Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 480/BKHCN-VP
V/v Trả lời kiến nghị của cử tri TP.Hồ Chí Minh.

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2023

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhận được Công văn số 176/VPCP-QHĐP ngày 10/01/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ KH&CN xin trả lời như sau:

Nội dung kiến nghị: Cử tri kiến nghị Chính phủ có kế hoạch áp dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý lĩnh vực y tế, giáo dục; thực hiện đấu thầu trực tuyến nhằm lựa chọn nhà cung cấp công khai, minh bạch, đánh giá hiệu quả kinh phí đầu tư”.

Trả lời:

1. Về việc có kế hoạch áp dụng KH&CN vào công tác quản lý lĩnh vực y tế, giáo dục:

Trong thời gian qua, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, triển khai kế hoạch áp dụng KH&CN vào công tác quản lý trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo và đạt được một số kết quả như sau:

Kết quả áp dụng KH&CN trong công tác quản lý lĩnh vực y tế:

Đã ứng dụng thành công một số công nghệ thông tin phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người dân[1]. Các nhà khoa học ngành Y tế đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khoẻ nhân dân và tiếp cận trình độ khoa học công nghệ của thế giới. Cụ thể:

- Trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cộng đồng - dân số: (i) Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất vắc-xin phòng bệnh ở người, đảm bảo sản xuất các loại vắc-xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng; làm chủ được các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các bệnh mới phát sinh; (ii) Nghiên cứu các giải pháp KH&CN y, dược với các giải pháp khác để phát triển và duy trì dân số với quy mô và cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng dân số nhất là tầm vóc, thể lực của con người Việt Nam.

- Trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị bệnh: Nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực y tế, tiếp cận trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới. Làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh, tật ở người như ghép tạng, can thiệp tim mạch, trị liệu tế bào, mổ nội soi, kỹ thuật sinh học phân tử, y học hạt nhân,...

- Trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thuốc và trang thiết bị y tế: Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu dược chất phục vụ công nghiệp bào chế thuốc, tăng dần tỷ lệ nguyên liệu dược chất trong nước, phát huy ưu thế, tiềm năng về dược liệu và thuốc y học cổ truyền. Quy hoạch một số vùng chuyên canh để sản xuất dược liệu. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu và sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước và thuốc y học cổ truyền; bước đầu làm chủ công nghệ chế tạo trang thiết bị y tế công nghệ cao.

- Trong lĩnh vực xây dựng tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, lĩnh vực nghiên cứu chính sách y tế như: Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các lĩnh vực dược, dược liệu, vắc xin sinh phẩm y tế, an toàn thực phẩm và môi trường y tế.

Bên cạnh đó, để tăng cường áp dụng KH&CN trong y tế, hiện nay, Bộ Y tế đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ trong bệnh viện; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn, các tài liệu chuyên môn về y tế điện tử nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý và thúc đẩy ứng dụng công nghệ ngành Y tế; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung gắn liền với mã định danh, làm nền tảng cho việc trao đổi thông tin, khả năng tích hợp giữa hệ thống trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để bệnh viện chủ động hoàn thiện hệ thống thông tin bệnh viện; triển khai bệnh án điện tử kết nối liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử...

Kết quả áp dụng KH&CN trong công tác quản lý lĩnh vực giáo dục và đào tạo:

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, KH&CN hiện đại trong công tác quản lý và triển khai các hoạt động giáo dục và đào tạo; huy động nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ cho giáo dục và đào tạo thực hiện chuyển đổi số. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục đại học đã kết nối internet tốc độ cao, 90% các trường sử dụng phần mềm quản lý, trong đó hầu hết là phần mềm quản lý theo mô hình trực tuyến. Triển khai xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của ngành giáo dục[2]; hiện đại hóa cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục[3].

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hoạt động đầu tư cho KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học,... nhiều chương trình/đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành triển khai một số chương trình/đề án như sau:

- Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, mã số KHGD/16-20[4]: Đã cung cấp luận cứ cho việc xây dựng, ban hành nhiều chính sách giáo dục, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giúp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo.

- Đề án “Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017- 2025” [5], với các mục tiêu như tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm các cơ sở giáo dục đạt mức tăng bình quân số lượng các công bố quốc tế 10%/năm, số lượng sáng chế và giải pháp hữu ích được bảo hộ tăng trung bình 8-10%/năm; thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, phấn đấu đến năm 2025 các cơ sở giáo dục được ưu tiên đầu tư có nguồn thu từ các hoạt động KH&CN, dịch vụ KH&CN đạt 10% so với tổng nguồn thu,...

- Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo”[6] với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: triển khai hệ thống thông tin quản lý toàn ngành giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông tích hợp, chia sẻ thông tin đối với các hệ thống thông tin từ trung ương đến địa phương; triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử và liên thông toàn ngành; hệ thống họp, hội thảo, tập huấn chuyên môn qua mạng; bổ sung, cập nhật các dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tuyển sinh đầu cấp học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học,...

Một số nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới

Trong thời gian tới, nhằm áp dụng hiệu quả KH&CN vào công tác quản lý ngành y tế, giáo dục và đào tạo/thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, định hướng ứng dụng thành tựu KH&CN vào công tác quản lý y tế, giáo dục và đào tạo; đặc biệt là các hoạt động nghiên cứu thuộc các Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể:

- Chương trình “Nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030”[7] với mục tiêu: (i) Nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin sử dụng cho người; nâng cao trình độ, năng lực của các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh mới phát sinh; (ii) Phấn đấu 100% vắc xin trong nước đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cho Chương trình tiêm chủng mở rộng và một số vắc xin khác; từng bước đưa vắc xin Việt Nam tham gia thị trường quốc tế;...

- Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm, sóc sức khỏe”, Mã số KC.10/21-30[8] với mục tiêu: (i) ứng dụng và phát triển được các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực y tế, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao, một số lĩnh vực đạt trình độ các nước tiên tiến trên thế giới; (ii) làm chủ được công nghệ tiên tiến, phát triển một số sản phẩm hỗ trợ chuẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe có chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu cùng loại của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

- Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học”, Mã số KC.12/21-30[9], với mục tiêu nghiên cứu tích hợp công nghệ sinh học, tin sinh học, nano sinh học,../trong ứng dụng sản xuất vắc -xin,...

- Chương trình “Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ công nghiệp hóa dược và dược phẩm”, mã số KC.11/21-30[10], với mục tiêu ứng dụng và phát triển được các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong công nghiệp hóa dược và dược phẩm để nâng cao khả năng tự chủ sản xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam,...

- Tiếp tục khảo sát đánh giá, lựa chọn nhóm nghiên cứu và hướng nghiên cứu công nghệ để tiến hành đặt hàng các nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ nhằm hướng tới thực hiện các mục tiêu tại Đề án “Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017-2025”.

2. Về “thực hiện đấu thầu trực tuyến nhằm lựa chọn nhà cung cấp công khai, minh bạch, đánh giá hiệu quả kinh phí đầu tư”.

Việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp trong các lĩnh vực (trong đó có lĩnh vực giáo dục, y tế) được thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu và Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trình tự, thủ tục quy định về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu qua mạng và lộ trình áp dụng đã được quy định cụ thể, chi tiết tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu.

Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ KH&CN đối với ý kiến của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ KH&CN xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của cử tri và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp phát triển KH&CN nước nhà trong thời gian tới./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để biết);
- Ban dân nguyện (để biết);
- Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT;
- Các Vụ: CNN, XNT, KHTC;
- Lưu: VT, VP.

BỘ TRƯỞNG




Huỳnh Thành Đạt

 



[1] (i) Ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện được đẩy mạnh, 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; có hơn 40 bệnh viện và 01 phòng khám đa triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim, hệ thống PACS cloud; ứng dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng rô-bốt trong y tế, ứng dụng hỗ trợ ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện, cảnh báo tương tác thuốc; hỗ trợ tư vấn - Chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện; (ii) triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Cho tới nay đã có 99.5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đa kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; (iii) Xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; (iv) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế cơ sở, xây dựng phần mềm quản lý Trạm Y tế xa thống nhất; hình thành nền tảng quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở và tổ chức triển khai hệ thống thống kê y tế điện tử trên toàn quốc,..

[2] Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ GDĐT được triển khai (trong đó: 03 dịch vụ ở mức độ 3, 48 dịch vụ ở mức độ 4); đã được kết nối với cổng Dịch vụ công quốc gia và cung cấp 12 dịch vụ công trực tuyến. Hơn 300 trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã triển khai e-office kết nối với Bộ GDĐT; hội nghị truyền hình kết nối giữa Bộ GDĐT với hơn 300 điểm cầu từ các cơ sở giáo dục đại học được triển khai thường xuyên hiệu quả.

[3] Cổng thông tin tuyển sinh phục vụ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, từ năm 2016, đã công khai đề án tuyển sinh của 100% cơ sở đào tạo đại học, cho phép thí sinh đăng ký dự thi và nguyện vọng xét vào đại học đều được thực hiện qua mạng, mang lại sự thuận tiện cho thí sinh và cơ sở đào tạo trong công tác xét tuyển. Năm 2022, Bộ GDĐT đã hoàn thành triển khai, cung cấp và tích hợp dịch vụ công mức độ 4 về “Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông” và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến nay, Hệ thống dịch vụ công đã tiếp nhận hồ sơ của hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, trong đó số học sinh đăng ký trực tuyến đạt hơn 93%; 620.476 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển, số lượng nguyện vọng trung bình trên mỗi thí sinh là 5,06.

[4] Quyết định số 888/QĐ-BKHCN ngày 04/5/2015.

[5] Quyết định số 2469/QĐ-TTg ngày 16/12/2016.

[6] Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/1/2017.

[7] Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 01/10/2021

[8] Quyết định số 1254/QĐ-BKHCN ngày 14/7/2022.

[9] Quyết định số 1253/QĐ-BKHCN ngày 14/7/2022

[10] Quyết định số 1255/QĐ-BKHCN ngày 14/7/2022