Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 666/LĐTBXH-TE
V/v hướng dẫn thực hiện công tác trẻ em năm 2020

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2020

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Năm 2020 là năm hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Việc hoàn thành các chỉ tiêu và đánh giá, tổng kết các chương trình, đề án, kế hoạch về lĩnh vực trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn bị xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030 có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng nguồn nhân lực.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện công tác trẻ em năm 2020, cụ thể như sau:

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, quản lý và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền trẻ em. Lồng ghép, đưa nhiệm vụ thực hiện quyền trẻ em, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2021 - 2025 và trong các chương trình, kế hoạch công tác của các sở, ban, ngành có liên quan. Rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ tại các chương trình, đề án về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án mới cho giai đoạn 2020 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt[1].

2. Quản lý, sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương phân bổ và nguồn vận động dành cho trẻ em. Chú trọng bố trí ngân sách địa phương để giải quyết các vấn đề nóng về trẻ em; xây dựng, củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; thực hiện các chương trình, đề án về trẻ em; bảo đảm duy trì các mô hình đã được triển khai tại địa phương do ngân sách trung ương và các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Tăng cường vận động nguồn lực để hỗ trợ cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng, tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí và hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

3. Bảo đảm cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước về trẻ em và nhân lực thực hiện công tác trẻ em tại địa phương. Đến hết năm 2020, tất cả các xã, phường, thị trấn được bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số cán bộ, công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách, có nhóm thường trực bảo vệ trẻ em và có chính sách của địa phương hỗ trợ đội ngũ bảo vệ trẻ em để hoạt động hiệu quả. Chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cho đội ngũ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, đặc biệt là cấp xã và thành viên của tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em.

4. Phối hợp chỉ đạo việc thực hiện trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em. Tiếp tục thực hiện và nhân rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đến từng địa bàn dân cư; gắn kết tiêu chí về thực hiện quyền trẻ em, thực hiện quy định về tiêu chuẩn, trình tự đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em với đánh giá nông thôn mới, đô thị văn minh.

5. Nhân rộng kinh nghiệm, khuyến khích, biểu dương những điển hình, những sáng kiến tốt trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và đóng góp nguồn lực cho trẻ em. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương tổ chức gặp mặt, biểu dương “Những người yêu trẻ” các cấp. Tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”. Tổ chức diễn đàn trẻ em và lấy ý kiến trẻ em trong quá trình xây dựng chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em của địa phương.

6. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các biện pháp bảo đảm môi trường sống an toàn, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em và tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em, cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, các phương tiện giao thông đưa đón học sinh, các khu dân cư, các tòa nhà chung cư cao tầng, các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông thuộc địa bàn quản lý.

7. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, đặc biệt các quy định của Luật trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em và các chế tài xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em, xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật hình sự, xử lý vi phạm hành chính, phòng, chống bạo lực gia đình... Truyền thông tư vấn kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua các kênh truyền thông báo chí, mạng xã hội và tại cộng đồng dân cư. Tư vấn, hướng dẫn vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là trong dịp hè. Truyền thông, quảng bá rộng rãi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111).

8. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật, chính sách, chương trình, đề án về trẻ em, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện trách nhiệm phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Đôn đốc, kiểm tra việc phối hợp giữa các ban, ngành, nhà trường và ủy ban nhân dân cấp xã trong thực hiện việc bàn giao, quản lý trẻ em để bảo đảm mùa hè an toàn cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, đặc biệt tai nạn đuối nước.

9. Nắm bắt tình hình, thông tin kịp thời, tích cực chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích trẻ em phức tạp được dư luận quan tâm, do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin hoặc yêu cầu giải quyết. Phối hợp, xử lý thông tin kịp thời giữa địa phương với các cơ quan bảo vệ trẻ em ở trung ương và Cục Trẻ em, Tổng đài 111 trong việc xác minh, hỗ trợ, can thiệp các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em. Xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục trong việc chậm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, bao che hành vi, vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

10. Cập nhật thông tin về trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em bị tai nạn thương tích vào hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em ở trung ương và địa phương. Thu thập, tổng hợp thông tin kết quả chỉ số thực hiện quyền trẻ em tại địa phương để bảo đảm đánh giá, xếp hạng địa phương về thực hiện quyền trẻ em chính xác, khách quan. Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo về công tác trẻ em giữa các cấp quản lý và chế độ báo cáo được giao tại các chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em. Giao hoặc ủy quyền cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội định kỳ báo cáo kết quả công tác trẻ em 6 tháng và hàng năm cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (thông qua Cục Trẻ em) trước ngày 25/5 và 20/11 năm 2020 theo hướng dẫn, biểu mẫu kèm theo Công văn này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội;
- Ủy ban về CVĐXH của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Chính phủ;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- TW Đoàn TNCSHCM;
- TW Hội LHPNVN;
- Hội BVQTEVN;
- Vụ KHTC, Văn phòng Bộ, Quỹ BTTEVN;
- TT Thông tin; TC GĐ&TE; Báo LĐ&XH; TC LĐXH;
- Sở LĐTBXH 63 tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, TE (07).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Thị Hà

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 



[1] (1) Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025 (Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 29/10/2018); (2) Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025 (Quyết định số 1438/QĐ-TTg ngày 29/10/2018); (3) Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (Quyết định số 06/QĐ- TTg ngày 03/01/2019); (4) Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025 (Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019); (5) Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 - 2025 (Quyết định số1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 666/LĐTBXH-TE hướng dẫn thực hiện công tác trẻ em năm 2020 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 666/LĐTBXH-TE
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/02/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/02/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản