Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3923/LĐTBXH-BHXH
V/v tuổi nghỉ hưu đối với lao động nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi: Nhà máy in tiền Quốc gia

Trả lời công văn số 50/NMI-TCCB ngày 25 tháng 9 năm 2014 của quý Cơ quan về việc tuổi nghỉ hưu đối với lao động nặng nhọc, độc hại, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

Theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, người lao động được hưởng lương hưu khi nghỉ việc mà nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60, nữ từ đủ 50 đến đủ 55 tuổi và có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm việc hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định trên mà vẫn muốn tiếp tục làm việc và người sử dụng lao động vẫn có nhu cầu sử dụng thì người lao động vẫn tiếp tục làm việc và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định. Trường hợp người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì thủ tục hồ sơ giải quyết để người lao động hưởng lương hưu được quy định tại Điều 119, Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội. Theo đó người sử dụng lao động phải ra quyết định nghỉ việc và lập hồ sơ hưởng lương hưu đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội gửi cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết theo quy định.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời để quý cơ quan được biết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VP, BHXH(2).

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ BẢO HIỂM XÃ HỘI




Trần Thị Thúy Nga