Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 687/LĐTBXH-TTr
V/v thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2024

 

Kính gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, Quyết định số 1472/QĐ-TTg ngày 28/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em, chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây viết tắt là LĐTBXH) tại Công văn số 69/LĐTBXH-TTr ngày 09/01/2023, nhiều Chủ tịch Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nghiêm túc chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, vẫn có một số ít địa phương chưa thực hiện thanh tra (Thái Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên và Hà Tĩnh).

Để tiếp tục thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, Bộ LĐTBXH đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện một số nội dung như sau:

1. Chỉ đạo Sở LĐTBXH tiếp tục thực hiện ít nhất 01 cuộc thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Riêng các địa phương Thái Bình, Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên và Hà Tĩnh thực hiện ít nhất 02 cuộc thanh tra tại ít nhất 02 địa bàn cấp huyện; chỉ đạo UBND cấp huyện, UBND cấp xã tiếp tục kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trong năm 2024.

2. Nội dung thanh tra, kiểm tra trọng tâm về thực hiện chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (đặc biệt về chính sách chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, đào tạo); hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em bị xâm hại (đặc biệt rà soát, thống kê về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, đánh giá mức độ tổn hại đối với trẻ em bị xâm hại để có biện pháp hỗ trợ, can thiệp phù hợp); hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em (đặc biệt đối với cơ sở đang thực hiện chăm sóc thay thế hoặc cung cấp dịch vụ khác nhưng không đăng ký hoạt động); trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em tại địa bàn quản lý mà không có các biện pháp chỉ đạo, xử lý hiệu quả hoặc vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Bộ LĐTBXH yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra thiếu sót, sai phạm hoặc để địa phương xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em.

3. Giao Sở LĐTBXH đầu mối tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra của toàn tỉnh/thành phố về Bộ LĐTBXH (qua Thanh tra Bộ LĐTBXH) trước ngày 20/11/2024 (mẫu báo cáo đăng tại http://thanhtralaodong.gov.vn/tai-lieu).

Trân trọng./

 


Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Thường trực Tỉnh/Thành ủy (để chỉ đạo);
- Giám đốc Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Cục Trẻ em (để biết);
- Lưu: VT, TTr.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 687/BLÐTBXH-TTr năm 2024 thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 687/BLĐTBXH-TTr
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/02/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/02/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản