- 1Bộ luật hình sự 2015
- 2Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm
- 3Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
- 4Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
- 5Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
- 6Nghị định 13/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng
- 7Quyết định 1596/QĐ-BYT về Kế hoạch Tiêm chủng mở rộng năm 2024 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4564/BYT-VPB1 | Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2024 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định
Bộ Y tế nhận được Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định.
Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1. Cử tri kiến nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có quan đến việc mua bán, sản xuất các loại thực phẩm bẩn, độc hại để bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Trong thời gian vừa qua, hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm đã được triển khai từ Trung ương đến địa phương với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành chức năng. Nhờ đó, nhiều vụ vi phạm đã được kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo pháp luật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; giúp người dân có thêm thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm đã cơ bản hoàn thiện. Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn thực phẩm với nhiều cơ chế mới trong quản lý an toàn thực phẩm, ... phù hợp với thông lệ quốc tế. Chế tài xử lý vi phạm cũng đã được quy định đầy đủ, bao gồm các biện pháp xử lý hành chính và hình sự, nhằm đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật, cụ thể như sau:
- Về xử lý hành chính, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định hành vi cụ thể, rõ ràng, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, phạt nhiều hành vi đối với 01 cơ sở vi phạm, mức xử phạt tăng ở tất cả các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Các quy định, này nêu rõ hành vi vi phạm và các hình thức xử phạt như phạt tiền, đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép, buộc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm vi phạm[1].
- Về xử lý hình sự, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trình Quốc hội ban hành Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, trong đó có Điều 317 về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm[2]. Khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng[3].
2. Cử tri phản ánh và kiến nghị: Số ca mắc các bệnh sởi, sốt xuất huyết, ho gà đang gia tăng và có nguy cơ bùng phát trên cả nước. Do tình trạng thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng kéo dài từ năm 2022 đến nay dẫn đến nhiều trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Đề nghị Bộ Y tế cần có các biện pháp quyết liệt, hiệu quả để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trên cả nước; đồng thời nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin và giải quyết kịp thời tình trạng thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng hiện nay.
Trên thế giới, tình hình bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều loại bệnh truyền nhiễm đã có xu hướng gia tăng số mắc bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có bệnh sốt xuất huyết, sởi, ho gà. Tác động của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á là khu vực lưu hành cao sốt xuất huyết trong nhiều năm qua; cũng là quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều nên tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Để thực hiện phòng chống các bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn nhằm đảm bảo việc cung ứng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng chống dịch năm 2024, cùng các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh; thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh quốc tế và trong nước; chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, quản lý, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch và vận động tiêm chủng vắc xin đầy đủ. Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thanh phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như sau: (1) Chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; (2) Tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng chống dịch; (3) Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vắc xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai; (4) Đảm bảo tổ chức tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh; (5) Xây dựng các sản phẩm, thông điệp truyền thông về các biện pháp phòng bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của từng địa phương; Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, hệ thống truyền thông cơ sở và các đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh, đẩy mạnh truyền thống giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh theo mùa; (6) Tổ chức các hoạt động phòng chống dịch bệnh nhất là bệnh sốt xuất huyết tại hộ gia đình, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng. Triển khai phun hoá chất diệt muỗi tại những vùng có nguy cơ xảy dịch cao; (7) Tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ; thực hiện tốt truyền thông học đường về phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng bệnh và công tác y tế trường học để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; (8) Rà soát, đảm bảo sẵn sàng công tác hậu cần,thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh, tác nhân gây bệnh, các biện pháp, xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người mắc bệnh; (9) Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào khu vực có ghi nhận các ổ dịch, các địa phương chưa quản lý tốt đối tượng tiêm vắc xin phòng bệnh.
Để đảm bảo cung ứng đầy đủ vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2024/NĐ-CP ngày 05/2/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng; theo đó ngân sách Trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Bộ Y tế đã hướng dẫn, chỉ đạo các tỉnh/thành phố và tổng hợp nhu cầu vắc xin trên cả nước; hoàn thành thủ tục mua sắm 10 loại vắc xin sản xuất trong nước và chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận khoảng 21 triệu liều trên tổng số 25,5 triệu liều của 12 loại vắc xin sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng từ nguồn thu mua và viện trợ; phân bổ theo kế hoạch cho các địa phương. Ngày 10/6/2024, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1596/QĐ-BYT về Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024; căn cứ vào Kế hoạch này, các địa phương và đơn vị xây dựng và triển khai Kế hoạch tiêm chủng để đảm bảo việc cung ứng đầy đủ vắc xin, tránh tình trạng gián đoạn. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan để đảm bảo cung ứng đủ vắc xin, trang thiết bị và vật tư y tế, đồng thời chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai hoạt động tiêm chủng.
Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định để biết, thông tin tới cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./.
| BỘ TRƯỞNG |
[1] Bộ Y tế đã từng xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt cao nhất/1 vụ việc lên đến 11 tỷ đồng. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Đình chỉ hoạt động sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong thời hạn 11 tháng; Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong thời hạn 22 tháng đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm; Buộc thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc tiêu hủy thực phẩm vi phạm. Bộ Y tế cũng thường xuyên phối hợp với cơ quan công an trong xử lý vụ việc phát hiện sản phẩm chứa chất cấm, hàng giả, có dấu hiệu hình sự. Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã chuyển 16 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; vụ việc có dấu hiệu nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, sử dụng giấy tờ giả... đến cơ quan Công an để xác minh, xử lý.
[2] Quy định xử lý hình sự khi gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên, khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm cho tội danh này trong trường hợp chết 03 người trở lên hoặc gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
[3] Các vụ án liên quan đến an toàn thực phẩm như vụ “Than tre” ở Hải Phòng, “Cà phê pin” ở Đắk Nông, và ngộ độc tại Trường iSchool Nha Trang đã được xử lý hình sự.
- 1Công văn 4565/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
- 2Công văn 4573/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
- 3Công văn 4539/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hậu Giang trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
- 4Công văn 4538/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
- 5Công văn 4546/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kiên Giang trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
- 6Công văn 4547/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
- 7Công văn 4544/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
Công văn 4564/BYT-VPB1 năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 4564/BYT-VPB1
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 07/08/2024
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Đào Hồng Lan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/08/2024
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực