Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3786/BKHĐT-TH
V/v khung hướng dẫn KH PTKTXH năm 2016

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2015

 

Kính gửi:

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Hợp tác xã;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

 

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (dưới đây gọi tắt là các bộ, ngành trung ương và địa phương) Khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ ƯỚC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2015

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ra các quyết định giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm các chương trình mục tiêu quốc gia), vốn trái phiếu Chính phủ năm 2015[1].

Đồng thời với việc giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Dưới đây là đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, dự báo khả năng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và một số giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm:

I. VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2015

Trong 6 tháng đầu năm 2015, dưới sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,11%; hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều có cải thiện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp. Dư nợ tín dụng tiếp tục tăng với lãi suất ổn định, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động thêm nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và thu hút vốn FDI đạt khá. Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đà tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng cao về lượng, cho thấy các tín hiệu tích cực về sự phục hồi sức mua và tổng cầu. Hoạt động phát triển doanh nghiệp có chuyển biến; số doanh nghiệp thành lập mới tăng, trong khi số doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động và giải thể đều giảm so với cùng kỳ. An sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm an toàn giao thông tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: tốc độ tăng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước giảm so với cùng kỳ; nhập siêu có xu hướng tăng; khách quốc tế đến Việt Nam giảm; tiêu thụ một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp còn hạn chế. Diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là tình hình khô hạn kéo dài ở miền Trung và Tây Nguyên đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Đời sống nhân dân ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng bị thiên tai, hạn hán còn nhiều khó khăn.

Dưới đây là tình hình cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015:

1. Về ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát:

a) Về giá cả và kiểm soát lạm phát

Trong 6 tháng đầu năm, với việc thực hiện mạnh mẽ các biện pháp thúc đẩy đầu tư và sản xuất kinh doanh, cùng với việc thực hiện và phối hợp chặt chẽ các chính sách tài chính, tiền tệ, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, là điều kiện quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2015 tăng 0,3-0,4% so với tháng 5/2015 và tăng 0,5-0,6% so với tháng 12/2014. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng khoảng 0,84-0,86% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp, đã từng bước điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường, như: điện, xăng dầu,...

b) Về tiền tệ, tín dụng

Tổng phương tiện thanh toán đến 20/5/2015 tăng 3,64% so với tháng 12 năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 tăng 4,88%). Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến 20/5/2015 tăng 2,94% so với cuối năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 tăng 3,79%). Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 4,26% so với tháng 12 năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 tăng 1,11%).

Lãi suất huy động tiền VND có xu hướng giảm nhẹ so với đầu năm. Lãi suất cho vay bằng VND tiếp tục ổn định. Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-10,5%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3-6,7%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-5,5%/năm, 5,5-6,7%/năm đối với trung và dài hạn.

Cân đối cung cầu ngoại tệ đảm bảo. Trong Quý I, cán cân thanh toán tổng thể vẫn đạt thặng dư khoảng trên 2,6 tỷ USD do nguồn kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp và giải ngân vốn ODA tiếp tục được duy trì để bù đắp cho phần thâm hụt của cán cân vãng lai (thâm hụt khoảng trên 1,1 tỷ USD).

c) Về thu chi ngân sách nhà nước

Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 454.770 tỷ đồng, bằng 50% dự toán năm trong đó thu nội địa đạt 332.000 tỷ đồng, bằng 52% dự toán, thu dầu thô đạt 38.200 tỷ đồng, bằng 41% dự toán, thu xuất nhập khẩu đạt 83.000 tỷ đồng, đạt 47,2% dự toán.

Tổng chi ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 560.000 tỷ đồng, bằng 48,8% dự toán.

d) Về đầu tư phát triển

Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện đạt khoảng 558,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước ước đạt 93,2 nghìn tỷ đồng, bằng 47,8% kế hoạch năm.

- Vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt 26,6 nghìn tỷ đồng, bằng 31,3% kế hoạch năm.

- Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước ước đạt 26,1 nghìn tỷ đồng, bằng 43,5% kế hoạch năm.

- Vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (vốn tự có) ước đạt 27,4 nghìn tỷ đồng, bằng 20,29% kế hoạch năm.

- Vốn đầu tư của dân cư và khu vực tư nhân ước đạt 206,6 nghìn tỷ đồng, bằng 36,56% kế hoạch năm.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài 5 tháng đầu năm 2015, thu hút 592 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 2.956,8 triệu USD, tăng 18,4% về số dự án và giảm 19,4% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014; có 210 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 1.340,8 triệu USD. Tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 4.297,6 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2014.

Tổng giá trị hiệp định ODA ký kết 6 tháng đầu năm 2015 dự kiến đạt khoảng 2.000 triệu USD. Giá trị giải ngân 6 tháng đầu năm ước đạt 2.500 triệu USD (trong đó vốn vay ước đạt 2.350 triệu USD, viện trợ không hoàn lại ước đạt 150 triệu USD).

2. Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế

a) Về tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước

Nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục xu hướng phục hồi của năm 2014. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2015 ước tăng 6,11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,16%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%; dịch vụ tăng 6,16%.

b) Về sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp đang có xu hướng phục hồi rõ rệt và tăng trưởng vượt trội so với các năm trước. Ước 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,8%), trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 5,7% (cùng kỳ năm 2014 giảm 2,5%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,3% (cùng kỳ năm 2014 tăng 10,9%); ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 6,4% (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,9%).

Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng công nghiệp còn nhiều hạn chế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá cao nhưng chủ yếu là các mặt hàng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, nhiều nguyên vật liệu, chi tiết, phụ tùng lắp ráp đều phải nhập khẩu từ bên ngoài. Công nghệ sản xuất còn lạc hậu, khả năng cạnh tranh yếu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, hiệu quả đầu tư kinh doanh thấp.

c) Về sản xuất nông nghiệp

Thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, xâm nhập mặn, thị trường tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, giá xuống thấp đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nông dân. Ước tính giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 6 tháng dự kiến tăng 2,22%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 5 năm qua[2]. Các ngành sản xuất chủ yếu bị ảnh hưởng nhiều là ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,65% (cùng kỳ năm 2014 tăng 2,5%), thủy sản chỉ tăng 3,4% (cùng kỳ năm 2014 tăng 6%). Riêng ngành lâm nghiệp đạt mức tăng cao nhất là 8,11% (cùng kỳ năm 2014 tăng 5,9%), do lĩnh vực chế biến gỗ tăng.

Bên cạnh đó, tình hình sâu bệnh gây hại cho cây trồng, đặc biệt là bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột,... đang có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng các loại cây trồng. Sản lượng lúa đông xuân ước tính của các địa phương phía Bắc dự kiến đạt 7,2 triệu tấn, giảm 1% so với vụ đông xuân 2014.

Tính đến trung tuần tháng 5/2015, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1.915,4 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99% cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 13,5 triệu tấn. Các tỉnh ở khu vực duyên Hải miền trung và Tây Nguyên do tác động của thời tiết nắng nóng, khô hạn ảnh hưởng xấu tới xuống giống và sinh trưởng phát triển cây lúa, năng suất lúa của các tỉnh ở 2 khu vực này giảm từ 2-5% so với cùng kỳ năm trước, cùng với diện tích giảm từ 2-3% nên sản lượng lúa các tỉnh miền Trung giảm 3-4%; Tây nguyên giảm 4-5%.

Về gieo trồng các loại hoa màu, tính đến trung tuần tháng 5, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt 715,7 nghìn ha, bằng 103,9% cùng kỳ năm trước; khoai lang 88,4 nghìn ha, bằng 96,2%; lạc 160,7 nghìn ha, bằng 100,7%; đậu tương 57,2 nghìn ha, bằng 87,8%; rau đậu các loại 586,3 nghìn ha, bằng 103,2%.

Về chăn nuôi, nhìn chung số lượng trâu, bò giảm chủ yếu do diện tích chăn thả bị thu hẹp và hiệu quả chăn nuôi thấp; riêng đàn bò sữa tiếp tục tăng, đạt 253,7 nghìn con, tăng 26% so cùng kỳ. Đàn lợn đạt 27,1 triệu con, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Chăn nuôi lợn phát triển thuận lợi do dịch bệnh được khống chế và giá thịt lợn ở mức có lợi cho người chăn nuôi. Tổng đàn gia cầm đạt 327 triệu con, tăng 4% so với cùng kỳ. Chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn, đảm bảo an toàn dịch bệnh ngày càng được các địa phương chú trọng trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ có xu hướng giảm dần.

Diện tích rừng trồng mới tập trung 6 tháng đầu năm đạt 75 nghìn ha, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 3.100 nghìn m3, tăng 8,6%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước tính đạt 3.060 nghìn tấn, tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1.570 nghìn tấn, tăng 2,9%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 1.491 nghìn tấn, tăng 4%.

d) Về khu vực dịch vụ

Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2015 dự kiến đạt khoảng 6,16% cao hơn với cùng kỳ năm 2014.

Xuất khẩu dịch vụ 6 tháng ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014; nhập khẩu dịch vụ đạt 7,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014.

Một số dịch vụ có mức tăng khá như thương mại, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin và viễn thông,… Tuy nhiên, một số lĩnh vực dịch vụ khác lại gặp nhiều khó khăn, nhất là trong ngành dịch vụ du lịch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước đạt 1.571 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu trừ yếu tố giá tăng 8,5% (cùng kỳ năm trước tăng 5,7%).

Tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng ước đạt trên 3,93 triệu lượt khách, giảm 8,4% so cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ năm trước tăng 21,1%).

Khối lượng hàng hoá vận chuyển 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 544,8 triệu tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt khoảng 106,47 tỷ T.Km; khối lượng hành khách vận chuyển ước đạt 1.610,4 triệu lượt hành khách, khối lượng hành khách luân chuyển đạt 71.473 triệu HK.Km.

Dịch vụ bưu chính phát triển ổn định, khai thác hiệu quả mạng lưới, vận chuyển và chuyển phát. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 trong lĩnh vực bưu chính đạt 3.500 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2014. Tổng doanh thu trong lĩnh vực viễn thông 6 tháng đầu năm ước đạt 120.000 tỷ đồng tương đương với cùng kỳ năm 2014.

đ) Về xuất nhập khẩu

Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 78 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 53,5 tỷ USD, tăng 12,4% và chiếm 68,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của khu vực 7 doanh nghiệp trong nước ước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (tăng 11,5%).

Tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2015 của cả nước ước đạt 81 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 47,5 tỷ USD, tăng 22,1% và chiếm 58,6% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 33,5 tỷ USD, tăng 10,4%.

Nhập siêu đang có xu hướng tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước nhập siêu khoảng 3 tỷ USD, bằng 3,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt khoảng 9 tỷ USD. Khu vực FDI nếu kể cả dầu thô xuất siêu ước đạt 6 tỷ USD.

e) Về phát triển doanh nghiệp

Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2015, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 44 nghìn doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 265 nghìn tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2014 tăng 17,9% về số lượng doanh nghiệp và tăng 14,7% về số vốn đăng ký. Số lượng doanh nghiệp giải thể là 4,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,45% so với 5 tháng đầu năm và giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Về sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: theo kế hoạch năm 2015, cả nước sẽ cổ phần hóa 289 doanh nghiệp (chưa kể số sẽ bổ sung theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới). Trong Quý I/2015 đã hoàn thành cổ phần hóa 29 doanh nghiệp, trong đó có 03 Tổng công ty nhà nước và 26 doanh nghiệp độc lập. Về thoái vốn nhà nước, trong Quý I/2015, cả nước đã thoái được 2.807 tỷ đồng, thu về 3.206 tỷ đồng. Số vốn còn phải thoái trong 9 tháng còn lại là 19.517 tỷ đồng. Tình hình cổ phần hóa và thoái vốn chậm, chủ yếu do đối tượng cổ phần hóa hầu hết có quy mô lớn, cơ cấu tài sản phức tạp; một số Bộ, ngành, địa phương chưa chỉ đạo tích cực việc tổ chức triển khai thực hiện,…

3. Về bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác:

a) Về lao động, việc làm

Ước 6 tháng đầu năm, giải quyết việc làm cho khoảng 785.400 lao động, bằng 103,6% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 49,1% chỉ tiêu kế hoạch năm 2015. Trong đó: giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 732.000 nghìn người, bằng 104,1% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 48,5% kế hoạch; đưa khoảng 53.400 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, bằng 96,7% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 59,3% kế hoạch.

Tính đến tháng 5/2015, cả nước có 75.706 người lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Trong đó, số người lao động nước ngoài thuộc diện cấp phép lao động là 70.643 người (chiếm 93,31%); số đã được cấp phép lao động là 54.891 người, chiếm 77,7% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động; số không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 5.063 người.

Các hoạt động thông tin, dự báo thị trường lao động được triển khai đồng bộ trong cả nước. Cổng thông tin điện tử việc làm đã cập nhật thường xuyên tình hình thị trường lao động; theo dõi, cập nhật tình hình lao động việc làm, biến động lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, các thành phố lớn...

Tổng số người đăng ký thất nghiệp trên cả nước 5 tháng đầu năm 2015 là: 182.397 người. Tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước 5 tháng đầu năm là 160.457 người.

Mức lương tối thiểu vùng của người lao động được điều chỉnh tăng từ ngày 01/01/2015. Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng đã góp phần giảm khó khăn, cải thiện đời sống của người lao động. Từ ngày 01/01/2015 người về hưu và cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hệ số lương từ 2,34 trở xuống được tăng thêm tiền lương bằng 8% mức lương hiện hưởng.

b) Về bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo

6 tháng đầu năm 2015, tình hình an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo, trong đó đã thực hiện có hiệu quả các chính sách như hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, cho vay xuất khẩu lao động...; cấp thẻ bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí cho con em hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, phát triển sản xuất, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và thực hiện các chính sách giảm nghèo khác.

Các địa phương đã theo dõi sát tình hình thiếu đói giáp hạt, thiệt hại do thiên tai, kịp thời tổ chức cứu trợ và đề xuất giải pháp khắc phục hậu quả, nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ hơn 25 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 20 địa phương để cứu trợ kịp thời cho người dân trong kỳ giáp hạt và dịp Tết Nguyên đán.

Thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên cho các đối tượng bảo trợ xã hội; đối với các tỉnh, thành phố có điều kiện thực hiện nâng mức trợ cấp cao hơn mức quy định của Chính phủ, các tỉnh nghèo được bổ sung ngân sách đảm bảo chi trả đầy đủ cho đối tượng chính sách theo quy định.

c) Chăm sóc sức khỏe nhân dân

Trong 6 tháng đầu năm, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, tình trạng sức khoẻ của người dân có những cải thiện rõ rệt. Kết quả hoạt động các lĩnh vực cụ thể như sau:

Về công tác y tế dự phòng, chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, dự báo phát hiện sớm, khống chế dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Duy trì công tác giám sát dịch tễ thường xuyên, tăng cường giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm các trường hợp dịch bệnh xâm nhập, ngăn chặn không để các dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết do vi rút Ebola, dịch hạch, cúm A xâm nhập vào nước ta.

Tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm (sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, Cúm A H5N1, Cúm A H1N1, Viêm não vius, viêm não Nhật Bản...) giảm so với cùng kỳ năm 2014. Chiến dịch tiêm vắc xin sởi - Rubela lớn nhất từ trước đến nay cho trẻ từ 1-14 tuổi được triển khai trên toàn quốc với khoảng hơn 20 triệu trẻ, đạt tỷ lệ 96,7%.

Về mạng lưới cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh, được củng cố theo hướng công bằng, hiệu quả và nâng cao chất lượng dịch vụ. Y tế cơ sở được phát triển rộng khắp toàn quốc, trong đó bao gồm cả mạng lưới y tế thôn, bản, đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đã bước đầu được đổi mới, mở rộng dịch vụ y tế cho tuyến xã, thí điểm thực hiện quản lý một số bệnh mãn tính như hen, tăng huyết áp, đái đường tại cộng đồng, góp phần giảm tải cho tuyến trên, khoảng 80% trung tâm y tế xã đã thực hiện khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Tình trạng quá tải bệnh viện được cải thiện. Tính đến nay có 23/38 bệnh viện trung ương, 18 bệnh viện tuyến cuối của TP. Hồ Chí Minh cam kết không để người bệnh nằm ghép theo 3 khoảng thời gian là ngay sau khi nhập viện, sau 24 giờ nhập viện và sau 48 giờ nhập viện. Quy trình khám chữa bệnh tại hầu hết các bệnh viện cũng được tinh giản.

Về y học cổ truyền, các hoạt động y học cổ truyền ở các trạm y tế dần dần được khôi phục, hoạt động y học cổ truyền đưa vào chuẩn quốc gia về y tế xã. Tỷ lệ khám bệnh bằng y học cổ truyền so với tổng khám chữa bệnh chung của từng tuyến đã có bước cải thiện đáng kể, tuy nhiên chưa chiếm tỷ trọng cao trong tổng số lượt khám chữa bệnh chung, cụ thể: tuyến tỉnh là 8,8%; tuyến huyện 9,1% và tuyến xã là 24,6%.

d) Về thực hiện chính sách ưu đãi người có công

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được triển khai như các hoạt động xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách; huy động quỹ đền ơn đáp nghĩa; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách. Công tác giải quyết chính sách đối với người có công được thực hiện kịp thời. Việc tu sửa, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm,... được quan tâm, từng bước đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Công tác tổng rà soát chính sách ưu đãi người có công đối với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ đang được triển khai thực hiện.

đ) Về chăm sóc người cao tuổi; thực hiện bình đẳng giới; bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phát triển thanh niên

Về chăm sóc người cao tuổi, tất cả các địa phương đã triển khai chính sách trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi từ đủ 80 tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật người cao tuổi. Công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, hầu hết người cao tuổi thuộc diện hưởng lương hưu, chính sách người có công, chính sách bảo trợ xã hội, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, người cao tuổi là đồng bào dân tộc thiểu số... đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Số người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hơn 1,5 triệu người.

Công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được triển khai đồng bộ trên cơ sở triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 01/12/2009 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước.

Tiếp tục triển khai thực hiện một số chương trình, chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được phê duyệt: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020, Đề án chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020, Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2012-2015, Chương trình trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015,...

Triển khai nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc, phát động các đơn vị, cá nhân, tổ chức ủng hộ Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam.

Các chương trình, dự án tạo điều kiện cho thanh niên phát triển và phát huy năng lực nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội đã đạt những kết quả nhất định: Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã tại các huyện nghèo; Dự án xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh, biên giới và xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2006-2012 và hiện nay giai đoạn 2013-2020 đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo thêm việc làm ổn định, đảm bảo thu nhập cho thanh niên nông thôn và nhân dân trên các địa bàn triển khai Dự án, góp phần xóa các điểm trắng về dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh biên giới và bảo vệ hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh. Tiếp tục hoàn thiện Bộ chỉ số phát triển thanh niên.

e) Về phòng chống tệ nạn xã hội

Công tác cai nghiện phục hồi, phòng, chống tệ nạn xã hội đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện bám sát các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012-2015; Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015; tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới và Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân tình hình tệ nạn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp. Số người nghiện ma túy có xu hướng tăng; tệ nạn mại dâm chưa có biện pháp khắc phục triệt để.

4. Về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ

a) Về giáo dục đào tạo

Trong 6 tháng đầu năm 2015, ngành giáo dục và đào tạo đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ban hành Quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Thông tư liên tịch số 208/2014/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 26/12/2014 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 124/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ người đi đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử..

Tổ chức triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước các cấp về giáo dục nghề nghiệp; rà soát, đánh giá quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Về giáo dục mầm non: đã tăng cường các biện pháp thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi tại một số địa phương. Đến nay, đã có 24 địa phương được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; thực hiện nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non; tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số; tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Giáo dục phổ thông: đã thực hiện rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, văn hóa truyền thống, hiểu biết xã hội; tiếp tục chỉ đạo tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học; mở rộng việc áp dụng mô hình giáo dục mới theo hướng phát triển năng lực và hình thành phẩm chất người học theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đổi mới hình thức đánh giá đối với học sinh tiểu học; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh trung học; tích cực chỉ đạo triển khai dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Giáo dục chuyên nghiệp: đang triển khai thực hiện chương trình đào tạo theo cách tiếp cận năng lực hành nghề theo phương châm "thực học, thực nghiệp" theo chuẩn quốc tế; chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, chuyên gia trong việc xây dựng, thực hiện chương trình theo cách tiếp cận năng lực.

Giáo dục đại học: đã thực hiện thay đổi mô hình phát triển giáo dục đại học từ chú trọng phát triển số lượng sang mô hình chú trọng chất lượng và hiệu quả; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ trường đại học; giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo; chỉ đạo đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo với sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động, các nhà tài trợ; chỉ đạo rà soát, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các ngành, chuyên ngành đào tạo; xây dựng và công bố trang tra cứu thông tin về đội ngũ giảng viên các cơ sở giáo dục đại học.

Đào tạo nghề: Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề được đầu tư tập trung, đồng bộ theo các nghề trọng điểm. Cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh gắn với nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp và từng bước hội nhập quốc tế, ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người học nghề. Cơ chế liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh về nông, lâm, ngư nghiệp, bước đầu phát huy hiệu quả góp phần tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động. Dạy nghề cho lao động nông thôn ngày càng được khẳng định, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu lao động và xây dựng nông thôn mới, góp phần tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập; có trên 30% người lao động sau học nghề đã tìm được việc làm mới hoặc đã thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác sau học nghề.

b) Về khoa học công nghệ

Trong 6 tháng đầu năm 2015, lĩnh vực khoa học công nghệ đã triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và nghiên cứu khoa học công nghệ.

Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. Xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới và phát triển công nghệ; chính sách khuyến khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với Nhà nước để thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ mới, công nghệ cao.

Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ. Hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chú trọng phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch với quy mô công nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới.

Thúc đẩy hoạt động ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu đổi mới quản lý, đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên phạm vi toàn quốc. Đẩy mạnh hoạt động quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

5. Về văn hóa, thể dục thể thao

a) Về văn hóa

Hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản văn hóa được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các di tích lịch sử quan trọng của quốc gia tiếp tục được quy hoạch, tu bổ, tôn tạo. Đến hết tháng 5 năm 2015, đã quyết định xếp hạng 13 di tích quốc gia và cấp phép thăm dò, khai quật khảo cổ học tại 3 địa điểm. Cấp Chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cho 52 cá nhân và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cho 12 tổ chức.

Các dự án chống xuống cấp và tôn tạo di tích; điều tra, nghiên cứu, bảo tồn một số làng, bản tiêu biểu và lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc thiểu số; phong trào phát triển văn hóa cơ sở, văn hóa các dân tộc được tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện.

Các di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được sưu tầm, bảo vệ và phát huy nhằm từng bước góp phần làm đa dạng hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

b) Về thể dục thể thao

Chuẩn bị lực lượng và tham gia thi đấu đạt kết quả tốt tại SeaGames 28 và chuẩn bị cho Para-Games tại Singapore vào tháng 6 năm 2015, đồng thời đã tổ chức nhiều sự kiện thể thao trong nước và quốc tế, nhiều giải thể thao cấp quốc gia về thể thao thành tích cao và thể dục thể thao quần chúng; chuẩn bị tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX, Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á lần thứ 5 năm 2016 tại Việt Nam.

Toàn ngành đã tích cực đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, các hoạt động thể dục thể thao quần chúng từ Trung ương đến địa phương diễn ra sôi nổi, đặc biệt các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, cà kheo, vật dân tộc, bắn nỏ, bắn ná, tung còn, lân sư rồng... Đã có 63/63 tỉnh/thành ban hành Kế hoạch tổ chức Ngày chạy Olympic từ cấp tỉnh đến xã, phường.

6. Về tài nguyên môi trường

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, đất đai, khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ.

Tiếp tục triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, rà soát lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia; hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020).

Tập trung xây dựng ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn một số địa phương.

Xây dựng, hoàn thiện dự án Luật khí tượng thủy văn; thực hiện nghiên cứu các yêu cầu pháp lý sửa đổi, bổ sung Doha vào Nghị định thư Kyoto. Hoàn thành Thông tư hướng dẫn xây dựng và thực hiện dự án thuộc Cơ chế tín chỉ chung (JCM). Triển khai xây dựng nội dung Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) giai đoạn 2016-2020 cùng với các đối tác phát triển và các Bộ, ngành liên quan. Phát hành Báo cáo cập nhật hai năm một lần (BUR1) lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

7. Về thông tin truyền thông

Ngành thông tin truyền thông đã thực hiện nhiều chương trình thông tin tuyên truyền các hoạt động chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, kỷ niệm các ngày lễ lớn, các hoạt động của Lãnh đạo đảng và nhà nước; việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch của các cấp, các ngành cũng như diễn biến tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm; tình hình và các biện pháp bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông;...

8. Về công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; quốc phòng an ninh và bảo đảm ổn định chính trị xã hội

Tiềm lực quốc phòng an ninh tiếp tục được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Công tác đối ngoại được triển khai toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực song phương và đa phương, đưa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu, thúc đẩy chương trình, kế hoạch, dự án hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực. Đẩy mạnh hợp tác trên diễn đàn đa phương, chủ trì tổ chức thành công Đại hội đồng liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132. Kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột là chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế và văn hóa, xã hội. Đã chính thức ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc và Hiệp định Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu. Tiếp tục đẩy mạnh đàm phán để sớm ký FTA với các đối tác lớn khác. Tích cực tham gia xây dựng Công đồng ASEAN 2015. Tăng cường công tác bảo hộ công dân, bảo vệ quyền lợi của ngư dân, lao động Việt Nam ở nước ngoài.

II. DỰ BÁO KHẢ NĂNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2015

Trên cơ sở tình hình 6 tháng đầu năm và triển vọng sắp tới, ước khả năng thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 như sau:

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Kế hoạch năm 2015

Ước thực hiện năm 2015

1.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP)

%

6,2

Trên 6,2

2.

Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu

%

10

10

3.

Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu

%

5

3,6

4.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP

%

30-32

30

5.

Chỉ số giá tiêu dùng

%

Khoảng 5

3,0-3,5

6.

Tạo việc làm

Triệu người

1,6

1,6

7.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế

%

50

50

8.

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị

%

<4

<4

9.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo

Riêng các huyện nghèo giảm

%

%

1,7-2

4

1,7-2,0

4

10.

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng

%

<15

<15

11.

Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã)

Giường bệnh

23,5

24,0

12.

Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg) được xử lý

%

90

90

13.

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường

%

82

84

14.

Tỷ lệ che phủ rừng

%

42

42

Như vậy, tất cả 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội do Nghị quyết Quốc hội đề ra cho năm 2015 đều có khả năng đạt và vượt kế hoạch. Riêng đối với chỉ tiêu tăng trưởng GDP, nếu các ngành, các cấp, các doanh nghiệp tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt các giải pháp chính sách trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có thể đạt cao hơn Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẦN TẬP TRUNG THỰC HIỆN TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2015

Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nêu trên, nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2015 là rất nặng nề, có ý nghĩa rất quan trọng đến việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015 và tạo cơ sở cho việc phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn 2016-2020. Các cấp, các ngành cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện những giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng

Chủ động điều hành linh hoạt, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Điều hành mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát. Ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản.

Tăng cường chỉ đạo điều hành, thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.

Tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tập trung vốn cho các công trình hạ tầng quan trọng, cấp bách, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, cam kết quốc tế. Tăng cường xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu của các mặt hàng Việt Nam có lợi thế. Kiểm soát hiệu quả nhập khẩu phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế. Đa dạng hóa và không để phụ thuộc vào một thị trường. Phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm đạt được các mục tiêu theo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm 2015 và những năm tiếp theo. Tiếp tục xử lý hiệu quả nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; rà soát, loại bỏ các rào cản, vướng mắc cho đầu tư kinh doanh.

2. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực.

Ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành và triển khai thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công; xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 theo hướng bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch. Khuyến khích và tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với các hình thức hợp tác công tư (PPP).

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đẩy nhanh xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra, giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Khẩn trương cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tập trung chỉ đạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phấn đấu hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 289 doanh nghiệp và thoái vốn ngoài ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, dịch vụ, tăng hàm lượng khoa học, công nghệ, tỷ trọng giá trị nội địa và giá trị gia tăng; khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ và dịch vụ logistics. Đơn giản thủ tục xuất nhập cảnh, đi lại và bảo đảm an toàn an ninh cho khách du lịch quốc tế.

3. Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân

Khẩn trương hoàn thành tổng rà soát, thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Củng cố và phát triển cơ sở trợ giúp xã hội. Ban hành chuẩn nghèo mới và xây dựng chương trình giảm nghèo 2016-2020. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ về sản xuất, đời sống, trong đó có chính sách đặc thù giảm nghèo gắn với bảo vệ, phát triển rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện các chính sách nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp, nhà ở tránh lũ, nhất là miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Hỗ trợ hiệu quả để khôi phục sản xuất và bảo đảm đời sống đối với đồng bào vùng bị thiên tai.

Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách và lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Tăng cường quản lý giá thuốc chữa bệnh, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi; mở rộng chương trình sữa học đường.

Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Triển khai Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ.

4. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu

Tích cực triển khai Luật Bảo vệ môi trường. Xây dựng Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. Đẩy nhanh việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của các công ty nông lâm nghiệp. Thực hiện nghiêm các quy định điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản.

Triển khai hiệu quả các chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, khu vực nông thôn, các khu, cụm công nghiệp, lưu vực sông, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng.

5. Đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, gian lận thương mại; giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước và Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015. Mở rộng thí điểm tổ chức các trung tâm dịch vụ hành chính công; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ.

Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

6. Tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống. Củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và khu vực để giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đối ngoại với phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện tốt Chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế. Đẩy nhanh đàm phán, ký kết và chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do FTA. Nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp kinh tế, thương mại quốc tế.

7. Tăng cường thông tin truyền thông

Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền; các cơ quan nhà nước các cấp chủ động cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về tình hình kinh tế, xã hội và các chính sách, pháp luật phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; tăng cường đối thoại, trao đổi để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Chủ động đấu tranh phản bác kịp thời những thông tin sai sự thật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2016

I. DỰ BÁO BỐI CẢNH THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC

Năm 2016, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhưng chậm hơn so với dự báo, ẩn chứa nhiều rủi ro và thách thức, đặc biệt là rủi ro địa - chính trị, biến động khó lường trên thị trường tài chính và giá dầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tháng 4/2015 dự báo năm 2016 kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,8%; Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 3/6/2015 dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 từ 4,3% xuống 3,8%. OECD cho rằng hoạt động kinh tế của Mỹ yếu kém và vốn đầu tư của các chính phủ và doanh nghiệp giảm sút mạnh là một phần nguyên nhân kéo kinh tế toàn cầu đi xuống; Ngân hàng Thế giới (WB) (ngày 10 tháng 6 năm 2015) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 và 2017 so với lần dự báo đầu năm ở các mức tương ứng lần lượt là 3,3% và 3,2%; tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển nói chung trong năm 2015 và 2016 hạ xuống mức tương ứng lần lượt là 4,4% và 5,2%, từ mức 4,8% và 5,3%.

Giá dầu thô và các hàng hóa cơ bản khác giảm xuống đã đẩy nhanh quá trình giảm tốc tăng trưởng ở một số nước đang phát triển có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu tài nguyên.

Các nền kinh tế mới nổi sẽ gặp nhiều khó khăn để đối phó với sự giảm giá của đồng nội tệ so với đồng USD; giá hàng hóa cơ bản đi xuống cho tới khả năng lãi suất vay vốn gia tăng.

Đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ESCAP dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, hòa nhập vào bối cảnh toàn cầu, lạm phát sẽ giảm do giá dầu thế giới thấp. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các nước đang phát triển trong khu vực sẽ chỉ tăng nhẹ từ 5,8% (năm 2014) lên 5,9% (năm 2015) và dự kiến sẽ không thay đổi đáng kể trong năm 2016.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi ổn định với tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2015. Hiệu quả đầu tư và khả năng cạnh tranh được cải thiện. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn; chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm và tương đối ổn định là điều kiện quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, những khó khăn đối với sự phát triển kinh tế còn rất lớn. Việc hình thành cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và việc ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do FTA tạo ra những điều kiện quan trọng trong phát triển, nhưng cũng tạo ra những thách thức rất lớn, nhất là trong việc phát triển thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh cả ở thị trường quốc tế và thị trường trong nước.

II. MỤC TIÊU NHIỆM VỤ VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2016

1. Mục tiêu tổng quát:

Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý, kinh tế phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng.

2. Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2016

a) Các chỉ tiêu kinh tế

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trên 6,5% so với năm 2015.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10,3% so với năm 2015.

Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 3,3%.

Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP là 5,1%.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31% GDP.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5% .

b) Các chỉ tiêu xã hội

Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 3-4%.

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%.

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 13,6%.

Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 24,5 giường.

Diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đầu người đạt 24,7m2/người.

c) Các chỉ tiêu môi trường

Tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý (theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ): 40%.

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 85%.

Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,5%.

Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh: 87%.

Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch: 82,5%.

Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom: 86%.

III. DỰ KIẾN MỘT SỐ CÂN ĐỐI LỚN CỦA NỀN KINH TẾ NĂM 2016

1. Lao động và việc làm

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên dự kiến là khoảng 55,4 triệu người;

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong nền kinh tế quốc dân dự kiến là 54,3 triệu người.

Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp dự kiến là 44,5%; công nghiệp và xây dựng là 22,5%; dịch vụ là 33%.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị dưới 4%.

2. Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước

Tổng thu cân đối NSNN năm 2016 dự kiến là 1.050.900 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa là 820.000 tỷ đồng; thu dầu thô là 53.700 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu là 173.000 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2016 khoảng 1.312.500 tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển khoảng 250.000 tỷ đồng, chiếm 19,05% tổng chi ngân sách nhà nước.

Bội chi ngân sách nhà nước dự kiến bằng khoảng 5,1% GDP.

3. Cân đối vốn đầu tư phát triển

Dự kiến khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2016 khoảng 1.590 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 31% GDP. Dự kiến huy động các nguồn vốn như sau:

- Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 250 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

- Vốn trái phiếu Chính phủ 60 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

- Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước khoảng 65 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

- Vốn đầu tư khu vực doanh nghiệp nhà nước khoảng 180 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

- Vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân khoảng 660 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (không bao gồm phần đóng góp trong nước) khoảng 310 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

- Các khoản vốn huy động khác khoảng 65 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2016 dự kiến tổng vốn đăng ký là 23 tỷ USD, dự kiến thực hiện là 14 tỷ USD.

Vốn ODA năm 2016 dự kiến giải ngân là 6,6 tỷ USD, trong đó ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi là 6,3 tỷ USD; ODA viện trợ không hoàn lại là 300 triệu USD.

4. Cân đối xuất nhập khẩu

Xuất khẩu năm 2016 dự kiến đạt khoảng 182 tỷ USD, tăng khoảng 10,3% so với năm 2015; nhập khẩu khoảng 188 tỷ USD, tăng khoảng 9,9%. Nhập siêu ước khoảng 6 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức 3,3%.

5. Cán cân thanh toán quốc tế

Cán cân thương mại năm 2016 (tính theo giá FOB) dự kiến thặng dư khoảng 5 tỷ USD, cán cân vãng lai thâm hụt khoảng 0,8 tỷ USD, cán cân vốn và tài chính thặng dư 7,3 tỷ USD. Sau khi trừ đi phần lỗi và sai sót, cán cân tổng thể thặng dư khoảng 3,5 tỷ USD.

6. Cân đối về điện

Nhu cầu điện năm 2016 dự kiến tăng khoảng 11% so với năm 2015, nhu cầu điện thương phẩm khoảng 157,4 tỷ kWh, điện sản xuất và mua năm 2016 khoảng khoảng 174,2 tỷ kWh, trong đó điện sản xuất của EVN là 73,3 tỷ kWh.

7. Cân đối về lương thực

Dự kiến kế hoạch gieo trồng lúa năm 2016 cả nước là 7,67 triệu ha. Sản lượng lúa dự kiến đạt 44,5 triệu tấn, trong đó: sử dụng cho các nhu cầu trong nước khoảng 28,14 triệu tấn, lúa hàng hóa 16,36 triệu tấn (tương đương 8,16 triệu tấn gạo).

IV. NHIỆM VỤ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH VÀ LĨNH VỰC

Với các mục tiêu nêu trên, nhiệm vụ định hướng phát triển ngành, lĩnh vực chủ yếu trong năm 2016 đề ra như sau:

1. Về phát triển kinh tế

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao. Phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như: du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng,... Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu đối với những mặt hàng không thiết yếu. Mở rộng thị trường, khai thác tốt những thị trường hiện có và những thị trường tiềm năng để xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao. Thực hiện đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, không để quá phụ thuộc vào một số ít thị trường. Chủ động, tích cực tham gia đàm phán sớm ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thỏa thuận thương mại khác; đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu lớn.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các giải pháp, mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hai năm 2015-2016; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực tư nhân chủ động khai thác những lợi thế và giảm thiểu các tác động bất lợi do các FTA mang lại; hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, dịch vụ thông qua phát triển các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như vườn ươm doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, dịch vụ hỗ trợ tư vấn trực tiếp cho từng doanh nghiệp… Khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội theo hướng tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong đó tập trung vào cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước và hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; đẩy nhanh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng cường bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Bảo đảm an ninh tài chính quốc gia; lành mạnh hóa hệ thống tài chính; huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ phát triển thị trường tài chính, chứng khoán để tăng khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp với việc nâng cao chất lượng tín dụng.

Chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hiệu quả; khắc phục tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế; tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Tập trung củng cố, tổ chức lại hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập trước ngày 01/7/2013 cho phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã 2012; giải thể các hợp tác xã ngừng hoạt động, hợp tác xã không có khả năng củng cố, tổ chức lại. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Luật Hợp tác xã, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đi đôi với việc tuyên truyền, tập huấn sâu rộng quy định pháp luật về hợp tác xã.

Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể 06 vùng kinh tế - xã hội và 04 vùng kinh tế trọng điểm; rà soát các quy hoạch đã được phê duyệt đến năm 2020; trình Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch khi được Quốc hội thông qua; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện công tác quy hoạch của các bộ, ngành và các địa phương. Xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các vùng khó khăn, vùng ven biển và cơ chế chính sách liên kết tại các vùng kinh tế trọng điểm.

2. Về phát triển xã hội

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 44/NQ-CP ngày 09 tháng 06 năm 2014 của Chính phủ. Rà soát thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo Quyết định 37/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động các doanh nghiệp tham gia dạy nghề.

Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng. Tập trung giảm nghèo bền vững.

Thực hiện các chính sách tạo việc làm gắn với phát triển thị trường lao động. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đồng thời cơ cấu lại lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Nâng cao chất lượng dự báo và thông tin thị trường lao động; tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc giám sát và điều tiết quan hệ cung - cầu lao động trên thị trường lao động; tiếp tục phát huy và nâng cao năng lực hoạt động của sàn giao dịch việc làm, góp phần tích cực kết nối cung - cầu lao động.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Rà soát, điều chỉnh và triển khai đồng bộ các chính sách đối với người có công, dạy nghề, giải quyết việc làm, bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, vùng ATK, các huyện nghèo và các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, đời sống đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao hiệu quả dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, chủ động đào tạo cung cấp lao động có tay nghề, trình độ cho các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và các dự án đầu tư lớn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển đất nước; mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách lao động, an toàn lao động và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 20/4/2015.

Chủ động, tích cực phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội. Triển khai các giải pháp tổng thể để giảm quá tải bệnh viện được phê duyệt tại Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2013 phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020. Từng bước thiết lập lại hệ thống chuyển tuyến trong khám chữa bệnh, khuyến khích việc khám chữa bệnh phù hợp theo tuyến chuyên môn.

Khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập và hình thức hợp tác công - tư, tập trung chỉ đạo thực hiện nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế; đẩy nhanh lộ trình tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế. Triển khai có hiệu quả luật Bảo hiểm y tế. Phát triển một số lĩnh vực y học chất lượng cao, y học mũi nhọn. Tăng cường giáo dục y đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của nhân viên y tế.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các di sản văn hóa dân tộc.

Phát triển phong trào thể dục, thể thao để nâng cao thể chất của người Việt Nam. Tiếp tục triển khai toàn dân "Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Phát triển đồng bộ thể dục, thể thao trong trường học, trong lực lượng vũ trang, ở xã, phường, thị trấn phục vụ nhu cầu tập luyện, thi đấu và vui chơi giải trí của quần chúng nhân dân trên các địa bàn trong cả nước.

Thực hiện tốt chính sách dân tộc và tôn giáo; bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020; Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chú trọng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền lợi của trẻ em; phát triển thanh niên. Thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách quốc gia và công ước quốc tế về quyền trẻ em. Củng cố, tăng cường bộ máy làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Kiện toàn và phát huy hiệu quả hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án có sự tham gia của thanh niên như Dự án thí điểm tuyển chọn 600 tri thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo, Đề án xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp 2013-2020,...

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học công nghệ, chú trọng đồng bộ, thống nhất giữa hệ thống pháp luật chuyên ngành với các lĩnh vực khác có liên quan tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tăng cường sự liên kết giữa các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, nhà sản xuất. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu đổi mới quản lý, đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động quản lý tiêu chuẩn, đo lường chất lượng và nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên phạm vi cả nước.

3. Về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Tăng cường quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, lưu vực sông, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng. Kiên quyết xử lý các cơ sở sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai.

4. Về cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

5. Về quốc phòng, an ninh; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn.

Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

6. Về công tác thông tin tuyên truyền

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền. Cơ quan nhà nước các cấp có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin, nhất là tình hình kinh tế - xã hội, các cơ chế, chính sách mới cho cơ quan thông tấn, báo chí. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại, nhất là về cơ chế, chính sách gắn liền với cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

V. TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2016

Các nội dung phân công, quy trình, tiến độ và nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của các bộ, ngành, địa phương được thực hiện theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Cụ thể như sau:

- Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Khung hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hướng dẫn của Bộ Tài chính và điều kiện của bộ, ngành, địa phương mình, tiến hành xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, gửi báo cáo đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 31 tháng 7 năm 2015.

- Trong tháng 8 năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức làm việc để thảo luận về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của các bộ, ngành, địa phương và tiến hành tổng hợp Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của cả nước.

- Trước ngày 10 tháng 9 năm 2015, các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 gửi lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Trước ngày 20 tháng 9 năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 để Chính phủ cho ý kiến, hoàn chỉnh, trình Quốc hội theo quy định.

- Trước ngày 20 tháng 11 năm 2015, căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 cho các bộ, ngành, địa phương.

Trên đây là nội dung khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, Khung hướng dẫn này, hướng dẫn của Bộ Tài chính về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 và tình hình, đặc điểm cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, khẩn trương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và gửi Báo cáo bằng văn bản về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2 bản) và qua thư điện tử thktqd@mpi.gov.vndiaphuong@mpi.gov.vn (đối với báo cáo của các địa phương) và Bộ Tài chính trước ngày 31 tháng 7 năm 2015 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c TTCP);
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở trung ương ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Các Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty 91;
- Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Bộ KH&ĐT: Lãnh đạo Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, Vụ THKTQD (10b).

BỘ TRƯỞNG




Bùi Quang Vinh

 

DANH MỤC CÁC PHỤ LỤC

Phụ lục 1: Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của các cơ quan Trung ương

Phụ lục 2: Dự kiến chỉ tiêu xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 của các cơ quan Trung ương

Phụ lục 3: Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và Dự kiến chỉ tiêu xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 



[1] Các Quyết định: số 2326/QĐ-TTg ngày 21/12/2014 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; số 2138/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 về việc giao dự toán NSNN năm 2015; số 2375/QĐ-TTg ngày 28/12/2014 về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2015; số 345/QĐ-TTg ngày 16/3/2015 về việc giao kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2015 (đợt 2); số 2376/QĐ- TTg ngày 28/12/2014 về việc giao kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2015 chương trình đầu tư hạ tầng vùng ATK; số 2330/QĐ-TTg ngày 22/12/2014 về viêc giao kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2015 chương trình Biển đông - Hải đảo; số 30/QĐ-TTg ngày 13/01/2015 về việc giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước Chương trình công nghiệp quốc phòng theo Nghị quyết 06- NQ/TW; số 2373/QĐ-TTg ngày 27/12/2014 về giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2015; số 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 về kế hoạch vốn TPCP năm 2015 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới; số 279/QĐ-TTg ngày 03/3/2015 giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2015 (đợt 2).

[2] 6 tháng năm 2014 tăng 3,4%, năm 2013 tăng 2,53%; năm 2012 tăng 2,81%; năm 2011: 2,08%

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3786/BKHĐT-TH năm 2015 về khung hướng dẫn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 3786/BKHĐT-TH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/06/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Bùi Quang Vinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/06/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản