Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5230/BNN-CBTTNS
V/v trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ) nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 487/BDN, ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị (Câu số 41)

Cử tri phản ánh thực trạng vừa qua một số nông sản như xoài, thanh long, dưa hấu… không xuất khẩu được, ảnh hưởng thu nhập người nông dân. Cử tri đề nghị có giải pháp để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, thủy sản để đời sống người dân ngày càng ổn định và phát triển hơn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp từ năm 2020 đến nay, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông lâm thủy sản, làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, gây ùn ứ nông sản ở nhiều tỉnh thành, các cửa khẩu, một số nông sản không xuất khẩu được, làm ảnh hưởng thu nhập người nông dân. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp sản xuất, tiêu thụ nông sản, cụ thể:

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; hỗ trợ đầu tư đối với cơ sở bảo quản, chế biến nông sản; cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản theo hướng nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường;

- Xúc tiến tiêu thụ nông sản, triển khai đồng bộ các giải pháp: (i) Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương trong và ngoài nước bằng hình thức trực tiếp/trực tuyến, như thành lập Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 nhằm kết nối thông tin sản xuất với tiêu thụ nông lâm thủy sản theo từng chủ đề, ngành hàng, sản phẩm OCOP từng vùng miền; các Tổ công tác đặc biệt phía Bắc và phía Nam phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, hỗ trợ tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến nay, Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn trực tiếp/trực tuyến toàn quốc, các hội chợ, tuần hàng nông sản địa phương tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; thúc đẩy liên kết 6 nhà, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản; (ii) Chủ động đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu; phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản; phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh về yêu cầu của thị trường xuất khẩu;

- Triển khai Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến 2030(1), Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030(2), Đề án Phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021- 2030(3);

- Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp định hướng sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương, Tham tán Việt Nam tại nước ngoài xây dựng mạng lưới thông tin và cung cấp qua nhiều kênh: (i) Bản tin Thông tin thị trường nông sản (hàng tháng), cập nhật và dự báo về giá cả, sản lượng, nhu cầu thị trường, khuyến cáo của các cơ quan chức năng, gửi tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. (ii) Qua truyền thông: Bộ đã ký kết Chương trình phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Kênh Truyền hình VTC16 và Truyền hình Quốc hội. (iii) các trang thông tin điện tử của Bộ và các đơn vị trực thuộc; (iv) Các hội nghị, diễn đàn để kịp thời thông tin quy định của thị trường nhập khẩu tới người sản xuất kinh doanh nông sản. Hiện nay, Bộ đang xây dựng Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường;

Để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông lâm thủy sản ở giai đoạn bình thường mới, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo yêu cầu vừa tăng cường sản xuất, lưu thông nông lâm thủy sản vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, Bộ tiếp tục cụ thể hóa các giải pháp, nhiệm vụ:

- Chủ động nắm bắt tình hình và cung cấp thông tin định kỳ/đột xuất cho Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, Tổ Điều hành Thị trường trong nước, Tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa để thông tin, dự báo, khuyến cáo về sản xuất và thị trường các mặt hàng nông sản, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, cập nhật các yêu cầu của thị trường nhập khẩu để các doanh nghiệp trong nước chủ động nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của thị trường.

- Hướng dẫn địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản, luân canh, rải vụ phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch bệnh và tín hiệu của thị trường, vừa cung ứng đủ lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu;

- Chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức triển khai, giám sát, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 trục sản phẩm: sản phẩm chủ lực quốc gia, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, cân đối sức tiêu thụ tại các vùng miền trong cả nước và xuất khẩu.

- Chủ động kiểm tra, kiểm soát chất lượng và giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất: (i) chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trong hoạt động kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; chỉ đạo các cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp; (ii) Phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá nguyên liệu và giá thành sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung, ổn định giá cả, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân yên tâm phục hồi sản xuất;

- Giám sát chặt chẽ nguồn cung, giá bán nông sản, minh bạch thông tin thị trường. Triển khai “Hệ thống cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản” trên phạm vi cả nước để làm công cụ theo dõi sản lượng cung cầu nông sản, qua đó đưa ra các kịch bản tiêu thụ, giải pháp để điều tiết cung cầu đối với từng nhóm hàng và từng khu vực trong các tình huống;

- Tăng cường hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, đa dạng các kênh tiêu thụ, đẩy mạnh thương mại điện tử, hạn chế khâu trung gian: (i) Phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương tăng cường tổ chức kết nối, giới thiệu doanh nghiệp liên kết hợp đồng tiêu thụ, bảo quản, chế biến nông sản, đặc biệt là các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, có sản lượng lớn, thu hoạch tập trung; (ii) Phối hợp các chuỗi phân phối trong nước, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh quảng bá trực tuyến tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương;

- Tích cực tháo gỡ rào cản kỹ thuật, đàm phán mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu mới vào các thị trường. Tập trung vào các hoạt động tháo gỡ rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch nông sản thực phẩm vào các thị trường lớn và tiềm năng, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Thái Lan, Úc, New-Zealand...;

Bên cạnh các giải pháp của Chính phủ và các Bộ, ngành, Bộ đề nghị UBND các tỉnh: (i) Cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển Nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn (ii) Có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh; tổ chức sản xuất, chế biến theo tín hiệu

và nhu cầu thị trường (iii) Ưu tiên xây dựng các mô hình thí điểm liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, kinh doanh sản phẩm đối với các sản phẩm nông sản chủ lực; (iv) Tổ chức kết nối nông dân sản xuất với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu; chủ động tăng cường tiêu thụ nội địa.

Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và PTNT đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh; trân trọng cảm ơn cử tri Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- Thứ trưởng Trần Thanh Nam;
- Ban Dân nguyện;
- VP Chính phủ (Vụ QHĐP);
- VP Bộ (Phòng Tổng hợp);
- Lưu VT, CBTTNS.

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan

 



(1) Quyết định 174/QĐ-TTg ngày 05/02/2021;

(2) Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 22/3/2021;

(3) Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/2021.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5230/BNN-CBTTNS năm 2022 về giải pháp hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 5230/BNN-CBTTNS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/08/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Minh Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/08/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản