Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3877 TCT/NV6
V/v trả lời chính sách thuế

Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2001

 

Kính gửi: Công ty Mặt trời Vàng

Trả lời công văn số 45/CV, công văn 46/CV ngày 31/08/2001 của Công ty hỏi về chính sách thuế, Tổng cục Thuế trả lời về nguyên tắc như sau:

1/ Về chi phí tiền lương, tiền công và các khoản mang tính chất tiền lương, tiền công

Tại điểm 3b Mục III Phần B Thông tư số 99/1998/TT-BTC ngày 14/07/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/05/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định: “Đối với các doanh nghiệp khác: Tiền lương, tiền công và các khoản mang tính chất tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động được xác định theo một trong các phương pháp sau:

- Nếu doanh nghiệp đã xây dựng được đơn giá tiền lương trên cơ sở định mức lao động và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền duyệt thì tiền lương được tính vào chi phí hợplý theo số thực chi nhưng không được quá đơn giá tiền lương và khối lượng công việc đã hoàn thành như đối với doanh nghiệp Nhà nước.

- Nếu doanh nghiệp đã thực hiện chế độ hợp đồng lao động hoặc hoà ước lao động tập thể thì tiền lương, tiền công và các khoản mang tính chất tiền lương, tiền công được xác định theo hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể.

- Ngoài các trường hợp nêu trên, tiền lương, tiền công trả cho người lao động được căn cứ vào mức thu nhập bình quân của từng ngành nghề tại địa phương do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.

...

Không được tính vào chi phí tiền lương, tiền công các khoản chi phí sau:

- Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ cá thể sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

- Tiền lương, tiền công của các sáng lập viên các Công ty mà họ không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.”

Ngoài ra, Doanh nghiệp phải hạch toán kế toán chi phí tiền lương, khi chi trả phải có đầy đủ chứng từ theo quy định.

2/ Về chính sách thuế GTGT đối với TSCĐ thanh lý

Tại điểm 5 Mục II Thông tư số 175/1998/TT-BTC ngày 24/12/1998 của Bộ Tài chính quy định: “Tài sản thanh lý, phế liệu, phế phẩm bán ra áp dụng thuế suất thuế GTGT của hàng hoá đó.”

Tại Điều 4 Chương I Chế độ phát hành, quản lý, sử dụng hoá đơn bán hàng ban hành kèm theo Quyết định số 885/1998/QĐ-BTC ngày 16/7/1998 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính quy định: “Các tổ chức, cá nhân khi bán hàng hoá, dịch vụ thu tiền hoặc trao đổi sản phẩm đều phải lập và giao hoá đơn hợp pháp cho khách hàng; Nếu không lập và giao hoá đơn không hợp pháp cho khách hàng là hành vi trốn thuế, sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.”

Như vậy trường hợp trong năm 2000 Công ty có thanh lý tài sản cố định thì: Công ty phải xuất hoá đơn GTGT và kê khai nộp thuế GTGT khi thanh lý tài sản (bán tài sản) không phân biệt Công ty đã thu được tiền hay chưa thu hết tiền. Trường hợp Công ty bán tài sản nhưng không xuất hoá đơn GTGT thì đâylà hành vi trốn thuế, việc Cục Thuế xử lý truy thu thuế GTGT khi thanh lý tài sản là đúng quy định. Sau khi Cục Thuế xử lý truy thu thuế GTGT, Công ty đã xuất hoá đơn GTGT cho tài sản thanh lý giao cho người mua và kê khai nộp thuế thì Công ty sẽ được giảm trừ số thuế GTGT bị truy thu. Tiền phạt khi truy thu (nếu có) không được tính trừ.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty được biết và đề nghị Công ty liên hệ với Cục Thuế TP.Hà Nội để được giải quyết./.

 

 

KT/ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Đình Vu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3877TCT/NV6 về chính sách thuế do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 3877TCT/NV6
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 27/09/2001
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Nguyễn Đình Vu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/09/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản