Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5095/BTC-CST
V/v đề nghị được hưởng ưu đãi thuế đối với KCN Amata Biên Hòa

Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2017

 

Kính gửi: Tập đoàn Amata (Thái Lan)

Bộ Tài chính nhận được thư của Tổng giám đốc Tập đoàn Amata (Thái Lan) đồng gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị xem xét ưu đãi về thuế đối với Khu công nghiệp (KCN) Amata Biên Hòa. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về thuế nhập khẩu, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì KCN được thành lập theo quy định của Chính phủ thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Do đó, dự án đầu tư tại KCN được thành lập theo quy định của Chính phủ được hưởng các ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp như sau:

a) Về thuế nhập khẩu: mức ưu đãi thuế nhập khẩu được quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 (miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định).

b) Về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: được giảm 50% số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

2. Về tiền thuê đất

Điểm e khoản 2 Điều 16 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định: “Ưu đãi tiền thuê đất theo địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất quy định tại Mục 55 Phụ lục II Nghị định này không áp dụng đối với dự án đầu tư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh”.

Do đó, trường hợp KCN Amata Biên Hòa thuộc thành phố Biên Hòa, được nâng cấp lên thành khu đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai từ tháng 12/2015 thì dự án đầu tư tại KCN Amata Biên Hòa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ ngày có Quyết định nâng cấp thành phố Biên Hòa lên thành khu đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai không được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất.

Trường hợp dự án đầu tư tại KCN Amata thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì dự án được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định.

3. Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Khoản 8 Điều 1 Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 quy định: “...thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp trừ khu công nghiệp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi theo quy định của pháp luật được miễn thuế tối đa không quá hai năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá bốn năm tiếp theo”.

Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ) quy định:

“3. Miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định này và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN (trừ KCN nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi).

Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi quy định tại khoản này là các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh, không bao gồm các quận của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh mới được thành lập từ huyện kể từ ngày 01/01/2009; trường hợp khu công nghiệp nằm trên cả địa bàn thuận lợi và địa bàn không thuận lợi thì việc xác định ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp căn cứ vào vị trí thực tế của dự án đầu tư trên thực địa. Việc xác định đô thị loại đặc biệt, loại I quy định tại Khoản này thực hiện theo quy định của Chính phủ quy định về phân loại đô thị".

Như vậy, việc không có chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với KCN tại địa bàn thuận lợi (các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh) đã được quy định tại Luật thuế TNDN, thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Quy định nêu trên nhằm định hướng các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mà Nhà nước khuyến khích phát triển như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực bảo vệ môi trường, lĩnh vực xã hội hóa, nông nghiệp, nông thôn... hoặc đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để khuyến khích phát triển các địa bàn này, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền và phân bổ nguồn lực một cách hợp lý.

Khi nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào KCN đặt tại địa bàn thuận lợi thì sẽ phải cân nhắc, đánh đổi giữa các ưu đãi về thuế, về đất đai với sự thuận lợi về cơ sở hạ tầng, giao thông cả trong và ngoài KCN, đặc biệt là có sẵn hệ thống xử lý nước thải chung của KCN... Do đó, đầu tư trong KCN tại địa bàn thuận lợi tuy không được hưởng các ưu đãi về thuế TNDN, về đất đai nhưng nhà đầu tư lại tiết kiệm được nhiều khoản chi phí như chi phí làm đường giao thông, chi phí xử lý nước thải,...

Đứng trên góc độ quản lý Nhà nước thì hiện nay Nhà nước không khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất, các KCN đặt trong khu vực nội đô, đặc biệt là tại các khu đô thị loại đặc biệt, loại I vì áp lực về gia tăng dân số tại các đô thị này kéo theo một loạt các hệ quả về tắc nghẽn giao thông, giải quyết việc làm và nhà ở, an sinh xã hội,… đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường.

Cân nhắc tất cả các vấn đề nêu trên nên tại Luật thuế TNDN mới quy định dự án đầu tư tại KCN đặt tại địa bàn thuận lợi không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

Mặc dù dự án đầu tư tại KCN đặt tại địa bàn thuận lợi không được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện KCN nhưng nếu các dự án này đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định.

(Phụ lục lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN và mức ưu đãi thuế gửi kèm).

Ngoài ra, để thu hút đầu tư thì thời gian vừa qua, Việt Nam đã hạ mức thuế suất thuế TNDN từ 25% năm 2009 xuống còn 22% năm 2014 và từ 01/01/2016 là 20%, đây là mức thuế suất khá cạnh tranh so với các nước trong khu vực và thế giới. Mặt khác, trong những năm gần đây, chính sách thuế TNDN đã nới rộng nhiều khoản chi phí được đưa vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN; đây cũng là một hình thức giảm thuế gián tiếp mà Nhà nước dành cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng đã và đang nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.

Bộ Tài chính trả lời để Tập đoàn Amata (Thái Lan) được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo TTgCP);
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo);
- Bộ KH&ĐT;
- Các đơn vị trong Bộ: TCT, Vụ PC, Cục QLCS, Vụ Đầu tư;
- Lưu: VT, Vụ CST (TN).

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH THUẾ




Phạm Đình Thi

 

PHỤ LỤC

LĨNH VỰC ƯU ĐÃI THUẾ TNDN VÀ MỨC ƯU ĐÃI THUẾ
(kèm công văn số 5095/BTC-CST ngày 20 tháng 4 năm 2016)

1. Áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực sau:

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học.

- Lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm: sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải;

- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

+ Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao;

+ Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: Dệt - may; da - giầy; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc tương đương.

- Dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

+ Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6 nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10 nghìn tỷ đồng/năm chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu.

+ Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6 nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư và sử dụng trên 3.000 lao động chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu.

- Dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và dự án khai thác khoáng sản, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 (mười hai nghìn) tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và công nghệ, thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 5 năm kể từ ngày được phép đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

2. Áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sau:

- Phần thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.

Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa quy định tại khoản này do Thủ tướng Chính phủ quy định

- Thu nhập của doanh nghiệp từ: Trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; nuôi trồng lâm sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối, trừ sản xuất muối thuộc diện miễn thuế; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm, bao gồm cả đầu tư để trực tiếp bảo quản hoặc đầu tư để cho thuê bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm.

Riêng đối với lĩnh vực xã hội hóa, ngoài việc được áp dụng thuế suất 10%; nếu dự án đầu tư thuộc lĩnh vực xã hội hóa là dự án mới, đáp ứng danh mục, tiêu chí, tiêu chuẩn, quy mô cơ sở thực hiện xã hội hóa theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì còn miễn 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo nếu thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn và được miễn 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo nếu thực hiện tại các địa bàn khác.

3. Áp dụng thuế suất ưu đãi 15% trong suốt thời gian hoạt động đối với: thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

4. Áp dụng thuế suất ưu đãi 17% trong thời gian 10 năm (trước ngày 01/01/2016 mức thuế suất ưu đãi là 20%), miễn thuế TNDN 2 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực:

Sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; phát triển ngành nghề truyền thông (bao gồm xây dựng và phát triển các ngành nghề truyền thông về sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, các sản phẩm văn hóa)./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5095/BTC-CST năm 2017 đề nghị được hưởng ưu đãi thuế đối với Khu công nghiệp Amata Biên Hòa do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 5095/BTC-CST
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 20/04/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Đình Thi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/04/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản