Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7973/BCT-XNK | Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2023 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2023 trước tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp (lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường - phi basmati của Ấn Độ, Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, hiện tượng biến đổi khí hậu - El Nino), Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các địa phương có vùng nguyên liệu sản xuất, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo triển khai nhiều giải pháp về công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2023.
Bộ Công Thương xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2023 và phương hướng điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới như sau:
1. KẾT QUẢ XUẤT KHẨU GẠO VÀ CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH XUẤT KHẨU GẠO 10 THÁNG ĐẦU NĂM 2023
1. Kết quả xuất khẩu
- Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt gần 6,42 triệu tấn gạo với trị giá 3,54 tỷ USD, tăng 19,5% về lượng và tăng 35,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 551 USD/tấn, tăng 16,8% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022.
- Theo số ước của liên Bộ, ước tính đến hết tháng 10 năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo với trị giá đạt khoảng 3,97 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 34,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2022.
- Cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo theo khu vực: 9 tháng năm 2023, thị trường khu vực châu Á chiếm 76% tổng lượng gạo xuất khẩu (tăng 31,6%), châu Phi chiếm gần 17% tổng lượng gạo xuất khẩu (tăng 10,8%), châu Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm 1,5% và 1,6% tổng lượng gạo xuất khẩu, châu Úc có sự tăng trưởng mạnh (17,5%) so với cùng kỳ chiếm 2,41% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Các thị trường chính: 9 tháng đầu năm 2023, Philippines vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, đạt gần 2,5 triệu tấn, chiếm 38,1% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng 0,8%; Indonesia đứng thứ hai, đạt 884,3 nghìn tấn, chiếm 13,7% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (tăng đột biến gần 17 lần về lượng và kim ngạch); Trung Quốc - thị trường tăng trưởng mạnh, đạt gần 860 nghìn tấn, chiếm trên 13,4%, tăng 41,1%; Ghana đạt 503,7 nghìn tấn, chiếm 7,84%, tăng 55%; Bờ Biển Ngà đạt 392 nghìn tấn, chiếm 6,11%, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022.
- Về cơ cấu chủng loại gạo và chất lượng gạo xuất khẩu: Cơ cấu chủng loại tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ) đã đặt ra với mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo. Chủng loại gạo trắng thường vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt khoảng 55,5% tổng lượng xuất khẩu (tương đương khoảng 3,56 triệu tấn); tiếp đến chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 24% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 1,5 triệu tấn); chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8,5% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 545 nghìn tấn); gạo tấm chiếm 7,6% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 487 nghìn tấn).
2. Đánh giá kết quả xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2023
- Những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, các yếu tố biến động địa chính trị, lạm phát gia tăng, chính sách tiền tệ của các nước lớn đã tác động tiêu cực đến sự phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nhóm lương thực, thực phẩm trong đó có mặt hàng gạo. Theo đó, dấu hiệu phục hồi thương mại gạo trên toàn cầu chưa có chuyển biến. Tuy vậy, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực từ quý I năm 2023 với nhu cầu tăng mạnh từ các thị trường truyền thống, trọng điểm như Trung Quốc và Philippines.
- Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt 558 USD/tấn, ước tăng 80 USD/tấn gạo so với cùng kỳ năm 2022 (tính đến thời điểm ngày 01 tháng 11 năm 2023, chủng loại gạo xuất khẩu 5% tấm đã đạt mức 653 USD/tấn cao hơn 93 USD/tấn cùng chủng loại của Thái Lan, tăng 220 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2022.
- Kết quả xuất khẩu gạo 10 tháng ước đạt 7,1 triệu tấn tương đương tổng lượng xuất khẩu của cả năm 2022, góp phần tiêu thụ thóc gạo hàng hóa cho người nông dân, bảo đảm giá thóc gạo có lợi cho người trồng lúa (Tính đến ngày 26 tháng 10 năm 2023, giá thóc thường nội địa đạt 8.507 đồng/kg, tăng 700 đồng/kg so với tháng trước; giá gạo nguyên liệu loại 1 đạt 13.350 đồng/kg, giá gạo nguyên liệu 5% ở mức 15.500 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2022, giá thóc tăng khoảng từ 2.410 - 2.600 đồng/kg; giá gạo thành phẩm tăng khoảng 1.800 đồng/kg).
- Cơ cấu thị trường tiếp tục có sự dịch chuyển tích cực theo hướng đa dạng hóa và sang các thị trường mới, tiềm năng như Úc, châu Âu (tuy vẫn có sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống).
- Xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và ưu thế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh như: gạo thơm (ĐT8, OM 18, 5451), ST, nếp, gạo trắng cao cấp 5%, japonica với giá xuất khẩu một số chủng loại đã lập đỉnh sau 10 năm.
- Thương nhân xuất khẩu gạo đã nỗ lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, công nghệ bảo quản, chế biến thóc, gạo, góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm cho sản phẩm gạo; triển khai liên kết, hợp tác để xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm thương hiệu gạo của thương nhân tại thị trường nội địa và thị trường quốc tế đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
- Thương nhân ngày càng tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thế hệ mới mang lại như EVFTA, Liên minh kinh tế Á-Âu để gia tăng xuất khẩu sang các thị trường EU, Nga.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn tồn tại một số hạn chế trong thời gian qua, cụ thể:
- Thị trường nhập khẩu truyền thống và trọng điểm vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn như Philippines, Indonesia, Trung Quốc.
- Tình hình thị trường thương mại toàn cầu diễn biến quá nhanh, động thái cơ chế chính sách của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo lớn đưa ra đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, gây tác động tâm lý chung cho thị trường.
- Thông tin về lượng thóc, gạo hàng hóa tồn kho, dự kiến xuất khẩu, kế hoạch giao hàng vẫn chưa được phần lớn thương nhân thực hiện chế độ báo theo quy định, gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành xuất khẩu gạo đảm bảo tính chính xác, linh hoạt và kịp thời với biến động của thị trường thương mại toàn cầu.
- Vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chưa được phát huy, chưa thể hiện được sự kết nối, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn hội viên duy trì dự trữ lưu thông bắt buộc, bình ổn thị trường cũng như công tác tìm kiếm và phát triển thị trường.
- Việc chú trọng các giải pháp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng cơ sở dữ liệu chưa được thương nhân quan tâm, đầu tư triển khai để phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
3. Về công tác điều hành xuất khẩu gạo
a) Về công tác điều hành thị trường xuất khẩu gạo
- Trước bối cảnh tình hình thương mại gạo thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ngay từ vụ Đông Xuân, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và 30 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất để đánh giá tình hình sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023, kế hoạch triển khai sản xuất và bàn giải pháp phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023. Trên cơ sở ý kiến trao đổi tại cuộc họp, ngày 14 tháng 3 năm 2023, Bộ Công Thương đã có báo cáo số 1366/BCT-XNK báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023. Đồng thời, để đảm bảo hoạt động xuất khẩu gạo tiếp tục đi đúng định hướng trong quý II năm 2023, Bộ Công Thương đã có báo cáo số 3447/BCT-XNK ngày 02 tháng 6 năm 2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xuất khẩu gạo quý I năm 2023 và dự báo xuất khẩu trong thời gian tới, theo đó kiến nghị các giải pháp về hoạt động xuất khẩu gạo nhằm thực hiện tốt các mục tiêu điều hành xuất khẩu gạo đến cuối năm 2023.
- Theo chức năng nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị VFA thông tin kế hoạch sản xuất, mùa vụ, cơ cấu chủng loại để địa phương, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chủ động tổ chức xây dựng kế hoạch liên kết vùng nguyên liệu sản xuất thóc, gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
- Trước động thái bất ngờ của Ấn Độ ngày 20 tháng 7 năm 2023 về việc việc cấm xuất khẩu tất cả chủng loại gạo trắng thường (phi basmati), Bộ Công Thương đã có các văn bản số: 5024/BCT-XNK ngày 31 tháng 7 năm 2023 và 584/XNK-NS ngày 21 tháng 7 năm 2023 đề nghị VFA và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo: i) thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đảm bảo duy trì mức dự trữ lưu thông, cân đối xuất khẩu hiệu quả, góp phần bình ổn thị trường thóc gạo nội địa; ii) chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, đề xuất các giải pháp liên quan hoạt động xuất khẩu gạo.
- Theo phản ứng lan truyền từ chính sách Ấn Độ, nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, một số nước ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo. Vì vậy, để kịp thời định hướng công tác thị trường và hoạt động xuất khẩu gạo, ngày 04 tháng 8 năm 2023, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai các nhiệm vụ điều hành xuất khẩu gạo năm 2023. Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý điều hành hoạt động xuất khẩu gạo tiếp tục chủ trì phối hợp với các Bộ, ban, ngành, VFA theo dõi sát tình hình sản xuất thóc, gạo, biến động thị trường gạo thế giới để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo.
- Triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, ngày 15 tháng 8 năm 2023, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thúc đẩy công tác thông tin, tìm kiếm và phát triển thị trường xuất khẩu gạo đồng thời đảm bảo duy trì dự trữ lưu thông, bình ổn thị trường nội địa, kịp thời đề xuất các giải pháp và báo cáo Bộ Công Thương.
- Về việc thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo và duy trì mức dự trữ lưu thông phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg nêu trên và Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành và cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Ngày 21 tháng 7 năm 2023, Bộ Công Thương liên tục có các văn bản đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc các chế độ báo cáo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP nêu trên và thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định, báo cáo kịp thời Bộ Công Thương (404/XNK-NS ngày 23 tháng 5 năm 2023, 461/XNK-NS ngày 13 tháng 6 năm 2023, 585/XNK-NS và 584/XNK-NS ngày 31 tháng 7 năm 2023).
- Công tác giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân được Bộ Công Thương rà soát thường xuyên theo trách nhiệm được phân công tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP nêu trên. Sau khi rà soát, thống nhất ý kiến với Tổng cục Hải quan và các địa phương có thương nhân xuất khẩu gạo, ngày 16 tháng 10 năm 2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo đối với 28 thương nhân không xuất khẩu gạo trong thời gian 18 tháng liên tục sau khi được cấp Giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo (điểm d Điều 8 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP) nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và tuân thủ theo quy định của pháp luật.
b) Về công tác tìm kiếm, phát triển thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại
- Chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ theo dõi sát thông tin thị trường liên quan đến sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu nhóm hàng lương thực thực phẩm nói chung và gạo nói riêng, từ đó từng bước thiết lập kênh hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường đối với các địa phương và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
- Tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu truyền thống, trọng điểm (Malaysia, Philippines) về việc xem xét tiến tới ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo tạo môi trường ổn định bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, mở rộng đàm phán, ký kết Bản ghi nhớ về thương mại gạo với các thị trường mới, theo đó, ngày 01 tháng 11 năm 2023, Bộ Công Thương Việt Nam đã ký kết với Bộ Công nghiệp nhẹ, Lương thực và Nông nghiệp Mông Cổ về Bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ trong đó Việt Nam luôn sẵn sàng cung cấp 30.000 tấn gạo nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường Mông Cổ trong thời gian tới.
- Chỉ đạo VFA và các thương nhân đầu mối xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) hoàn thiện hồ sơ đăng ký dữ liệu cơ sở chế biến xuất khẩu tránh gián đoạn hoạt động xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc.
- Tổ chức các Hội thảo tại địa phương có vùng nguyên liệu sản xuất thóc, gạo hàng hóa lớn như: Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang để tuyên truyền, phổ biến về các Hiệp định thương mại thế hệ mới Việt Nam đã tham gia nhằm nâng cao năng lực của thương nhân tận dụng các lợi ích và hạn chế có biện pháp ứng phó phù hợp với các thách thức, đẩy mạnh công tác phát triển thị trường tranh thủ cơ hội thị trường mang lại.
- Tổ chức Đoàn giao dịch thương mại gạo tại thị trường Trung Quốc từ ngày 29 tháng 10 đến ngày 04 tháng 11 năm 2023 (thành phố Bắc Kinh và thành phố Quảng Châu) nhằm duy trì, củng cố và mở rộng thị phần sản phẩm gạo tại thị trường Trung Quốc, quảng bá hình ảnh sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam đến người tiêu dùng thành phố Bắc Kinh và Quảng Châu; đồng thời tiếp xúc thăm dò tìm hiểu động thái của phía Bạn trong việc hai bên xem xét khả năng ký kết Bản ghi nhớ về thương mại gạo dài hạn. Theo đó, tại các buổi làm việc, Bộ Công Thương Việt Nam đã đề xuất phía Bộ Thương mại Trung Quốc về việc ký kết 02 Bản ghi nhớ trong lĩnh vực thương mại cụ thể là: i) Bản ghi nhớ về thúc đẩy hoạt động thương mại gạo giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc; ii) Bản ghi nhớ về hoạt động xúc tiến thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc (bao gồm các nội dung về tạo thuận lợi hóa thương mại, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại đối với hàng hóa mà hai bên có thế mạnh).
c) Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Tại văn bản số 491/VPCP-KTTH ngày 31 tháng 01 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đã thông qua 08 nội dung sửa đổi gồm: i) chế độ báo cáo số liệu thống kê; ii) kiểm tra điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; iii) gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng; iv) công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh và cơ quan liên quan; v) triển khai chương trình xúc tiến thương mại (XTTM); vi) ủy thác xuất khẩu; vii) nhập khẩu gạo; viii) hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo.
Để nội dung dự thảo tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP được thấu đáo, đánh giá kỹ lưỡng các tác động, đảm bảo hài hòa lợi ích của các đối tượng chịu ảnh hưởng tác động của Nghị định, đến nay, Bộ Công Thương đã chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung lần thứ 4; triển khai các phương thức lấy ý kiến cụ thể là: i) đã có 03 lần văn bản xin ý kiến các Bộ, ban, ngành, địa phương, Hiệp hội về nội dung dự thảo Nghị định; ii) tổ chức Hội thảo tại thành phố Cần Thơ để lấy ý kiến rộng rãi; iii) đăng tải thông tin dự thảo trên cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Công Thương.
Qua quá trình triển khai lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về 8 nhóm vấn đề nêu trên, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều về các nhóm vấn đề với lý do nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, xây dựng môi trường “mở- tự do” để mọi thành phần kinh tế, tổ chức tham gia cạnh tranh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Mặt trận tổ quốc Việt Nam...). Do đó, với lần thứ 3 xin ý kiến đối với dự thảo 4 Nghị định sửa đổi, bổ sung, Bộ Công Thương nhận thấy còn một số vấn đề với nhiều luồng ý kiến khác nhau về quan điểm, lợi ích, cách thức quản lý, kiểm tra, giám sát, cụ thể như sau:
- Về quy định chế tài đối với thương nhân không thực hiện báo cáo: theo quy định hiện hành, trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quý, năm và đột xuất để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành. Tuy nhiên, hiện nay, thương nhân không thực hiện chế độ báo cáo như quy định dẫn đến việc cơ sở dữ liệu không đầy đủ, chính xác. Bộ Công Thương nhiều lần có văn bản nhắc nhở, đôn đốc trực tiếp nhưng nhiều thương nhân vẫn chưa thực hiện nghiêm túc do không có chế tài bắt buộc thương nhân phải thực hiện. Vì vậy, việc quy định chế tài nghiêm minh đối với việc thực hiện chế độ báo cáo nếu được áp dụng sẽ giúp cơ quan quản lý làm tốt công tác điều hành xuất khẩu gạo; tuy nhiên đôi lúc sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xuất gạo của thương nhân trong trường hợp nếu thương nhân vi phạm, Bộ Công Thương sẽ xem xét, xử lý bằng các biện pháp cụ thể.
- Về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo (GCN): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị bổ sung điều kiện trong thành phần xem xét cấp GCN phải có hợp đồng liên kết hoặc xây dựng vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, đây là nội dung lớn, gia tăng điều kiện và thủ tục hành chính, phát sinh chi phí đối với thương nhân; đồng thời chính sách này đã được triển khai trong thời gian trước đây nhưng không hiệu quả. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, là cơ quan đề xuất nội dung nêu trên (nội dung chưa có trong hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung), đánh giá tính khả thi, hiệu quả cũng cách thức tổ chức triển khai xác nhận phù hợp với thực tiễn áp dụng của thương nhân trong sản xuất và xuất khẩu, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa thương nhân xuất khẩu và người nông dân trồng lúa.
- Về nội dung gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng: Bộ Y tế đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng tiêu chí hướng dẫn do Bộ Y tế không quản lý mặt hàng gạo trong nhóm thực phẩm cần tăng cường vi chất dinh dưỡng. Ý kiến Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị Bộ Y tế chủ trì xây dựng tiêu chí hướng dẫn do Bộ Y tế là cơ quan đầu mối về vấn đề dinh dưỡng.
- Về nhập khẩu gạo: Luật quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017 và Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương giao Bộ trưởng Bộ Công Thương căn cứ thẩm quyền ban hành biện pháp áp dụng quản lý nhập khẩu trong trường hợp cần thiết, vì vậy không nhất thiết xây dựng vào Nghị định. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bổ sung vấn đề nhập khẩu gạo để gia tăng quản lý hoạt động nhập khẩu gạo, đảm bảo thị trường nội địa.
- Về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo: Để đảm bảo truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhập khẩu, nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu đăng ký cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Trong thời gian vừa qua với chủ trương tạo môi trường thuận lợi, giảm bớt nguồn tín dụng đầu tư của thương nhân vào cơ sở chế biến nên việc thuê kho và cơ sở xay, xát của thương nhân đã được xem xét cấp GCN bên cạnh việc sở hữu kho và cơ sở xay xát của thương nhân. Tuy nhiên, để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân, một số ý kiến cho rằng chỉ xem xét, cấp GCN cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có sở hữu kho và cơ sở xay, xát chế biến thóc gạo.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tổng hợp, giải trình ý kiến của các đơn vị tham gia đối với dự thảo Nghị định lần thứ 4 để hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP theo ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 8559/VPCP-KTTH ngày 01 tháng 11 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ về việc gia hạn thời gian trình Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG CUỐI NĂM 2023 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG ĐIỀU HÀNH XUẤT KHẨU NĂM 2023
1. Dự báo thị trường cuối năm 2023
- Nguồn cung gạo toàn cầu dự báo không còn dồi dào khi nguồn cung cấp chính chiếm 40% sản lượng gạo toàn cầu là Ấn Độ vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong nước và khả năng lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ kéo dài sang năm 2024: i) sản xuất vụ Đông sụt giảm do chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu thời tiết; ii) mặc dù lệnh cấm xuất khẩu gạo có hiệu lực từ ngày 20 tháng 7 năm 2023 nhưng giá gạo nội địa vẫn tăng 15% so với năm 2022; iii) dự báo tổng sản lượng gạo sản xuất của Ấn Độ tính đến niên vụ tháng 6 năm 2024 sẽ sụt giảm 4 triệu tấn, còn 132 triệu tấn.
- Diễn biến bất thường của Elnino, thời tiết sẽ tác động đến sản lượng của các nước sản xuất chính như Thái Lan, Pakistan, Việt Nam, Campuchia... trong khi nhu cầu nhập khẩu của các thị trường truyền thống tại khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Philippines vẫn tăng.
- Nguồn cung gạo toàn cầu hạn chế, nhu cầu từ nhiều nước vẫn ở mức cao tại khu vực Đông Nam Á, tình hình mất an ninh lương thực tại khu vực châu Phi, tiêu dùng tăng từ tất cả các thị trường vào dịp Lễ cuối năm sẽ là các nhân tố dự báo đẩy giá gạo có xu hướng tăng trong thời gian tới.
2. Mục tiêu điều hành cuối năm 2023
Tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân đảm bảo có lợi nhuận, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm gạo có thương hiệu chất lượng, giá trị gia tăng cao, duy trì mức dự trữ lưu thông, bình ổn giá thóc gạo nội địa, ứng phó kịp thời với diễn biến tình hình thương mại gạo toàn cầu.
3. Phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cuối năm 2023
- Hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 107/2018/NĐ-CP nêu trên nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các thương nhân tham gia hoạt động xuất khẩu gạo.
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác dự báo, cân đối cung-cầu thông qua tăng cường các hoạt động: i) đánh giá sát tình hình sản xuất mùa vụ, chủng loại, dự kiến kế hoạch thóc, gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu; ii) chỉ đạo thương nhân thực hiện nghiêm trách nhiệm trong việc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất.
- Tiếp tục tăng cường công tác tìm kiếm, mở rộng, phát triển thị trường thông qua việc đàm phán ký kết các hợp đồng thương mại gạo với các thị trường có nhu cầu nhập khẩu, tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra.
- Tăng cường cảnh báo, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thương nhân trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo; nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng, củng cố đội ngũ thương nhân đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập.
III. KIẾN NGHỊ
Trong bối cảnh tình hình thương mại gạo thế giới đang tiếp tục diễn biến có những thuận lợi và thách thức cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo một số vấn đề sau:
1. Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Các nhóm vấn đề tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP còn đang nhiều luồng ý kiến nêu trên, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát thực tiễn cơ chế chính sách liên quan về điều hành xuất khẩu gạo từ đó xây dựng phương án phù hợp nhất trên nguyên tắc hài hòa, đồng thuận tối đa ý kiến của các bên góp ý và đảm bảo hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo từ thực tiễn quá trình quản lý, giám sát và điều hành. Bộ Công Thương xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo với các nội dung chưa tìm được sự đồng thuận trong cơ chế quản lý, điều hành giữa các Bộ, ban, ngành.
2. Về công tác điều hành xuất khẩu gạo
Giao Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp Bộ, ban, ngành, VFA đàm phán mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo; triển khai các chương trình XTTM gạo nhằm duy trì và củng cố thị phần nâng cao thương hiệu, hình ảnh sản phẩm gạo tại các thị trường truyền thống, trọng điểm; mở rộng các thị trường mới; xem xét, xây dựng chương trình xúc tiến thương mại “Hội nghị gạo quốc tế tại Việt Nam năm 2024” để nâng tầm vị thế sản phẩm gạo trên thị trường thương mại toàn cầu.
3. Về công tác sản xuất, dự trữ
Giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện đồng bộ các giải pháp để điều chỉnh sản lượng, cơ cấu chủng loại gạo đảm bảo cân đối thóc gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu phù hợp với nhu cầu thị trường theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.
4. Về các nội dung liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo
Ủy ban nhân dân các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo theo trách nhiệm được phân công tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP phối hợp với Bộ Công Thương triển khai nghiêm túc, đảm bảo mục tiêu và nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến chỉ đạo./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC 1
THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU GẠO 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2023
Thị trường | T9 2023 | 9T 2023 | 9T 2022 | So sánh 9T 2023 với 9T 2022 | ||
Lượng (tấn) | Lượng (tấn) | Tỷ trọng (%) | Lượng (tấn) |
| ||
Châu Á |
| 411,103.14 | 4,893,850.42 | 76.12 | 3,716,348.17 | 31.68 |
| Phi-líp-pin | 98,677.30 | 2,452,823.97 | 38.15 | 2,433,756.38 | 0.78 |
| Ma-lai-xia | 43,785.23 | 318,745.17 | 4.96 | 325,174.80 | (1.98) |
| In-đô-nê-xia | 166,086.00 | 884,285.00 | 13.75 | 49,549.80 | 1,684.64 |
| Trung Quốc | 72,746.50 | 859,874.20 | 13.37 | 609,218.51 | 41.14 |
Châu Phi |
| 144,518.08 | 1,088,837.60 | 16.94 | 982,060.82 | 10.87 |
| Ghana | 80,879.94 | 503,773.92 | 7.84 | 324,939.85 | 55.04 |
| Bờ Biển Ngà | 49,284.59 | 392,994.29 | 6.11 | 547,754.33 | (28.25) |
Châu Mỹ |
| 6,689.40 | 96,809.84 | 1.51 | 245,197.30 | (60.52) |
| Cuba | 157.50 | 43,534.50 | 0.68 | 182,802.11 | (76.18) |
Châu Âu |
| 9,723.88 | 104,271.00 | 1.62 | 87,895.65 | 18.63 |
Trung Đông |
| 9,294.03 | 90,279.43 | 1.40 | 131,542.31 | (31.37) |
Châu Úc |
| 24,081.38 | 155,172.11 | 2.41 | 132,054.61 | 17.51 |
Tổng cộng |
| 605,409.90 | 6,429,220.39 | 100.00 | 5,295,098.86 | 21.42 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan
PHỤ LỤC 2
BẢNG GIÁ GẠO XUẤT KHẨU NĂM 2023
Đơn vị: USD/tấn
Chủng loại | Thời gian Nước xuất khẩu | 20/7 | 10/8 | 17/8 | 18/9 | 2/10 | 10/10 | 18/10 | 25/10 | 01/11 |
Gạo 5% tấm | Thái Lan | 537 | 653 | 615 | 612 | 595 | 582 | 581 | 573 | 564 |
Việt Nam | 530 | 640 | 630 | 617 | 617 | 622 | 637 | 647 | 657 | |
Pakistan | 537 | 537 | 592 | 612 | 602 | 552 | 577 | 567 | 567 | |
Mianma | 552 | 652 | 652 | 637 | 637 | 592 | 592 | 592 | 592 | |
Gạo thơm | Gạo Jasmine Việt Nam | 625 | 750 | 750 | 712 | 712 | 712 | 722 | 732 | 752 |
Gạo Hom Mali Thái Lan | 860 | 960 | 950 | 857 | 842 | 827 | 844 | 837 | 817 |
Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam
PHỤ LỤC 3
BẢNG GIÁ GẠO NỘI ĐỊA NĂM 2023
Đơn vị: Đồng/kg
Thời gian Chủng loại | 20/7 | 10/8 | 17/8 | 21/9 | 5/10 | 12/10 | 19/10 | 26/10 |
Lúa tại ruộng | 6,775 | 7,967 | 7,983 | 7,718 | 7,964 | 8,221 | 8,407 | 8,643 |
Lúa tại kho | 8,217 | 9,625 | 9,308 | 9,000 | 9,192 | 9,550 | 9,671 | 9,958 |
Gạo lứt | 10,542 | 12,950 | 12,392 | 11,896 | 12,279 | 12,633 | 13,238 | 13,225 |
Gạo 5% tấm | 11,850 | 14,633 | 14,486 | 13,907 | 14,250 | 14,636 | 15,129 | 15,343 |
Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam
- 1Công văn về việc hướng dẫn thực hiện văn bản số 192/CP-KTTH ngày 19/02/2000 của Chính phủ, về việc điều hành xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón.
- 2Thông báo 2582/TB-TCHQ năm 2020 về kết quả phân loại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là Hạt Gạo nổ GOLD POP GRAIN do Tổng cục Hải quan ban hành
- 3Công văn 2385/VPCP-KTTH về kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Công văn về việc hướng dẫn thực hiện văn bản số 192/CP-KTTH ngày 19/02/2000 của Chính phủ, về việc điều hành xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón.
- 2Luật Quản lý ngoại thương 2017
- 3Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương
- 4Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo
- 5Thông báo 2582/TB-TCHQ năm 2020 về kết quả phân loại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là Hạt Gạo nổ GOLD POP GRAIN do Tổng cục Hải quan ban hành
- 6Công văn 2385/VPCP-KTTH về kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 583/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Công văn 5024/BCT-XNK năm 2023 thực hiện trách nhiệm quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP về xuất khẩu gạo do Bộ Công thương ban hành
- 9Chỉ thị 24/CT-TTg năm 2023 về đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Công điện 610/CĐ-TTg năm 2023 về tăng cường thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo do Thủ tướng Chính phủ điện
- 11Chỉ thị 07/CT-BCT năm 2023 tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay do Bộ Công thương ban hành
- 12Công văn 8559/VPCP-KTTH năm 2023 về gia hạn thời gian trình Nghị định sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP do Văn phòng Chính phủ ban hành
Công văn 7973/BCT-XNK về kết quả xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2023 và phương hướng điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới do Bộ Công Thương ban hành
- Số hiệu: 7973/BCT-XNK
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 10/11/2023
- Nơi ban hành: Bộ Công thương
- Người ký: Nguyễn Sinh Nhật Tân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra