Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5929/BYT-KCB
V/v quản lý với người nhiễm vi rút SARS-CoV-2

Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2021

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận được Công văn số 4763/SYT-NVY ngày 20/7/2021 của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh xin ý kiến chỉ đạo về việc quản lý, chăm sóc, cách ly người nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 và các tài liệu hướng dẫn chuyên môn, Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh có đề xuất một số nội dung như sau:

1. Quản lý người nghi nhiễm và người nhiễm vi rút SARS-CoV-2

a) Đối với người nghi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 (xét nghiệm test nhanh dương tính) thì thực hiện: Đưa ngay đến khu cách ly tạm thời người nghi nhiễm đối với những quận, huyện đã thiết lập các khu cách ly tạm thời này để quản lý, theo dõi sức khỏe chờ kết quả xét nghiệm xác định bằng Realtime RT-PCR. Các quận, huyện chưa có khu cách ly tạm thời thì để người nghi nhiễm tại nhà nhưng phải được tách riêng để tránh lây nhiễm cho người khác, theo dõi sức khỏe chờ kết quả xét nghiệm xác định bằng Realtime RT-PCR.

b) Đối với người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 (xét nghiệm khẳng định bằng Realtime RT-PCR): Các trường hợp không có triệu chứng, tải lượng vi rút thấp (Ct ≥ 30) thì tiếp tục được cách ly tại nhà hoặc được cho về nhà từ khu cách ly tạm thời và được theo dõi y tế theo quy định.

c) Đối với người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có triệu chứng (bệnh nhân COVID-19) hoặc tải lượng vi rút Ct < 30 thì chuyển đến các cơ sở điều trị để được điều trị theo quy định.

d) Các trường hợp nặng, nguy kịch cần được vận chuyển sớm nhất đến các cơ sở điều trị bệnh nhân nặng để được điều trị kịp hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.

2. Tất cả các cơ sở thu dung điều trị phải bố trí các giường bệnh cấp cứu ban đầu có đủ ô xy để điều trị các bệnh nhân có chuyển biến nặng, khi chưa kịp chuyển đến bệnh viện tuyến cao hơn.

3. Huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là công tác điều trị để giảm bớt áp lực cho các cơ sở y tế công lập; làm việc với cơ quan bảo hiểm xã hội để được hướng dẫn thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho những người có thẻ bảo hiểm y tế.

4. Thực hiện xét nghiệm test kháng nguyên nhanh tại các vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, điểm nóng để quét nhanh bóc tách trường hợp nghi nhiễm và nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ra khỏi cộng đồng, tổ chức xét nghiệm test kháng nguyên nhanh lại sau 3 -5 ngày. Các quận, huyện cập nhật, xây dựng phương án xét nghiệm để nâng cao số lượng xét nghiệm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm và nhiễm vi rút SARS-CoV-2 để nhanh chóng làm sạch thu hẹp vùng nguy cơ rất cao và nguy cơ cao.

5. Rà soát nhân lực y tế tham gia phòng chống dịch, huy động và tập huấn cho lực lượng tình nguyện viên, thanh niên để tham gia lấy mẫu xét nghiệm (test nhanh kháng nguyên) để chuyển lực lượng bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên sang tăng cường cho các cơ sở điều trị.

Trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung trên, đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nếu có khó khăn, vướng mắc thì thông tin và trao đổi với Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại thành phố Hồ Chí Minh để phối hợp giải quyết.

Trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Các Vụ. Cục, TCDS, TTrB, VPB;
- Viện Pasteur TPHCM, Viện YTCC, Viện SR-KST-CT TP.HCM;
- Các bệnh viện trực thuộc BYT trên địa bàn Tp HCM;
- Sở Y tế TPHCM;
- BHXH Thành phố HCM;
- Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trường Sơn