Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 355/TCHQ-TXNK
V/v hàng hóa tạm nhập tái xuất

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2024

 

Kính gửi: Công ty CP Dịch vụ bảo vệ Secom Việt Nam.
(F11, tầng 1, toàn nhà The Manor2, số 91 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh)

Tổng cục Hải quan nhận được được công văn số 202302/SECOM ngày 26/12/2023 của Công ty CP Dịch vụ bảo vệ Secom Việt Nam về việc giải đáp thủ tục hải quan và trách nhiệm đóng thuế đối với việc cho thuê dịch vụ giám sát báo động. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về thủ tục hải quan

Căn cứ khoản 4 Điều 26 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất thì:

“4. Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, không phải là khu phi thuế quan, là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu trừ các trường hợp quy định tại điểm c khoản này và các trường hợp không phải làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan như sau:

a) Thủ tục hải quan, kiểm tra và giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo quy định áp dụng đối với khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế;

b) Vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam để xây dựng công trình, phục vụ cho điều hành bộ máy văn phòng và sinh hoạt của người lao động làm việc tại doanh nghiệp chế xuất không phải thực hiện quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra và giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp chế xuất, người bán hàng được lựa chọn thực hiện hoặc không phải thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu đối với vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam.”

Căn cứ Điều 42 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ về Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra khu phi thuế quan thì:

“2. Hàng hóa từ khu phi thuế quan đưa vào nội địa phải làm thủ tục như đối với hàng hóa nhập khẩu.

3. Hàng hóa từ nội địa đưa vào khu phi thuế quan phải làm thủ tục như đối với hàng hóa xuất khẩu.”

Thủ tục tạm xuất, tái nhập hàng hóa để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định thực hiện theo quy định tại các Điều 50, 54, 55, 55a Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 23, 27, 28, 29 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ. Quy định này áp dụng đối với trường hợp thương nhân tạm xuất, tái nhập hàng hóa để sản xuất, thi công, cho thuê, cho mượn hoặc để sử dụng vì mục đích khác theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

Như vậy, trường hợp máy móc, thiết bị đưa từ nội địa vào DNCX (đáp ứng điều kiện là khu phi thuế quan) thì phải thực hiện thủ tục hải quan.

2. Về trị giá hải quan

Việc xác định trị giá hải quan của hàng hóa tạm xuất - tái nhập và tạm nhập - tái xuất thực hiện theo quy định tại khoản 2 (hàng xuất khẩu) và khoản 3 (hàng nhập khẩu) Điều 86 Luật Hải quan số 54/2014/QH13. Theo đó:

- Đối với hàng hóa tạm xuất của Công ty CP Dịch vụ Bảo vệ Secom và tạm nhập của doanh nghiệp chế xuất, trị giá hải quan là giá trị của hàng hóa tại thời điểm cho thuê/đi thuê và chi phí mà bên cho thuê phải thanh toán để đưa hàng hóa đến khu chế xuất/doanh nghiệp chế xuất (chi phí vận chuyển và bảo hiểm cho hàng hóa - nếu có).

- Đối với thời điểm làm thủ tục tái nhập (Công ty CP Dịch vụ Bảo vệ Secom) hoặc tái xuất (doanh nghiệp chế xuất), trị giá hải quan là giá trị còn lại của hàng hóa tại thời điểm giao trả hàng hóa từ doanh nghiệp chế xuất về nội địa. Giá trị còn lại của hàng hóa được xác định trên cơ sở ghi chép, theo dõi tại hồ sơ kế toán của chủ hàng hóa.

3. Về chính sách thuế

Căn cứ khoản 2 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước thuộc đối tượng chịu thuế.

Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.

Căn cứ khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định Hàng hóa tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định thuộc đối tượng miễn thuế.

Đề nghị Công ty CP Dịch vụ bảo vệ Secom Việt Nam căn cứ các quy định dẫn trên và thực tế hoạt động của Công ty để thực hiện. Trường hợp vướng mắc, đề nghị liên hệ với cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.

Tổng cục Hải quan thông báo để Công ty CP Dịch vụ bảo vệ Secom Việt Nam biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCT Hoàng Việt Cường (để b/cáo);
- Cục GSQL;
- Lưu: VT, TXNK (3).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XNK
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Đặng Sơn Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 355/TCHQ-TXNK năm 2024 hàng hóa tạm nhập tái xuất do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 355/TCHQ-TXNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/01/2024
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Đặng Sơn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/01/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản