Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5132/TCT-CS | Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2010 |
Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 153/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nhận được công văn của các Cục thuế và doanh nghiệp nêu một số vướng mắc về hoá đơn. Trên cơ sở quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP (Nghị định 51) và Thông tư số 153/2010/TT-BTC (Thông tư 153), Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Câu hỏi 1:
Doanh nghiệp đã đặt in hóa đơn theo mẫu hóa đơn tham khảo ban hành kèm theo Phụ lục của Thông tư 153 trước khi Bộ Tài chính ban hành Quyết định đính chính số 2905/QĐ-BTC ngày 9/11/2010 thì doanh nghiệp có được tiếp tục sử dụng số hóa đơn đã đặt in không hay phải hủy?
Trả lời:
Trường hợp doanh nghiệp đã đặt in hóa đơn theo mẫu hóa đơn tham khảo ban hành kèm theo Phụ lục của Thông tư số 153/2010/TT-BTC trước khi Bộ Tài chính ban hành Quyết định đính chính số 2905/QĐ-BTC ngày 9/11/2010 thì Cục thuế hướng dẫn doanh nghiệp được sử dụng cho đến hết số hóa đơn đã đặt in.
Đối với lần in hóa đơn tiếp theo, Cục thuế hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo mẫu hóa đơn tham khảo đã được đính chính.
Câu hỏi 2:
Doanh nghiệp đã tự in (đặt in) hóa đơn trước và trong năm 2010 nhưng đến ngày 31/12/2010 chưa sử dụng hết thì đăng ký tiếp tục sử dụng thế nào?
Trả lời:
Căn cứ hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 33 Thông tư 153, điểm 5 công văn số 15364/BTC-TCT ngày 12/11/2010 của Bộ Tài chính:
- Đối với những hóa đơn do doanh nghiệp đã tự in (đặt in) trước và trong năm 2010 và doanh nghiệp có có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì doanh nghiệp đăng ký hoá đơn tiếp tục sử dụng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/03/2011. Thời hạn gửi đăng ký chậm nhất là ngày 20/01/2011.
- Riêng đối với hóa đơn doanh nghiệp đã tự in (đặt in) trong năm 2010 với số lượng lớn, đến hết ngày 31/3/2011 doanh nghiệp vẫn chưa sử dụng hết hóa đơn đã tự in (đặt in) và doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì đề nghị Cục thuế rà soát trong Quý I/2011, nếu mẫu hóa đơn doanh nghiệp đã tự in (đặt in) trong năm 2010 vẫn đủ các tiêu thức bắt buộc như (tên loại hóa đơn; số thứ tự; tên, địa chỉ, mã số thuế người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế người mua; tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ thành tiền ghi bằng số và bằng chữ; người mua, người bán ký và ghi rõ họ tên, dấu người bán (nếu có) và ngày, tháng, năm lập hóa đơn; tên tổ chức nhận in hóa đơn) theo quy định tại Thông tư 153 thì Cục thuế đề nghị doanh nghiệp thực hiện Thông báo phát hành hóa đơn theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 153/2010/TT-BTC để tiếp tục sử dụng.
Câu hỏi 3:
Doanh nghiệp đã đặt in hóa đơn theo Thông tư 153/2010 để sử dụng, trên hóa đơn có in sẵn tên, địa chỉ nhưng sau đó doanh nghiệp thay đổi địa chỉ mới hoặc hóa đơn có in sẵn địa chỉ bị sai thì doanh nghiệp có phải hủy hóa đơn không?
Trả lời:
Tại khoản 2 Điều 8, Khoản 2 Điều 9 Thông tư 153 quy định:
Khoản 2 Điều 8:
“…Tổ chức, hộ và cá nhân kinh doanh đặt in hoá đơn phải in sẵn tên, mã số thuế vào tiêu thức “tên, mã số thuế người bán” trên tờ hoá đơn.
Đối với các số hoá đơn đã đặt in nhưng chưa sử dụng hết có in sẵn địa chỉ trên tờ hoá đơn, khi có sự thay đổi địa chỉ, nếu tổ chức, hộ và cá nhân kinh doanh vẫn có nhu cầu sử dụng hoá đơn đã đặt in thì thực hiện đóng dấu địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng…”
Khoản 2 Điều 9:
“…Trường hợp có sự thay đổi địa chỉ kinh doanh, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh phải gửi thông báo phát hành hoá đơn cho cơ quan thuế nơi chuyển đến, trong đó nêu rõ số hoá đơn đã phát hành chưa sử dụng, sẽ tiếp tục sử dụng…”
Căn cứ hướng dẫn trên:
Trường hợp doanh nghiệp đã đặt in hóa đơn có in sẵn tên, địa chỉ sau đó doanh nghiệp chuyển đến địa chỉ mới hoặc hóa đơn có in sẵn địa chỉ bị sai sót và doanh nghiệp vẫn có nhu cầu sử dụng hóa đơn đã đặt in thì doanh nghiệp thực hiện đóng dấu địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức địa chỉ đã in sẵn hoặc địa chỉ in sai sót để tiếp tục sử dụng. Khi thay đổi địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp phải gửi thông báo phát hành hoá đơn cho cơ quan thuế nơi chuyển đến, trong đó nêu rõ số hoá đơn đã phát hành chưa sử dụng, sẽ tiếp tục sử dụng.
Câu hỏi 4:
Đơn vị kinh doanh vận tải hành khác đã tự in vé xe theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 86/2007/TTLT/BTC-BGTVT ngày 18/7/2007 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải thì có được tiếp tục sử dụng số vé xe đã in không?
Trả lời:
Tại Điều 7 Thông tư số 191/2010/TT-BTC ngày 01/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng hóa đơn vận tải hành khách bằng ô tô:
“3. Đối với các loại tem, vé, thẻ theo mẫu quy định tại Thông tư liên tịch số 86/2007/TTLT/BTC-BGTVT ngày 18/7/2007 của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải và Thông tư số 120/2002/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 89/2002/NĐ-CP đã được đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tự in theo đúng quy định của pháp luật từ trước năm 2011 nhưng đến hết ngày 31/3/2011 đơn vị vẫn chưa sử dụng hết nếu đáp ứng đủ các tiêu thức bắt buộc (trừ tiêu thức ký hiệu mẫu số của tem, vé, thẻ) theo quy định tại Thông tư này thì đơn vị thực hiện thông báo phát hành hoá đơn theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 153/2010/TT-BTC để tiếp tục sử dụng. Khi sử dụng hết số tem, vé, thẻ đã khai báo, đơn vị kinh doanh vận tải phải tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn vận tải hành khách bằng xe ôtô theo quy định tại Thông tư này.”
Căn cứ hướng dẫn trên, đề nghị các Cục thuế hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô thực hiện.
Câu hỏi 5:
Đối với hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng thì các loại chứng từ như Phiếu thu tiền, Phiếu chi tiền, Phiếu trả thưởng… của các doanh nghiệp đang thực hiện theo Quyết định số 91/2005/QĐ-BTC, Quyết định số 84/2007/QĐ-BTC ngày 17/10/2007. Năm 2011 các doanh nghiệp trên thực hiện in và thông báo phát hành sử dụng như thế nào?
Trả lời:
Thông tư 153 hướng dẫn về việc in, phát hành và sử dụng hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Vì vậy, kể từ 01/01/2011, các loại chứng từ của hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng như: “Phiếu thu tiền”, “Phiếu chi tiền”, “Phiếu trả thưởng”… của các doanh nghiệp nếu được xác định là hóa đơn thì doanh nghiệp phải thực hiện in, phát hành và sử dụng theo đúng quy định tại Thông tư 153.
Câu hỏi 6:
Các mẫu hóa đơn tại Phụ lục 5 - Mẫu hóa đơn, bảng biểu tham khảo ban hành kèm theo Thông tư 153 là mẫu tham khảo hay bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện theo?
Trả lời:
Các mẫu hóa đơn tại Phụ lục 5 - Mẫu hóa đơn, bảng biểu tham khảo - ban hành kèm theo Thông tư 153 là các Mẫu tham khảo không mang tính chất bắt buộc (cụ thể: 5.1. Mẫu tham khảo Hóa đơn Giá trị gia tăng; 5.2. Mẫu tham khảo Hóa đơn bán hàng; 5.3. Mẫu tham khảo Hóa đơn bán hàng dùng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; 5.4. Mẫu tham khảo Hóa đơn xuất khẩu). Vì vậy các doanh nghiệp không nhất thiết phải in hóa đơn đúng các mẫu nêu trên mà chỉ cần đảm bảo các nội dung bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 153 của Bộ Tài chính thì được chấp nhận.
Câu hỏi 7:
Hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động kinh doanh thuộc đối tượng đặt in, tự in hóa đơn hay được mua hóa đơn của cơ quan thuế?
Trả lời:
Điểm a khoản 1 Điều 8 Thông tư 153/ hướng dẫn về đối tượng được tạo hóa đơn đặt in gồm:
“a) Tổ chức kinh doanh; hộ và cá nhân kinh doanh có mã số thuế (không bao gồm hộ, cá nhân nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp) được tạo hoá đơn đặt in để sử dụng cho các hoạt động bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.”
Tại điểm 3 công văn số 15364/BTC-TCT ngày 12/11/2010 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn: Hợp tác xã là tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưng không được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm mà được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã thì Hợp tác xã thuộc đối tượng được mua hóa đơn do cơ quan thuế đặt in. Tương tự, đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh thì đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng được mua hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.
Trường hợp các hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp thực hiện tự in (nếu đủ điều kiện) hoặc đặt in hoá đơn để sử dụng thì cần khuyến khích. Việc đặt in, tự in phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Câu hỏi 8:
Doanh nghiệp nhận in hóa đơn theo Thông tư 153 cho các doanh nghiệp khác trong những tháng cuối năm 2010 thì doanh nghiệp nhận in thực hiện nộp báo cáo sử dụng hóa đơn theo quy định tại Thông tư số 120/2002/TT-BTC hay theo quy định tại Thông tư 153?
Trả lời:
Điểm b Khoản 4 Điều 8 Thông tư 153 hướng dẫn trách nhiệm của tổ chức nhận in hóa đơn:
“- Lập báo cáo về việc nhận in hoá đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Nội dung báo cáo thể hiện: tên, mã số thuế, địa chỉ tổ chức, cá nhân đặt in; loại, ký hiệu hoá đơn, ký hiệu mẫu số hoá đơn, số lượng hoá đơn đã in (từ số … đến số) cho từng tổ chức, cá nhân (mẫu số 3.7 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này).
Báo cáo về việc nhận in hoá đơn được lập và gửi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một năm hai lần: lần 1 báo cáo in hoá đơn 6 tháng đầu năm chậm nhất là ngày 20 tháng 7, lần 2 báo cáo in hoá đơn 6 tháng cuối năm chậm nhất là ngày 20 tháng 1 năm sau.”
Khoản 4 Điều 33 Thông tư 153 hướng dẫn:
“4. Tổ chức, hộ, cá nhân có nhu cầu sử dụng hoá đơn ngay từ 01/01/2011 được thực hiện tạo hoá đơn tự in, hoá đơn đặt in và thông báo phát hành hoá đơn ngay từ năm 2010 theo hướng dẫn tại Thông tư này.”
Căn cứ hướng dẫn trên:
Trường hợp trong những tháng cuối năm 2010, doanh nghiệp nhận in hóa đơn thực hiện in hóa đơn của doanh nghiệp đặt in theo Thông tư 153 để sử dụng từ ngày 01/01/2011 thì doanh nghiệp nhận in hóa đơn lập báo cáo về việc nhận in hóa đơn theo Thông tư 153 gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong năm 2011 hai lần: lần 1 chậm nhất là ngày 20/7/2011, lần 2 chậm nhất là ngày 20/01/2012.
Câu hỏi 9:
Đơn vị ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thuộc đối tượng tạo hóa đơn sử dụng để thu tiền học thì mẫu hóa đơn không có tiêu thức bắt buộc như đơn vị tính, đơn giá, số lượng có phù hợp không? Các chỉ tiêu “người bán hàng” sửa thành “đơn vị thu tiền”, “họ, tên người mua hàng” sửa thành “họ, tên người nộp tiền”, “tên hàng hóa, dịch vụ” sửa thành “nội dung thu”, “người bán hàng (ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên) sửa thành “người thu tiền”..có được không? Trường hợp hóa đơn đã in có dòng tiền thuế, thuế suất thuế GTGT có phù hợp không?
Trả lời:
Điểm 13 Mục II Phần A Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hướng dẫn:
“13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.
Trường hợp các cơ sở dạy học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông có thu tiền ăn thì tiền ăn cũng thuộc đối tượng không chịu thuế.”
Điểm b Khoản 1 Điều 14 Thông tư 153 hướng dẫn: “b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá.
Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không được tẩy xóa, sửa chữa; phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống (nếu có).”
Căn cứ quy định trên: Đơn vị ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo có thu tiền học phí của học viên thì tiền học phí thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn giao cho học viên khi thu tiền học phí.
Do tiền học phí thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nên trên hóa đơn thu tiền học phí không nhất thiết phải có chỉ tiêu tiền thuế, thuế suất thuế GTGT, ngoài ra tiêu thức “họ tên người mua hàng” có thể chuyển thành “tên người nộp tiền”, tiêu thức “tên hàng hóa, dịch vụ” có thể chuyển thành “lý do nộp tiền”.
Trường hợp cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đã đặt in hóa đơn theo quy định tại Thông tư 153 để sử dụng thu tiền học phí, trên hóa đơn đã in ra có chỉ tiêu tiền thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT thì khi lập hóa đơn thu tiền học phí, cơ sở kinh doanh gạch bỏ dòng tiền thuế, thuế suất thuế GTGT.
Câu hỏi 10:
Tổ chức, cá nhân trong nội địa khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào khu phi thuế quan sử dụng hóa đơn xuất khẩu hay hóa đơn GTGT?
Trả lời:
Điểm k Khoản 1 Điều 4 Thông tư 153 hướng dẫn:
“…Tổ chức, cá nhân được sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thương mại.
Ví dụ: - Doanh nghiệp A là doanh nghiệp vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh nghiệp A sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng trong nước. Đối với hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài, doanh nghiệp A sử dụng hoá đơn xuất khẩu với các tiêu thức theo hướng dẫn trên.
- Doanh nghiệp B là doanh nghiệp vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động bán hàng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan. Doanh nghiệp B được sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng cho cả hai hoạt động trên.”
Căn cứ quy định trên, tổ chức, cá nhân trong nội địa khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào khu phi thuế quan sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng.
Câu hỏi 11:
Trước khi đặt in hóa đơn, doanh nghiệp có phải gửi mẫu hóa đơn để cơ quan thuế duyệt không? Trường hợp cơ quan thuế không duyệt mẫu thì hóa đơn có được Thông báo phát hành không?
Trả lời:
Nghị định 51 và Thông tư 153 không có quy định về việc doanh nghiệp trước khi in hóa đơn phải gửi mẫu hóa đơn đến cơ quan thuế để cơ quan thuế duyệt mẫu.
Căn cứ quy định về nội dung bắt buộc trên hóa đơn và mẫu hóa đơn tham khảo (mẫu tham khảo) tại Thông tư 153, doanh nghiệp tự xác định mẫu hóa đơn để đặt in, thực hiện ký hợp đồng với nhà in và trước khi sử dụng hóa đơn phải gửi Thông báo phát hành cho cơ quan thuế. Thông tư 153 không quy định cơ quan thuế phải duyệt mẫu.
Câu hỏi 12:
Trong năm 2010, một số doanh nghiệp đã tự in (đặt in) hoá đơn vừa dùng để bán hàng trong nước và dùng để xuất khẩu hàng ra nước ngoài. Theo quy định kể từ ngày 01/01/2011 xuất khẩu phải dùng hoá đơn xuất khẩu nhưng do lượng hoá đơn tự in (đặt in) của một số DN còn tồn với số lượng lớn, vậy doanh nghiệp có thể dùng chung một loại hoá đơn (còn tồn nói trên) cho cả hai hình thức bán hàng (trong nước và xuất khẩu) được không?
Trả lời:
Điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư 153 hướng dẫn: “c) Hoá đơn xuất khẩu là hoá đơn dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hoá, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu, hình thức và nội dung theo thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật về thương mại.”
Tại điểm k khoản 1 Điều 4 Thông tư 153 có nêu ví dụ:
“Ví dụ: - Doanh nghiệp A là doanh nghiệp vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh nghiệp A sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng trong nước. Đối với hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài, doanh nghiệp A sử dụng hoá đơn xuất khẩu với các tiêu thức theo hướng dẫn trên.
- Doanh nghiệp B là doanh nghiệp vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động bán hàng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan. Doanh nghiệp B được sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng cho cả hai hoạt động trên.”
Tại điểm 2 Điều 33 Thông tư 153 hướng dẫn về hoá đơn doanh nghiệp tự in chưa sử dụng hết: “Trường hợp tổ chức, hộ, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì đăng ký hoá đơn tiếp tục sử dụng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.12 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) để được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/03/2011. Thời hạn gửi đăng ký chậm nhất là ngày 20/01/2011.”
Căn cứ quy định tại Thông tư 153 nêu trên: Trường hợp trong năm 2010 doanh nghiệp đã tự in (đặt in) hoá đơn GTGT để sử dụng cho bán hàng trong nước và xuất khẩu còn tồn chưa sử dụng hết được tiếp tục sử dụng để bán hàng trong nước và xuất khẩu đến hết ngày 31/03/2011. Doanh nghiệp phải gửi đăng ký chậm nhất là ngày 20/01/2011.
Câu 13:
Hoá đơn mẫu gửi kèm thông báo phát hành gửi cơ quan Thuế là đầy đủ các liên hay chỉ gồm liên giao cho người mua hàng?
Trả lời:
Tại điểm 3, điểm 4 Điều 9 Thông tư 153 hướng dẫn:
“3. Hoá đơn mẫu là bản in thể hiện đúng, đủ các tiêu thức trên liên của hoá đơn giao cho người mua loại được phát hành, có số hoá đơn là một dãy các chữ số 0 và in hoặc đóng chữ “Mẫu” trên tờ hoá đơn”
4. Thông báo phát hành hóa đơn phải được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất năm (05) ngày trước khi tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh bắt đầu sử dụng hóa đơn và trong thời hạn mười (10) ngày, kể từ ngày ký thông báo phát hành. Thông báo phát hành hóa đơn gồm cả hoá đơn mẫu phải được niêm yết rõ ràng ngay tại các cơ sở sử dụng hóa đơn để bán hàng hóa, dịch vụ trong suốt thời gian sử dụng hóa đơn.”
Căn cứ hướng dẫn trên, hoá đơn mẫu gửi kèm thông báo phát hành gửi cơ quan Thuế và việc niêm yết thông báo phát hành hoá đơn và hoá đơn mẫu tại đơn vị sử dụng để bán hàng hoá, dịch vụ là liên giao cho người mua hàng.
Tổng cục Thuế hướng dẫn và trả lời để Cục Thuế các tỉnh, thành phố được biết, thực hiện và thông báo nội dung trả lời của Tổng cục Thuế đến từng doanh nghiệp để các doanh nghiệp biết./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1Quyết định 91/2005/QĐ-BTC về Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Luật Doanh nghiệp 2005
- 3Luật các Tổ chức tín dụng 1997
- 4Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000
- 5Thông tư 120/2002/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 89/2002/NĐ-CP về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hoá đơn do Bộ Tài Chính ban hành
- 6Luật Hợp tác xã 2003
- 7Thông tư liên tịch 86 /2007/TTLT/BTC-BGTVT hướng dẫn về mẫu vé xe khách; kê khai giá cước, niêm yết giá cước và kiểm tra thực hiện giá cước vận tải bằng ô tô do Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 8Quyết định 84/2007/QĐ-BTC về Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 9Thông tư 129/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định 123/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng do Bộ Tài chính ban hành
- 10Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ
- 11Thông tư 153/2010/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ do Bộ Tài chính ban hành
- 12Quyết định 2905/QĐ-BTC năm 2010 đính chính Thông tư 153/2010/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 13Công văn 15364/BTC-TCT hướng dẫn quá trình thực hiện Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Thông tư 153/2010/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành
- 14Thông tư 191/2010/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, sử dụng hoá đơn vận tải hành khách bằng xe ôtô do Bộ Tài chính ban hành
- 15Công văn 1228/GSQL-GQ2 năm 2013 vướng mắc về hóa đơn đối với loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ do Cục Giám sát quản lý về Hải quan ban hành
Công văn 5132/TCT-CS trả lời vướng mắc trong quá trình triển khai Thông tư 153/2010/TT-BTC về hóa đơn do Tổng cục Thuế ban hành
- Số hiệu: 5132/TCT-CS
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 15/12/2010
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Vũ Thị Mai
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra