Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 813/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 1611/BDN ngày 23/11/2023 và Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo công văn số 9424/VPCP-QHĐP ngày 30/11/2023, sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:

Câu 1: Cử tri kiến nghị Bộ Thông tin Truyền thông sớm hoàn thành việc phủ sóng hệ thống viễn thông di động tại các nơi còn là “vùng lõm ” về thông tin. Đồng thời, nâng cao chất lượng và độ ổn định của sóng tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã được phủ sóng.

1. Về việc sớm hoàn thành việc phủ sóng hệ thống viễn thông di động tại các nơi còn là “vùng lõm” về thông tin

Để sớm hoàn thành việc phủ sóng di động, Bộ TTTT đang triển khai thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2021, theo đó, đã đặt ra mục tiêu 100% thôn, bản, làng, ấp, phum sóc, buôn, bon, đảo có hộ dân sinh sống (gọi chung là thôn) đã có điện thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất.

Bộ TTTT ghi nhận ý kiến cử tri và sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục rà soát các khu vực còn lõm sóng để lên kế hoạch triển khai.

2. Về việc Nâng cao chất lượng và độ ổn định của sóng tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã được phủ sóng

Hiện nay vùng phủ 4G đạt 99,8 % dân số. Đây là tỷ lệ rất cao, người dân mọi miền Tổ quốc đều có thể được thụ hưởng dịch vụ di động trên mạng 4G.

Trên cơ sở kết quả đo kiểm của hệ thống đo tốc độ truy cập Internet tại Việt Nam của Bộ TTTT (I-speed) và từ công cụ Speedtest của Ookla cho thấy: Trừ những trường hợp bị đứt cáp quang biển thì về cơ bản chất lượng Internet băng rộng, cố định của Việt Nam ổn định, đáp ứng các hoạt động hiện tại (ví dụ: download, upload, streaming video, mạng xã hội, âm nhạc...). Bộ TTTT đã ban hành Quy chuẩn sửa đổi quy chuẩn về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định tại Thông tư số 20/2022/TT-BTTTT ngày 29/11/2022, theo đó tốc độ tối thiểu doanh nghiệp phải cung cấp là 50 Mbps; băng rộng di động cũng đang được nghiên cứu để quy định tốc độ tối thiểu.

Câu 2: Việc ứng dụng chuyển đổi số, tích hợp các cơ sở dữ liệu công dân còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ, liên thông, nhất là trong thực hiện các dịch vụ công, thủ tục hành chính; bên cạnh đó hạ tầng viễn thông (mạng Internet, 4G...) tại các khu vực miền núi chưa đảm bảo phủ sóng ổn định và khả năng tự trang bị, cũng như sử dụng điện thoại thông minh của người dân ở các khu vực này còn rất hạn chế. Cử tri kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan quan tâm có giải pháp phù hợp với thực tế, theo đặc điểm vùng, miền và có phương pháp tháo gỡ những vướng mắc, đảm bảo tính khả thi; đồng thời có biện pháp bảo mật thông tin của công dân.

1. Về kết nối, liên thông dữ liệu phục vụ thực hiện dịch vụ công, thủ tục hành chính

Bộ TTTT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022, trong đó có chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương: Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả, thông suốt giữa các cơ quan nhà nước; Hạn chế cung cấp thông tin qua hình thức văn bản đối với thông tin đã được khai thác qua hình thức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; Không thu thập lại dữ liệu hoặc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu khi thực hiện thủ tục hành chính nếu thông tin, dữ liệu này đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ TTTT đã tổ chức triển khai, đưa vào khai thác Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia. Năm 2023, NDXP đã kết nối với hệ thống của 103 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; 10 cơ sở dữ liệu (CSDL) và 15 hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu.

Tuy nhiên, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công hiện còn chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Một số nguyên nhân chính là:

- Các căn cứ pháp lý về việc sử dụng dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành có giá trị chứng minh, tương đương với giấy tờ bản giấy là chưa đầy đủ, đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực. Do đó, người dân, doanh nghiệp vẫn phải nộp giấy tờ liên quan ở dạng bản giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công, dẫn đến không thúc đẩy kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số, nhiều trường hợp còn làm tăng thêm việc, tăng thêm thời gian xử lý.

- Nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa được khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia vì các hệ thống thông tin chưa đáp ứng các điều kiện kỹ thuật về kết nối, bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Một số giải pháp để khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia trong thời gian tới:

- Các Bộ, ngành rà soát để hoàn thiện môi trường pháp lý tạo điều kiện sử dụng dữ liệu điện tử có giá trị tương đương văn bản giấy.

- Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương đầu tư, nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật để các hệ thống thông tin đủ điều kiện kỹ thuật, an toàn thông tin mạng để khai thác dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia.

2. Về các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân, thời gian qua Bộ TTTT đã triển khai một số giải pháp như sau:

- Đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương phê duyệt và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đã được phê duyệt đối với các hệ thống thông tin, trong đó bao gồm giải pháp bảo vệ thông tin cá nhân.

- Phối hợp với Bộ Công an thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng đối với các Cổng dịch vụ công, thủ tục hành chính công đáp ứng các yêu cầu về an toàn, an ninh mạng.

- Đào tạo kiến thức về an toàn thông tin cho nhân sự vận hành Cổng thông tin điện tử, thủ tục hành chính công bảo vệ thông tin của người dân khi cung cấp, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

- Triển khai các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức an toàn thông tin cơ bản cho người dân trong đó có kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định để trả lời cử tri.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Thứ trưởng Phạm Đức Long;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 813/BTTTT-VP năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 813/BTTTT-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/03/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/03/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản