Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5921/BYT-VPB1
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên

Bộ Y tế nhận được Công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên.

Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:

1. Cử tri phản ánh, hiện nay tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang là một trong những vấn đề nóng, phức tạp, với nhiều vụ việc như rau, quả phun thuốc kích thích, sử dụng hóa chất; thịt gia súc, gia cầm bn, không đảm bảo vệ sinh, các loại thức uống pha trộn hóa chất hại cho sức khỏe của người dân... Cử tri kiến nghị nghiên cứu, có quy định tăng mức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm luôn được Đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đã cơ bản hoàn thiện, đặc biệt Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, với nhiều cơ chế mới quản lý an toàn thực phẩm (quản lý dựa trên nguy cơ, chuyển mạnh sang hậu kiểm, phân công rõ ràng trách nhiệm quản lý...) phù hợp với thông lệ quốc tế. Về chế tài xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, hiện nay đã có đầy đủ các quy định của pháp luật để quản lý an toàn thực phẩm, cụ thể:

- Về xử lý hành chính, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP, quy định hành vi cụ thể, rõ ràng, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, phạt nhiều hành vi/1 cơ sở vi phạm, mức xử phạt tăng ở tất cả các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy phép, buộc tiêu hủy, thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn..., các hành vi vi phạm đã quy định tăng nặng đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

- Về xử lý hình sự, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành phối hợp với Bộ Công an trình Quốc hội ban hành Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, trong đó có Điều 317 về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm với khung hình phạt đến 20 năm cho tội danh này.

Thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV; Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV; Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hiện Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thiện hồ sơ Lập đề nghị xây dựng dự án Luật An toàn thực phẩm sửa đổi: (1) Báo cáo tổng kết 12 năm thi hành Luật An toàn thực phẩm; (2) Báo cáo đánh giá tác động của chính sách nội dung sửa đổi, bổ sung; (3) Tờ trình đề nghị xây dựng Luật an toàn thực phẩm sửa đổi; (4) Đề cương chi tiết Luật An toàn thực phẩm sửa đổi

Thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định tại Điều 36 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và để đảm bảo tiến độ trình Chính phủ trong tháng 12/2024, hiện Bộ Y tế đã đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế để xin ý kiến rộng rãi, đồng thời gửi Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài Chính, Bộ Nội vụ và các Bộ có liên quan, các hiệp hội để xin ý kiến góp ý; trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm sửa đổi trong năm 2024.

2. Thực hiện Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như hiện tại. Theo đó, khi người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện mức đóng cũng tăng theo trong khi thu nhập người dân còn khó khăn. Cử tri kiến nghị Bộ Y tế xem xét, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở. Trên cơ sở quy định của Luật, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5%.

Dựa trên phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế dựa trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân. Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình. Đối với nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; điểm e, khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm y tế như sau: (1) Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; (2) Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; (3) Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Đ chia sẻ với ngân sách Trung ương và hỗ trợ các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có điều kiện kinh tế khó khăn; điểm b, khoản 3 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đã quy định: Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành[1].

Với phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế được hưởng tương đối đầy đủ, mức đóng bảo hiểm y tế hiện tại được đánh giá là tương đối thấp so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng. Vì vậy, Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách bảo hiểm y tế của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật.

3. Cử tri kiến nghị Bộ Y tế có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế một phần hoặc hỗ trợ 100% đối với những người có độ tuổi từ 75 tuổi đến 79 tuổi.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các Nghị định hướng dẫn thực hiện, các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế[2] hiện nay chiếm tỷ lệ lớn, với tổng kinh phí này chiếm khoảng 40% số tiền đóng bảo hiểm y tế. Mức đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế được quy định dựa vào khả năng đóng góp của ngân sách và người tham gia bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách Trung ương. Luật Bảo hiểm y tế hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng người độ tuổi từ 75 đến 79 tuổi nếu không thuộc các đối tượng được hỗ trợ bởi Nhà nước. Tuy nhiên, đối tượng này có thể tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình để hưởng mức đóng giảm dần như trên đã trình bày.

Đ chia sẻ với ngân sách Trung ương và hỗ trợ các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có điều kiện kinh tế khó khăn; điểm b, khoản 3 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã quy định: Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành[3].

Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên để biết, thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHĐP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: ATTP, BH;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, VPB1.

BỘ TRƯỞNG




Đào Hồng Lan

 



[1] Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trình hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định:

a) Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 8 Nghị định này;

b) Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này;

c) Đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh.

[2] Trong đó, các đối tượng thụ hưởng chế độ hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế theo điểm b, khoản 1 Điều 8 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ và được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ bao gồm:

- Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ cận nghèo áp dụng cho từng giai đoạn.

- Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định này.

- Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và min núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

[3] Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trình hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định:

a) Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 8 Nghị định này;

b) Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưng mức hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này;

c) Đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5921/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 5921/BYT-VPB1
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 30/09/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đào Hồng Lan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/09/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản