BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4126/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 26 tháng 8 năm 2008 |
Kính gửi: Bộ Công Thương
Theo đề nghị của Bộ Công Thương tại công văn số 7148/BCT-XNK ngày 14/08/2008 về việc tham gia ý kiến đối với việc ghi trị giá FOB và vấn đề chữ ký, con dấu trên CO mẫu AJCEP, VJEPA, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Sự cần thiết của việc ghi trị giá FOB trên C/O.
Trị giá FOB là thông tin quan trọng về lô hàng nhập khẩu. Cơ quan Hải quan tham khảo trị giá FOB để phục vụ cho công tác nghiệp vụ như xác định trị giá tính thuế và tính toán hàm lượng tiêu chuẩn xuất xứ của hàng hóa trong trường hợp nghi ngờ tính xác thực của các thông tin này. Cụ thể là trị giá FOB ghi trên C/O có thể được sử dụng để khai thác thông tin về giá tính thuế, hỗ trợ cho việc phát hiện gian lận trị giá tính thuế trong các khâu nghiệp vụ thủ tục hải quan. C/O có ghi trị giá FOB sẽ giúp cơ quan Hải quan có cơ sở để xem xét, tính toán hàm lượng tiêu chuẩn xuất xứ của hàng hóa trong trường hợp nghi ngờ hoặc tính toán để xác định xuất xứ của hàng hóa là máy móc thiết bị nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau, trong trường hợp cần thiết phải xác định xuất xứ hàng xuất khẩu,.... Có thể nói trị giá FOB ghi trên C/O tạo thuận lợi cho cơ quan Hải quan chống gian lận thương mại và thất thu thuế, xử lý khiếu nại, tư vấn cho doanh nghiệp.
Như vậy, Tổng cục Hải quan cho rằng C/O có thể hiện trị giá FOB là cần thiết. Trong đàm phán FTA, Việt Nam cần bảo vệ quan điểm này.
2. Về chữ ký và con dấu trên C/O
Đề xuất của Nhật Bản nhằm mục đích có thể áp dụng linh hoạt cho cả trường hợp C/O cấp tay và cấp điện tử. Việt Nam đã có Luật giao dịch điện tử và một số Nghị định hướng dẫn, trong đó cho phép chấp nhận chứng từ điện tử là C/O. Trong đàm phán Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), ta đã chấp nhận C/O điện tử do Hàn Quốc cấp cho hàng xuất khẩu của họ vào Việt Nam và thực hiện kiểm tra e-CO trên website của cơ quan cấp. Do vậy, Tổng cục Hải quan có thể nhất trí với đề xuất này và đề nghị khi đàm phán ta yêu cầu phía Nhật Bản cung cấp website của cơ quan cấp để Hải quan có thể kiểm tra C/O trên mạng internet. Nếu Nhật Bản không chấp nhận yêu cầu này thì cơ quan Hải quan không thể kiểm tra được C/O và như vậy ta chỉ có thể chấp nhận C/O cấp tay.
Tổng cục Hải quan đề nghị vào thời điểm thích hợp trong đàm phán, ta cần đề xuất với Nhật Bản về nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho cơ quan Hải quan kiểm tra C/O và ngăn chặn tình trạng giả mạo C/O và xuất xứ hàng hóa.
Kính chuyển ý kiến tham gia trên đây để Quý Bộ nghiên cứu. Xin cám ơn sự phối hợp công tác./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Công văn 4126/TCHQ-GSQL về việc ghi trị giá FOB và vấn đề chữ ký, con dấu trên C/O mẫu AJCEP, VJEPA do Tổng cục Hải quan ban hành
- Số hiệu: 4126/TCHQ-GSQL
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 26/08/2008
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Đặng Hạnh Thu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/08/2008
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết