Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3403/LĐTBXH-BĐG
V/v hướng dẫn khen thưởng tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới

Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2017

 

Kính gửi:

- Các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành, Thông tư số 30/2014/TT-BLĐTBXH ngày 24/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, để ghi nhận và biểu dương các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới giai đoạn 2007 - 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc khen thưởng tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới cụ thể như sau:

1. Đối tượng, hình thức, nguyên tắc khen thưởng

a) Đối tượng

Cá nhân, tập thể thuộc các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, đơn vị thuộc địa phương có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới từ năm 2007 đến năm 2017.

b) Hình thức khen thưởng

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

c) Nguyên tắc khen thưởng

- Đảm bảo các nguyên tắc được quy định tại Điều 3, Thông tư số 30/2014/TT-BLĐTBXH ngày 24/10/2014 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Không xét khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể đã được khen thưởng dịp sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và các tập thể và cá nhân trong Ngành đã được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong năm 2016 và 2017.

2. Tiêu chuẩn xét khen thưởng

Ngoài các tiêu chuẩn chung đã được quy định tại Điều 24, Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 và Khoản 9, Điều 22 Thông tư số 30/2014/TT-BLĐTBXH các tập thể, cá nhân được lựa chọn còn phải đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đối với tập thể, cá nhân thuộc các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương

* Đối với tập thể

Hằng năm tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

- Tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện, kịp thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật;

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, đảm bảo kịp thời, hiệu quả;

- Tổ chức đánh giá, báo cáo kết quả tình hình thực hiện bình đẳng giới trong ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định của pháp luật;

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý những vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới;

- Bố trí kinh phí cho hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ của bộ, ngành, cơ quan.

* Đối với cá nhân

Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đạt các tiêu chuẩn sau:

- Có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được bình xét trong các phong trào thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Bộ, ngành phát động khi tiến hành sơ kết, tổng kết;

- Tham gia tích cực, có tham mưu, có các sáng kiến cho cơ quan, đơn vị ban hành các quy định và hướng dẫn tổ chức triển khai các hoạt động bình đẳng giới.

b) Đối với tập thể, cá nhân ở địa phương

* Đối với tập thể

Hằng năm tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

- Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới của địa phương nhằm cụ thể hóa chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020;

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới;

- Tổ chức đánh giá, báo cáo kết quả tình hình thực hiện bình đẳng giới trong ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định của pháp luật;

- Bố trí kinh phí cho hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ;

- Có các mô hình can thiệp, giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới hoạt động có hiệu quả.

* Đối với cá nhân

- Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

- Có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong lĩnh vực bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được bình xét trong các phong trào thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh phát động khi tiến hành sơ kết, tổng kết;

- Tham gia tích cực, có tham mưu, sáng kiến cho cơ quan, đơn vị ban hành các quy định và hướng dẫn tổ chức triển khai các hoạt động bình đẳng giới trong hoạt động của đơn vị.

3. Số lượng, hồ sơ, kinh phí khen thưởng

a) Số lượng

Các cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá, đề xuất khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và theo các tiêu chuẩn trên. Số lượng không quá 03 bằng khen cho tập thể và 02 bằng khen cho cá nhân trên mỗi bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Hồ sơ

Thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Thông tư số 30/2014/TT-BLĐTBXH bao gồm:

- Văn bản đề nghị của bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Biên bản họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Báo cáo thành tích của các tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng (mẫu số 07 Nghị định số 39/2012/NĐ-CP có xác nhận của cơ quan quản lý cấp trên.

Hồ sơ đề nghị khen thưởng gồm 01 bộ (bản chính) gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua vụ Bình đẳng giới) trước ngày 30 tháng 9 năm 2017 để tổng hợp, xem xét trình Hội đồng Thi đua, khen thưởng của Bộ. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc đề nghị phản ánh về Vụ Bình đẳng giới (điện thoại 0243.826.9551/ 0243.936.4400) để cùng phối hợp giải quyết. Quá thời hạn nêu trên nếu không nhận được hồ sơ, coi như cơ quan, đơn vị không có đề nghị khen thưởng.

c) Kinh phí khen thưởng

Tiền thưởng và mức tiền thưởng thực hiện theo quy định hiện hành. Kinh phí khen thưởng do các cấp đề nghị khen thưởng lập dự toán và chi trong Quỹ thi đua khen thưởng của bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương hoặc trong kinh phí tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới của cơ quan, đơn vị.

Đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai hoàn thiện hồ sơ khen thưởng, đảm bảo đúng thời gian quy định.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- TT Hội đồng TĐKT Bộ (để phối hợp);
- Lưu VT, Vụ BĐG.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Trọng Đàm

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3403/LĐTBXH-BĐG năm 2017 về hướng dẫn khen thưởng tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 3403/LĐTBXH-BĐG
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/08/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Trọng Đàm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản