Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6744/BYT-BM-TE
v/v tăng cường truyền thông để đảm bảo an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh khi sinh con.

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2019

 

Kính gửi: Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh

Trong hai ngày 12/11 và 13/11/2019 trên các báo điện tử liên tục đăng bài phản ánh về trường hợp tử vong trẻ sơ sinh con của sản phụ T.N.Y.N cư trú tại quận 11, Tp. Hồ Chí Minh sau khi tự sinh tại nhà (xin gửi kèm theo nội dung các bài báo), để đảm bảo an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế:

1. Chỉ đạo, quán triệt các cơ sở y tế trực thuộc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tăng cường truyền thông về sự cần thiết phải đăng ký, quản lý thai nghén và đến sinh con tại cơ sở y tế; Nhấn mạnh nội dung của việc tự sinh con tại nhà theo trào lưu “thuận tự nhiên” là thông tin phản khoa học và gây những hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, thậm chí tử vong khi tự sinh con tại nhà không có sự theo dõi, hỗ trợ của cán bộ y tế;

2. Tiếp tục chấn chỉnh, chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 11/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ sơ sinh.

Xin trân trọng cảm ơn.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- TT. Nguyễn Trường Sơn (để b/c);
- Đ/c Vụ trưởng (để b/c);
- Các Đ/c PVT (để ph/hợp);
- Vụ TTTĐ-khen thưởng (để biết);
- BV Từ Dũ (để CĐT);
- BV Hùng Vương (để CĐT);
- TT KS bệnh tật Tp. HCM;
- Lưu VT, BM-TE (DHN 10).

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ SỨC KHỎE BÀ MẸ TRẺ EM
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Trần Đăng Khoa

 

https://vietnamdaily.net-vn/tieu-dung-ban-doc/lai-mot-san-phu-tp-hcm-tu-sinh-tai-nha-khien-con-tu-vong-76383.html 09:23 12/11/2019 (GMT+7)

Lại một sản phụ TP HCM tự sinh tại nhà khiến con tử vong

Chiều 11/11, bác sĩ Đinh Tấn Phương, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 vừa cấp cứu một bé gái được một sản phụ tự sinh tại nhà.

Đó là trường hợp của con chị T.N.Y.N., ngụ ở Q.11. Lúc 10h40 ngày 9/11, sau khi sinh ra được 10 giờ đồng hồ, bé gái này mới được ba mẹ và bà nội đưa đến cấp cứu trong tình trạng người đã tím tái, ngưng tim, ngưng thở, dây rốn và bánh nhau đều đã bị khô.

Người nhà bé kể lại bé gái ra đời theo cách tự sinh tại nhà lúc 0h50 ngày 9/11, nặng 3,1kg. Khi nhân viên y tế hỏi sao lại để sản phụ sinh em bé tại nhà thì người nhà cho biết vì ngày trước bà nội bé cũng sinh ba bé tại nhà. Mặc dù đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 hồi sức tích cực cho bé trong suốt 30 phút nhưng tim bệnh nhi vẫn không đập được lại.

Hồi tháng 3 năm ngoái, dư luận cũng hết sức phẫn nộ trước vụ việc một sản phụ tự sinh tại nhà theo trào lưu “thuận tự nhiên” khiến hai mẹ con tử vong. Sản phụ được xác định là T.V.M. ở phường Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM.

Sinh con thuận tự nhiên được y văn thế giới gọi là VBAC - vaginal birth after C - section - tức là phương pháp sinh con bằng cách rặn đẻ qua vùng kín. Phương pháp này còn được gọi là natural birth hay home birth. VBAC đang là trào lưu được phụ nữ và các nhóm nữ quyền ở phương Tây cổ súy.

Về phương diện chuyên môn, Bộ Y tế khẳng định việc t sinh đẻ tại nhà là phản khoa học, có thể gây ra những tai biến nghiêm trọng như vỡ tử cung, băng huyết, nhiễm trùng,... dẫn tới tử vong cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Bác sĩ Trần Văn Phúc thuộc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn ở Hà Nội nói rằng hầu hết các chuyên gia y khoa thế giới đều cho rằng sinh con thuận tự nhiên rất nguy hiểm.

Bác sĩ Phúc chia sẻ rằng: “Sự can thiệp của y học hiện đại đối với quá trình sinh nở là cần thiết vì nó an toàn cho các bà mẹ. Đồng thời, các biện pháp y khoa còn giúp các bà mẹ rút ngắn thời gian phục hồi, giảm tỷ lệ xuất huyết, khắc phục tình trạng rách tử cung, giảm nhiễm trùng…”.

Theo TS.BS Nguyễn Hữu Trung - Giám đốc Phòng khám sản khoa Hoàng Gia (TP.HCM), cách sinh tự nhiên trên tiềm ẩn nhiều tai biến sản khoa cho cả bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Bác sĩ Trung cho biết trường hợp bà mẹ chỉ may mắn như chuyện “đẻ rơi” (sinh rớt) hàng ngày vẫn thỉnh thoảng có thể xảy ra ở đâu đó nên không thể lấy điều này mà khuyên cho cả cộng đồng áp dụng và coi như thai sản thuận tự nhiên được.

Theo bác sĩ Trung, khi một bà mẹ sinh con thì có 5 tai biến sản khoa phổ biến nguy hiểm đến cả bà mẹ và em bé, thậm chí có thể tử vong như băng huyết sau sinh, vỡ tử cung, uốn ván dây rốn, tiền sản giật, nhiễm khuẩn sau sinh. 5 tai biến này tồn tại từ bao đời nay và Y khoa hiện đại tìm mọi cách để giảm tỷ lệ mắc phải các tai biến sản khoa này bằng việc ra đời hệ thống y tế để chăm sóc sản khoa một cách tốt nhất cho các bà mẹ mang thai. Khi sinh bé, cả 5 tai biến này đều có nguy cơ xảy ra ngay cả ở cả các bệnh viện tuyến cuối.

Bác sĩ Trung cho biết, tại một số nước ở châu Âu hay Mỹ, người ta vẫn có dịch vụ sinh tại nhà nhưng chỉ áp dụng trong một số ít trường hợp. Đó là khi người mẹ không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào, sản phụ và gia đình được tư vấn những bất lợi cũng như tai biến có thể xảy ra một cách bất ngờ trong cuộc sinh, gia đình sản phụ phải liên hệ với bệnh viện và bệnh viện cử nhân viên y tế về hỗ trợ chứ không phải tự sinh như phong trào sinh con thuận tự nhiên đang được cổ vũ hiện nay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chia sẻ trên Zing, sinh đẻ thuận tự nhiên có nghĩa là trong trường hợp thuận lợi, các bác sĩ sẽ để cho người phụ nữ sinh thường, chỉ trong trường hợp không sinh được tự nhiên thì mới can thiệp bằng thủ thuật hay mổ lấy thai.

Ông Tiến khẳng định rằng dù sinh tự nhiên (sinh thường), sản phụ vẫn phải đến các cơ sở y tế chuyên khoa, có bác sĩ chuyên khoa để thực hiện sinh đẻ.

Theo nguyên Thứ trưởng, không có tổ chức y tế trong và ngoài nước nào khuyên bà mẹ tự sinh con mà không có sự can thiệp và giúp đỡ từ y tế. Ngay cả ở vùng sâu, vùng xa chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế là phải quan tâm đến vùng này, vì ở đây không đầy đủ về cán bộ chuyên môn, nên tình trạng tử vong khi sinh của mẹ và con vẫn còn cao.

Bộ Y tế khuyến cáo không nên tự sinh con tại nhà

Ngày 6/3/2018, Bộ Y tế đã ra văn bản khuyến cáo, mặc dù sinh đẻ là một quá trình sinh lý bình thường, nhưng khi mang thai, sinh đẻ, người phụ nữ phải đến cơ sở y tế để được quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ và chăm sóc mẹ và con sau đẻ đúng theo quy trình chuyên môn. Việc sinh đẻ tại nhà, tự đẻ mà không có cán bộ y tế hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ, sinh con và theo dõi, chăm sóc sau sinh có thể dẫn đến những nguy cơ, tai biến trầm trọng như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, uốn ván sơ sinh, thậm chí tử vong mẹ và con...

Thảo Nguyên

 

https://plo.vn/suc-khoe/sinh-con-tai-nha-10-100-be-so-sinh-chao-doi-khong-tu-tho-duoc-870021.html Ngày 13/11/2019, 18h46:

Sinh con tại nhà: 10/100 bé sơ sinh chào đời không tự thở được

Hoàng Lan

Bác sĩ chuyên khoa sơ sinh khuyến cáo nhiều nguy cơ đối với trẻ sơ sinh khi sinh ra không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế nhân trường hợp sinh con tại nhà ở TP.HCM khiến con tử vong.

Vừa qua, Khoa cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận trường hợp bé gái sơ sinh nặng 3,1 kg được sinh ra tại nhà, con của sản phụ TNYN (sống ở quận 11, TP.HCM). Người nhà cho biết bé gái đủ tháng 39 tuần, được sinh vào lúc 0 giờ 50 phút ngày 9-11.

10 tiếng sau, người nhà phát hiện bé gái ngưng thở nên đưa vào BV cấp cứu lúc 10 giờ 40 phút cùng ngày. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận tình trạng bé gái ngưng tim ngưng thở. Các bác sĩ đã cố gắng hồi sức cho bé nhưng thất bại và đánh giá bé đã mất tại nhà. Điểm đặc biệt là bé chưa được cắt dây rốn còn kèm bánh nhau rắc muối đã khô.

“Trường hợp này khá đáng tiếc. Đây là một em bé sơ sinh đã đủ ngày tháng, đủ ký. Nếu sau khi sinh bé ra mà gia đình đưa bé vào một BV chuyên khoa nhi sơ sinh thì có thể phát hiện bệnh lý bất thường và có thể giữ được mạng sống cho bé” - đại diện BV chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này với PLO, BS CKII Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa sơ sinh BV Từ Dũ (TP.HCM), cho biết trẻ sơ sinh gặp rất nhiều nguy cơ khi sinh ra. Nguy cơ lớn nhất là trẻ không tự thở được.

Theo thống kê, trong 100 em bé sinh ra thì có 10 em bé không tự thở được. Trong 10 bé sẽ có một bé lâm vào tình trạng rất nặng, cần hồi sức chuyên sâu của bác sĩ. Do đó, các bà mẹ sinh con tại nhà không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế rất dễ “đẩy” con vào tình huống nguy hiểm.

Khi sinh tại nhà, bánh nhau cũng xổ ra ngoài, tiếp xúc với môi trường có thể làm vi trùng sinh sôi, đưa ngược vào dây rốn gây nhiễm khuẩn cho bé, rất nguy hiểm.

Ngoài ra, mặc dù người mẹ có khám thai, siêu âm đầy đủ thì các thao tác này không thể phát hiện hoàn toàn các bất thường bẩm sinh ở trẻ sơ sinh như bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh lý đường hô hấp bẩm sinh.

“Bản thân cơ địa bé sơ sinh, sinh non miễn dịch chưa đầy đủ nên rất dễ nhiễm khuẩn. Khi sinh tại bệnh viện, trong vòng 24 giờ đầu, trẻ sơ sinh sẽ được chích ngừa vitamin K1 phòng ngừa xuất huyết não, màng não và viêm gan B” - BS Từ Anh cho biết.

Bên cạnh đó, thông thường sản phụ sinh thường được giữ lại BV theo dõi ba ngày và năm ngày đối với sinh mổ. Sở dĩ mẹ và bé cần được theo dõi trong vòng vài ngày vì trẻ sơ sinh chuyển từ đời sống trong tử cung ra ngoài có thể gặp phải nhiều biến chứng sau cuộc sinh mà không lường trước được.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 6744/BYT-BM-TE năm 2019 về tăng cường truyền thông để đảm bảo an toàn cho bà mẹ và trẻ sơ sinh khi sinh con do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 6744/BYT-BM-TE
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/11/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Trần Đăng Khoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản