Hệ thống pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/TANDTC-KHTC
V/v hướng dn xét duyệt quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020

Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2021

 

Kính gửi:

- Thủ trưởng các đơn vị dự toán trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao;
- Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp.

Căn cứ Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm.

Căn cứ Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ quyết định số 676/2016/QĐ-TANDTC-KHTC ngày 23 tháng 9 năm 2016 của Tòa án nhân dân tối cao về việc phân cấp quản lý ngân sách nhà nước và quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trụ sở làm việc Tòa án nhân dân địa phương.

Để thực hiện tốt công tác xét duyệt quyết toán năm 2020, Tòa án nhân dàn tối cao hướng dẫn các đơn vị dự toán thực hiện một số nội dung sau:

I. Xét duyệt quyết toán và thông báo kết quả xét duyệt quyết toán năm

1. Xét duyệt quyết toán năm

Trên cơ sở tài liệu, báo cáo đơn vị cung cấp và chịu trách nhiệm, các đơn vị xét duyệt quyết toán thực hiện các nội dung

a. Kiểm tra các khoản thu chi phát sinh tại đơn vị, cụ thể như sau:

- Kiểm tra dự toán chi ngân sách được giao trong năm, bảo đảm khớp đúng với dự toán được cấp có thẩm quyền giao (bao gồm dự toán giao đầu năm, dự toán bổ sung, điều chỉnh trong năm) về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi. Riêng đối với dự toán chi từ nguồn viện trợ thực hiện theo quy định về chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại, trên cơ sở dự toán được giao và số liệu đã được ghi thu, ghi chi trong năm theo chế độ quy định;

- Kiểm tra số kinh phí thực nhận theo xác nhận số liệu của Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch;

- Kiểm tra số liệu quyết toán chi, làm rõ nguyên nhân tăng, giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao; xem xét các điều kiện chi theo quy định; chỉ xét duyệt số liệu quyết toán chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao trong năm và đã thanh toán thực chi với Kho bạc Nhà nước;

- Kiểm tra số dư kinh phí được chuyển sang năm sau sử dụng và thanh toán bao gồm số dư tạm ứng, dư dự toán và số dư tài khoản tiền gửi ngân sách cấp (nếu có). Đối với số dư kinh phí không được chuyển sang năm sau sử dụng và thanh toán thì phải hủy hoặc thu hồi nộp ngân sách nhà nước;

- Đối với các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện đối chiếu, kiểm tra số liệu trên cơ sở báo cáo tài chính năm của đơn vị;

b. Kiểm tra về sổ sách kế toán và báo cáo quyết toán: Mở sổ, hạch toán, ghi chép trên sổ sách kế toán và lập báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính năm 2020.

c. Kiểm tra việc sử dụng các nguồn kinh phí: Kinh phí quản lý hành chính, kinh phí đào tạo, kinh phí nghiên cứu khoa học, kinh phí đảm bảo xã hội, kinh phí oan sai

d. Kiểm tra tính hợp pháp của từng khoản chi, đặc biệt là một số khoản chi: Mua sắm, sửa chữa trụ sở cơ quan, các khoản chi đặc thù được giao trong năm, bảo đảm các khoản chi phải có trong dự toán ngân sách nhà nước được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc mức chi theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và đã được Thủ trưởng đơn vị hoặc người được ủy quyền quyết định chi.

Đối với các nội dung chi không tự chủ đặc thù như bồi dưỡng phiên tòa, tập huấn hội thẩm nhân dân, đào tạo: đề nghị các đơn vị sắp xếp riêng chứng từ để thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý và kiểm tra.

e. Kiểm tra việc thực hiện công khai tài chính ở các đơn vị dự toán.

g. Kiểm tra việc xây dựng, thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ tại đơn vị dự toán.

h. Kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền qua công tác kiểm tra, thanh tra, xét duyệt hoặc thẩm tra quyết toán.

2. Thông báo xét duyệt quyết toán năm

Kết thúc việc xét duyệt quyết toán năm, các đơn vị xét duyệt quyết toán lập, ký biên bản xét duyệt quyết toán năm với các đơn vị được xét duyệt và ra thông báo xét duyệt quyết toán năm gửi đơn vị được xét duyệt và Tòa án nhân dân tối cao.

II. Tổ chức kiểm tra quyết toán năm

1. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra quyết toán ngân sách năm 2020 đối với,các đơn vị trực thuộc.

Trước khi xét duyệt quyết toán năm của các đơn vị dự toán cấp III thuộc phạm vi quản lý, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo kế hoạch xét duyệt quyết toán cho các đơn vị dự toán thuộc phạm vi quản lý, đồng thời gửi Tòa án nhân dân tối cao để phối hợp thực hiện.

Sau khi kết thúc kiểm tra quyết toán ngân sách năm 2020 của các đơn vị dự toán trực thuộc, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo quyết toán của các đơn vị dự toán cấp III, biểu mẫu tổng hợp quyết toán của các đơn vị dự toán cấp II, các thông báo xét duyệt quyết toán năm đối với đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc về Tòa án nhân dân tối cao trước ngày 26/3/2021.

2. Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp kiểm tra quyết toán của Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao, Vụ Công tác phía Nam, Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hố Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Học viện Tòa án, Báo Công lý, Tạp chí Tòa án nhân dân và thẩm định quyết toán của các đơn vị dự toán cấp II đối với các đơn vị có đơn vị dự toán cấp III trực thuộc.

3. Sau khi kiểm tra, thẩm định quyết toán tài chính năm của các đơn vị dự toán cấp II, cấp III, đoàn kiểm tra ghi nhận xét tình hình chi tiêu của đơn vị về việc chấp hành chế độ tài chính, kế toán và kiến nghị của đơn vị vào biên bản. Biên bản kiểm tra xét duyệt, thẩm định quyết toán được lập theo mẫu biểu hướng dẫn tại Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính và Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính. Thủ trưởng đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm xuất trình đầy đủ hồ sơ có liên quan để đoàn kiểm tra xem xét.

4. Chi phí đi lại phục vụ cho công tác kiểm tra các đơn vị tự thu xếp trong kinh phí được cấp.

5. Thời gian kiểm tra :

- Tòa án nhân dân cấp tỉnh tiến hành kiểm tra quyết toán của các đơn vị dự toán trực thuộc hoàn thành trước ngày 17/3/2021.

- Từ ngày 17/5/2021, Tòa án nhân dân tối cao sẽ kiểm tra quyết toán của Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao; Vụ Công tác phía Nam; Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng; Học viện Tòa án; Báo Công lý; Tạp chí Tòa án nhân dân và Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đồng thời thẩm tra quyết toán của các đơn vị dự toán trực thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố (lịch kiểm tra và thẩm tra Tòa án nhân dân tối cao sẽ thông báo sau).

Nhận được Công văn này, Thủ trưởng các đơn vị dự toán trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Nguyễn Văn Du, PCA TANDTC (để b/c);
- Đ/c Cục trưởng Cục KHTC (để b/c);
- Lưu VP, VTKHTC.

TL. CHÁNH ÁN
KT. CỤC TRƯỞNG
CỤC KẾ HOẠCH-TÀI CHÍNH
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Thị Hồng Nhạn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 34/TANDTC-KHTC năm 2021 hướng dẫn xét duyệt quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 34/TANDTC-KHTC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 08/02/2021
  • Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
  • Người ký: Trần Thị Hồng Nhạn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản