Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5302/BNN-KHCN
V/v trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 11 tháng 08 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang, do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 487/BDN ngày 14 tháng 6 năm 2022, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị (Câu số 30)

Kiến nghị có giải pháp thiết thực, hiệu quả, đầu tư công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân theo Nghị quyết đại hội XIII của Đảng để phù hợp với giai đoạn phát triển của đất nước, khu vực và quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và PTNT xin trả lời như sau:

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu, đã và đang tạo ra động lực mới cho nền nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các Bộ, ngành liên quan đã có các giải pháp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong đó có công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp, cụ thể như:

- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022. Theo đó, ngoài các giải pháp: Tuyên truyền, giáo dục đổi mới tư duy; hoàn thiện quan hệ sản xuất; phát triển thị trường trong và ngoài nước; xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng; đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro; hội nhập và hợp tác quốc tế;… Chiến lược đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách đột phá, ưu tiên nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo;

- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên tạo thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kết hợp hài hòa các cơ chế ưu đãi (đất đai, miễn giảm thuế, phí,…) và hỗ trợ bằng tiền, phù hợp với nguyên tắc thị trường và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, trong đó có các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy mạnh mẽ hơn đối với doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp.

- Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều ưu đãi, trong đó: (i) doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm đến 70-80% giá trị phương án, dự án sản xuất kinh doanh; (ii) được hưởng cơ chế xử lý nợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ, xóa nợ trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, không trả được nợ vay ngân hàng.

- Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP với nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân như: (i) Bổ sung các doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được vay không có tài sản bảo đảm 70% giá trị dự án, phương án; (ii) Khách hàng được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại TCTD.

Ngoài ra Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiều chương trình, đề án nhằm thúc đẩy tái cơ cấu nền nông nghiệp Việt Nam hướng tới có hiệu quả và bền vững:

- Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 (Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020) với mục tiêu Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, trong đó có nhiệm vụ: xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao để chế biến sâu, tinh chế tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị cao mang thương hiệu Việt Nam;

- Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, trong đó có chương trình thành phần Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với mục tiêu Nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; hình thành, phát triển một số khu, vùng và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/2/2021 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 với mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, phát triển các sản phẩm quốc gia nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm quốc gia tại thị trường trong nước và quốc tế.

- Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 24/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030, mục tiêu phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp; nâng cao tiềm lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng và làm chủ công nghệ sinh học nông nghiệp hiện đại của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học nông nghiệp ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chính sách đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đưa nền nông nghiệp Việt Nam thành nền nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả và bền vững.

Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang; trân trọng cám ơn cử tri tỉnh An Giang đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- Ban Dân nguyện;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ QHĐP);
- VP Bộ (Phòng Tổng hợp);
- Lưu: VT, KHCN.

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5302/BNN-KHCN năm 2022 giải pháp thiết thực, hiệu quả, đầu tư công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 5302/BNN-KHCN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/08/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Minh Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản