Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4562/LĐTBXH-HTQT
V/v đề nghị cung cấp/chia sẻ thông tin về vấn đề liên quan đến buôn bán người

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2015

 

Kính gửi: …..............……………………………..

Trong khuôn khổ Kế hoạch công tác 2012-2016 của Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC), Lào chủ trì thực hiện Rà soát khu vực về quy trình xác định và hỗ trợ các nạn nhân bị buôn bán trong khu vực.

Mục tiêu của việc thực hiện Rà soát này nhằm cung cấp một nguồn thông tin tổng hợp và đáng tin cậy trong ASEAN về luật pháp, chính sách cũng như các biện pháp giải quyết đối với vấn nạn buôn bán người hiện nay, trong đó chú trọng vào quy trình xác định, bảo vệ và trợ giúp các nạn nhân bị buôn bán. Ngoài ra, sau khi Chính phủ các nước thành viên ASEAN ký Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và phê chuẩn Kế hoạch hành động triển khai Công ước tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 sẽ diễn ra vào tháng 11 sắp tới, tài liệu Rà soát sẽ là một trong những công cụ, cơ sở quan trọng hỗ trợ các nước ASEAN triển khai thực hiện Công ước.

Để hoàn thiện bản Rà soát, các nước thành viên ASEAN sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp và cung cấp các thông tin quốc gia có liên quan.

Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán người thông qua các can thiệp trên cả 4 lĩnh vực: Hợp tác/chính sách, Truy tố xét xử, Bảo vệ hỗ trợ nạn nhân và Phòng ngừa. Việt Nam đã triển khai thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia phòng, chống buôn bán người và thông qua Luật Phòng, Chống Mua Bán Người. Việt Nam cũng đã tham gia các Hiệp định, một số công ước quốc tế, thỏa thuận song phương và khu vực về phòng, chống buôn bán người và đang thực hiện có trách nhiệm.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, buôn bán người nói chung và buôn bán phụ nữ, trẻ em nói riêng ngày càng gia tăng với mức độ tinh vi, nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thông tin chưa phản ánh đầy đủ các nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống buôn bán người. Do đó, việc cung cấp các thông tin đầu vào cho Rà soát nói trên sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam đưa ra những thông tin cụ thể hơn về vấn đề này.

Trên cơ sở các thông tin trên, với vai trò là Cơ quan tham gia ACWC chịu trách nhiệm tổng hợp và cung cấp các thông tin quốc gia cho Rà soát, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trân trọng gửi tới Quý Cơ quan một số Câu hỏi rà soát và đề nghị Quý Cơ quan hỗ trợ cung cấp các thông tin cụ thể có liên quan. (Câu hỏi xin gửi kèm theo).

Văn bản trả lời vui lòng gửi về Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chậm nhất vào sáng ngày 15/11/2015 để tổng hợp. Thông tin chi tiết xin liên hệ số điện thoại 04 3826 4222 (chị Nguyễn Ngọc Anh, di động: 0985 057 513, email: anh.nn@icd-molisa.gov.vn).

Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, HTQT (TH, ASEAN).

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ




Lê Kim Dung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4562/LĐTBXH-HTQT năm 2015 đề nghị cung cấp/chia sẻ thông tin về vấn đề liên quan đến buôn bán người do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 4562/LĐTBXH-HTQT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/11/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Lê Kim Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản