Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4526/LĐTBXH-TCGDNN
V/v hướng dẫn tổng kết, đánh giá Dự án, Nội dung thành phần thuộc CTMT, CTMTQG giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngành Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

Nhằm tổng kết, đánh giá các hoạt động giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020 tại Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” (sau đây gọi tắt là Dự án) thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động (theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ) và nội dung thành phần số 06 “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thuộc nội dung số 03 về Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân (sau đây gọi tắt là nội dung 06) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ); đồng thời, nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

1. Tổ chức tổng kết, đánh giá Dự án theo quy định tại Quyết định số 1821/QĐ-LĐTBXH ngày 19/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành các chỉ số theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tập trung vào các nội dung sau:

- Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực hiện Dự án;

- Tình hình phân bổ và giao vốn thực hiện; lồng ghép giữa các chương trình, bố trí vốn địa phương và huy động nguồn lực khác trong thực hiện Dự án giai đoạn 2016-2020; tình hình giải ngân vốn giai đoạn 2016-2019 và ước thực hiện năm 2020;

- Tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên môn của Dự án. Các kết quả đạt được, trong đó làm rõ kết quả đạt được theo các mục tiêu đã được phê duyệt tại Quyết định đầu tư Dự án;

- Những khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý, điều hành và các tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện: làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm và trách nhiệm của các cấp, các ngành;

- Đề xuất giải pháp, chính sách và cơ chế quản lý, điều hành cho giai đoạn 2021-2025.

2. Tổ chức tổng kết, đánh giá Nội dung 06 theo quy định tại Quyết định số 736/QĐ-LĐTBXH ngày 29/5/2019 của bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về chỉ tiêu giám sát, đánh giá thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; đồng thời, tiếp tục tổng kết, đánh giá theo hướng dẫn tại Công văn số 1582/LĐTBXH-TCGDNN, Công văn số 1583/LĐTBXH-TCGDNN ngày 07/5/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn tổng kết Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

3. Căn cứ các mục tiêu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025; tình hình, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Dự án để đề xuất kế hoạch đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.

(Chi tiết hướng dẫn theo đề cương và các phụ lục kèm theo)

Đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn và gửi báo cáo, đề xuất về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, số 37B Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội) trước ngày 30/11/2020 để tổng hợp.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, điện thoại: 0243.9740.362, email: ctmt.gdnn@molisa.gov.vn) để được hướng dẫn.

Xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý cơ quan./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng để báo cáo);
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, TCGDNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Tấn Dũng

 

ĐỀ CƯƠNG

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP CỦA DỰ ÁN “ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP - VIỆC LÀM VÀ AN TOÀN LAO ĐỘNG VÀ NỘI DUNG THÀNH PHẦN 6 “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Công văn số 4526/LĐTBXH-TCGDNN ngày 18/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ DỰ ÁN “ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP - VIỆC LÀM VÀ AN TOÀN LAO ĐỘNG GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. CÔNG TÁC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN DỰ ÁN

1. Về quản lý, Điều hành và hướng dẫn thực hiện Dự án

Đánh giá thuận lợi, khó khăn trong áp dụng các chính sách quản lý, điều hành, thực hiện Dự án

2. Về huy động nguồn lực, quản lý và sử dụng nguồn lực cho Dự án

a) Huy động nguồn lực

- Kết quả huy động các nguồn lực, gồm: NSTW; NSĐP; ODA và nguồn khác

- Các giải pháp lồng ghép (liệt kê cụ thể kết quả lồng ghép các chương trình, dự án). Đánh giá hiệu quả công tác lồng ghép, những khó khăn trong thực hiện lồng ghép.

- Các giải pháp huy động nguồn lực khác đã áp dụng. Nêu bật những giải pháp phát huy hiệu quả tích cực tới thu hút nguồn lực cho thực hiện Dự án.

b) Quản lý về sử dụng nguồn lực:

- Nguồn ngân sách nhà nước (NSTW; NSĐP; ODA): đánh giá cụ thể việc thực hiện các thủ tục đầu tư, công tác thanh toán, giải ngân và chi tiêu các nguồn vốn (trong đó, làm rõ tỷ lệ không sử dụng hoặc sử dụng sai quy định phải nộp trả ngân sách nhà nước).

- Nguồn huy động khác: đánh giá công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn này.

3. Hoạt động theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Dự án.

- Giải pháp cụ thể thực hiện công tác theo dõi, giám sát thực hiện Dự án. Đánh giá hiệu quả công tác theo dõi, giám sát, đánh giá đối với thực hiện Dự án tại các cấp, đặc biệt việc thực hiện chế độ báo cáo theo các Bộ chỉ số theo dõi, giám sát do các cơ quan chủ chương trình mục tiêu triển khai thực hiện.

- Kết quả giám sát từ cộng đồng người dân trong tổ chức thực hiện. Đánh giá vai trò của người dân trong tham gia giám sát thực hiện công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện (từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch, nghiệm thu kết quả thực hiện và sử dụng kết quả thực hiện).

- Kết quả thực hiện các kiến nghị, kết luận của Kiểm toán nhà nước về quản lý, tổ chức thực hiện Dự án.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CỦA DỰ ÁN

(Chi tiết theo mẫu tại các phụ lục I, II, III, IV và V kèm theo)

III. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CHUNG ĐẠT ĐƯỢC VÀ NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN

1. Đánh giá chung về những kết quả đạt được trong thực hiện Dự án

a) Những đóng góp của Dự án vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

- Hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án,

- Đóng góp vào thực hiện các Nghị quyết Trung ương, Quốc hội và Chính phủ.

b) Kết quả nổi bật trong thực hiện Dự án.

- Kết quả huy động nguồn lực.

- Kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ.

- Kết quả thực hiện đề án, nhiệm vụ, chính sách đặc thù.

c) Những đánh giá khác.

2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

IV. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

V. CÁC ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ

Phần thứ hai

ĐÁNH GIÁ NỘI DUNG THÀNH PHẦN 6 “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nội dung số 06 “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thuộc nội dung số 03 về Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 theo quy định tại Quyết định số 736/QĐ-LĐTBXH ngày 29/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về chi tiêu giám sát, đánh giá thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và đề cương hướng dẫn tại Công văn số 1582/LĐBBXH-TCGDNN, Công văn số 1583/LĐTBXH-TCGDNN ngày 07/5/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn tổng kết Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg.

Đồng thời, báo cáo bổ sung số liệu chi tiết về tình hình phân bổ, giao dự toán và quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Nội dung số 06 “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

(Chi tiết theo mẫu tại các phụ lục VI, VII kèm theo)

Phần thứ ba

ĐỀ XUẤT CÁC NỘI DUNG, DỰ ÁN TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP THUỘC CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021-2025

Tiếp theo hướng dẫn về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (tại Công văn 2674/TCGDNN-CTMT ngày 16/12/2019, đến nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng, đề xuất các nội dung, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định (Chi tiết tại Phụ lục số VIII kèm theo). Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ kế hoạch đầu tư công của các đơn vị và các nội dung, hoạt động thuộc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung các nội dung, hoạt động, cụ thể:

I. VỀ NGUYÊN TẮC VÀ CƠ CHẾ PHÂN BỔ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG HỖ TRỢ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021-2025

Về nguyên tắc phân bổ: nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các bộ, ngành, địa phương phải được sử dụng có hiệu quả, phân bổ theo nguyên tắc tập trung, định mức cụ thể, rõ ràng, minh bạch; đảm bảo có sự lồng ghép các nguồn lực khi thực hiện 03 chương trình trên một địa bàn để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động của từng Dự án. Trong đó đảm bảo:

+ Ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm giải quyết các vấn đề cấp bách, hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn;

+ Đối với các địa bàn có trùng đối tượng, nội dung hỗ trợ đầu tư, thực hiện theo nguyên tắc chi đầu tư từ 01 chương trình và từ chương trình có định mức cao nhất;

+ Phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước phải trên cơ sở kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm (bao gồm: kế hoạch giải ngân, kết quả chấp hành chế độ báo cáo, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ).

II. ĐỀ XUẤT CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG, DỰ ÁN TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2025

Đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của ngành, địa phương giai đoạn 2021-2025 và nội dung hoạt động, hoạt động của các dự án trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thuộc các CTMTQG giai đoạn 2012-2025 đã đề xuất nêu trên tổ chức xây dựng, đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ và dự kiến kinh phí thực hiện (bao gồm: đề xuất hỗ trợ từ NSTW, kế hoạch bố trí từ NSĐP, huy động nguồn vốn tín dụng và nguồn lực khác) và đối tượng hưởng lợi trực tiếp, trong đó phân định rõ các nội dung, hoạt động theo từng chương trình. Ngoài ra, đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, cập nhật hiện trạng và định hướng quy hoạch các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

(Chi tiết theo mẫu tại các Phụ lục IX, X, XI kèm theo)

Ngoài ra, đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, báo cáo

III. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH VÀ GIẢI PHÁP HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG NGUỒN LỰC

IV. ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ KHÁC (nếu có)

 

PHỤ LỤC VIII:

CÁC NỘI DUNG, DỰ ÁN TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP THUỘC CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Công văn số 4526/LĐTBXH-TCGDNN ngày 18/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

I. Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững

1. Tiểu dự án 1 “Đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao”

a) Mục tiêu: Tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo ứng dụng, thực hành tiếp cận với các nước phát triển trong ASEAN-4 và G20; đảm bảo người học kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm, thích ứng với môi trường làm việc, góp phần năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Xây dựng hệ thống Giáo dục nghề nghiệp bám sát nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa về cung cầu lao động có kỹ năng nghề; gắn kết chặt chẽ giữ cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp thông qua cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các khâu của quá trình đào tạo.

b) Phạm vi: Thực hiện trên phạm vi cả nước

c) Đối tượng:

- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp, đơn vị được giao nhiệm vụ để thực hiện các hoạt động của Dự án.

- Học sinh, sinh viên, người lao động, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan.

d) Các hoạt động:

- Tăng cường các Điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp

+ Phát triển, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp;

+ Phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu, tài nguyên học liệu đào tạo;

+ Hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động liên quan đến GDNN.

- Điều tra, khảo sát, dự báo, thống kê, đánh giá về giáo dục nghề nghiệp; tổ chức truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm

- Kiểm soát chất lượng trong quá trình đào tạo và sau đào tạo của giáo dục nghề nghiệp

+ Phát triển hoạt động kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp;

+ Phát triển hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;

+ Thí điểm đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động qua đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0;

- Đào tạo, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4;

+ Đặt hàng đào tạo trình độ Cao đẳng, Trung cấp theo nhu cầu của xã hội.

+ Đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho người lao động.

- Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng: Đào tạo nâng cao năng lực cho người làm công tác quản lý và người đào tạo trong doanh nghiệp.

2. Tiểu dự án 2 “Đào tạo nghề cho những đối tượng chính sách”

a) Mục tiêu: đẩy mạnh và phát triển đào tạo nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo cho các đối tượng chính sách (người khuyết tật, trẻ em, người thuộc hộ nghèo…) tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo góp phần nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm gắn với tăng thu nhập, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, chống nguy cơ trở thành hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo, cận nghèo. Thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật.

b) Phạm vi: Thực hiện trên phạm vi cả nước

c) Đối tượng:

- Người lao động tại các địa phương có huyện nghèo và huyện mới thoát nghèo, huyện có xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; lao động nữ bị mất việc làm; người khuyết tật…

- Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp tại huyện nghèo, xã nghèo và đào tạo nghề cho người khuyết tật.

- Các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan.

d) Các hoạt động:

- Hỗ trợ đào tạo nghề cho đối tượng chính sách

+ Đào tạo mới; đào tạo cập nhật, nâng cao kiến thức kỹ năng; đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho người lao động nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo.

+ Xây dựng, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề; đào tạo theo đơn đặt hàng, gắn đào tạo với vị trí việc làm và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hoặc làm nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo theo nhu cầu lao động của xã hội; đào tạo nhằm chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.

+ Đào tạo nghề nghiệp tại doanh nghiệp hoặc các tổ chức của người khuyết tật; các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng người khuyết tật hoặc của người khuyết tật.

- Tăng cường các điều kiện đảm bảo cho công tác đào tạo nghề

+ Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý ở trong và ngoài nước, đặc biệt là đội ngũ đào tạo, trợ giúp cho người khuyết tật;

+ Xây dựng, phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo.

+ Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách.

- Điều tra, khảo sát, dự báo, thống kê nhu cầu, khả năng đào tạo; tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp

II. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:

1. Tiểu dự án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên vùng dân tộc thiểu số và miền núi”

a) Mục tiêu: Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng năng suất lao động, giữ gìn ổn định xã hội cũng như khối đoàn kết dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

b) Phạm vi: Tại các địa phương vùng DTTS&MN.

c) Đối tượng:

- Người lao động vùng DTTS&MN.

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng DTTS&MN và cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho vùng DTTS&MN.

- Cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp các cấp vùng ĐTTS&MN.

d) Các hoạt động:

- Xây dựng các mô hình đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập sau đào tạo; đặt hàng đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng gắn với yêu cầu của thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cho lao động vùng đồng bào DTTS&MN.

- Hỗ trợ đào tạo nghề, gồm:

+ Đào tạo mới;

+ Đào tạo lại, cập nhật, nâng cao kiến thức kỹ năng; đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho người lao động khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp;

+ Đào tạo nhằm chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động; đào tạo để đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài;

+ Đào tạo nghề nghiệp tại doanh nghiệp; đào tạo nghề nhằm phát triển các lợi thế vùng DTTSMN như: phát triển thị trường dược liệu quý, du lịch cộng đồng, nghề thủ công, mỹ nghệ…

- Tăng cường các điều kiện đảm bảo cho GDNN đáp ứng yêu cầu đào tạo, trong đó:

+ Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; Đào tạo bồi dưỡng tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, người dạy nghề, cán bộ quản lý và đào tạo tại doanh nghiệp vùng DTTS&MN;

+ Xây dựng, số hóa các chương trình, giáo trình, modun, tài liệu giảng dạy;

+ Tăng cường hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng, phòng học, ký túc xá và các công trình phục vụ sinh hoạt, tập luyện cho học sinh, sinh viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ đào tạo cho các cơ sở GDNN trên địa bàn các tỉnh vùng DTTS&MN (trong đó ưu tiên các tỉnh vùng Tây bắc, Tây Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ).

- Điều tra, khảo sát, tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm. Kiểm tra, giám sát đánh giá.

III. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

1. Tiểu dự án “Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”

a) Mục tiêu: Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế; hỗ trợ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm gắn với đô thị hóa, thực chất, đi theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững, lấy cư dân nông thôn làm chủ đề, đem lại chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.

b) Phạm vi: Toàn quốc.

c) Đối tượng:

- Lao động khu vực nông thôn, khu vực đô thị hóa trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học.

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn. Tổ chức, doanh nghiệp tham gia giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

- Cơ quan quản lý về giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm các cấp.

d) Các hoạt động:

- Xây dựng các mô hình đào tạo nghề, đặt hàng đào tạo nghề chất lượng cao gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo cho một số ngành, nghề mũi nhọn, trọng điểm.

- Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gồm:

+ Đào tạo mới:

+ Đào tạo cập nhật, nâng cao kiến thức kỹ năng; đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho người lao động khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp;

+ Đào tạo nhằm chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động; đào tạo để đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài; đào tạo nghề nghiệp tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

- Tăng cường các điều kiện đảm bảo cho hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu đào tạo. Trong đó:

+ Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý ở trong nước và nước ngoài; Đào tạo bồi dưỡng tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, người dạy nghề cho lao động nông thôn.

+ Phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

+ Hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện đã được sắp xếp lại; Các trường trung cấp thủ công mỹ nghệ, trường trung cấp công lập ở huyện chưa có trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập; Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp thanh niên; Trung tâm dạy nghề, dịch vụ việc làm của các tổ chức chính trị xã hội; Trung tâm sản xuất nông nghiệp cao…) để xây dựng, sửa chữa nhà xưởng, phòng học, ký túc xá và các công trình phục vụ sinh hoạt, tập luyện cho lao động nông thôn; mua sắm trang thiết bị đào tạo, phương tiện vận chuyển thiết bị đào tạo phục vụ dạy nghề lưu động cho lao động nông thôn.

- Tuyên truyền tư vấn khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho người lao động. Giám sát đánh giá.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4526/LĐTBXH-TCGDNN năm 2020 về hướng dẫn tổng kết, đánh giá Dự án, Nội dung thành phần thuộc Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 4526/LĐTBXH-TCGDNN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/11/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Lê Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/11/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản