Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4166/VPCP-V.I
V/v công tác chống buôn lậu thuốc lá

Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 2017

 

Kính gửi:

- Bộ Tài chính;
- Bộ Công Thương;
- Bộ Công an;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Tư pháp;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam.

Xét báo cáo của Bộ Tài chính (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia) tại văn bản số 05/BCĐ389-VPTT ngày 20 tháng 3 năm 2017 về sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá (sao gửi văn bản kèm theo); Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia có ý kiến như sau:

- Đồng ý các nội dung báo cáo, kiến nghị của Bộ Tài chính (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tại văn bản số 05/BCĐ389-VPTT ngày 20 tháng 3 năm 2017. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện đầy đủ các nội dung kiến nghị và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nêu tại văn bản số 05/BCĐ389-VPTT ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Bộ Tài chính (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia); tiếp tục quán triệt và trực tiếp chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia tại văn bản số 349/TB-VPCP ngày 27 tháng 10 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ tại Hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá tại những địa bàn trọng điểm.

- Yêu cầu các lực lượng: Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường thường xuyên mở các đợt cao điểm về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trong đó có buôn lậu thuốc lá. Quyết liệt triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đầu nậu lớn trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không, các cửa khẩu, khu vực biên giới địa bàn trọng điểm và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh thuốc lá ngoại nhập lậu trên thị trường nội địa.

- Bộ Tài chính (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia) chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá của các lực lượng chức năng và địa bàn trọng điểm, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo kịp thời.

- Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong việc cung cấp thông tin về buôn lậu thuốc lá, nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, bảo vệ sản xuất trong nước; tiếp tục nghiên cứu sản xuất các loại thuốc lá phù hợp với gu của người tiêu dùng trong nước với giá thành hợp lý.

- Về các khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật để xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển thuốc lá nhập lậu, Bộ Tư pháp đã có văn bản số 09/BC-BTP ngày 06 tháng 01 năm 2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình sẽ chủ trì họp với các cơ quan liên quan về vấn đề trên.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTgCP, các PTTg (để b/c);
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- VP TT BCĐ 389 quốc gia;
- VPCP: BTCN, PCN Lê Mạnh Hà, các Vụ: KTTH, CN, PL, TKBT, TH;
- Lưu: VT, V.I (3). L.V.Dũng

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Lê Mạnh Hà

 

BÁO CÁO

SƠ KẾT 02 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 30/CT-TTG NGÀY 30 THÁNG 9 NĂM 2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU THUỐC LÁ

1. Đánh giá khái quát tình hình buôn lậu thuốc lá trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014

Trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá (Chỉ thị số 30/CT-TTg), hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu diễn ra phức tạp trên địa bàn cả nước. Hoạt động buôn lậu thuốc lá đã hình thành các đường dây, ổ nhóm có tổ chức rất chặt chẽ, có sự phân công trách nhiệm giữa các chủ đầu nậu ở trong, ngoài biên giới. Phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng vẫn là lợi dụng địa hình biên giới có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối tắt thuận lợi cho việc qua lại; lợi dụng nhân dân khu vực biên giới không có việc làm lôi kéo vận chuyển hàng lậu. Các đối tượng tham gia vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu phần lớn là cư dân biên giới, rất thông thạo địa bàn, sử dụng các phương tiện xe máy, xuồng máy, ghe máy công suất lớn chạy tốc cao; vận chuyển nhỏ lẻ, nhiều lần từ biên giới qua các cánh gà, đường mòn khu vực cửa khẩu hoặc qua đường đồng ruộng, sông, kênh, rạch vào nội địa; mỗi lần vận chuyển thường dưới 1.500 gói nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các đối tượng tổ chức đội ngũ canh gác, cảnh giới rất chặt chẽ để phát hiện và giám sát hoạt động của các lực lượng chức năng nhằm trốn tránh, tẩu tán tang vật khi bị phát hiện, bắt giữ. Ở địa bàn nội địa, nhất là ở các thành phố lớn và các tỉnh Miền Tây Nam Bộ, thuốc lá lậu được bày bán công khai tại các đại lý, cửa hàng, nhà hàng, quán nước, các điểm bán thuốc lá ven các đường phố. Địa bàn trọng điểm là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Trị, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp...

2. Kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg

2.1. Tổ chức quán triệt và triển khai Chỉ thị

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg, các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức quán triệt sâu rộng đến cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm công tác chống buôn lậu cũng như nhân dân ở địa bàn. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã có những chương trình, chuyên đề sâu sắc để tuyên truyền, vận động sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm vận động người dân không tiêu thụ thuốc lá lậu, không tiếp tay hoặc buôn lậu thuốc lá, cụ thể:

- Bộ Công an: Tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg tại TP Hồ Chí Minh và triển khai Kế hoạch số 382/KH-BCA-C41 của Bộ Công an về việc triển khai thực hiện Chỉ thị đến Công an 63 tỉnh, thành phố; tổ chức nhiều đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc Công an các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg; Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá điếu.

- Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là lực lượng chức năng tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 30/CT-TTg. Bộ Quốc phòng đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 94/CT-TTg ngày 10/11/2014 triển khai cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống buôn lậu, ma túy, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

+ Bộ đội Biên phòng: Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã ban hành Công văn số 3589/BTL-PCTPMT ngày 04/11/2014 về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Kế hoạch số 3590/KH-BTL về đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá tại các địa bàn trọng điểm; Kế hoạch số 3777/KH-BTL ngày 14/11/2014 của Bộ Tư lệnh về cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng chống ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2015; đồng thời, Bộ Tư lệnh đã ban hành 46 công điện chỉ đạo các tỉnh, thành trọng điểm xây dựng và triển khai kế hoạch đấu tranh hiệu quả; tập trung vào các nội dung đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị Bộ đội Biên phòng điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp và phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới, vùng biển không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động buôn lậu thuốc lá. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ, làm tốt công tác bảo vệ nội bộ; kịp thời động viên khen thưởng các đơn vị, cá nhân lập thành tích xuất sắc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật, pháp luật.

+ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam ban hành 01 công điện và Công văn số 410/BTL-TS ngày 05/02/2015 chỉ đạo các đơn vị tăng cường chống buôn lậu thuốc lá, gắn với việc thực hiện có hiệu quả đạt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển theo Chỉ thị số 3459/CT-BTL ngày 27/10/2014 và Kế hoạch số 3613/KH-TM ngày 05/11/2014 của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; trong đó lấy biện pháp trinh sát làm mũi nhọn, tổ chức sàng lọc, soát xét kỹ các địa bàn, tuyến, vùng biển trọng điểm, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện đối tượng chủ mưu, cầm đầu, các đường dây buôn lậu thuốc lá lớn để lập kế hoạch, chuyên án đấu tranh triệt để với các đối tượng, đường dây buôn lậu thuốc lá trên hướng biển.

- Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 13829/TCHQ- ĐTCBL ngày 14/11/2014 chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá lậu qua cửa khẩu, hai bên cánh gà, khu vực địa bàn kiểm soát hải quan; tổ chức lực lượng, sử dụng hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; xác định trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá nghiêm trọng, kéo dài; Kế hoạch số 277/KH-TCHQ ngày 18/11/2014 về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015; Công văn số 1282/TCHQ-ĐTCBL ngày 10/02/2015 chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán 2015.

+ Về việc hỗ trợ kinh phí đối với số thuốc lá nhập lậu được bắt giữ:

Thực hiện Quyết định số 2371/QĐ-TTg ngày 26/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ thì toàn bộ thuốc lá điếu nhập lậu đều phải bị tiến hành tiêu hủy; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 19/2015/TT-BTC ngày 3/02/2015, Công văn số 4415/BTC-CST ngày 06/4/2015 hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí đối với số thuốc lá nhập lậu tịch thu, tiêu hủy; Thông tư 306/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2015/TT-BTC ngày 03 tháng 02 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về cơ chế huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả nâng mức hỗ trợ từ 3.500 đồng/bao lên 4.500 đồng trên bao kể từ ngày 01/01/2017.

- Bộ Công Thương ban hành Văn bản số 10542/BCT-QLTT ngày 23 tháng 10 năm 2014 chỉ đạo Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 24/3/2015 về việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu. Thực hiện Kế hoạch số 2232/KH-BCT ngày 06/3/2015 của Bộ Công Thương về việc tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, lực lượng Quản lý thị trường cả nước thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát đã tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không kinh doanh, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu, tổ chức triển khai việc tuyên truyền, phát tờ rơi cho các hộ kinh doanh thuốc lá. Đến nay, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã triển khai 1.496 đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 33.314 tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua hoạt động kiểm tra kiểm soát; tổ chức ký cam kết đến 36.728 cơ sở kinh doanh mặt hàng thuốc lá; đã dán 10.000 tờ áp phích khổ A3 và 100.000 tờ khổ A4 tại các địa điểm kinh doanh, các địa điểm công cộng và những nơi tập trung đông người; phối hợp với Đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố thực hiện các buổi phát sóng tuyên truyền những quy định của pháp luật trong kinh doanh thuốc lá. Đặc biệt, các Chi cục phát động phong trào thi đua công chức trong đơn vị không sử dụng thuốc lá điếu nhập lậu, không tiếp tay cho các hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với mức phạt tăng từ mức xử lý hình sự 1500 bao xuống mức từ 500 bao.

- Đồng Tháp: Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp đã có Văn bản số 37/BCĐ389-QLTT ngày 23/10/2014 triển khai thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg, Kế hoạch cao điểm Tết Nguyên đán Ất Mùi, Bính Thân và Kế hoạch năm 2015 - năm 2016 nhằm chỉ đạo các lực lượng chức năng về công tác đấu tranh, kiểm soát mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu trong địa bàn toàn tỉnh và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chống buôn lậu của địa phương. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các lực lượng chức năng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 30/CP và xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ, kế hoạch chuyên đề nhằm làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh và kiểm soát thị trường nội địa, tập trung kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; Các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nội dung không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu cho hàng trăm đối tượng đã tham gia vận chuyển thuốc lá lậu. Trong đó, Công an Đồng tháp đã tổ chức tuyên truyền tại các huyện, thị xã biên giới; Biên phòng Đồng Tháp phối hợp tuyên truyền 18 điểm, với 950 lượt người nghe; Quản lý thị trường Đồng Tháp vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, kết quả có 3000 bản cam kết được ký. Thực hiện dán 4400 tờ áp phích tuyên truyền Nghị định 124/2015/NĐ-CP Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Long An: UBND tỉnh ban hành Công văn số 3621/UBND-NC ngày 22/10/2014 chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá. Đồng thời, UBND tỉnh tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ban hành Công văn số 2691-CV/TU ngày 10/11/2014 chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các Đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội phối hợp làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu trên địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cho người dân vùng biên giới nhận thức đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống buôn lậu; đồng thời triển khai thực hiện các mô hình, tạo công ăn việc làm cho cư dân biên giới và định hướng chuyển đổi làm kinh tế hợp pháp có thu nhập ổn định.

An Giang: UBND tỉnh ban hành Công văn số 1339/UBND-KT ngày 20/11/2014; Công văn số 517/UBND-KT; Công văn số 32/BCĐ ngày 09/7/2015 nhằm chỉ đạo các lực lượng chức năng, đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 30/CP của Chính phủ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động này trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết 41/NQ-CP của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh luôn xác định mặt hàng thuốc lá là mặt hàng trọng điểm để chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các cấp thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Tây Ninh: Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh về tăng cường đấu tranh, chống buôn lậu thuốc lá, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã xây dựng 5 công văn, 19 kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị và kế hoạch định kỳ, kế hoạch nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố đã triển khai và tổ chức thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại địa bàn.

Cần Thơ: Ban Chỉ đạo 389 thành phố chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện thực hiện tốt công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, chống sản xuất và buôn bán hàng giả theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; xây dựng triển khai đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm nhằm tăng cường kiểm tra kiểm soát buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu và triển khai kế hoạch thực hiện nghiêm Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ. Các lực lượng chức năng đã xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ, tăng cường công tác phối hợp, tập trung chỉ đạo quyết liệt đơn vị cơ sở để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu tại địa bàn. Đặc biệt, Chi cục Quản lý thị trường ban hành 03 kế hoạch kiểm tra kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu, triển khai thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ và kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường. Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an thành phố ban hành Kế hoạch số 758/KH-PC46 ngày 22/10/2014 về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá trên địa bàn thành phố.

TP Hồ Chí Minh: Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Công văn số 5657/UBND-TM ngày 30 tháng 10 năm 2014 về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn Thành phố, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lực lượng chức năng, sở ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các quận huyện; căn cứ chỉ đạo của thành phố, các lực lượng chức năng đã có các kế hoạch thực hiện, cụ thể: ngày 20/11/2014, Bộ đội Biên phòng Thành phố đã ban hành Kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá trên địa bàn biên phòng Thành phố. Ngày 10/12/2014, Cục Hải quan Thành phố ban hành văn bản số 1703/CBLXL-CBL quán triệt việc thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng và các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, đồng thời quy định chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất về các vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận và vận chuyển trái phép mặt hàng thuốc lá. Ngày 16/12/2014, Chi cục Quản lý thị trường thành phố ban hành Kế hoạch mở đợt cao điểm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn Thành phố trước, trong và sau Tết Ất Mùi năm 2015. Ngày 16/01/2015, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-PC46-Đ1 về việc mở cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm. Ngày 25/02/2015, Công an 3 tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An đã ký kết Kế hoạch số 32/KHPH-CATP-PC46 nhằm tăng cường công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến và địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh Tây Ninh, Long An và thành phố Hồ Chí Minh.

- Các tỉnh, thành phố khác cũng đã có văn bản chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo 389 của UBND tỉnh, UBND huyện, thành phố, thị xã, quận theo chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 30/CT-TTg. Đồng thời, các địa phương đã xây dựng một số kế hoạch chuyên đề về kiểm tra, ngăn chặn và kiểm soát thuốc lá lậu, có các kế hoạch về tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

- Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đã tích cực đưa tin, tuyên truyền về tình hình buôn lậu thuốc lá đang diễn ra, hoạt động của các lực lượng chức năng và kết quả công tác chống buôn lậu thuốc lá.

- Hiệp hội thuốc lá Việt Nam đã cùng các đơn vị hội viên triển khai quyết liệt Chỉ thị số 30/CT-TTg, tích cực hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá theo Thông tư số 19/2015/TT-BTC ngày 03/2/2015 của Bộ Tài chính với mức 3.500 đồng/bao (3.000 đồng hỗ trợ trực tiếp, 500 đồng hỗ trợ tiêu hủy) và các cơ chế hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Hiệp hội thuốc lá Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên đã tích cực cung cấp thông tin, hỗ trợ phương tiện cho các lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện, đấu tranh với hoạt động buôn lậu thuốc lá từ ngày 01/01/2017 thực hiện mức hỗ trợ 4.500 đồng/bao, tăng 1000 đồng so với trước đây.

- Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm tốt vai trò đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg; đồng thời, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 của các Bộ, ngành và địa phương làm tốt các mặt công tác sau:

+ Đề xuất biểu dương, xây dựng tiêu chí khen thưởng, đề xuất Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá;

+ Tổng hợp, theo dõi kết quả đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá;

+ Theo dõi, tiếp nhận thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; nắm tình hình buôn lậu thuốc lá tại các địa bàn trọng điểm, kịp thời đề xuất Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia phê bình, nhắc nhở các địa phương để tình trạng buôn lậu thuốc lá xảy ra phức tạp;

+ Phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh một số vụ án điểm;

+ Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền tích cực kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu.

2.2. Kết quả phát hiện, đấu tranh, bắt giữ

- Theo kết quả báo cáo các Bộ, ngành và địa phương từ ngày 01/10/2014 đến ngày 01/10/2016, các lực lượng chức năng trong cả nước đã bắt giữ hơn 20.317 vụ, trên 16,5 triệu bao thuốc lá nhập lậu, khởi tố hình sự 347 vụ/475 đối tượng

Điển hình một số địa phương, lực lượng làm tốt đó là:

- Long An bắt giữ trên 4,8 triệu bao, TP Hồ Chí Minh trên 2,6 triệu bao, Đồng Tháp 1,4 triệu bao, Tây Ninh hơn 1,8 triệu bao, An Giang trên 2,1 triệu bao, Quảng Trị hơn 700 ngàn bao, Hải Phòng hơn 1,5 triệu bao,...

- Lực lượng Công an bắt giữ trên 9 triệu bao; Bộ đội Biên phòng bắt giữ hơn 1,65 triệu bao và hơn 16 ngàn kg lá thuốc lá, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển bắt giữ gần 128 ngàn bao; Lực lượng Quản lý thị trường trên 3,5 triệu bao, Lực lượng Hải quan gần 1,3 triệu bao.

- So sánh kết quả năm 2016 với 2015: số vụ tăng 06 %; số lượng giảm 35%; số vụ khởi tố tăng 02%; số đối tượng khởi tố giảm 10%.

3. Đánh giá khái quát tình hình buôn lậu thuốc lá sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg, nhiều địa phương, Bộ, ngành, lực lượng chức năng đã xác lập nhiều kế hoạch nghiệp vụ, chuyên án đánh mạnh vào các đường dây, tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá lậu trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Ở nội địa, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng nhất là lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa nên tình trạng bày bán thuốc lá nhập lậu ở nhiều địa phương (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội...) không còn công khai so với trước, ở địa bàn khu vực biên giới, cửa khẩu, 2 bên cánh gà cửa khẩu, hoạt động vận chuyển thuốc lá không còn rầm rộ như trước đây.

Phương thức vận chuyển thuốc lá lậu cũng có thay đổi so với trước, các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi hơn, cất giấu thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trong ca bin, mui, gầm, bình xăng xe; bố trí người theo dõi trước trụ sở cơ quan của lực lượng chống buôn lậu, thuê người dò đường trước khi vận chuyển; dùng xuồng máy, ghe máy có tốc độ rất cao để vận chuyển, vận chuyển vào ban đêm, thường xuyên thay đổi thời gian, cung đường hoạt động; manh động và liều lĩnh hơn, đối tượng vận chuyển sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ; hô hào, tập trung đông người gây áp lực nhằm cướp hàng, tẩu táng tang vật, đánh tháo đối tượng bị bắt giữ.

Trong thị trường nội địa, thuốc lá nhập lậu tuy không còn bày bán công khai như trước nhưng vẫn được các đối tượng bán lén lút tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, quán cafe, tủ bán thuốc lá lẻ, các cửa hàng tạp hóa, các quán nước trên vỉa hè, tại những địa điểm không cố định nằm rải rác tại các tuyến phố, các quận, huyện và không thường xuyên tập kết ở một điểm cố định với số lượng nhiều. Những nơi tập kết, tàng trữ là khu dân cư phức tạp, nhiều đường ngang ngõ tắt, thường có người theo dõi do đầu nậu thuê... Phương thức hoạt động chủ yếu là các đối tượng cất giấu thuốc lá nhập lậu tại địa điểm khác hoặc trong nhà ở và được vận chuyển dần đến điểm kinh doanh với số lượng nhỏ, bán hết lại đưa đến nên số lượng thuốc lá nhập lậu thu giữ tại các cửa hàng, các điểm kinh doanh không lớn. Một số điểm nóng về buôn bán thuốc lá nhập lậu như: chợ Học Lạt, chợ Trần Quốc Toản, Bến xe Tây Ninh (TP Hồ Chí Minh), chợ Mỹ Khánh, Đại lộ Hòa Bình, đường 30/4 (TP Cần Thơ) vẫn chưa được xóa bỏ một cách triệt để. Địa bàn trọng điểm về tiêu thụ thuốc lá nhập lậu vẫn là TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Miền Tây Nam bộ và các đô thị lớn trong cả nước.

Tuy nhiên, thời gian gần đây theo báo cáo của các Bộ, ngành và các địa phương tình hình buôn lậu thuốc lá đang diễn ra phức tạp tại khu vực biên giới, đây là địa bàn trọng điểm, từng thời điểm, từng khu vực, tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn, tính chất, quy mô, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Ngoài việc tổ chức buôn lậu thuốc lá theo đường dây, ổ nhóm, như việc sử dụng xe máy, xuồng máy, xe ô tô vận chuyển thuốc lá số lượng lớn chạy với tốc độ cao, các đối tượng đầu nậu còn câu kết, kích động các các đối tượng vận chuyển thuê để chống đối, cản trở, hành hung lực lượng làm nhiệm vụ để cướp lại hàng hóa, tang vật vi phạm. Địa bàn trọng điểm vẫn là: Long An, Tây Ninh, An Giang, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Trị, Kiên Giang,...

4. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Mặc dù kết quả nêu trên cao hơn so với trước khi thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả năm 2016 với 2015: số vụ tăng 06 %; số lượng giảm 35%; số vụ khởi tố tăng 02%; số đối tượng khởi tố giảm 10%, kết quả này chưa tương xứng với tình hình thực tế đang diễn ra tại các địa bàn trọng điểm.

Tồn tại trên có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng tập trung chủ yếu vào một số nguyên nhân sau:

- Do địa hình các tỉnh biên giới có đường biên giới giáp Campuchia dài hàng trăm km, có địa hình bằng phẳng và hệ thống kênh rạch chằng chịt, với nhiều đường mòn, lối mở nên công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý biên giới của các lực lượng chức năng có lúc, có nơi còn sơ hở, thiếu chặt chẽ.

- Lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu, kinh doanh thuốc lá nhập lậu rất cao.

- Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt, thường xuyên trong công tác chỉ đạo; các lực lượng chức năng nhiều thời điểm chưa nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình, chưa xác lập được chuyên án lớn đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; một số đơn vị còn biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, ngại khó, sợ nguy hiểm nên công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá không đạt hiệu quả cao, tình trạng buôn lậu phức tạp vẫn còn tiếp diễn ở một số địa bàn, tuyến trọng điểm.

- Trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị và chính quyền các cấp trong việc để tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn ra phức tạp chưa được xử lý nghiêm túc, còn có tình trạng nể nang, né tránh.

- Đời sống nhân dân vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định, nhận thức pháp luật hạn chế nên bị các đối tượng móc nối, mua chuộc tham gia vận chuyển thuốc lá lậu.

- Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng và giữa các địa phương chưa được duy trì thường xuyên, liên tục nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác bắt giữ, xử lý.

- Đầu tư mua sắm phương tiện, hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác chống buôn lậu rất hạn hẹp; trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống buôn lậu còn thiếu, lạc hậu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống buôn lậu.

- Thực hiện Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo đó quy định xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh, nhập lậu, vận chuyển trái phép từ 500 bao trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong thực hiện có một số vướng mắc như sau:

+ Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi tại khoản 22 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ, quy định “Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính". Tuy nhiên, đối với những vụ việc số lượng trên 500 bao đến dưới 1.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu khi chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự lại bị vướng bởi quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Công Thương - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Y tế - Tòa án Nhân dân tối cao - Viện kiểm sát Nhân dân tối cao nên không truy cứu trách nhiệm được các đối tượng vi phạm trong những trường hợp này.

+ Mặt khác, theo quy định của Luật đầu tư năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015) thì kinh doanh "sản phẩm thuốc lá" lại thuộc danh mục "Ngành nghề kinh doanh có điều kiện". Công văn số 06/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao gửi Tòa án nhân các cấp hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu, trong đó hướng dẫn chỉ xem xét xử lý về Tội buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Điều 153, Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi năm 2009, Vì Tòa án căn cứ vào Luật đầu tư năm 2014 (Vì "Sản phẩm thuốc lá" không phải là hàng cấm kinh doanh)

+ Do phát sinh bất cập về đối tượng điều chỉnh của Luật Thương mại năm 2005 (quy định thuốc lá nhập lậu là hàng cm) và Luật Đầu tư năm 2014 (hàng kinh doanh có điều kiện) nên không xác định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm hay là hàng kinh doanh có điều kiện, vì thế, việc xử lý hình sự đối với những người có hành vi nhập lậu, tàng trữ, kinh doanh, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu theo quy định tại Điều 153, Điều 154 và Điều 155 Bộ luật hình sự năm 1999 cũng gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

5. Đề xuất, kiến nghị

- Đề nghị Bộ, Ngành Trung ương và Chính phủ có văn bản thống nhất quy định mặt hàng thuốc lá điếu ngoại nhập. Vì theo Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 thì thuốc lá điếu ngoại nhập là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP thì mặt hàng thuốc lá điếu ngoại nhập là hàng cấm.

- Kiến nghị Chính phủ có chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới, tạo công ăn, việc làm cho cư dân biên giới, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân vùng biên giới.

- Kiến nghị Chính phủ bổ sung phương tiện, trang bị chuyên dùng phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

- Kiến nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức của người dân về tác hại của thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe của cộng đồng và tác hại thất thu thuế đối với nền kinh tế.

- Kiến nghị Hiệp hội thuốc lá Việt Nam và các công ty thành viên tăng cường hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ thông tin về buôn lậu thuốc lá, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng và các địa phương trong đấu tranh, bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu.

- Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng trong ngành, liên ngành, giữa trung ương và địa phương, giữa địa phương và địa phương.

6. Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

6.1. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30/CT-TTg, nhất là các địa bàn trọng điểm cần tiếp tục xây dựng các kế hoạch chuyên đề phù hợp với thực tiễn địa bàn để đấu tranh, đẩy lùi hoạt động buôn lậu thuốc lá tại địa bàn trọng điểm. Kiên quyết xóa bỏ các đường dây, ổ nhóm, tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá lậu qua biên giới, các tụ điểm, kho tàng, bến bãi tập kết, cất giấu, buôn bán trong nội địa. Chú ý tập trung:

- Tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe cộng đồng và thất thu ngân sách nhà nước; Phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm buôn lậu, các hành vi kinh doanh trái pháp luật, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương; nêu gương người tốt, việc tốt trong công tác chống buôn lậu để nhân điển hình; Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí lớn xây dựng các chuyên đề tuyên truyền chuyên sâu về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá tại các địa bàn trọng điểm.

- Đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng chức năng; xác định trách nhiệm phụ trách địa bàn, khu vực một các rõ ràng; Khu vực biên giới trách nhiệm chính chống buôn lậu thuốc lá của lực lượng Biên phòng và Hải quan; trong nội địa lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo chấm dứt tình trạng bày bán công khai thuốc lá tại các cửa hàng tạp hóa, quán cà phê, vũ trường, quán bar,...

- Đầu tư, trang bị phương tiện cho các tỉnh trọng điểm buôn lậu thuốc lá đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, khắc phục ngay tình trạng trang thiết bị lạc hậu, yếu kém không đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

6.2. Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường tập trung nắm bắt tình hình, xác định đường dây, ổ nhóm, xây dựng các chuyên đề đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá nhất là Zet, Hero từ Campuchia về Việt Nam qua địa bàn trọng điểm Long An, An Giang, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh xác định mục tiêu trong năm 2017 tập trung triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu thuốc lá trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố nói trên.

6.3. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nghiên cứu, xử lý vướng mắc giữa Luật Thương mại, Luật Đầu tư và Bộ luật Hình sự trong điều tra, truy tố, xét xử hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh sản phẩm thuốc lá nhập lậu, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để thống nhất quan điểm áp dụng pháp luật.

6.4. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Văn phòng Chính phủ chủ động nắm bắt tình hình, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị của các lực lượng chức năng và địa bàn trọng điểm, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành sửa đổi chính sách hoặc đưa ra các quyết sách trong chỉ đạo chống buôn lậu thuốc lá đạt hiệu quả cao. Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kịp thời biểu dương, khen thưởng cho tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân để tình trạng buôn lậu thuốc lá gia tăng gây bức xúc trong dư luận trên địa bàn quản lý.

6.5. Hiệp hội thuốc lá Việt Nam nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc lá tương tự Zet, Hero để đưa ra thị trường, đáp ứng thị hiếu khách hàng; hỗ trợ kinh phí hỗ trợ cho lực lượng chống buôn lậu; tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư, phát triển kinh tế vùng biên giới, nhất là các địa bàn trọng điểm buôn lậu thuốc lá nhức nhối nhiều năm nay.

Trên đây là báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg và một số giải pháp nhằm thực hiện tốt Chỉ thị 30 trong thời gian tới./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- PTTg Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Quốc phòng, Công Thương, Công an, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Tổng cục Hải quan;
- BTL Biên phòng;
- BTL Cảnh Sát biển;
- Cục Quản lý thị trường;
- Hiệp hội thuốc lá Việt Nam;
- Lưu: VT, VPTTBCĐ389 (03 bản).

KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC




BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Đinh Tiến Dũng