Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/UBDT-PC
V/v hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2015

 

Kính gửi: Ban Dân tộc các tỉnh, TP. trực thuộc Trung ương

Thực hiện Nghị định 55/2011/NĐ-CP ngày 04/07/2011 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; Quyết định số 132/QĐ-UBDT ngày 22 tháng 3 năm 2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế; Quyết định số 559/QĐ-UBDT ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc giao kế hoạch công tác năm 2015, Ủy ban Dân tộc hướng dẫn một số hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế đối với cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh như sau:

1. Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Nội dung, hình thức và các hoạt động về phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn cụ thể sau:

- Nội dung: Tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan thiết thực đến quyền và nghĩa vụ của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới như: Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013, Luật Đất đai năm 2013, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Giao thông đường bộ, đường thủy, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình Đẳng giới, Luật Phòng, chống mua bán người, Pháp lệnh Dân số, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác dân tộc, các chính sách dân tộc, xây dựng - phát triển nông thôn mới và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội địa phương; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, nhất là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới, bờ biển.

- Hình thức: Đa dạng các hình thức tuyên truyền phổ biến, trong đó tập trung vào các hình thức phù hợp với phong tục tập quán, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số như: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền tại thôn, bản, xã hoặc lồng ghép với các cuộc họp thôn, bản; kết hợp trợ giúp pháp lý lưu động tại địa phương để tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật tại địa phương...

- Khảo sát, đánh giá: Tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện và hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương trong thời gian qua; khảo sát về: Nhu cầu về nội dung tuyên truyền, hình thức phù hợp, thời lượng phù hợp với từng hình thức, kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác cho công tác này trong thời gian tới; tổ chức sơ kết, tổng kết để kịp thời kiến nghị, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

- Thời gian báo cáo Ủy ban Dân tộc: định kỳ 6 tháng (trước 30/6), hằng năm (trước 25/12). Báo cáo nêu rõ những kết quả đạt được; những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân; những kiến nghị, đề xuất (nếu có).

2. Về công tác trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020 và Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP- UBDT ngày 17 tháng 01 năm 2012 của Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số, trong đó, tập trung vào các hoạt động chủ yếu sau:

- Tuyên truyền, phổ biến, truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý đến với đồng bào dân tộc thiểu số.

- Tăng cường phối hợp tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người dân tộc thiểu số; Phát hiện kịp thời người dân tộc thiểu số thuộc diện được trợ giúp pháp lý và có nhu cầu trợ giúp pháp lý để hướng dẫn họ hoặc người đại diện hợp pháp về các thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý, địa chỉ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương để được hưởng trợ giúp pháp lý.

- Hoàn thiện việc đặt bảng tin, hộp tin và cập nhật thông tin, tài liệu liên quan đến quyền được trợ giúp pháp lý của đồng bào bằng tiếng dân tộc thiểu số tại trung tâm xã và nhà sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo người dân tộc thiểu số được tiếp cận pháp luật và các dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

- Lồng ghép việc thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số với các hoạt động của các Chương trình giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi để huy động các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý.

- Trình cấp có thẩm quyền các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và hỗ trợ trợ giúp viên pháp lý là người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, phù hợp với tình hình của địa phương.

- Định kỳ 6 tháng, 01 năm báo cáo kết quả thực hiện công tác trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số về Ủy ban Dân tộc theo Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT.

3. Về công tác kiểm soát thủ tục hành chính

Trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, nếu tổ chức, cá nhân có phản ánh, kiến nghị liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Dân tộc đề nghị thực hiện theo một trong các hình thức sau;

- Liên hệ trực tiếp đến trụ sở cơ quan Ủy ban Dân tộc hoặc gọi đến số điện thoại 043.7349443 của Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc để trình bày phản ánh, kiến nghị;

- Gửi thư điện tử đến địa chỉ: phongkstthc@cema.gov.vn;

- Gửi đơn (đối với cá nhân)/công văn (đối với tổ chức) đến địa chỉ Vụ Pháp chế Ủy ban Dân tộc để được giải quyết.

4. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Tham mưu giúp lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc tự kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc (khi được lãnh đạo tỉnh giao).

5. Về công tác kiện toàn tổ chức pháp chế thuộc cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh

Tiếp tục đề xuất với cấp có thẩm quyền kiện toàn tổ chức pháp chế thuộc cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh theo hướng thành lập Phòng Pháp chế hoặc giao chức năng, nhiệm vụ quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ và các Nghị định liên quan cho 01 Phòng chức năng và bố trí công chức pháp chế chuyên trách thực hiện theo nhu cầu của từng địa phương, nhằm đảm bảo việc xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc ở địa phương theo chức năng, nhiệm vụ quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính.

Trên đây là hướng dẫn một số hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế, Ủy ban Dân tộc đề nghị cơ quan công tác dân tộc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm (để b/c);
- TT, PCN Hoàng Xuân Lương (để b/c);
- Website UBDT;
- Lưu: VT, PC (03 bản).

TL. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ




Hoàng Phương Hoa