Hệ thống pháp luật

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
BAN VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ NGÀNH BHXH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 574/BHXH-BVSTBPN
V/v triển khai công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới năm 2021

Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, các chương trình, đề án liên quan tới bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030 nhằm tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, thách thức để thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; thực hiện Công văn số 356/LĐTBXH-BĐG ngày 19/02/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn triển khai công tác bình đẳng giới năm 2021, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đề nghị các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là BHXH các tỉnh) triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới năm 2021 như sau:

1. Tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025.

Căn cứ Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 (Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ) và Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 2232/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ), các đơn vị trực thuộc, BHXH tỉnh bám sát, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và phù hợp với thực tiễn tại đơn vị.

2. Triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

- Nhằm phấn đấu thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh tổ chức hội nghị (hoặc lồng ghép trong các hội nghị, hội thảo của đơn vị) phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là bình đẳng giới để thúc đẩy sự tham gia của nữ công chức, viên chức trong công tác lãnh đạo, quản lý.

- Tăng cường, đa dạng hóa các hình thức truyền thông đến công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị; tổ chức triển khai các hoạt động thu hút sự tham gia của nam công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại nơi công tác, nơi cư trú và trong gia đình mỗi công chức, viên chức, người lao động.

- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và triển khai những nội dung mới về bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động năm 2019 bằng hình thức phù hợp với từng đối tượng và điều kiện, tình hình thực tế của đơn vị, địa phương.

2. Nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới

- Tăng cường cử thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, công chức, viên chức, người lao động tham gia các lớp tập huấn kiến thức về giới, bình đẳng giới, nâng cao kỹ năng về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch công tác của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh.

- Biểu dương khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

3. Tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, xây dựng và đề xuất chính sách liên quan đến công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Huy động nguồn lực hợp pháp từ các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế để tăng tính bền vững, hiệu quả trong công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới ngành BHXH.

Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh kịp thời xác minh, báo cáo những vấn đề, vụ việc liên quan đến công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới cho Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành BHXH và Ủy ban nhân dân các cấp để phối hợp giải quyết.

4. Văn phòng BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh chủ động triển khai các hoạt động hưởng ứng: Tháng hành động phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6/2021) và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15/11/2021 đến ngày 15/12/2021).

5. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ kết quả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới cương báo cáo kèm theo) trước ngày 15/6 đối với Báo cáo sơ kết và trước ngày 30/11 đối với Báo cáo tổng kết năm, gửi về Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành BHXH.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị kịp thời báo cáo về Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành BHXH (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để được hướng dẫn, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Các Phó Tổng Giám đốc;
- Đảng ủy cơ quan BHXH Việt Nam;
- Công đoàn cơ quan BHXH Việt Nam;
- Đoàn Thanh niên cơ quan BHXH Việt Nam;
- Hội Cựu chiến binh cơ quan BHXH Việt Nam;
- Lưu: VT, TCCB.

TM. BAN VÌ SỰ TIẾN BỘ
CỦA PHỤ NỮ NGÀNH BHXH
TRƯỞNG BAN




PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Đào Việt Ánh

 

ĐỀ CƯƠNG

BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
(Kèm theo Công văn số 574/BHXH-BVSTBPN ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành BHXH)

I. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các kế hoạch, chương trình tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới, công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản, chính sách

Đề nghị liệt kê cụ thể:

- Số lượng văn bản đã ban hành, sửa đổi (hoặc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới), thời gian ban hành, trích yếu văn bản.

- Số lượng văn bản đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ cùng cấp tham gia góp ý (nếu có).

2. Công tác kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ thực hiện các hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới.

Nêu cụ thể số lượng công chức, viên chức, người lao động kiêm nhiệm công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới.

3. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Nêu rõ số lượng các hội nghị, hội thảo do đơn vị tổ chức, phối hợp tổ chức hoặc đã tham gia trong năm. Số lượt công chức, viên chức, người lao động được tuyên truyền, tập huấn.

4. Việc đảm bảo thực hiện các quy định về bình đẳng giới trong công tác tổ chức cán bộ tại đơn vị, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động nữ có trình độ cao.

- Số lượng đảng viên nữ/ tổng số đảng viên, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp.

- Công tác rà soát, bổ sung quy hoạch đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý, tỷ lệ nữ viên chức trong danh sách quy hoạch; số lượng viên chức quản lý nữ/ tổng số viên chức quản lý.

- Số lượng công chức, viên chức, người lao động nữ được cử tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước/tổng số người được cử tham gia đào tạo; số lượng công chức, viên chức, người lao động nữ được cử tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ/ tổng số người được cử tham gia bồi dưỡng, tập huấn.

- Số lượng nữ có trình độ thạc sĩ/tổng số người có trình độ thạc sĩ; số lượng nữ có trình độ tiến sĩ/ tổng số người có trình độ tiến sĩ.

- Số lượng nữ được tuyển dụng/tổng số người được tuyển dụng (số tiếp nhận, thi tuyển, xét tuyển và số lao động hợp đồng); chính sách của đơn vị đối với công chức, viên chức, người lao động nữ (bố trí, sử dụng cán bộ nữ, chính sách hỗ trợ thai sản, hỗ trợ nữ viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn).

5. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới.

Nêu rõ số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra đã tham gia; số vụ việc vi phạm và số khiếu nại, tố cáo đã tiếp nhận và giải quyết. Tình trạng bạo hành với phụ nữ, những vấn đề tác động tiêu cực đến sự phát triển của phụ nữ trong Ngành.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những tác động tích cực của công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới.

2. Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

III. KẾ HOẠCH, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CÔNG TÁC VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI 06 THÁNG CUỐI NĂM (VÀ NĂM KẾ HOẠCH)

IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 574/BHXH-BVSTBPN triển khai công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới năm 2021 do Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Bảo hiểm xã hội ban hành

  • Số hiệu: 574/BHXH-BVSTBPN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 12/03/2021
  • Nơi ban hành: Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Bảo hiểm xã hội
  • Người ký: Đào Việt Ánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản