Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5322/BNN-KHCN
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Cần Thơ, do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo công văn số 3465/VPCP-QHĐP ngày 03 tháng 6 năm 2022, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị (Câu số 25)

Cử tri đề nghị quan tâm đầu tư công nghệ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nâng tầm vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Nông nghiệp và PTNT xin trả lời như sau:

1. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, là nơi sinh sống của trên 17 triệu đồng bào dân tộc anh em như Kinh, Khmer, Chăm... với sự đa dạng về văn hóa và sở hữu nền văn minh sông nước độc đáo. ĐBSCL là vùng kinh tế có vị trí địa chính trị - an ninh quốc phòng hết sức quan trọng; là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành. Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cơ sở hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, logistic phục vụ nông nghiệp còn thiếu và không đồng bộ; thị trường nông sản biến động khó lường với xu thế tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao; tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, suy giảm tài nguyên nước và vấn đề khai thác, sử dụng nước thượng nguồn... cũng là những trở ngại không nhỏ.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, như: Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 16/8/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị; Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; và Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 02/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,…;

Ngày 21/6/2022, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long: Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”. Hội nghị này và các hoạt động liên quan đã mang nhiều kỳ vọng, niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL; cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Đây là hội nghị triển khai quy hoạch phát triển vùng đầu tiên và dành được sự quan tâm lớn của cử tri cả nước.

2. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa số một của Việt Nam, đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; tạo công ăn việc làm cho khoảng 65% dân cư nông thôn của vùng. Để phát huy lợi thế đó, Bộ đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương quy hoạch các tiểu vùng sản xuất lúa hàng hóa gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các cánh đồng lớn để tạo vùng nguyên liệu hàng hóa chất lượng cao. Trong đó, lấy doanh nghiệp làm trung tâm để kết nối cung ứng đầu vào, quản trị sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất và bảo quản, chế biến lúa gạo, chú trọng logistic, đặc biệt là công trình thủy lợi và giao thông; đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản lúa gạo. Tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống lúa mới có năng suất, chất lượng và chống chịu tốt, phù hợp tới từng tiểu vùng sinh thái; đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật, công nghệ canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm; nghiên cứu giảm nhẹ ảnh hưởng biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, ngập úng và khô hạn tác động đến sản xuất lúa. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo huấn luyện nông dân để nâng cao tính chuyên nghiệp trong sản xuất lúa.

Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Giao thông vận tải và 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL làm việc với nhóm 6 ngân hàng phát triển gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB) thống nhất tài trợ khoảng 2,2 tỷ USD để triển khai 20 dự án liên kết vùng giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn chiếm tỷ trọng khá lớn. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang tập trung triển khai 4 lĩnh vực then chốt: (1) Xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; (2) Phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL; (3) Phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; (4) Nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách đầu tư, hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam thành nền nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả và bền vững. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL, nâng tầm vựa lúa quốc gia và khu vực.

Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và PTNT đối với kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ; trân trọng cám ơn cử tri thành phố Cần Thơ đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- TT. Lê Quốc Doanh;
- Ban Dân nguyện;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ QHĐP);
- VP Bộ (Phòng Tổng hợp);
- Lưu: VT,KHCN. (NTG, 8b)

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5322/BNN-KHCN năm 2022 về đầu tư công nghệ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nâng tầm vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 5322/BNN-KHCN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 12/08/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Minh Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/08/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản