Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 733/TTg-QHQT
V/v báo cáo kết quả giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023

Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2023

 

Kính gửi:

- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Xét đề nghị của Bộ Tài chính tại công văn số 7376/BTC-QLN ngày 17 tháng 7 năm 2023 về báo cáo kết quả giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài (vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài) năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công vốn nước ngoài những tháng còn lại năm 2023, bảo đảm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt tỷ lệ 95% kế hoạch, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ ngành, cơ quan, địa phương có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thực hiện các giải pháp sau:

1. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2023 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Công điện số 123/CĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2023 về việc khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023; Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10 tháng 4 năm 2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới; ý kiến chỉ đạo của các đồng chí Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trong các đợt kiểm tra, đôn đốc giải ngân.

Người đứng đầu các cơ quan, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài theo kế hoạch được giao và hiệu quả sử dụng vốn vay.

2. Đối với các cơ quan chủ quản:

- Rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, bảo đảm sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống TABMIS để có cơ sở giải ngân. Trong đó tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay. Trường hợp không có khả năng giải ngân do vướng mắc trong thời gian dài, không thể giải quyết được, cần hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có khả năng thực hiện, giải ngân tốt hơn.

- Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, đề xuất phương án cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 01 tháng 9 năm 2023 để kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong công tác xây dựng kế hoạch năm 2024, cần tính toán kỹ các yếu tố tác động đến tiến độ triển khai dự án, phần kế hoạch đã bị hủy các năm trước để xây dựng kế hoạch phù hợp.

- Thực hiện kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng.

- Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và ban quản lý dự án, bảo đảm bố trí đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các dự án có thay đổi, cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay; thực hiện đầy đủ phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản, khẩn trương gửi các đề xuất điều chỉnh đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính; phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để sớm báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh.

- Kịp thời báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính các khó khăn, vướng mắc phát sinh, đặc biệt là vướng mắc liên quan đến thể chế chính sách để đề xuất phương án xử lý lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án.

- Đối với các bộ là cơ quan chủ quản các dự án ô (dự án trong đó có một cơ quan giữ vai trò chủ quản dự án, thực hiện chức năng điều phối chung và các cơ quan chủ quản khác tham gia quản lý, thực hiện và thụ hưởng các dự án thành phần), đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần xử lý khẩn trương, triệt để các điều kiện được phép giải ngân khi được cấp có thẩm quyền đồng ý gia hạn thực hiện, gia hạn giải ngân, đồng thời sớm nhận diện rủi ro về hiệu quả sử dụng vốn và có biện pháp giảm thiểu rủi ro khi phải điều chỉnh cắt giảm nhiều các hạng mục chính và điều chỉnh giảm lớn vốn vay nước ngoài của dự án.

- Đối với các địa phương có dự án ODA, ưu đãi triển khai: Xử lý dứt điểm các vấn đề vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm bàn giao mặt bằng sạch cho dự án đúng tiến độ.

3. Đối với các chủ dự án:

- Tập trung triển khai các chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân. Chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan (tư vấn, nhà thầu) theo các nguồn vốn (vay, viện trợ đồng tài trợ, đối ứng), bảo đảm việc thực hiện thông suốt, chủ động phát hiện các vướng mắc để xử lý ngay hoặc báo cáo cơ quan chủ quản phối hợp với các bộ, ngành liên quan có biện pháp xử lý theo thẩm quyền.

- Tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, bảo đảm đạt chất lượng, phù hợp với thực tế và tránh phải điều chỉnh trong quá trình triển khai. Trường hợp tư vấn do phía nước ngoài thuê tuyển, lên kế hoạch giám sát chặt chẽ tiến độ, khối lượng, chất lượng công việc của tư vấn để có biện pháp xử lý ngay khi phát sinh vấn đề.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân của các bộ, ngành, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp điều hành linh hoạt, thích ứng với điều kiện thực tế nhằm hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn năm 2023.

- Hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như công tác quy hoạch, đấu thầu và công tác kế hoạch, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án nhóm A vay vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát các dự án vướng mắc lớn, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, các dự án khó có khả năng hoàn thành kế hoạch, dự kiến hủy một phần hoặc toàn bộ dự toán, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ có chế tài xử lý phù hợp.

- Hướng dẫn các cơ quan tổ chức đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, đảm bảo công tác bố trí kế hoạch vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình triển khai dự án.

5. Bộ Tài chính:

- Tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

- Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; thực hiện kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn đảm bảo đúng thời hạn quy định, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.

- Tiếp tục tổ chức các đoàn đôn đốc giải ngân, tháo gỡ khó khăn, các đoàn đánh giá tình hình thực hiện, giải ngân, hoàn chứng từ, thanh quyết toán với các chủ dự án.

- Tiếp tục trao đổi với các Nhà tài trợ sớm cung cấp ý kiến “không phản đối” để các chủ dự án kịp thời triển khai thực hiện dự án, đồng thời rút ngắn thời gian xử lý đơn rút vốn

6. Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất giải pháp để xử lý các vướng mắc trong công tác thẩm định thiết kế, tránh tình trạng làm chậm tiến độ triển khai các dự án.

7. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương ban hành bổ sung các định mức kinh tế - kỹ thuật, các đơn giá đặc thù cho các dự án đường sắt đô thị.

8. Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất giải pháp xử lý các vướng mắc trong lĩnh vực y tế để tháo gỡ khó khăn liên quan đến công tác đưa thiết bị y tế vào lưu hành, sử dụng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTg, PTTg Trần Lưu Quang;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Xuân Thành,
Các Vụ: KTTH, CN, KGVX, QHĐP, PL, TH;
- Lưu: VT, QHQT (3).HN.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Lưu Quang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 733/TTg-QHQT báo cáo kết quả giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 733/TTg-QHQT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 09/08/2023
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trần Lưu Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản