Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3761/BGDĐT-GDCTHSSV
V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2021-2022

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các Sở Giáo dục và Đào tạo[1];
- Các Đại học, Học viện, Trường Đại học,
Trường Cao đẳng sư phạm.

Căn cứ Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo, Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2021-2022 như sau:

A. MỤC TIÊU

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục; xây dựng văn hóa học đường, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường, chú trọng triển khai thực hiện các nội dung, quy trình của công tác xã hội trong trường học để tổ chức có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; cung cấp, trau dồi các kỹ năng đổi mới sáng tạo khởi nghiệp và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số cho học sinh, sinh viên. Duy trì các chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, có giải pháp hỗ trợ, ổn định tâm lý cho học sinh, sinh viên bị tác động bởi dịch bệnh kéo dài.

B. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

I. CÁC NHIỆM VỤ

1. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục

a) Tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Quán triệt, học tập Chuyên đề toàn khóa, năm 2021 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý thức tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh, hạnh phúc”. Tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, nhà giáo và HSSV tích cực tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021 (Trang web Cuộc thi http://hocvalamtheobac.vn/); sử dụng thiết thực bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống” dành cho học sinh phổ thông trong các hoạt động dạy, học và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Giới thiệu rộng rãi trang thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh (http://www.hochiminh.vn/) tới đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người học để nghiên cứu, tham khảo học tập và làm theo Bác.

b) Thực hiện tốt công tác phát triển Đảng và bồi dưỡng nhận thức về Đảng trong HSSV theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị (Khoá VIII) về "Tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học”. Chú trọng phát hiện và bồi dưỡng HSSV tiêu biểu, xuất sắc thông qua các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động học tập, rèn luyện, Đoàn - Hội để tạo nguồn kết nạp đảng. Triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên trong trường học.

2. Chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng của học sinh, sinh viên

a) Tăng cường công tác nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng trong HSSV. Tổ chức hiệu quả hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, cán bộ, nhà giáo với HSSV để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và xử lý kịp thời những vấn đề khó khăn, bức xúc trong HSSV. Chủ động phát hiện và phối hợp với ngành Công an, chính quyền địa phương để xử lý các vấn đề phức tạp về chính trị, tư tưởng liên quan đến HSSV. Không để HSSV bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia các hội, nhóm, tổ chức tôn giáo hoạt động trái pháp luật và các hoạt động vi phạm pháp luật, tụ tập gây rối an ninh, trật tự an toàn xã hội.

b) Xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai Kế hoạch của ngành Giáo dục thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” và tiếp tục thực hiện Quyết định số 3296/QĐ-BGDT ngày 30/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với HSSV trên môi trường mạng đến năm 2025”.

3. Tăng cường triển khai xây dựng văn hóa học đường

Đẩy mạnh việc triển khai, đánh giá kết quả Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” (Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1506/QĐ-BGDĐT ngày 31/05/2019 ban hành kế hoạch thực hiện Đề án trong ngành Giáo dục):

a) Triển khai Bộ Quy tắc ứng xử để thực hiện trong cơ sở giáo dục theo quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12/4/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên; chú trọng xây dựng trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần đảm bảo môi trường văn hóa trong nhà trường;

b) Tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT ngày 18/10/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định tổ chức hoạt động văn hóa của HSSV trong các cơ sở giáo dục. Các sở GDĐT, các cơ sở đào tạo tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các trường học; khuyến khích HSSV tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, văn hóa quần chúng; chú trọng nâng cao hiệu quả tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ cho HSSV góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và định hướng thị hiếu âm nhạc giúp HSSV hướng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Tăng cường tổ chức các phòng đọc, tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp học… để định hướng, tạo điều kiện cho HSSV đọc sách, say mê, yêu quý sách.

4. Đổi mới công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống

a) Tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV và Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó tập trung giáo dục cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý chí học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp; có kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có đạo đức, ý thức công dân. Khơi dậy ở thanh niên, thiếu niên, nhi đồng khát vọng vươn lên, tinh thần tình nguyện cống hiến góp phần xây dựng, phát triển đất nước trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

b) Tăng cường công tác tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho HSSV theo nội dung hướng dẫn công tác giáo dục kỹ năng sống của Bộ GDĐT; Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 của Bộ GDĐT về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

c) Thành lập các câu lạc bộ sở thích, tài năng, câu lạc bộ rèn luyện, thực hành đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; câu lạc bộ ngoại ngữ; tổ chức và khuyến khích HSSV tham gia các diễn đàn, tọa đàm nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho HSSV vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được học, nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

5. Nâng cao hiệu quả, hình thức, biện pháp triển khai công tác phối hợp nhà trường gia đình và xã hội.

a) Các sở GDĐT chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục trẻ em, HSSV theo hướng chi tiết nội dung nhiệm vụ cho từng sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành chỉ đạo triển khai.

b) Các cơ sở đào tạo phối hợp với chính quyền và các tổ chức, đoàn thể ở địa phương trong công tác giáo dục HSSV nhằm tạo môi trường giáo dục lành mạnh; tăng cường quản lý HSSV ngoại trú để tạo điều kiện cho HSSV tham gia tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở nơi cư trú.

c) Chú trọng triển khai Chương trình phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đoàn Thanh niên năm học 2021-2022. Các sở GDĐT và Đoàn TNCS ký kết Chương trình phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đoàn Thanh niên năm học 2021-2022, đảm bảo hoạt động Đoàn, Hội, Đội hiệu quả, thiết thực, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong HSSV.

6. Tăng cường hỗ trợ tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học

a) Triển khai các hoạt động hỗ trợ HSSV phòng ngừa, ứng phó với các vấn đề về tâm lý. Có giải pháp thiết thực hỗ trợ tư vấn tâm lý cho các em trong quá trình học trực tuyến và khi quay trở lại trường học tập trung.

b) Tiếp tục triển khai các hoạt động công tác xã hội trong trường học. Chủ động rà soát, phát hiện nguy cơ có ảnh hưởng tiêu cực đến HSSV; có kế hoạch phòng ngừa hiệu quả đối với các vấn đề phức tạp của học sinh, hạn chế việc học sinh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; can thiệp, trợ giúp với những em có nhu cầu.

c) Tăng cường phối hợp với các đơn vị, cá nhân liên quan cung cấp các dịch vụ công tác xã hội trong và ngoài trường học để hỗ trợ, giải quyết các vấn đề về tâm lý, học tập, đời sống của HSSV. Hoàn thiện quy trình kết nối chuyển gửi các vụ việc của học sinh đối với các nguồn lực ngoài nhà trường hỗ trợ học sinh yếu thế.

7. Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường

a) Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị định số 80/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và các văn bản của Bộ GDĐT. Chú trọng công tác giáo dục kỷ luật tích cực, kỹ năng xử lý tình huống mâu thuẫn trong học sinh. Theo dõi, đôn đốc triển khai hiệu quả hệ thống cung cấp, cập nhật thông tin về phòng, chống bạo lực học đường. Nghiên cứu áp dụng các mô hình “Xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học”, “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”.

b) Cung cấp cho HSSV các kỹ năng ứng xử trên môi trường học, tạo môi trường học tập lành mạnh, trau dồi các kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng.

8. Đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội

a) Thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Bộ GDĐT về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông trong trường học. Chú trọng công tác đảm bảo an toàn giao thông cho HSSV trong và khu vực cổng trường học, an toàn giao thông trên các xe đưa đón HSSV tới trường, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, văn hóa giao thông và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng an toàn giao thông, tháng 9/2021. Công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.

b) Xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong ngành Giáo dục; Kế hoạch số 1567/KH-GDĐT ngày 11/12/2020 của Bộ GDĐT về triển khai thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống tội phạm buôn bán người, tội phạm giết người và phòng, chống tội phạm ma túy, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

c) Tiếp tục thực hiện Quy định về công tác phòng chống tệ nạn ma túy trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (Thông tư số 31/2009/TT- BGDĐT ngày 23/10/2009 của Bộ GDĐT); đồng thời rà soát tiến tới xây dựng các quy định mới bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, đặc biệt là thời gian đầu năm học, sau kỳ nghỉ Tết và các đợt cao điểm.

d) Phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch chi tiết số 599/KH- BGDĐT ngày 24/6/2021 triển khai 5 nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học năm 2021.

9. Bảo đảm các chính sách cho học sinh, sinh viên

a) Các cơ sở giáo dục đại học rà soát các đối tượng HSSV thuộc diện đối tượng hưởng các chế độ chính sách trong giáo dục, bảo đảm các chính sách cho HSSV kể cả trong thời gian học trực tuyến. Chủ động ứng dụng công nghệ trong việc xác nhận hồ sơ cho HSSV (đặc biệt đối với sinh viên mới nhập học) để HSSV làm các thủ tục được vay vốn và thụ hưởng các chính sách trợ cấp, ưu đãi của nhà nước. Duy trì các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, chế độ học bổng cho HSSV.

b) Các sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường hoàn thiện hồ sơ đối với các học sinh đầu cấp thuộc đối tượng được hưởng chính sách sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ và chủ động bố trí kinh phí để các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện cho các học sinh.

c) Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung được quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

10. Triển khai hoạt động tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên

a) Các cơ sở đào tạo tổ chức thực hiện Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" (Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ), chủ động hình thành đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ này tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn; Tích cực, chủ động tổ chức các hoạt động đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghề nghiệp số cho HSSV. Phối hợp với các doanh nghiệp tạo môi trường hỗ trợ HSSV được thực hành, trải nghiệm và triển khai các dự án khởi nghiệp. Khuyến khích HSSV tham dự Cuộc thi ‘‘Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp’’ do Bộ GDĐT tổ chức. Nghiên cứu, xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng nhằm giải quyết các vấn đề của cộng đồng sau đại dịch.

b) Các sở GDĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" theo hướng tập trung các hoạt động truyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh về nghền nghiệp, việc làm và các hoạt động khởi nghiệp. Tăng cường các hoạt động đào tạo nhằm truyền thụ tinh thần và kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh; Huy động nguồn lực của địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tạo môi trường hỗ trợ học sinh khởi nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo dựa trên nền tảng tư duy tài chính và tư duy thiết kế. khuyến khích học sinh tham dự Cuộc thi ‘‘Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp’’ do Bộ GDĐT tổ chức.

II. CÁC GIẢI PHÁP

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Bộ GDĐT

a) Thường xuyên rà soát, cập nhật hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên và t riển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được quy định cụ thể tại các văn bản.

b) Chủ động ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung có tính chất thường xuyên, định kỳ hưởng ứng các dịp lễ lớn của Đất nước như công tác bảo đảm an toàn giao thông; phòng chống ma túy, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Kịp thời báo cáo các vụ việc, các tình huống phát sinh để Bộ GDĐT nắm tình hình và có các chỉ đạo trong trường hợp cần thiết.

2. Nâng cao hiệu quả bộ máy, tổ chức

a) Kiện toàn phòng/ban/bộ phận chuyên trách công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác HSSV thuộc sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học theo Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014, bổ sung các nguồn lực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo và quản lý công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong trường học thuộc phạm vi quản lý.

b) Bố trí đầy đủ cán bộ kiêm nhiệm thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên.

3. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ phụ trách công tác giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên

a) Tổ chức, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ phụ trách công tác giáo dục chính trị và công tác HSSV, giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội, giáo viên kiệm nhiệm công tác tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp... tham gia các đợt tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo chương trình quy định hoặc bồi dưỡng thường xuyên do Bộ GDĐT, Trung ương Đoàn, địa phương tổ chức.

b) Cung cấp đầy đủ các tài liệu, các hướng dẫn chuyên môn thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, đặc biệt các tài liệu liên quan đến các nội dung mới.

4. Tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý

a) Khai thác tối đa các thông tin, kiến thức trên Hệ Tri thức Việt số hóa tại địa chỉ https://itrithuc.vn/; khuyến khích cán bộ, nhà giáo, HSSV xây dựng các bài giảng, video clip, hình ảnh, bài viết về giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo.

b) Khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng, khai thác các ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý, giáo dục tuyên truyền đối với học sinh, sinh viên. Khai thác các ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng chống bệnh dịch Covid-19 khi học sinh quay trở lại trường học.

5. Đẩy mạnh công tác truyền thông

a) Tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Giáo dục Đào tạo về công tác đổi mới giáo dục và các nhiệm vụ của công tác giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên.

b) Chủ động, kịp thời xử lý các vấn đề truyền thông liên quan đến lĩnh vực chính trị tư tưởng, học sinh sinh viên của các địa phương.

c) Phối hợp cung cấp thông tin với cơ quan báo chí địa phương về các nội dung mang tính thời sự, đột xuất nhằm định hướng tốt dư luận xã hội.

d) Tăng cường truyền thông rộng rãi những tấm gương người tốt, việc tốt, biểu dương những nỗ lực của các em học sinh, thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhằm khích lệ, động viên, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong ngành giáo dục và xã hội.

đ) Kịp thời tiếp nhận, cập nhật, khai thác thông tin công tác giáo dục chính trị và công tác HSSV trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ (http://www.moet.gov.vn), Facebook của Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (https://www.facebook.com/vugdcthssv), Trang Fanpages “Học sinh, sinh viên Việt Nam (https://www.facebook.com/cthssvvn/). Cổng thông tin của Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, tại địa chỉ: http://www. Dean1665.vn

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở GDĐT và các cơ sở đào tạo bám sát nội dung văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên của năm học 2021-2022 này để xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức hội nghị (trực tiếp/online) để quán triệt, triển khai đến tất cả các phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục và giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, viên chức, người học trong toàn Ngành thực hiện.

Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ GDĐT và địa phương để bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhà giáo, người học trong quá trình triển khai các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp.

2. Chế độ báo cáo: Báo cáo sơ kết triển khai thực hiện nhiệm vụ Giáo dục chính trị và công tác HSSV học kỳ I trước ngày 19/01/2022; Báo cáo tổng kết năm học 2021-2022 trước ngày 22/6/2022. Báo cáo đột xuất khi được yêu cầu và có vụ việc xảy ra (kể cả khi đã giải quyết).

Báo cáo gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên), địa chỉ: Số 35 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội, email: vugdcthssv@moet.gov.vn.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Tuyên giáo TW (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để ph/h);;
- Các Bộ: VHTTDL, LĐTBXH, CA, NV;
- TW Đoàn TNCSHCM, TW Hội SVVN, Hội LHPNVN
- UBND tỉnh/TP trực thuộc TW;
- Ủy ban quốc gia đổi mới GDĐT;
- Hội Khuyến học VN;
- Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lự
- Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước;
- Công đoàn Giáo dục Việt Nam;
- Hội Cựu Giáo chức Việt Nam;
- Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam;
- Hiệp hội Thiết bị GD Việt Nam;
- Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT;
- Đăng Cổng thông tin điện tử Bộ;
- Lưu: VT, Vụ GDCTHSSV.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Ngô Thị Minh

 

 



[1] Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3761/BGDĐT-GDCTHSSV năm 2021 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 3761/BGDĐT-GDCTHSSV
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 31/08/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Ngô Thị Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản