Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37152/CT-TTHT
V/v cơ chế chính sách đối với DN sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC

Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 2017

 

Kính gửi: Sở Công thương.

Cục Thuế Thành phố Hà Nội nhận được công văn số 2148/SCT-QLTM ngày 09/05/2017 của Sở Công thương đề nghị Cục Thuế TP Hà Nội cung cấp thông tin về cơ chế chính sách hỗ trợ về thuế đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

1. Chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực công nghệ cao

1.1. Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp

- Tại Khoản 1 Điều 13 và Khoản 1 Điều 14 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/06/2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7, Khoản 8 Điều 1 Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/06/2013) quy định thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm, miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo áp dụng đối với:

• Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghệ cao.

• Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao;

• Thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao.

1.2. Chính sách thuế giá trị gia tăng

- Tại điểm p khoản 2 Điều 8 Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 quy định áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đối với dịch vụ khoa học, công nghệ theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.

1.3. Chính sách về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước

- Tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao; ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao theo quy định của pháp luật về công nghệ cao... thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.

- Tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước đã quy định cụ thể:

• Khoản 1 Điều 19 quy định miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê đối với: Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

• Khoản 3 Điều 19 quy định miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sau thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của thời gian xây dựng cơ bản như sau:

“a) Ba (3) năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh mới của tổ chức kinh tế thực hiện di dời theo quy hoạch, di dời do ô nhiễm môi trường.

b) Bảy (7) năm đối với dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

c) Mười một (11) năm đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư; dự án thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

d) Mười lăm (15) năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư; lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.”

Việc xem xét miễn tiền thuê đất căn cứ vào lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại pháp luật về đầu tư và đối chiếu với thực tế đáp ứng của từng dự án để xác định mức cụ thể theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP).

2. Chính sách đối với lĩnh vực khuyến nông, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản

2.1. Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp

-Tại Khoản 1 Điều 4 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 14/2008/QH12 ngày 03/06/2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Luật số 32/2013/QH13 và Khoản 2 Điều 1 Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014), Khoản 7 Điều 1 Luật số 71/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định ưu đãi thuế TNDN như sau:

• Thu nhập được miễn thuế bao gồm: Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; Thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản.

• Áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; nuôi trồng lâm sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối, trừ sản xuất muối được miễn thuế theo quy định; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm, bao gồm cả đầu tư để trực tiếp bảo quản hoặc đầu tư để cho thuê bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm.

• Áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn:

“Thu nhập của sản phẩm, hàng hóa chế biến từ nông sản, thủy sản được ưu đãi thuế (bao gồm ưu đãi về thuế suất miễn giảm thuế) phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

- Tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy sản trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm (giá thành sản xuất hàng hóa, sản phẩm) từ 30% trở lên.

- Sản phẩm, hàng hóa từ chế biến nông sản, thủy sản không thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Doanh nghiệp phải xác định riêng thu nhập sản phẩm, hàng hóa chế biến từ nông sản, thủy sản để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.”

2.2. Chính sách thuế giá trị gia tăng

Các sản phẩm trồng trọt, máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và một số dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc được áp dụng thuế suất thuế GTGT thấp cụ thể:

- Tại Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng quy định đối tượng không chịu thuế như sau:

“1. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.

Doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

2. Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền.

3. Tưới, tiêu ước; cày, bừa đất; nạo vét kênh; mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.

3a. Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác...

7. Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm người học, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thủy sản; tái bảo hiểm...

17. Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu, khí đốt; tàu bay, dàn khoan, tàu thủy thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê, cho thuê lại.”

- Tại khoản 2 Điều 8 Luật thuế giá trị gia tăng quy định mức thuế suất thuế GTGT 5% như sau:

“2. Mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ sau đây:

...b) Quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng;...

d) Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp;

đ) Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa qua chế biến, trừ sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này;

...g) Thực phẩm tươi sống; lâm sản chưa qua chế biến, trừ gỗ, măng và sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật này;

h) Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn;

i) Sản phẩm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các sản phẩm thủ công khác sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp; bông sơ chế; giấy in báo;... ”

2.3. Chính sách về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước

- Tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển rừng; nuôi trồng, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, giống thủy sản; sản xuất, khai thác và tinh chế muối; đánh bắt hải sản xa bờ... thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.

- Tại Khoản 8 Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP quy định việc miễn tiền thuê đất đối với dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo quy định của Chính phủ về ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn.

- Tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã có quy định cụ thể về chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước như sau:

Điều 5. Miễn, giảm tiền sử dụng đất

1. Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư nếu được Nhà nước giao đất thì được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư đó.

2. Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư nếu được Nhà nước giao đất thì được giảm 70% tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước đối với dự án đầu tư đó.

3. Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư nếu được Nhà nước giao đất thì được giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước đối với dự án đầu tư đó.

Điều 6. Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước

1. Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư khi thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước thì được áp dụng mức giá thấp nhất của loại đất tương ứng trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

2. Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

3. Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 15 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

4. Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

5. Nhà đầu tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho công nhân, đất trồng cây xanh và đất phục vụ phúc lợi công cộng.

3. Một số chính sách ưu đãi về đất đai:

3.1. Chính sách ưu đãi về đất đối với dự án đáp ứng về quy mô vốn, lao động.

- Căn cứ Thông tư 333/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước quy định về miễn, giảm tiền thuê đất trong một số trường hợp, cụ thể:

+ Dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên (trừ dự án kinh doanh nhà ở thương mại; dự án khai thác tài nguyên khoáng sản; dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ sản xuất ô tô) và các dự án khác không thuộc đối tượng được ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất theo pháp luật đất đai) nếu thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư thì được miễn tiền thuê đất cụ thể như sau: Mức miễn tiền thuê đất là 11 năm nếu không thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; 15 năm nếu thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; toàn bộ thời gian thuê đất nếu thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.

+ Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động (bình quân trong năm) trở lên (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng) tính từ ngày xây dựng hoàn thành đưa dự án vào hoạt động (trừ dự án kinh doanh nhà ở thương mại, dự án khai thác tài nguyên khoáng sản, dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ sản xuất ô tô) và các dự án khác không thuộc đối tượng được ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất theo pháp luật đất đai) được miễn tiền thuê đất cụ thể như sau:

Trường hợp chủ đầu tư có văn bản đề nghị được hưởng ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của Chính phủ về ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn thì việc miễn, giảm tiền thuê đất được thực hiện theo quy định của Chính phủ về ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn.

Trường hợp chủ đầu tư có văn bản đề nghị được hưởng ưu đãi miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật đầu tư thì được miễn tiền thuê đất 7 năm nếu không thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; 11 năm nếu thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; 15 năm nếu thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư....

+ Nhà đầu tư được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất được miễn tiền thuê đất sau thời gian được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản theo các mức (quy định tại Khoản 10 Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP và được bổ sung tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP). Trường hợp khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất nằm trên phạm vi nhiều huyện mà có mức ưu đãi khác nhau thì nhà đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng được hưởng mức ưu đãi theo địa bàn ưu đãi đầu tư có tỷ lệ diện tích đất lớn nhất.

3.2. Chính sách ưu đãi về thuế sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp:

Ưu đãi về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN)

Căn cứ Điều 9, Điều 10, Điều 11 Luật thuế SDĐPNN và được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 153/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài chính và Điều 6 Thông tư số 83/2016/TT-BTC ngày 17/6/2016 của Bộ Tài chính:

- Miễn thuế SDĐPNN trong các trường hợp:

+ Đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư (đặc biệt ưu đãi đầu tư); dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư (ưu đãi đầu tư) tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đất của doanh nghiệp sử dụng trên 50% số lao động là thương binh, bệnh binh.

+ Đất của cơ sở thực hiện xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

+ Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư:

- Giảm 50% số thuế SDĐPNN phải nộp trong các trường hợp sau:

+ Đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đất của doanh nghiệp sử dụng từ 20% đến 50% số lao động là thương binh, bệnh binh.

+ Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng)

+ Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp KHCN, tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao và pháp luật về khoa học và công nghệ: Áp dụng ưu đãi về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tùy thuộc vào Điều kiện về ngành nghề, địa bàn, quy mô vốn đầu tư hoặc sử dụng lao động của từng dự án đầu tư cụ thể.

+ Không áp dụng ưu đãi về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản; sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ sản xuất ô tô.

Ưu đãi về thuế sử dụng đất nông nghiệp:

Căn cứ Nghị định số 21/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp:

Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.

Trên đây là một số nội dung về cơ chế chính sách hỗ trợ về thuế đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cục Thuế TP Hà Nội gửi Sở Công thương để tổng hợp.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng QL Đất;
- Lưu: VT, TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Mai Sơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 37152/CT-TTHT năm 2017 cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 37152/CT-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/06/2017
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hà Nội
  • Người ký: Mai Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/06/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản