Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3966/BTC-TCHQ
V/v trả lời kiến nghị của Hiệp hội dệt may Việt Nam

Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 2014

 

Kính gửi:

- Hiệp hội Dệt may Việt Nam;
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Trả lời công văn số 28/CV-HHDMVN ngày 03/3/2014 của Hiệp hội dệt may Việt Nam về việc vướng mắc khi thực hiện công văn số 1767/BTC-TCHQ, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về nội dung vướng mắc nêu tại điểm 1 công văn số 28/CV-HHDMVN dẫn trên, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể tại công văn số 3925/BTC-TCHQ ngày 28/03/2014 về việc tập kết hàng hóa xuất khẩu. Đề nghị Hiệp hội tra cứu công văn số 3925/BTC-TCHQ dẫn trên để thông báo cho các doanh nghiệp liên quan thực hiện.

2.2. Đối với nội dung vướng mắc liên quan đến chứng từ thanh toán hàng hóa nhập khẩu sản xuất xuất khẩu:

2.1. Về thời điểm nộp chứng từ thanh toán:

Vướng mắc về thời điểm nộp chứng từ thanh toán nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để SXXK trong trường hợp theo thỏa thuận của hợp đồng thanh toán trả chậm, đề nghị Hiệp hội Dệt may Việt Nam thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 25 công văn số 7700/TCHQ-GSQL ngày 13/12/2013 của Tổng cục Hải quan. Trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ xem xét cho bổ sung tại mẫu số 18/CKCSSX/2013 - Bản cam kết về cơ sở sản xuất (ban hành kèm theo Thông tư 128/2013/TT-BTC) nội dung cam kết về chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu SXXK để áp dụng trong trường hợp theo thỏa thuận của hợp đồng thanh toán trả chậm.

2.2. Về thanh toán bù trừ công nợ trên hóa đơn thanh toán:

Theo quy định tại điểm a.5 khoản 1 Điều 20 Thông tư 128/2013/TT-BTC thì một trong các điều kiện để được áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu là doanh nghiệp “Phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu. Các trường hợp thanh toán được coi như thanh toán qua ngân hàng xử lý tương tự như quy định tại khoản 4 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này”. Theo đó, các trường hợp bù trừ công nợ được coi là thanh toán qua ngân hàng đã được quy định cụ thể tại khoản 4 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 128/2013/TT-BTC. Đồng thời Bộ Tài chính nhất trí với đề nghị của Hiệp hội về việc: Đối với trường hợp thanh toán bù trừ được thể hiện trên hóa đơn xuất hàng và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc kê khai này.

3. Đối với nội dung vướng mắc liên quan đến việc đo khổ vải:

Bộ tài chính nhất trí với đề nghị của Hiệp hội mức dung sai giữa thực tế đo và hồ sơ khai báo ở mức ± 3-5% tùy loại vải; đồng thời cơ quan Hải quan chỉ thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu đối với doanh nghiệp thuộc rủi ro cao theo quy định, hoặc cơ quan Hải quan có bằng chứng về doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Bộ Tài chính có ý kiến để Hiệp hội Dệt may Việt Nam biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, TCHQ (44)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3966/BTC-TCHQ năm 2014 trả lời kiến nghị của Hiệp hội dệt may Việt Nam về chứng từ thanh toán xuất nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 3966/BTC-TCHQ
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/03/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản