Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38/1998/CV-NHNN7

Hà Nội, ngày 10 tháng 1 năm 1998

 

CÔNG VĂN

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 38/1998/CV-NHNN7 NGÀY 10 THÁNG 1 NĂM 1998

Kính gửi:

- Giám đốc Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố
- Tổng Giám đốc (Giám đốc) các Ngân hàng Thương mại,

 

Ngân hàng liên doanh, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài

Tại Điều 2 Quyết định 396/TTg ngày 4-8-1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung, sửa đổi một số điểm về quản lý ngoại tệ trong tình hình mới quy định:

"Các tổ chức, đơn vị được giữ lại một phần ngoại tệ có trên tài khoản để đảm bảo phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Phần ngoại tệ còn lại chưa sử dụng trong quý phải bán lại cho các Ngân hàng và công ty tài chính được phép kinh doanh ngoại tệ..."

Tại điểm 2 Thông tư 12/TT-NH7 ngày 5-9-1994 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Quyết định 396/TTg quy định:

"Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố cùng với Giám đốc các Chi nhánh Ngân hàng trên địa bàn... tính toán, xác định số ngoại tệ cần giữ lại trong quý để sử dụng và số ngoại tệ tạm thời chưa sử dụng trong quý của các tổ chức, đơn vị... và thông báo cho các ngân hàng, công ty tài chính trên địa bàn để mua số ngoại tệ nói trên".

Tại điểm 2.1 quy định: "Việc tính toán, xác định số ngoại tệ đơn vị cần giữ lại để sử dụng trong quý và số ngoại tệ tạm thời chưa sử dụng đến trong quý dựa trên kế hoạch thu chi ngoại tệ của quý..."

Tuy nhiên, trong thời gian qua, do các đơn vị chưa lập được kế hoạch thu chi ngoại tệ và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố cùng các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn chưa tính toán được số ngoại tệ tạm thời chưa sử dụng trong quý của đơn vị nên quy định trên vẫn chưa triển khai được. Do đó, đã xảy ra tình trạng: trong khi các Ngân hàng Thương mại không có đủ ngoại tệ để đáp ứng cho nhu cầu nhập khẩu của các đơn vị kinh tế, thì các đơn vị khác lại găm giữ ngoại tệ trên tài khoản. Số ngoại tệ này các Ngân hàng Thương mại chỉ sử dụng được một phần, một phần phải đem gửi ở nước ngoài, trong khi các đơn vị thiếu ngoại tệ lại phải đi vay nước ngoài, gây lãng phí cho nền kinh tế.

Để khắc phục những tồn tại trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu:

1. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố phải phối hợp với các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Điều 2 Quyết định 396/TTg ngày 4-8-1994 của Thủ tướng Chính phủ và điểm 2 Thông tư 12/TT-NH7 ngày 5-9-1994 của Ngân hàng Nhà nước.

2. Để đảm bảo các tổ chức, đơn vị có thể mua được ngoại tệ khi có nhu cầu và tránh bị thiệt thòi về tỷ giá khi mua bán ngoại tệ với Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy chế hoạt động giao dịch hối đoái kèm theo Quyết định số 17/1998/QĐ-NHNN7 ngày 10-01-1998. Các tổ chức, đơn vị (kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng được Nhà nước đảm bảo cân đối ngoại tệ) khi có nhu cầu, được phép tự liên hệ với các Ngân hàng Thương mại mua ngoại tệ tại ngân hàng dưới hình thức mua ngoại tệ giao ngay (spot), có kỳ hạn (forward) và hoán đổi (swap) theo quy định tại Quy chế nói trên để đáp ứng cho nhu cầu ngoại tệ của tổ chức, đơn vị mình.

3. Các Ngân hàng Thương mại có đủ điều kiện do Ngân hàng Nhà nước quy định cần thực hiện sớm việc xin cấp giấy phép tham gia giao dịch ngoại tệ có kỳ hạn và hoán đổi theo các quy định nêu trong Quy chế nói trên.

Ngân hàng Nhà nước thông báo để Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố phối hợp với các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn và các tổ chức đơn vị để thực hiện.

 

Lê Đức Thuý

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 38/1998/CV-NHNN7 của Ngân hàng Nhà nước về việc quản lý số ngoại tệ dự trữ và chưa sử dụng trong ngân hàng

  • Số hiệu: 38/1998/CV-NHNN7
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 10/01/1998
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Lê Đức Thuý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/01/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản