Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
CỤC QUAN HỆ LAO ĐỘNG
VÀ TIỀN LƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 632/QHLĐTL-CSLĐ
V/v sử dụng lao động và các thủ tục liên quan trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2019

 

Kính gửi: Công ty TNHH ACS Legal Việt Nam
(138-142 Đường Hai Bà Trưng, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)

Trả lời kiến nghị của Công ty TNHH ACS Legal Việt Nam đề nghị hướng dẫn về việc sử dụng lao động và các thủ tục liên quan trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp do Văn phòng Chính phủ chuyển đến tại công văn số 8645/VPCP-ĐMDN ngày 25 tháng 9 năm 2019, sau khi nghiên cứu, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

1. Về phương án sử dụng lao động và hợp đồng lao động

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Bộ luật Lao động năm 2012 thì trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Trong trường hợp không sử dụng hết số lao động hiện có, thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 Bộ luật Lao động thì khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Căn cứ các quy định và nội dung hỏi của Công ty gửi kèm Công văn số 8645/VPCP-ĐMDN nêu trên thì khi thực hiện sáp nhập doanh nghiệp người sử dụng lao động kế tiếp phải xây dựng phương án sử dụng lao động, phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động, không phải thông báo phương án sử dụng lao động với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Sau đó, người sử dụng lao động kế tiếp sẽ tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

2. Về khai trình việc sử dụng lao động

Theo quy định của Khoản 1 Điều 8 của Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải khai trình việc sử dụng lao động với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện. Như vậy, sau khi được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp giấy đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp đi vào hoạt động thì người sử dụng lao động phải thực hiện khai trình việc sử dụng lao động theo quy định nêu trên.

3. Về xác định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài

Theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc trung ương. Như vậy, sau khi được có quan có thẩm quyền cho phép thành lập thì công ty phải thực hiện việc báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài theo quy định nêu trên.

4. Về cấp giấy phép lao động

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP nêu trên thì trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động đó phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Trường hợp người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động nhưng hết hiệu lực theo quy định tại Điều 174 của Bộ luật Lao động mà có nhu cầu tiếp tục làm việc cùng vị trí công việc đã ghi trong giấy phép lao động theo quy định của pháp luật thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động được thực hiện theo quy định tại Điểm c Khoản 8 Điều 10 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP nêu trên.

Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời để Công ty TNHH ACS Legal Việt Nam biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Lê Văn Thanh (để b/c);
- Vụ Đổi mới doanh nghiệp, VPCP (để biết);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (để biết);
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (để biết);
- Lưu: VT, CSLĐ.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Xuân Tường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 632/QHLĐTL-CSLĐ năm 2019 về sử dụng lao động và thủ tục liên quan trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp do Cục Quan hệ lao động và Tiền lương ban hành

  • Số hiệu: 632/QHLĐTL-CSLĐ
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 19/11/2019
  • Nơi ban hành: Cục Quan hệ lao động và Tiền lương
  • Người ký: Nguyễn Xuân Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản