BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4539 TC/TTr-TCCB | Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2002 |
Kính gửi: Cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tổng cục thuế đã có nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan pháp luật để điều tra, xử lý các vụ vi phạm trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Tuy nhiên, cho đến nay số tiền hoàn thuế bị gian lận chưa được thu hồi còn khá lớn.
Có tình hình trên là do:
- Nhiều hồ sơ vi phạm chưa đến mức phải chuyển cho cơ quan pháp luật điều tra, khởi tố vụ án, nhưng đã làm thủ tục chuyển cho cơ quan Công an, Viện Kiểm sát làm cho số lượng các vụ có dấu hiệu vi phạm tăng lên quá nhiều, cơ quan pháp luật sau khi xem xét không thấy các chứng cứ vi phạm nên không tiến hành điều tra nhiều vụ. Một số vụ do không đủ lực lượng nên chưa tiến hành điều tra được.
- Chưa sử dụng đầy đủ quyền hạn của cơ quan Thuế đã được quy định tại các Luật thuế để thu hồi các khoản tiền thuế bị gian lận.
- Chưa thật chủ động phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với cơ quan Hải quan, cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án, Ngân hàng Nhà nước để điều tra xử lý vi phạm và thu hồi tiền thuế đã bị gian lận.
Để thực hiện tốt Chỉ thị số 19/2002/CT-TTg ngày 13/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý thu thuế GTGT, nhằm thu hồi đầy đủ, kịp thời các khoản tiền hoàn thuế đã bị một số doanh nghiệp gian lận nộp vào NSNN, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế yêu cầu Cục trưởng Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Tổ chức ngay đợt tổng kiểm tra để thu hồi lại số tiền hoàn thuế đã bị một số doanh nghiệp gian lận vào NSNN trước ngày 31/12/2002;
1. Mọi khoản tiền hoàn thuế đã bị gian lận dù đã chuyển hồ sơ sang cơ quan pháp luật hay đang do cơ quan Thuế theo dõi đều phải xác định rõ và thu hồi về cho NSNN.
2. Các Cục thuế phải rà soát ngay các trường hợp vi phạm về hoàn thuế GTGT đang do cơ quan Thuế theo dõi, quản lý mà chưa tổ chức thu hồi hoặc thu hồi chưa đủ số tiền hoàn thuế gian lận thì phải ra lệnh thu và có biện pháp thu hồi ngay đối với từng trường hợp cụ thể.
3. Đối với các hồ sơ vi phạm hoàn thuế đã chuyển cho cơ quan pháp luật khởi tố, điều tra thì:
a. Trường hợp đã được Toà án xét xử thì căn cứ vào kết luận của bản án, phối hợp với Toà án để thu hồi.
b. Trường hợp cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra thì cơ quan thuế phối hợp với cơ quan điều tra để thu hồi theo kết luận điều tra.
c. Trường hợp đang điều tra, cơ quan thuế cần chủ động làm việc với cơ quan Công an để nắm tiến độ và kết quả điều tra, cung cấp tài liệu và cử cán bộ Thuế tham gia (nếu cơ quan Công an yêu cầu). Trong quá trình điều tra nếu đã phát hiện vi phạm về thuế thì phối hợp với cơ quan Công an có biện pháp thu hồi ngay vào NSNN theo quy định của luật thuế, không nhất thiết phải chờ kết thúc điều tra.
d. Trường hợp cơ quan Công an chưa có điều kiện điều tra, hoặc chưa đến mức phải khởi tố điều tra vụ án thì bàn với cơ quan Công an phối hợp với cơ quan Thuế để kiểm tra, xử lý theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế. Nếu cơ quan Công an không có điều kiện phối hợp thì cơ quan Thuế tự tổ chức thanh tra, kiểm tra ngay và thu hồi khoản tiền thuế vi phạm (nếu có) vào NSNN.
4. Phương pháp tiến hành
Thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 342/TCT-TTr ngày 6/2/2001 của Tổng cục Thuế. Khi kiểm tra cần lưu ý các trường hợp sau đây:
a. Đối với trường hợp có dấu hiệu là xuất khẩu khống thì tập trung xác định hàng có thực xuất không? Nếu đã xác định là xuất khẩu khống (không xuất khẩu nhưng kê khai xuất khẩu để hưởng thuế suất 0% và xin hoàn thuế) thì áp dụng ngay biện pháp để thu hồi số tiền thuế đã hoàn, không cần phải kiểm tra đối chiếu đầu vào nữa.
- Trường hợp kê khai xuất khẩu hàng hoá cho một số doanh nghiệp của Trung Quốc mà phía Trung Quốc đã xác minh và trả lời là các doanh nghiệp trên không có thực thì áp dụng ngay biện pháp thu hồi đã chị đạo tại Công văn số 852/TCT-TTr ngày 22/2/2002 của Tổng cục Thuế.
- Các Cục thuế kiểm tra lại tất cả các bộ hồ sơ xuất khẩu có vi phạm về hoàn thuế GTGT, ghi rõ thời điểm, cửa khẩu xuất khẩu, tờ khai Hải quan và các tài liệu khác để gửi cho cơ quan Hải quan kiểm tra xác minh lại. Bộ Tài chính đã giao cho cơ quan Hải quan nhiệm vụ phối hợp kiểm tra và soát lại các bộ hồ sơ xuất khẩu có liên quan đến vi phạm hoàn thuế GTGT.
- Các trường hợp đề nghị cơ quan Hải quan xác minh đều gửi thêm một bộ hồ sơ cho Tổng cục Thuế để phối hợp với Tổng cục Hải quan chỉ đạo việc kiểm tra, xác minh.
b. Các trường hợp phải kiểm tra "đầu vào" thì căn cứ vào hồ sơ xin hoàn thuế để kiểm tra, đối chiếu, xác minh hoá đơn với các doanh nghiệp cung cấp hàng hoá để xuất khẩu; xác định đúng giá trị hàng hoá thực mua (số lượng, giá trị), thuế GTGT đầu vào đã kê khai thuế.
Theo trình tự đó, các cơ quan Thuế có trách nhiệm phối hợp kiểm tra xác minh cho đến đơn vị bán hàng đầu tiên để xác định số tiền thuế vi phạm.
Để việc kiểm tra, xác minh được nhanh chóng, chính xác, đảm bảo yêu cầu thu hồi theo thời gian Bộ Tài chính quy định, yêu cầu tất cả cơ quan Thuế và cán bộ Thuế các cấp phải thấy rõ việc xác minh hoá đơn là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, là kỷ luật công tác của ngành, không phải là việc làm "giúp", làm "hộ" cơ quan Thuế khác.
Nếu là hoà đơn thuận lợi thì không quá 5 ngày, nếu là hoá đơn có tình tiết phức tạp thì không quá 15 ngày kể từ ngày cơ quan Thuế nhận được phiếu yêu cầu xác minh hoá đơn. Kết quả xác minh phải gửi theo đường chuyển nhanh cho cơ quan Thuế có yêu cầu xác minh. Nếu xác minh không đúng, không kịp thời, không rõ ràng thì cán bộ xác minh hoá đơn phải bị đình chỉ công việc để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý. Lãnh đạo Cục Thuế và Lãnh đạo đơn vị có cán bộ thuế chịu trách nhiệm liên đới.
5. Đối với các khoản tiền thuế bị gian lận thì ra lệnh thu ngay vào NSNN. Các Cục thuế cần nắm đầy đủ các tài khoản giao dịch của doanh nghiệp mở tại các tổ chức tín dụng. Tổ chức làm việc và có văn bản kiến nghị các Tổ chức tín dụng thực hiện các lệnh thu, lệnh phát trích từ tài khoản của doanh nghiệp để nộp các khoản tiền thuế gian lận, nợ đọng, tiền phạt và NSNN theo quy định tại Tiết a, Khoản 4, Điều 19 Luật thuế GTGT và Chỉ thị số 19/2002/CT-TTg ngày 13/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ (nêu trên). Nếu các tổ chức tín dụng không thực hiện thì cần lập văn bản để báo cáo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ì thì cơ quan Thuế áp dụng ngay biện pháp phong toả tài khoản.
6. Đối với các trường hợp vi phạm hoá đơn thì kiểm tra làm rõ doanh nghiệp đã sử dụng hoá đơn bất hợp pháp vào các mục đích:
- Lập hoá đơn khống để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác khai khống để chiếm đoạt tiền thuế GTGT.
- Để hợp thức hoá hàng nhập lậu, trốn thuế nhập khẩu, để được khấu trừ, hoặc hoàn thuế.
- Để khai tăng giá trị công trình XDCB rút tiền NSNN thông qua việc thanh toán giá trị công trình xây dựng.
- Để khai tăng giá trị thiết bị, vật tư rút tiền kinh phí hành chính sự nghiệp và của doanh nghiệp nhà nước.
-...
Khi xác định các trường hợp có sai phạm về hoá đơn, cơ quan Thuế cần chủ động hoặc phối hợp với cơ quan Tài chính, các cơ quan liên quan khác để có biện pháp xử lý kịp thời theo đúng quy định hiện hành. Đối với các trường hợp bán và lập hoá đơn khống để các doanh nghiệp khác kê khai khống thuế GTGT đầu vào, rút tiền ngân sách thì phải thông báo kịp thời cho cơ quan Thuế liên quan để xử lý.
7. Đồng chí Cục trưởng Cục Thuế phải tập trung lực lượng cán bộ thuế đủ sức thực hiện nhanh chóng các công việc trên và đạt mục tiêu đề ra; nơi nào có nhiều hồ sơ vi phạm thì lập Ban chỉ đạo chuyên lo việc này; phải đề ra kế hoạch và các biện pháp cụ thể phù hợp với thực tế của địa phương.
- Đồng chí Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng về kết quả thu hồi tiền thuế bị gian lận tại địa phương mình và nghĩa vụ phối hợp với cơ quan Thuế trong cả nước.
- Các Trưởng phòng thuộc Cục Thuế, Chi cục trưởng các Chi cục Thuế chịu trách nhiệm về kết quả thu hồi tiền thuế GTGT bị gian lận thuộc trách nhiệm của mình.
- Cán bộ Thuế giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT và các cán bộ có liên quan khác chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan Thuế trực tiếp về việc kiểm tra thu hồi khoản tiền thuế đã bị gian lận.
Ngoài các lý do bất khả kháng như doanh nghiệp đã phá sản, đã bỏ trốn, giải thể... Nếu không thu hồi được tiền thuế GTGT bị gian lận thì các cán bộ thuế có liên quan sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
8. Định kỳ 10 ngày 1 lần (ngày 10, ngày 20, ngày 30 hàng tháng), Cục trưởng Cục Thuế báo cáo tình hình, tiến độ và kết quả triển khai các công việc nói trên về Tổng cục Thuế. Các khó khăn vướng mắc phải bàn bạc trong đơn vị, chủ động báo cáo UBND địa phương và các cơ quan có liên quan để tháo gỡ, đồng thời phản ảnh kịp thời về Tổng cục để nghiên cứu chỉ đạo chung.
9. Nhận được công văn này, Cục trưởng Cục Thuế cần báo cáo ngay kế hoạch và biện pháp triển khai với Chủ tịch UBND địa phương để xin ý kiến chỉ đạo và đề nghị UBND chỉ đạo các ngành hữu quan có biện pháp đồng bộ theo chức năng của từng ngành, hỗ trợ cho cơ quan Thuế thu hồi khoản tiền thuế GTGT bị gian lận.
| Nguyễn Văn Ninh (Đã ký)
|
- 1Luật Thuế giá trị gia tăng 1997
- 2Chỉ thị 19/2002/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý thuế giá trị gia tăng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 4368/TCT-CS xử lý tiền hoàn thuế giá trị gia tăng do Tổng cục Thuế ban hành
- 4Công văn 3101/TCT-CS năm 2017 xử lý truy hoàn thuế giá trị gia tăng qua kiểm tra sau hoàn thuế do Tổng cục Thuế ban hành
Công văn 4539/TCT/TTr-TCCB năm 2002 về việc truy thu tiền hoàn thuế giá trị gia tăng bị gian lận do Tổng cục Thuế ban hành
- Số hiệu: 4539/TCT/TTr-TCCB
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 29/11/2002
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Nguyễn Văn Ninh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/11/2002
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực