Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 562/TCT-PC
V/v xử lý vi phạm hành chính theo thông báo của KTNN

Hà Nội, ngày 28 tháng 2 năm 2022

 

Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng cục Thuế nhận được một số vướng mắc về việc xử lý vi phạm hành chính theo thông báo của Kiểm toán nhà nước. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Điều 21 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định:

“Điều 21. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước

1. Thực hiện kiểm toán hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đối với kiến nghị của Kiểm toán nhà nước liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế được quy định như sau:

a) Trường hợp Kiểm toán nhà nước trực tiếp kiểm toán người nộp thuế theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước có nội dung kiến nghị về nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước thì Kiểm toán nhà nước phải gửi biên bản hoặc báo cáo kiểm toán cho người nộp thuế và người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện kiến nghị theo báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị của Kiểm toán nhà nước thì người nộp thuế có quyền khiếu nại kiến nghị của Kiểm toán nhà nước;

b) Trường hợp Kiểm toán nhà nước không trực tiếp kiểm toán đối với người nộp thuế mà thực hiện kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế có nội dung kiến nghị nêu trong báo cáo kiểm toán liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì Kiểm toán nhà nước gửi bản trích sao có kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế để thực hiện. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế, Kiểm toán nhà nước xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp. Căn cứ đề nghị của người nộp thuế. Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật..”

- Điểm a Khoản 1 Điều 3, Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định:

“Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

“Điều 58. Lập biên bản vi phạm hành chính

1. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.

Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.

2. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.”

- Điều 36 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:

“Điều 36. Lập biên bản vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

1. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 32, 33, 34 Nghị định này hoặc người đang thi hành công vụ thuộc cơ quan hành chính nhà nước phát hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.

2. Lập biên bản vi phạm hành chính

a) Việc lập biên bản vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính….”

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật có nội dung kiến nghị về nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước và Kiểm toán nhà nước đã gửi biên bản hoặc báo cáo kiểm toán hoặc bản trích sao cho người nộp thuế, yêu cầu người nộp thuế thực hiện kiến nghị; đồng thời gửi cơ quan thuế yêu cầu cơ quan thuế tổ chức thực hiện kiến nghị thì cơ quan thuế căn cứ hồ sơ, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn của người nộp thuế thì thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính (nếu Kiểm toán nhà nước chưa lập) và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính của người nộp thuế theo đúng quy định pháp luật.

Trường hợp người nộp thuế khiếu nại nội dung kiến nghị của Kiểm toán nhà nước thì việc xử lý khiếu nại thực hiện theo pháp luật về giải quyết khiếu nại (đối với trường hợp Kiểm toán nhà nước kiểm toán trực tiếp người nộp thuế) hoặc theo điểm b Khoản 2 Điều 21 Luật Quản lý thuế năm 2019 nêu trên. Căn cứ vào kết quả xử lý khiếu nại, cơ quan thuế sẽ thực hiện điều chỉnh quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu cần thiết.

Tổng cục Thuế hướng dẫn để các Cục thuế được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC, Thanh tra - BTC;
- Vụ CS, Vụ KK, Cục TTKTT;
- Lưu: VT, PC(2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phi Vân Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 562/TCT-PC năm 2022 về xử lý vi phạm hành chính theo thông báo của Kiểm toán nhà nước do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 562/TCT-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/02/2022
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Phi Văn Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/02/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản