Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC HẢI QUAN
TP. HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3739/HQHCM-GSQL
V/v vướng mắc thực hiện thủ tục tạm nhập- tái xuất của DN FDI

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 12 năm 2020

 

Kính gửi: Công ty TNHH Enercon Việt Nam
Địa chỉ: 72- 74 Nguyễn Thị Minh Khai, P.6, Quận 3, HCM

Phúc đáp công văn số TNTX-114 ngày 17/12/2020 của Công ty TNHH Enercon Việt Nam về việc vướng mắc liên quan đến thủ tục tạm nhập- tái xuất dụng cụ, khung kết cấu, trang thiết bị...phục vụ công tác lắp đặt, căng chỉnh trụ điện gió, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh có ý kiến như sau:

1. Về hoạt động đầu tư kinh doanh của Doanh nghiệp FDI

Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 về chính sách đầu tư kinh doanh quy định “Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm”.

Điều 6 Luật Đầu tư quy định ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và Điều 7 Luật Đầu tư quy định ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Căn cứ Khoản 2 Điều 60 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định:

“Doanh nghiệp hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) được tiếp tục tổ chức và hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) và Điều lệ doanh nghiệp. Đối với những nội dung không được quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) và Điều lệ doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.”

2. Về thực hiện hoạt động tạm nhập, tái xuất của doanh nghiệp FDI

Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định: “Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15 Nghị định này, không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.”

Căn cứ Khoản 1 Điều 15 Nghị định 69/2018/NĐ-CP về các hình thức tạm nhập, tái xuất khác quy định:

“1. Trừ trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, thương nhân được tạm nhập hàng hóa vào Việt Nam theo hợp đồng ký với nước ngoài để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn hoặc để sử dụng vì mục đích khác trong một khoảng thời gian nhất định rồi tái xuất chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam theo các quy định sau:

a) Đối với hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất. Hồ sơ, quy trình cấp Giấy phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.

Riêng đối với hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam, Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất trên cơ sở văn bản chấp thuận của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý hàng hóa đó.

b) Hàng hóa quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này khi sử dụng tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý.

c) Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất”.

3. Về thủ tục hải quan.

Nếu doanh nghiệp xác định việc tạm nhập- tái xuất để phục vụ cho việc cân chỉnh vị trí bulong móng của trụ điện gió (trước khi chủ đầu tư thực hiện việc lắp đặt, xây dựng) không phải là hoạt động xây dựng như quy định của Luật Đầu tư thì doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan tại Khoản 23 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 50 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định “Thủ tục hải quan đối với thiết bị, máy móc, phương tiện thi công, phương tiện vận chuyển, khuôn, mẫu tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để sản xuất, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, thực hiện dự án, thử nghiệm”.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trả lời để Quý doanh nghiệp được biết, liên hệ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 để thực hiện.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Cục Trưởng (thay báo cáo);
- Các đ/c Phó Cục Trưởng (để biết);
- Chi cục HQCSG KV1;
- Lưu: VT, GSQL, Khoa(4b).

TL. CỤC TRƯỞNG
TRƯỞNG PHÒNG




Lê Xuân Mỹ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3739/HQHCM-GSQL năm 2020 vướng mắc thực hiện thủ tục tạm nhập- tái xuất của Doanh nghiệp FDI do Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 3739/HQHCM-GSQL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 21/12/2020
  • Nơi ban hành: Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Xuân Mỹ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/12/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản