Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4612/BTC-TCHQ | Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2022 |
Kính gửi: Bộ Giao thông vận tải.
Bộ Tài chính nhận được một số nội dung kiến nghị của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam và một số doanh nghiệp Đài Loan sử dụng hình thức vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường sắt. Theo đó, các kiến nghị liên quan đến việc nâng cao năng lực khai thác, vận hành xếp dỡ hàng hóa tại bãi ga Yên Viên và đề xuất mở thêm điểm khai thác hàng xuất khẩu, nhập khẩu tại các ga thuộc tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang để giảm tải cho Ga liên vận quốc tế Yên Viên, thành phố Hà Nội và cho phép thực hiện khai báo hải quan trực tiếp tại ga Kép, tỉnh Bắc Giang, ga Phủ Lý, tỉnh Hà Nam và ga Hải Phòng, thành phố Hải Phòng.
Nhằm giải quyết các vướng mắc đề xuất của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Hải quan tổ chức làm việc với các cơ quan chức năng ngành đường sắt gồm Cục đường sắt Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty đường sắt Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp để làm rõ các nội dung kiến nghị, thảo luận về các giải pháp nhằm nâng cao năng lực hiệu quả khai thác của ngành đường sắt; cũng như tiến hành khảo sát thực tế tại ga Kép và ga Sen Hồ tỉnh Bắc Giang, nghiên cứu khả năng bố trí sắp xếp lực lượng hải quan tại các ga này nếu được nâng cấp thành ga liên vận quốc tế.
Nhằm nâng cao hiệu quả khai thác việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường sắt, Bộ Tài chính xin trao đổi và kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải nội dung sau:
1. Về thực trạng, năng lực trong việc xếp dỡ, vận tải hàng hóa tại các ga liên vận quốc tế:
Theo báo cáo của Tổng công ty đường sắt Việt Nam thì:
1.1. Tại ga liên vận quốc tế Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn:
- Hệ thống các đường xếp dỡ, kho bãi hàng và trang thiết bị phục vụ xếp dỡ ở ga hạn chế (5.500 m2 bãi, 1.300 m2 kho), năng lực đón gửi tàu 15,6 đôi/ngày đêm chung cho cả hai khổ đường, năng lực xếp dỡ 72 xe khổ đường 1000 mm hoặc 62 xe khổ đường 1.435 mm.
Do năng lực xếp dỡ hạn chế nên hầu hết hàng hóa liên vận quốc tế đến ga làm thủ tục sau đó trung chuyển về ga liên vận quốc tế Yên Viên để thực hiện khai báo, thông quan hoặc về các ga nội địa khác để tổ chức xếp dỡ.
1.2. Tại ga liên vận quốc tế Yên Viên, thành phố Hà Nội:
- Là ga đầu mối hàng hóa quan trọng, ga Yên Viên hiện nay đảm nhận việc dồn lập tàu, tổ chức xếp dỡ 4 đôi/ngày (tương đương 200 toa xe) tàu hàng chuyên tuyến chở công-ten-nơ. Năng lực đáp ứng tổ chức xếp dỡ hàng liên vận quốc tế 92 toa xe/ngày.
- Năng lực đón gửi tàu tối đa tính 25,2 đôi/ngày đêm. Trong đó, chỉ có 04 đường để đón gửi tàu khổ đường 1.435mm (02 đường chính tuyến, 02 đường tập kết toa xe để giải thể, lập tàu với sức chứa là 60 toa) tối đa đón gửi được 02 đôi tàu/ngày đêm khổ 1.435mm giải thể và lập tàu tại ga.
1.3. Tại ga liên vận quốc tế Lào Cai, tỉnh Lào Cai:
- Ga có 07 đường phục vụ xếp dỡ, chuyển tải hàng hóa; kết nối 01 đường nhánh chuyên dùng xếp dỡ xăng dầu, 01 đường nhánh kết nối ICD Vinaliner Logicstics; 13.029m2 bãi, 1.250m2 kho. Năng lực xếp dỡ 200 toa xe/ngày đêm, không tính khối lượng 40 xe xăng dầu trong khu vực đường nhánh dùng riêng.
- Năng lực hiện nay của ga đáp ứng được việc lập, đón gửi 08 đôi tàu hàng liên vận quốc tế (theo thỏa thuận tại Nghị định thư Hội nghị đường sắt biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 43).
- Năng lực đón gửi tàu 18,1 đôi/ngày đêm.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan thì kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường sắt liên vận quốc tế xu hướng ngày càng tăng. Số liệu về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vận chuyển qua đường sắt trong giai đoạn 2017 đến đầu năm 2022 cụ thể như sau:
Năm | Xuất khẩu theo PTVC đường sắt | Nhập khẩu theo PTVC đường sắt | ||||
Trị giá (USD) | Tốc độ tăng/ giảm (%) | Tỷ trọng của đường sắt trên tổng trị giá xuất khẩu (%) | Trị giá (USD) | Tốc độ tăng/ giảm (%) | Tỷ trọng của đường sắt trên tổng trị giá nhập khẩu (%) | |
2017 | 62.793.851 |
| 0,03 | 216.848.839 |
| 0,10 |
2018 | 362.607.906 | 477,5 | 0,15 | 236.609.827 | 9,1 | 0,10 |
2019 | 585.747.539 | 61,5 | 0,22 | 172.028.498 | -27,3 | 0,07 |
2020 | 630.675.662 | 7,7 | 0,22 | 398.271.165 | 131,5 | 0,15 |
2021 | 554.003.984 | -12,2 | 0,16 | 618.536.866 | 55,3 | 0,19 |
Quý I/2022 | 273.560.198 | 101,2 | 0,31 | 337.128.486 | 189,0 | 0,38 |
2. Về công tác quản lý hải quan tại các ga liên vận quốc tế:
Hiện nay tại các ga liên vận quốc tế Đồng Đăng, Yên Viên, Lào Cai, cơ quan hải quan luôn bố trí lực lượng hải quan để đảm bảo thủ tục thông quan hàng hóa kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với tàu hỏa liên vận quốc tế được quy định cụ thể tại Điều 69 đến Điều 73 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
3. Xu hướng phát triển của vận tải hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế:
Từ đầu năm 2020 do tác động của dịch Covid-19, việc các nước áp dụng các biện pháp phòng chống dịch làm ảnh hưởng đến chuỗi cung toàn cầu, hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường bộ bị ách tắc, giá cước tăng cao. Đặc biệt do phía Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách “zero covid” với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 chặt chẽ dẫn đến việc lưu thông hàng hóa, phương tiện, con người qua khu vực biên giới phía Bắc gặp khó khăn. Hàng nghìn phương tiện vận tải chở hàng hóa xuất nhập khẩu bị ùn ứ, ách tắc tại các khu vực biên giới phía cả hai nước gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp.
Trước tình hình nêu trên, Chính phủ và các Bộ ngành đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy thông quan hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản. Tuy nhiên, các giải pháp đã triển khai chưa thực sự tháo gỡ được khó khăn. Từ sau Tết Nguyên đán 2022, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ biên giới phía Bắc liên tục sụt giảm, có 04 địa phương trên tuyến biên giới phía Bắc đang có hoạt động trao đổi hàng hóa với Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới, trong đó: 04/07 cửa khẩu quốc tế (Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn, Ga liên vận quốc tế Đồng Đăng - Lạng Sơn, Ga liên vận quốc tế Lào Cai, Cửa khẩu Quốc tế Kim Thành - Lào Cai); 02/06 cửa khẩu chính (Tà Lùng - Cao Bằng; Chi Ma - Lạng Sơn - từ ngày 15/3/2022 tạm thời dừng hoạt động do phía Trung Quốc triển khai cao điểm chống dịch) và 01/21 cửa khẩu phụ (Tân Thanh - Lạng Sơn).
Lượng hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu không ổn định, rất ít so với năng lực khai thác và thường rơi vào trạng thái bị động theo thông báo của cơ quan chức năng Trung Quốc mặc dù các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, triển khai vùng xanh, vùng đệm tại các cửa khẩu đã được các địa phương triển khai. Lượng hàng hóa thông quan cụ thể như sau:
Cửa khẩu | Lượng hàng xuất khẩu (xe) ngày 20/4/2022 | Lượng hàng nhập khẩu (xe) ngày 20/4/2022 | Lượng hàng chờ xuất tại cửa khẩu (xe) | Ghi chú |
Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị - Lạng Sơn | 33 (25 xe hoa quả) | 105 | 589 |
|
Cửa khẩu Quốc tế Ga đường sắt Đồng Đăng - Lạng Sơn | 32 toa | 53 toa |
|
|
Cửa khẩu song phương Chi Ma - Lạng Sơn | 0 | 0 | 02 | Tạm dừng hoạt động thông quan từ ngày 15/4/2022 |
Cửa khẩu phụ Tân Thanh - Lạng Sơn | 68 xe (66 xe hoa quả) | 37 | 868 |
|
Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái - Quảng Ninh | 0 | 0 | 393 | Không có hoạt động thông quan |
Cửa khẩu Quốc tế Kim Thành - Lào Cai | 21 |
| 34 |
|
Cửa khẩu Tà Lùng - Cao Bằng | 0 | 442 xe ô tô tự hành | 189 xe (mặt hàng: sắn, gỗ ván ép, xoài thái lát, hạt tiêu...) | Số liệu ngày 18/4/2022, dừng thông quan từ ngày 19/4/2022 |
Cửa khẩu Trà Lĩnh - Cao Bằng | 0 | 0 | 05 xe (Thủy sản đông lạnh, hạt điều) | Không có hoạt động thông quan |
Cửa khẩu Sóc Giang | 0 | 0 | 03 xe (hạt điều) | Không có hoạt động thông quan |
Trong khi đó, đường sắt có lợi thế vận chuyển luôn thông suốt, ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh, cước phí vận chuyển thấp hơn so với các loại hình vận chuyển khác. Vì vậy, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang lựa chọn hình thức vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế. Tuy nhiên, hạ tầng của đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam hiện nay đang không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu tăng lên của thị trường.
Theo số liệu tại công văn số 351/ĐS-QTCN ngày 17/02/2022 của Tổng công ty đường sắt Việt Nam gửi Bộ Giao thông vận tải thì nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế đang tăng cao trong thời gian qua trên cả hai chiều xuất và nhập qua cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hóa của các công ty vận tải qua cửa khẩu này đã lên đến 200.000 tấn/tháng trong tháng 01/2022, tuy nhiên do hạn chế về năng lực đường ga và kho bãi tại các ga liên vận quốc tế Đồng Đăng và Yên Viên chỉ vận chuyển được 80.000 tấn. Hiện nay mỗi ngày có khoảng 500-600 toa xe đang ách tắc tại ga Bằng Tường và dọc từ ga Nam Ninh đến ga biên giới Bằng Tường trên đường sắt Trung Quốc đợi tiếp nhận vận chuyển sang Việt Nam, dẫn đến tình trạng lưu thông hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam bị chậm.
4. Một số nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp:
Để nâng cao năng lực khai thác của ngành đường sắt Việt Nam đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, một số đề xuất kiến nghị đã được Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc và các doanh nghiệp đưa ra như sau:
- Tại ga liên vận quốc tế Yên Viên: đề xuất tăng cường đầu tư các thiết bị vận hành phục vụ việc khai thác vận hành hoạt động xếp dỡ hàng hóa như xe cẩu, xe gắp hàng, xe nâng tại ga Yên Viên, mở rộng công suất bãi của ga Yên Viên lên khoảng 500 công-ten-nơ để có thể đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa lớn nhất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc.
- Xem xét bổ sung hoạt động khai báo hải quan tại ga Kép Bắc Giang, ga Phủ Lý Hà Nam và ga Hải Phòng.
- Mở thêm địa điểm khai thác hàng nhập khẩu tại Bắc Ninh, Bắc Giang để giảm tải cho ga Yên Viên.
- Xem xét cho phép các đơn vị khác ngoài Tổng công ty đường sắt Việt Nam khai thác vận tải đường sắt để tăng tính cạnh tranh và tăng năng suất, hiệu quả phục vụ khách hàng.
5.1. Cơ sở pháp lý:
a) Về thẩm quyền quy hoạch phát triển giao thông đường sắt:
- Khoản 4 Điều 7 Luật đường sắt quy định: “4. Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt: a) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị đi qua địa giới hành chính từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến, ga đường sắt quốc gia trong đô thị loại III trở lên, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế; b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh trong đó có nội dung phát triển đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
- Điều 3 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến Luật quy hoạch bổ sung Điều 7a Luật đường sắt: “7. Quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch mạng lưới đường sắt, được lập cho tuyến đường sắt quốc gia, ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế.”...3. Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 4. Việc công bố công khai quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về đường sắt. 5. Chính phủ quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt.”
b) Về quản lý hải quan:
Quy định về bố trí lực lượng hải quan tại khu vực ga liên vận quốc tế quy định tại Điều 22 Luật Hải quan, được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan thì: “Căn cứ vào quy hoạch và công bố hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, mạng bưu chính công cộng cung ứng dịch vụ quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc tổ chức bộ máy và bố trí lực lượng làm thủ tục hải quan.
Như vậy, theo các quy định trên thì: Việc công bố ga liên vận quốc tế thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải; căn cứ vào quy hoạch và công bố ga đường sắt liên vận quốc tế, Bộ Tài chính quyết định việc tổ chức bộ máy và bố trí lực lượng làm thủ tục hải quan tại ga liên vận quốc tế.
5.2. Về chủ trương, định hướng phát triển ngành đường sắt:
Ngày 19/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1769/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế, tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, đường sắt kết nối quốc tế. Theo đó, ga Kép và ga Sen Hồ Bắc Giang thuộc tuyến đường sắt kết nối Hà Nội - Đồng Đăng là một trong những ga thuộc quy hoạch định hướng kết nối mạng lưới đường sắt với các đầu mối, phương thức vận tải khác, kết nối cảng cạn, trung tâm logistics (đầu mối kết nối cảng cạn Bắc Giang).
Tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 07/3/2022 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2022, nhằm sớm khắc phục những khó khăn thách thức, tranh thủ thời gian đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương: “nghiên cứu xây dựng phương án nâng cao năng lực, sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa”.
Tại Thông báo số 8/TB-VPCP ngày 10/01/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trong cuộc họp trực tuyến về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc chỉ đạo: yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tận dụng các phương thức vận tải khác như đường biển, đường sắt để xử lý ùn tắc tại cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Hiện tại, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã có công văn số 351/ĐS-QTCN ngày 17/02/2022 gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất về việc cho phép bổ sung ga Kép thành ga liên vận quốc tế và đã phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước khảo sát thực tế tại ga Kép để đề xuất cơ quan có thẩm quyền công bố ga Kép là ga liên vận quốc tế.
5.3. Kiến nghị của Bộ Tài chính:
Hiện nay, ngành hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) và trang bị điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân lực đầy đủ để đảm bảo thực hiện thủ tục hải quan thông quan hàng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường sắt được nhanh chóng thuận tiện, đảm bảo việc kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, năng lực vận chuyển, bốc xếp hàng hóa và cơ sở hạ tầng tại ga chưa đáp ứng được xu hướng tăng lên của vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt.
Bộ Tài chính nhận thấy cần đầu tư cơ sở hạ tầng ngành đường sắt để đủ năng lực đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang tăng lên của thị trường; tận dụng được lợi thế luôn thông suốt, ít bị tác động của dịch bệnh, góp phần giảm chi phí logistics, tăng lưu thông hàng hóa của hình thức vận tải bằng đường sắt liên vận quốc tế. Để đảm bảo phát triển hiệu quả việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu trên tuyến vận tải đường sắt, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, chỉ đạo cơ quan chuyên môn có liên quan thực hiện một số nội dung sau:
a) Nhanh chóng đầu tư đồng bộ trong việc nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng tại nhà ga, bến bãi tại ga liên vận quốc tế Đồng Đăng, ga liên vận quốc tế Lào Cai và ga liên vận quốc tế Yên Viên như: mở rộng khu vực bãi lưu giữ, xây dựng tường rào chắc chắn, trang bị hệ thống camera, barie, cân điện tử, nhà kho phục vụ kiểm hóa, lưu giữ hàng hóa vi phạm, trang bị máy phát điện cho các chuyến tàu chở hàng.
b) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quy hoạch bổ sung ga Kép tỉnh Bắc Giang và các ga đủ điều kiện cơ sở hạ tầng để nâng lên thành ga liên vận quốc tế, đáp ứng nhu cầu tăng lên trong vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt, khai thác hiệu quả tối đa thế mạnh của ngành đường sắt.
c) Đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định tại Điều 5 Luật đường sắt: cho phép các đơn vị ngoài Tổng công ty đường sắt Việt Nam thực hiện việc khai thác vận tải đường sắt để tăng tính cạnh tranh và tăng năng suất, hiệu quả trong khai thác, vận tải đường sắt.
d) Thúc đẩy, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, trao đổi dữ liệu về hàng hóa, phương tiện vận tải giữa các ga đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam và Trung Quốc theo đề xuất được ghi nhận tại Nghị định thư Hội nghị đường sắt biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 43 ngày 28/11/2019; tiến tới đáp ứng cung cấp thông tin trước về hàng hóa, phương tiện và người xuất cảnh, nhập cảnh của hồ sơ chứng từ khai báo cho cơ quan hải quan, biên phòng, y tế và kiểm dịch bằng phương thức điện tử theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh.
Bộ Tài chính căn cứ quy hoạch, công bố ga đường sắt liên vận quốc tế và trên cơ sở năng lực, điều kiện cơ sở hạ tầng sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành có liên quan để tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu và nâng cao hiệu quả khai thác, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh tại các ga liên vận quốc tế theo quy định của pháp luật.
Trân trọng sự phối hợp của Quý Bộ./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Dự thảo Thông tư năm 2017 về Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
- 2Công văn 9845/BGTVT-KCHT năm 2021 về xây dựng định mức bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Công văn 1899/VPCP-CN năm 2022 về Đề án quản lý, sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 3540/VPCP-CN năm 2022 về phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Thông báo 236/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu quá tải qua cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Luật Hải quan 2014
- 2Nghị định 08/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
- 3Luật Đường sắt 2017
- 4Dự thảo Thông tư năm 2017 về Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành
- 5Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
- 6Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 7Công văn 9845/BGTVT-KCHT năm 2021 về xây dựng định mức bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 8Quyết định 1769/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Thông báo 8/TB-VPCP năm 2022 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 10Nghị quyết 25/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2022
- 11Công văn 1899/VPCP-CN năm 2022 về Đề án quản lý, sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 12Công văn 3540/VPCP-CN năm 2022 về phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 13Thông báo 236/TB-VPCP năm 2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu quá tải qua cửa khẩu quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị do Văn phòng Chính phủ ban hành
Công văn 4612/BTC-TCHQ năm 2022 về nâng cao năng lực, hiệu quả vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường sắt do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 4612/BTC-TCHQ
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 23/05/2022
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Vũ Thị Mai
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/05/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra