Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 5621/BGTVT-KCHT
V/v phối hợp xử lý các hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2013

 

Kính gửi:

UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương; thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.

 

Trong thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông cơ bản được kiềm chế cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, thời gian gần đây tai nạn giao thông đường sắt diễn ra khá phức tạp, đã xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc cho dư luận xã hội. Cụ thể, ngày 05 tháng 6 năm 2013 tại địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông đường sắt: tàu hàng mang số hiệu 332 vừa rời khỏi ga Thường Tín đến Km 17 + 073 (phía Bắc ga Thường Tín) thì bị đứt làm đôi, hai toa xe bị trật bánh khỏi đường ray.

Nguyên nhân của vụ tai nạn đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ; theo thông tin ban đầu, nguyên nhân được xác định là tàu va vào tấm lát bằng sắt do người dân đặt ngang qua đường sắt để làm lối đi. Ngoài ra còn có nguyên nhân người dân tự mở lối đi qua đường sắt, đặt chướng ngại vật trên đường sắt... đây là những hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xâm phạm đến kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt, đe dọa đến an toàn chạy tàu. Theo quy định tại Điều 36 Luật đường sắt: Ủy ban nhân dân các cấp nơi có đường sắt đi qua có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhân dân bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt, tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt và an toàn giao thông đường sắt.

Để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông đường sắt và lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua một số nội dung như sau:

1. Chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xóa bỏ các lối đi dân sinh mở qua đường sắt, tháo dỡ các tấm lát làm lối đi qua đường sắt, trả lại nguyên trạng cơ sở hạ tầng đường sắt.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện đồng bộ các biện pháp để phòng chống các trường hợp tái vi phạm sau khi tháo dỡ.

3. Phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các đơn vị quản lý đường sắt sở tại để triển khai kịp thời, có hiệu quả Quy chế phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt tại các giao cắt cùng mức giữa đường sắt và đường bộ được ký giữa Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Sở GTVT các tỉnh, thành phố có ĐS đi qua;
- Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt;
- Cục ĐSVN (để phối hợp);
- Tổng công ty ĐSVN (để phối hợp);
- Vụ ATGT, VP UBATGTQG;
- Lưu: VT, KCHT

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Đông