độ vòng quay ứng với công suất cực đại, cho phép tiến hành kiểm tra khí thải theo tốc độ lớn nhất thực tế xác định được.

3. Đối với Trung tâm Đăng kiểm có thiết bị kiểm tra khí thải đã được nối mạng, nếu trong phần thông tin phương tiện trên máy tính chưa có số liệu về số vòng quay ứng với công suất cực đại của động cơ hoặc số liệu nhập trước đây sai, nhân viên vi tính có trách nhiệm nhập giá trị này. Trong trường hợp không có tài liệu kỹ thuật, cần tiến hành kiểm tra khí thải theo tốc độ lớn nhất thực tế của động cơ xe vào kiểm định và báo cáo về Phòng Kiểm định xe cơ giới để bổ sung sau.

4. Khi thực hiện các chu trình đo, đăng kiểm viên phải đạp nhanh đến hết hành trình bàn đạp ga và giữ ổn định ở tốc độ lớn nhất theo tín hiệu nhắc trên thiết bị để động cơ tạo ra độ khói cực đại. Thời gian tăng tốc từ số vòng quay nhỏ nhất đến lớn nhất ở mỗi chu trình đo không được vượt quá 2 giây đối với phương tiện thông thường. Trong một số trường hợp đặc biệt, do đặc tính theo thiết kế nguyên thuỷ của động cơ (không phải do sự Điều chỉnh động cơ sai hoặc thao tác đo sai), thời gian tăng tốc có thể lớn hơn nhưng không được quá 5 giây.

5. Chênh lệch tốc độ lớn nhất ở các chu trình đo không vượt quá 10% giá trị cao nhất. Đối với thiết bị kiểm tra khí thải có chức năng cài đặt Khoảng tốc độ lớn nhất thì giá trị giới hạn dưới của Khoảng tốc độ cài đặt phải nằm trong phạm vi 10% nhỏ hơn giá trị tốc độ lớn nhất thực tế xác định được khi kiểm tra thử trước khi đo, nhưng không nhỏ hơn 90% giá trị tốc độ vòng quay ứng với công suất cực đại theo qui định của nhà sản xuất động cơ trừ những trường hợp đặc biệt nêu tại Mục 2 trên đây.

6. Quy định về chiều rộng dải đo (chênh lệch lớn nhất của 03 kết quả đo sau cùng) trong phụ lục C kèm theo Hướng dẫn 370/ĐK được sửa đổi như sau:

- Nếu kết quả đo khói trung bình có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 m-1 hay 66 %HSU thì chiều rộng dải đo không được vượt quá 0,5 m-1 hay 10 %HSU;

- Nếu kết quả đo khói trung bình có giá trị lớn hơn 2,5 m-1 hay 66 %HSU thì chiều rộng dải đo không được vượt quá 0,7 m-1 hay 7 %HSU.

7. Các đơn vị căn cứ tình hình cụ thể để bố trí vị trí công đoạn kiểm tra khí thải hợp lý và có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống hút khí thải để đảm bảo vệ sinh môi trường cho cán bộ, nhân viên.

8. Các đơn vị phải đảm bảo thiết bị kiểm tra khí thải hoạt động chính xác và có kế hoạch dự phòng thiết bị, vật tư, phụ tùng phục vụ yêu cầu kiểm tra.

9. Giám đốc các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo, tập huấn cho đăng kiểm viên chưa có Chứng chỉ và lập báo cáo đề nghị Phòng Kiểm định xe cơ giới, Trung tâm Đào tạo tổ chức kiểm tra cấp Chứng chỉ kiểm tra khí thải xe cơ giới.

10. Giám đốc các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới phổ biến nội dung các qui định mới về kiểm tra khí thải đến chủ phương tiện và các cá nhân, đơn vị có liên quan.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên (để thực hiện)
- Các Phó Cục trưởng (để chỉ đạo)
- VAQ (để thực hiện)
- Trung tâm tin học, Đào tạo (để PHTH)
- Phòng VAR (để chỉ đạo thực hiện)
- Lưu VAR.

CỤC ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM
CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ban

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 821/ĐK bổ sung Hướng dẫn 370/ĐK về kiểm tra khí thải do Cục Đăng kiểm Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 821/ĐK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 25/07/2006
  • Nơi ban hành: Cục Đăng kiểm Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Văn Ban
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản