Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 7910/BGTVT-KHĐT
V/v: Thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2008

 

Kính gửi: Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV.

Bộ GTVT nhận được Tờ trình số 79/TTr-BEDC ngày 28/8/2008 của Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) về việc thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức BOT.

Sau khi thẩm định, Bộ Giao thông vận tải thông báo kết luận thẩm định thiết kế cơ sở Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ như sau:

1. Cơ sở pháp lý thẩm định dự án:

- Luật Xây dựng số 16/2003-QH11 ngày 10 tháng 12 năm 2003;

- Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ; Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

- Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về việc Quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ;

- Nghị định số 78/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO), hợp đồng Xây dựng –Chuyển giao (BT);

- Thông tư số 02/2007/TT-BXD ngày 14/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình;

- Quyết định số 162/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

- Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 84/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;

- Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Bảo vệ môi trường;

- Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 11/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục đầu tư một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, thiết yếu giai đoạn đến 2020;

- Quyết định số 206/2004/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020;

- Quyết định số 344/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển giao thông vận tải đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 1290/QĐ-TTg ngày 26/9/2007 về việc ban hành Danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020;

- Văn bản số 1665/TTg-CN ngày 17/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện quản lý công tác giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn, vật liệu nổ phục vụ các dự án xây dựng giao thông.

2. Thông tin chung về dự án:

- Tên Dự án: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ theo hình thức BOT.

- Loại Dự án: Dự án công trình giao thông nhóm A.

- Nhà đầu tư: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chủ trì cùng các Doanh nghiệp là các Tổng Công ty, tập đoàn kinh tế được Chính phủ chấp thuận.

- Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) là Doanh nghiệp dự án BOT do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chủ trì và các Doanh nghiệp khác góp vốn thành lập.

- Tư vấn lập dự án: Tổng công ty tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI).

- Tư vấn lập báo cáo Đánh giá tác động môi trường: Trung tâm khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường (CEPT) - Bộ Giao thông vận tải.

- Mục tiêu đầu tư xây dựng: Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ nhằm mục đích hoàn thiện đoạn cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Địa điểm xây dựng: Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ là đoạn tiếp theo của Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ, đi qua địa phận của 3 tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp.

+ Điểm đầu (Km49+620): Là điểm đầu của nút giao Thân Cửu Nghĩa, khớp nối với tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương.

+ Điểm cuối (Km131+790): Giao với Quốc lộ 1A tại nút giao Chà Và kết nối với đường dẫn lên cầu Cần Thơ.

+ Tổng chiều dài: Khoảng 82Km.

3. Tính pháp lý của hồ sơ TKCS trình thẩm định:

- Tư vấn lập Thiết kế cơ sở: Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI).

- Tư vấn thẩm tra Thiết kế cơ sở: Tổng Công ty đường cao tốc Hàn Quốc (KEC).

- Các tiêu chuẩn áp dụng: Áp dụng hệ thống khung tiêu chuẩn đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 3398/QĐ-BGTVT ngày 15/9/2005 về việc phê duyệt “khung tiêu chuẩn khảo sát, lập dự án đầu tư và thiết kế cho dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ”

- Nội dung Hồ sơ thiết kế cơ sở:

+ Thuyết minh thiết kế cơ sở;

+ Bản vẽ thiết kế cơ sở: 01 tập bản vẽ thiết kế phần đường, 02 tập bản vẽ thiết kế phần cầu và kết cấu.

- Các văn bản pháp lý liên quan:

+ Văn bản số 399/CP-CN ngày 14 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ về việc phê duyệt báo cáo NCTKT dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Cần Thơ;

+ Thông báo số 15/TB-VPCP ngày 19 tháng 01 năm 2004 và số 36/TB-VPCP ngày 16 tháng 02 năm 2004 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc lập dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Cần Thơ;

+ Quyết định số 462/QĐ-BGTVT ngày 23 tháng 02 năm 2005 của Bộ GTVT về việc cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu Khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ;

+ Quyết định số 3398/QĐ-BGTVT ngày 15/9/2005 của Bộ GTVT về việc phê duyệt “Khung tiêu chuẩn khảo sát, lập dự án đầu tư và thiết kế cho dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ;

+ Thông báo số 140/TB-BGTVT ngày 29 tháng 3 năm 2005 của Bộ GTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến tại cuộc họp thẩm định đầu kỳ BCNCKT Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ;

+ Thông báo số 230/TB-BGTVT ngày 31 tháng 5 năm 2007 của Bộ GTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức tại cuộc họp báo cáo giữa kỳ bước lập dự án đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ;

+ Thông báo số 385/TB-BGTVT ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Bộ GTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức tại cuộc họp báo cáo cuối kỳ bước lập dự án đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ;

+ Thông báo số 75/TB-VPCP ngày 17 tháng 4 năm 2007 và Thông báo số 143/TB-VPCP ngày 26 tháng 7 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chủ trì thành lập Doanh nghiệp Dự án để triển khai thực hiện đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ theo hình thức BOT;

+ Văn bản số 2481/UBND-KTN ngày 11/9/2007 của UBND tỉnh Vĩnh Long, Văn bản số 450/UBND-XDCB ngày 11/9/2007 của UBND tỉnh Đồng Tháp, Văn bản số 5360/UBND-CN ngày 13/9/2007 của UBND tỉnh Tiền Giang, Văn bản số 4465/UBND-QH ngày 19/9/2007 của UBND thành phố Cần Thơ, Văn bản số 4680/BNN-KH ngày 10/9/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Văn bản số 6757/BKH-KCHT&ĐT ngày 18/9/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn bản số 12983/BTC-ĐT ngày 27/9/2007 của Bộ Tài chính, Văn bản số 2083/BXD-XL ngày 02/10/2007 của Bộ Xây dựng, Văn bản số 5992/BQP-TM ngày 01/11/2007 của Bộ Quốc phòng về việc góp ý Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ;

+ Quyết định số 343/QĐ-BGTVT ngày 04/02/2008 của Bộ GTVT về việc chấp thuận Đề xuất dự án “Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ” theo hình thức BOT;

+ Quyết định số 1324/QĐ-BGTVT ngày 13/5/2008 của Bộ GTVT về việc bàn giao trách nhiệm Chủ đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ;

+ Biên bản ngày 26/5/2008 về việc bàn giao Chủ đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ được ký kết giữa Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV;

+ Thông báo số 434/TB-BGTVT ngày 29/9/2008 của Bộ GTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức tại cuộc họp thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ theo hình thức BOT;

+ Báo cáo thẩm tra Thiết kế cơ sở của Tổng Công ty đường cao tốc Hàn Quốc (KEC) lập tháng 6/2008 và Hồ sơ Thiết kế cơ sở Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) lập tháng 8/2008.

4. Nội dung chủ yếu:

4.1. Mục tiêu đầu tư: Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A dài khoảng 82km.

4.2. Hướng tuyến:

- Đoạn Trung Lương - Bắc Mỹ Thuận: Bắt đầu từ nút giao Thân Cửu Nghĩa tuyến đi về phía Tây và cơ bản song song với QL1A, khoảng cách trung bình 2 – 5km. Điểm cuối nằm trên đường nối từ QL1A vào cầu Mỹ Thuận thuộc dự án cầu Mỹ Thuận tại khoảng Km103 theo lý trình dự án.

- Đoạn qua cầu Mỹ Thuận: Trước mắt sử dụng cầu Mỹ Thuận hiện hữu với chiều dài khoảng 2km.Giai đoạn tiếp theo sẽ nghiên cứu xây dựng cầu Mỹ Thuận mới riêng cho đường cao tốc phía thượng lưu cầu Mỹ Thuận hiện tại.

- Đoạn Nam Mỹ Thuận – Bắc Cần Thơ: Tuyến đi về phía Tây và cơ bản song song QL1A, khoảng cách trung bình 3km. Điểm cuối tại nút giao Chà Và kết nối với dự án cầu Cần Thơ.

4.3. Qui mô:

- Giai đoạn I, xây dựng với quy mô 4 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh mở rộng 6 làn xe và xây dựng cầu Mỹ Thuận mới. Các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể như sau:

Stt

Tên chỉ tiêu

Đơn vị

Thông số kỹ thuật chính

1

Cấp hạng

 

Cao tốc loại A

2

Tốc độ tính toán

Km/h

120

3

Số làn xe thiết kế

làn

4

4

Bề rộng nền đường

M

25,5 (26,5)

 

- Phần xe chạy

M

4x3,75

 

- Dải phân cách giữa

M

1,0 (2,0)

 

- Dải an toàn

M

2x0,75

 

- Làn dừng xe khẩn cấp (2 bên)

M

2x3

 

- Lề đường 2 bên

M

2x1

5

Kết cấu mặt đường

 

Bê tông nhựa

6

Mặt cắt ngang cầu

 

Bằng khổ nền

4.4. Kết cấu áo đường:

- Đường cao tốc: Mặt đường cấp cao A1; mô đuyn đàn hồi Eyc­­≥191MPa.

- Đường nhánh: Mặt đường bê tông nhựa; mô đuyn đàn hồi được xác định cụ thể tùy thuộc lưu lượng và cấp hạng đường.

- Đối với các đường gom, đường dân sinh: Sử dụng kết cấu mặt đường láng nhựa.

4.5. Thiết kế trắc dọc:

- Trắc dọc thiết kế theo nguyên tắc đi thấp đảm bảo tần suất theo quy định.

- Bố trí các cầu vượt ngang đường cao tốc (trừ trường hợp kết hợp giữa vượt sông và vượt đường địa phương).

4.6. Xử lý nền đất yếu: Sử dụng tổng hợp các giải pháp xử lý nền đất yếu thông thường như: đào thay đất, sử dụng bấc thấm, cọc cát, sàn giảm tải. Trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, trên cơ sở kết quả khảo sát chi tiết tư vấn có thể đề xuất bổ sung các giải pháp xử lý đất yếu cho phù hợp điều kiện thực tế đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

4.7. Nút giao:

- Trên toàn tuyến xây dựng 7 nút giao khác mức liên thông, bao gồm nút giao Thân Cửu Nghĩa, nút giao Cai Lậy, nút giao Cái Bè, nút giao An Thái Trung, nút giao Tân Phú, nút giao Hòa Phú, nút giao Chà Và.

- Các vị trí giao cắt khác bố trí cầu vượt trực thông theo nguyên tắc đường cao tốc ưu tiên đi dưới trừ trường hợp kết hợp vượt sông đồng thời vượt đường địa phương.

- Sơ đồ kết cấu áp dụng phù hợp với điều kiện cảnh quan khu vực:

+ Cầu vượt trong các nút giao lập thể: Sử dụng kết cấu nhịp dầm bản liên tục hoặc dầm I bằng BTCT DƯL;

+ Cầu vượt nút giao trực thông: Sử dụng kết cấu dầm bản liên tục;

+ Cầu vượt trên đường dân sinh: Sử dụng kết cấu dầm chữ I bằng BTCT DƯL;

+ Các cầu vượt kênh trên các đường ngang: Sử dụng kết cấu nhịp dạng dầm bản giản đơn hoặc dầm chữ I bằng BTCT DƯL.

4.8. Cầu vượt sông và công trình cống:

- Xây dựng vĩnh cửu bằng Bê tông cốt thép ứng suất trước (BTCTƯST) và BTCT, với tải trọng thiết kế: HL93, người 300 Kg/m2.

- Tần suất thiết kế chung cho cầu, cống và đường cao tốc là: P=1%, các hạng mục khác thiết kế theo các qui trình, qui định Việt Nam.

- Toàn tuyến có 55 cầu vượt sông (trừ cầu Mỹ Thuận), tuỳ chiều dài cầu sử dụng các kết cấu sau:

+ Các cầu trung (22 cầu): Kết cấu phần trên sử dụng dầm bản BTCT DƯL, dầm I bằng BTCT DƯL lắp ghép; kết cấu phần dưới sử dụng mố tường chữ U, trụ cầu BTCT trên nền cọc khoan nhồi hoặc cọc BTCT đúc sẵn.

+ Các cầu lớn (33 cầu): Kết cấu phần trên sử dụng dầm I bằng BTCT DƯL, dầm Super T bằng BTCT DƯL hoặc dầm hộp thi công đúc hẫng cân bằng; kết cấu phần dưới sử dụng mố tường chữ U, trụ cầu BTCT đặt trên nền cọc khoan nhồi hoặc cọc BTCT đúc sẵn.

- Cầu Mỹ Thuận mới: Sẽ được nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn thích hợp.

4.9. Công trình phục vụ khai thác:

- Công trình phục vụ vận hành khai thác: Bố trí các trạm thu phí, nhà điều hành, trạm dịch vụ, hệ thống kiểm soát giao thông, hệ thống camera giám sát… Hiện nay Chủ đầu tư vẫn đang làm việc với các Cơ quan có thẩm quyền để thống nhất phương án thu phí, công nghệ quản lý khai thác áp dụng cho đoạn tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương. Sau khi được các Cơ quan có thẩm quyền cho phép, Chủ đầu tư sẽ triển khai đồng bộ hạng mục này nhằm đảm bảo kết nối đồng bộ với tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương.

- Công trình an toàn giao thông: Thiết kế đầy đủ hệ thống vạch sơn, biển báo theo Điều lệ báo hiệu đường bộ 22TCN 273-01 và 22TCN 331-05.

5. Ý kiến của các Cơ quan liên quan:

Trên cơ sở hồ sơ Thiết kế cơ sở của TEDI lập tháng 8/2007, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 5096/BGTVT-KHĐT ngày 16/8/2007 gửi các Bộ, Ngành và UBND các Tỉnh, Thành phố có liên quan và đã nhận được ý kiến góp ý:

- UBND các Tỉnh, Thành phố:

+ UBND Tỉnh Tiền Giang đã có văn bản số 5360/UBND-CN ngày 13/9/2007 về việc góp ý về Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ thống nhất: sự cần thiết phải đầu tư, quy mô, hướng tuyến, phạm vi giải phóng mặt bằng theo hồ sơ Thiết kế cơ sở do Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT lập trong dự án và nêu kiến nghị xem xét nghiên cứu dạng thức nút giao Thân Cửu Nghĩa để kết nối các Khu công nghiệp với tuyến cao tốc;

+ UBND Tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản số 450/UBND-XDCB ngày 11/9/2007 về việc góp ý Dự án đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ: nhất trí về sự cần thiết phải đầu tư; thống nhất về quy mô, hướng tuyến, phương án phân kỳ đầu tư và sử dụng cầu Mỹ Thuận hiện hữu trong giai đoạn đầu;

+ UBND Tỉnh Vĩnh Long đã có Văn bản số 2481/UBND-KTN ngày 11/9/2007 về việc góp ý Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ trong đó: nhất trí về sự cần thiết đầu tư dự án, thống nhất quy mô và hướng tuyến trong hồ sơ dự án.

- Các Bộ, Ngành:

+ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 3592/BTNMT-TĐ ngày 19/9/2007 đề nghị làm rõ quy mô chiếm dụng đất của Dự án, hiện trạng sử dụng đất; quy hoạch sử dụng đất của các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua; lập báo cáo ĐTM theo quy định hiện hành. Trên cơ sở cuộc họp ngày 30/6/2008 của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM của Dự án, Bộ TN&MT đã có văn bản số 2504/BTNMT-TĐ ngày 08/7/2008 về việc chỉnh sửa bổ sung báo cáo ĐTM theo ý kiến Hội đồng thẩm định để xem xét phê duyệt.

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản 4680/BNN-KH ngày 10/9/2007 về việc góp ý dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Chủ đầu tư đã chỉ đạo Tư vấn cập nhật và bổ sung trong hồ sơ Thiết kế cơ sở theo ý kiến của Bộ NN&PTNT.

+ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 6757/BKH-KCHT&ĐT ngày 18/9/2007 về việc góp ý dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ về cơ bản thống nhất với các đề xuất của Tư vấn trong hồ sơ Thiết kế cơ sở.

+ Bộ Xây dựng có văn bản số 2083/BXD-XL ngày 02/10/2007 về việc góp ý kiến Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, về cơ bản Bộ Xây Dựng thống nhất với các đề xuất của Tư vấn trong hồ sơ Thiết kế cơ sở.

+ Bộ Tài chính có văn bản số 12983/BTC-ĐT ngày 27/9/2007 về dự án đầu tư Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, về cơ bản Bộ Tài Chính thống nhất với các đề xuất của Tư vấn trong hồ sơ Thiết kế cơ sở.

+ Bộ Quốc phòng có văn bản số 5992/BQP-TM ngày 01/11/2007 về việc góp ý dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, trong đó thống nhất với các đề nghị trong hồ sơ Thiết kế cơ sở về vị trí, quy mô đầu tư xây dựng của dự án.

6. Nhận xét đánh giá nội dung dự án:

6.1. Sự phù hợp với quy hoạch:

Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ là đoạn tiếp theo của Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, nằm trong hệ thống mạng lưới đường cao tốc quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 399/CP-CN ngày 14 tháng 5 năm 2001 phê duyệt báo cáo NCTKT dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Cần Thơ.

Xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ phù hợp với: Quyết định số 162/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 206/2004/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 11/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục đầu tư một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng thiết yếu đến năm 2020.

Đối với các quy hoạch liên quan của các tỉnh, thành phố: Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, đã có văn bản thống nhất ý kiến về quy mô hướng tuyến và sự cần thiết phải đầu tư xây dựng tuyến cao tốc.

6.2. Sự tuân thủ quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng áp dụng:

Khung tiêu chuẩn áp dụng trong công tác khảo sát thiết kế cho dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 3398/QĐ-BGTVT ngày 15/9/2005.

Ở các bước thiết kế sau, khi có nhu cầu bổ sung hay thay đổi các tiêu chuẩn so với khung tiêu chuẩn đã được duyệt thì cần có sự thoả thuận của Bộ GTVT.

6.3. Quy mô xây dựng:

6.3.1 Về cơ bản Bộ Giao thông vận tải thống nhất cơ bản như nội dung hồ sơ thiết kế cơ sở của Nhà đầu tư trình.

6.3.2 Một số nội dung yêu cầu xem xét:

- Nút giao Thân Cửu Nghĩa: Trên cơ sở nội dung kết luận tại cuộc họp ngày 23/10/2008 về phương án kết nối nút giao Thân Cửu Nghĩa, Chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ sở.

- Nút giao An Thái Trung: Bộ GTVT đang chuẩn bị cho phép nghiên cứu tuyến nối An Hữu đi Cao Lãnh. Do vậy giai đoạn 1 đề nghị Chủ đầu tư chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu cụ thể tổ chức giao thông và thiết kế nút giao theo hướng xây dựng cầu vượt trên QL30 và và bố trí các nhánh tách nhập.

- Tổ chức giao thông bờ nam cầu Mỹ Thuận: Thống nhất phương án mở rộng đoạn tuyến cao tốc đi trùng QL80. Bổ sung thiết kế cụ thể nút giao bằng trên QL80 và quy hoạch chi tiết phương án kết nối QL80 với đường cao tốc khi xây dựng cầu Mỹ Thuận 2.

- Cần làm rõ phạm vi và khối lượng sẽ đầu tư trong giai đoạn 1 đặc biệt là các nút giao.

- Trong bước tiếp theo, cần xem xét một số nội dung:

+ Cần tham khảo tiêu chuẩn một số nước về kết cấu dải phân cách giữa, làn dừng xe khẩn cấp ... đặc biệt các ý kiến thẩm tra của Tổng công ty đường cao tốc Hàn Quốc (KEC) để đưa ra giải pháp tối ưu.

+ Đối với các vị trí giao cắt đường dân sinh nghiên cứu thêm các giải pháp cầu vượt để so sánh. Đối với đường gom, cao độ thiết kế cần tính toán phù hợp với yêu cầu của cấp đường.

+ Các công trình trên tuyến: Chủ đầu tư cần chỉ đạo tư vấn tham khảo một số dạng kết cấu mới và công nghệ tiên tiến của các nước phát triển có thể áp dụng phù hợp với yêu cầu mỹ thuật và mỹ quan công trình.

+ Khi có đủ số liệu địa chất, cần xem xét cụ thể phạm vi và giải pháp xử lý nền đất yếu đảm bảo các yêu cầu kinh tế kỹ thuật.

- Các công trình phụ trợ khác: Các công trình phụ trợ chưa có thiết kế cơ sở, trong hồ sơ dự án chỉ đề cập các hạng mục và giá trị tổng mức đầu tư là tạm tính. Yêu cầu Nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo của hạng mục theo quy định hiện hành. Lưu ý kết nối đồng bộ giữa tuyến đường cao tốc đoạn TP Hồ Chí Minh – Trung Lương và đoạn Trung Lương – Cần Thơ.

7. Đánh giá tác động môi trường và phòng chống cháy nổ:

Theo quy định tại Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc danh mục dự án phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hiện nay, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án (báo cáo ĐTM) đã hoàn thành và chỉnh sửa theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM và đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét phê duyệt. Bộ GTVT lưu ý Chủ đầu tư phải hoàn chỉnh và có báo cáo ĐTM được duyệt trước khi có Quyết định phê duyệt dự án.

8. Giải phóng mặt bằng và tái định cư:

Thực hiện theo nội dung văn bản số 1665/TTg-CN ngày 17/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 662/BGTVT-CGĐ ngày 30/1/2008 của Bộ Giao thông vận tải. Đề nghị Chủ đầu tư tách thành 3 tiểu dự án riêng theo từng địa phương có tuyến cao tốc đi qua, lập phương án tổng thể giải phóng mặt bằng và tái định cư.

9. Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức tư vấn, năng lực hành nghề của cá nhân lập thiết kế cơ sở:

- Tổng công ty tư vấn thiết kế và các cá nhân tham gia lập thiết kế cơ sở đảm bảo năng lực theo quy định hiện hành.

Nhà đầu tư có trách nhiệm chỉ đạo Tư vấn hoàn chỉnh các nội dung tồn tại của thiết kế cơ sở và quyết định đầu tư theo quy định hiện hành.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Cục ĐBVN;
- Lưu: VT, KHĐT (3 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Ngô Thịnh Đức

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 7910/BGTVT-KHĐT thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 7910/BGTVT-KHĐT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/10/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Ngô Thịnh Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/10/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản