Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/DP-DT
V/v đảm bảo công tác y tế phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2020

 

Kính gửi:

- Đồng chí Viện trưởng các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur;
- Đồng chí Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa lễ hội tới đây, điều kiện khí hậu mùa xuân, sự gia tăng sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, bệnh lây truyền từ động vật sang người. Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 19/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 03/01/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Cục Y tế dự phòng trân trọng đề nghị Đồng chí Viện trưởng các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Đồng chí Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung công tác sau:

1. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur

- Chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để không để dịch lây lan; chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây dịch.

- Đảm bảo hóa chất khử khuẩn, thiết bị, vật tư chuyên dụng, sẵn sàng các đội cơ động chống dịch để hỗ trợ địa phương xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài.

2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Chỉ đạo các đơn vị Y tế dự phòng chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm 2020, tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu và cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ, trường hợp bệnh xâm nhập, đặc biệt là các ổ dịch cũ, các trường hợp về từ vùng có dịch, tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, lưu ý các bệnh cúm gia cầm, ho gà, sởi, rubella, tiêu chảy cấp, liên cầu lợn, tay chân miệng, sốt xuất huyết, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.

- Đối với các địa phương có cửa khẩu quốc tế cần giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch để phát hiện, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam (đặc biệt là bệnh viêm phổi cấp do chủng mới vi rút corona - nCoV). Cơ quan kiểm dịch y tế phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành trong việc kiểm tra, giám sát gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc nhập khẩu và vận chuyển qua biên giới.

- Kiện toàn các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới trong việc điều tra, cách ly, thu dung, điều trị và xử lý ổ dịch. Chuẩn bị sẵn sàng hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để triển khai các hoạt động chống dịch kịp thời.

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu bệnh nhân, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, các biện pháp phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh sởi, cúm, tiêu chảy cấp, liên cầu lợn; thực hiện vệ sinh cá nhân, bảo đảm an toàn thực phẩm và lợi ích của tiêm vắc xin phòng bệnh.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên chia sẻ thông tin và phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, các dịch bệnh thường xảy ra trong cơ sở giáo dục.

3. Công tác trực dịch và thông tin báo cáo trong dịp Tết Nguyên đán

- Các đơn vị phân công cán bộ, tổ chức trực dịch 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán để theo dõi, nắm tình hình bệnh dịch xảy ra trên địa bàn. Báo cáo danh sách cán bộ trực dịch về Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trước ngày 22/01/2020.

- Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định. Đồng thời, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, báo cáo tình hình dịch bệnh và các biện pháp đã triển khai về Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế (email: baocaobtn@gmail.com, fax: 024.37366241), cụ thể như sau:

+ Báo cáo nhanh hàng ngày (bắt đầu từ ngày 23/01/2020, tức từ ngày 29 Tết đến hết ngày 29/01/2019, tức ngày Mùng 5 Tết) gửi trước 11h00 hàng ngày.

+ Báo cáo nhanh tổng hợp 3 ngày Tết (từ ngày 30 tháng Chạp đến ngày 02 Tết) gửi trước 16h30 ngày 26/01/2020 (tức ngày Mùng 2 Tết).

+ Báo cáo tổng hợp đầy đủ về tình hình dịch bệnh, các hoạt động đã triển khai trong đợt nghỉ Tết, gửi trước 10h00 ngày 29/01/2020 (tức ngày Mùng 5 Tết).

Trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg. Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Các Đ/c Thứ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Bộ Y tế;
- Các Vụ, Cục: KCB, TT-KT, ATTP, MT, KH-TC;
- Trung tâm YTDP/ KSBT/ KDYTQT/ TTGDSK các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Lưu: VT, DT.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Đặng Quang Tấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 44/DP-DT về đảm bảo công tác y tế phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 do Cục Y tế dự phòng ban hành

  • Số hiệu: 44/DP-DT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 20/01/2020
  • Nơi ban hành: Cục Y tế dự phòng
  • Người ký: Đặng Quang Tấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/01/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản