Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 809/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 1611/BDN ngày 23/11/2023, nội dung kiến nghị như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 62 Luật Công nghệ thông tin thì nội dung đầu tư cho công nghệ thông tin là đầu tư phát triển. Tuy nhiên, tại khoản 2, khoản 3 Điều 51 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thì nguồn chi thường xuyên có thể sử dụng để chi cho các hoạt động thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu, điều này gây khó khăn cho các đơn vị trong việc xác định tính chất hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời, gây khó khăn trong việc xác định nguồn vốn được phép bố trí để triển khai các hoạt động này. Đề nghị xem xét có hướng dẫn quy định rõ hơn về nội dung này, tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình thực hiện.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:

- Theo các quy định tại khoản 1, Điều 62 và khoản 1, Điều 63 Luật Công nghệ thông tin thì việc thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu được phép sử dụng cả nguồn vốn chi đầu tư phát triển (đầu tư công) và chi thường xuyên. Căn cứ theo đó, Bộ TTTT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, trong đó có quy định về quản lý hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên. Nghị định đã được xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi được ban hành.

- Mặt khác, thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 62 Luật Công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 quy định Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước. Theo đó, điểm k khoản 3 về loại các hoạt động kinh tế quy định như sau:

“Các khoản chi ngân sách nhà nước cho hoạt động kinh tế bao gồm chi đầu tư và chi thường xuyên để phục vụ, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành kinh tế như nông nghiệp, công thương, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, du lịch, hoạt động dự trữ quốc gia, tài nguyên, các hoạt động kinh tế khác.”

Như vậy, cả hai nguồn chi đầu tư và chi thường xuyên cho công nghệ thông tin đều được hạch toán vào loại các hoạt động kinh tế trong Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước.

- Vấn đề vướng mắc về nguồn vốn sử dụng cũng đã được Bộ Tài chính nêu và báo cáo Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Luật. Theo đó, tại Thông báo số 3307/TB-TTKQH ngày 18/01/2024 của Tổng Thư ký Quốc hội thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải thích quy định tại khoản 1, Điều 6 của Luật Đầu tư công đã khẳng định: Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các luật có liên quan khác không có quy định nào cấm sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng; mua sắm tài sản; mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc (bao gồm các nội dung đầu tư, mua sắm cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin).

Trên cơ sở các quy định nói trên thì việc thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu được phép sử dụng cả nguồn vốn chi đầu tư phát triển (đầu tư công) và chi thường xuyên. Tuy nhiên, để tránh lạm dụng vốn chi thường xuyên do tâm lý ngại thực hiện nhiều thủ tục khi sử dụng vốn đầu tư công, Bộ TTTT sẽ nghiên cứu, bổ sung hạn mức sử dụng vốn chi thường xuyên (tức là trên một mức nào đó thì phải sử dụng vốn đầu tư công và dưới mức đó thì có thể sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn chi thường xuyên) trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 73/2019/NĐ-CP. Hiện nay, Bộ TTTT đang gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đối với dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 73/2019/NĐ-CP.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 809/BTTTT-VP năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 809/BTTTT-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/03/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/03/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản