Hệ thống pháp luật

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 733/BHXH-PC
V/v giới thiệu, hướng dẫn khai thác, sử dụng và tích hợp Bộ pháp điển

Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam;
- BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Công văn số 90/KTrVB-PĐ ngày 09/03/2021 của Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp về việc giới thiệu, hướng dẫn khai thác, sử dụng và tích hợp Bộ pháp điển điện tử, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam hướng dẫn thực hiện như sau:

1. Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý về Bộ pháp điển điện tử. Bộ pháp điển gồm 45 chủ đề, trong đó lĩnh vực bảo hiểm thuộc Chủ đề số 2 (Đề mục số 1: Bảo hiểm xã hội; Đề mục số 2: Bảo hiểm y tế). Bộ pháp điển điện tử do Nhà nước giữ bản quyền; Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, duy trì và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử pháp điển tại địa chỉ truy cập duy nhất: https://phapdien.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-bo-phap-dien.aspx).

2. Trung tâm Công nghệ thông tin, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tích hợp Bộ pháp điển điện tử trên Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử của BHXH các địa phương để giúp công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành tiếp cận cũng như khai thác hiệu quả Bộ pháp điển trong thi hành công vụ và tìm hiểu pháp luật.

3. Những vấn đề phát sinh trong quá trình khai thác, sử dụng (nếu có), các đơn vị phản ánh về BHXH Việt Nam (qua Vụ Pháp chế) để tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp.

(Phụ lục hướng dẫn sử dụng Bộ pháp điển gửi kèm)./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Lưu: VT, PC.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Đào Việt Ánh

 

PHỤ LỤC

HƯỚNG DẪN TRA CỨU, SỬ DỤNG BỘ PHÁP ĐIỂN

(Chi tiết tại: https://phapdien.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/huong-dan-su-dung-bo-phap-dien.aspx)

1. Bộ pháp điển

Khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL quy định: “Pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển (có khoảng hơn 10.000 văn bản QPPL sử dụng để pháp điển). Các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng Bộ pháp điển miễn phí. Bộ pháp điển gồm 45 chủ đề. Mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có 265 đề mục thuộc 45 chủ đề). Trong mỗi đề mục có các Phần, Chương, Mục, Tiểu mục, Điều và nội dung của các Điều. Cụ thể:

- Chủ đề: Bộ pháp điển gồm 45 chủ đề được sắp xếp theo trật tự alfabet trong đó chứa đựng các QPPL điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định được xác định theo lĩnh vực.

- Đề mục: Đề mục là bộ phận cấu thành chủ đề, trong đó chứa đựng các QPPL điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định.

- Cấu trúc đề mục (Phần, Chương, Mục, Tiểu mục, Điều): Cấu trúc của đề mục cơ bản dựa trên cấu trúc của văn bản có giá trị pháp lý cao nhất pháp điển vào đề mục đó.

- Cách sắp xếp các điều trong đề mục: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành hoặc điều có nội dung liên quan gần nhất, theo thứ tự thứ bậc hiệu pháp lý từ cao xuống thấp hoặc theo thứ tự về thời gian ban hành đối với các văn bản cùng thứ bậc hiệu lực.

2. Cách thức tra cứu, sử dụng Bộ pháp điển điện tử

Cấu trúc của Bộ pháp điển được thiết kế theo hình cây từ chủ đề đến đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều. Do đó, màn hình hiển thị Bộ pháp điển điện tử đầu tiên gồm 45 chủ đề. Người dùng click chuột vào tên chủ đề mà mình muốn tìm kiếm thì màn hình xuất hiện tên các đề mục thuộc chủ đề đó. Người dùng tiếp tục click chuột vào tên đề mục thì màn hình hiện lên cấu trúc của đề mục theo thứ tự: phần, chương, mục, tiểu mục, điều.

Bên phải mỗi cấu trúc đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều đều có cụm từ “xem chi tiết”. Người dùng click chuột vào cụm từ “xem chi tiết” để mở ra nội dung phần cấu trúc mà mình muốn xem (có thể xem nội dung của cả 1 đề mục hoặc 1 phần, chương, mục, tiểu mục, điều cụ thể).

- Để xem điều của Bộ pháp điển là Điều nào cụ thể trong văn bản QPPL nào hoặc nội dung của điều có sự thay đổi gì không: Ngay dưới số và tên điều trong Bộ pháp điển là Phần ghi chú của điều. Theo đó, phần ghi chú được đặt trong ngoặc đơn, chữ nhỏ hơn và in nghiêng đặt ngay sau số và tên điều; ghi cụ thể là điều số mấy của văn bản nào, hoặc ghi sự biến động trong nội dung của điều (điều có nội dung được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ). Phần ghi chú được gán link đến điều tương ứng của văn bản sử dụng để pháp điển trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

- Để xem các điều có nội dung liên quan đến nhau trong Bộ pháp điển: Các điều có nội dung liên quan đến nhau được sắp xếp gần nhau theo trật tự giá trị pháp lý từ cao xuống thấp. Trường hợp các điều được pháp điển từ các văn bản có giá trị pháp lý bằng nhau thì được sắp xếp theo trật tự thời gian ban hành. Trong một số trường hợp, các điều có nội dung liên quan đến nhau không sắp xếp gần nhau thì được chỉ dẫn là có liên quan đến nhau. Phần chỉ dẫn được đặt trong ngoặc đơn, chữ nhỏ hơn và in nghiêng sau nội dung của điều hoặc sau tên của phần, chương, mục, tiểu mục trong đề mục. Phần này chú thích về các nội dung liên quan đến nhau trong Bộ pháp điển. Các điều hoặc phần, chương, mục, tiểu mục được chỉ dẫn có gán link đến phần nội dung của các điều hoặc phần, chương, mục, tiểu mục đó trong Bộ pháp điển.

- Các tính năng hỗ trợ tra cứu, tìm kiếm khác:

Tính năng xem theo chủ đề: Tính năng này giúp người sử dụng tra cứu, tìm kiếm các quy định cần tìm thuộc nội dung của Chủ đề nào trong số 45 chủ đề của Bộ pháp điển.

Tính năng xem theo đề mục: Tính năng này giúp người sử dụng tra cứu, tìm kiếm nhóm quan hệ xã hội trong 1 lĩnh vực cụ thể trong số 245 đề mục của Bộ pháp điển.

Tính năng tìm kiếm theo từ khóa: Tính năng này giúp người sử dụng tra cứu, tìm kiếm các nội dung pháp lý cần tìm trong phần cấu trúc của Bộ pháp điển./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 733/BHXH-PC năm 2021 về giới thiệu, hướng dẫn khai thác, sử dụng và tích hợp Bộ pháp điển do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 733/BHXH-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 24/03/2021
  • Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
  • Người ký: Đào Việt Ánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản