Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3369/BYT-TCDS
V/v hướng dẫn thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030

Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2020

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 28 tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Quyết định số 588/QĐ-TTg).

Để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 588/QĐ-TTg, ngày 05/6/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2324/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Xây dựng Chương trình điều chỉnh mức sinh của địa phương nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với từng giai đoạn và tình hình thực tiễn của địa phương, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt (theo hướng dẫn gửi kèm).

Một số nội dung cần lưu ý đối với từng vùng mức sinh như sau:

a) Đối với những tỉnh, thành phố có mức sinh thấp

- Xác định chỉ tiêu tăng mức sinh hàng năm, mục tiêu mức sinh đến năm 2025 và năm 2030. Triển khai các giải pháp tổng hợp, đồng bộ và hiệu quả để khuyến khích người dân sinh đủ hai con.

- Giao Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành có liên quan:

+ Đề xuất bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng tại địa phương liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên,…

+ Đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con như: hỗ trợ, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em bao gồm sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh, phòng chống suy dinh dưỡng,…

- Giao các sở, ngành liên quan phối hợp với Sở Y tế rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn thực hiện các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở; phúc lợi xã hội; giáo dục,… chú trọng các đối tượng ưu tiên, người lao động khu công nghiệp, khu kinh tế để khuyến khích sinh đủ hai con tại địa phương.

- Chỉ đạo xây dựng, triển khai các mô hình can thiệp thích hợp khuyến khích gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ hai con.

b) Đối với những tỉnh, thành phố có mức sinh cao:

- Xác định chỉ tiêu giảm mức sinh hàng năm, mục tiêu mức sinh đến năm 2025 và năm 2030. Tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích để người dân sinh ít con hơn.

- Giao Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành có liên quan:

+ Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hiện hành như khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên.

+ Đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của địa phương để thực hiện cuộc vận động “Dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”.

c) Đối với những tỉnh, thành phố có mức sinh thay thế:

- Xác định mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế.

- Giao Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành có liên quan:

+ Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, rà soát, từng bước bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con.

+ Từng bước đề xuất ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng tại địa phương.

2. Bố trí ngân sách địa phương triển khai Chương trình Điều chỉnh mức sinh trên địa bàn. Chủ động cân đối và bảo đảm nguồn lực thực hiện các hoạt động theo nhu cầu, đặc điểm tình hình cụ thể tại địa phương và theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

3. Tổ chức sơ kế việc thực hiện Quyết định số 588/QĐ-TTg vào năm 2025, tổng kết vào năm 2030 và hàng năm báo cáo về Bộ Y tế (Tổng cục Dân số) trước ngày 15/12 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (Tổng cục Dân số) để xem xét, giải quyết.

Mọi chi tiết xin liên hệ: Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, ngõ số 8 Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội; điện thoại: 024.38435297.

Trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg Vũ Đức Đam (để b/c);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Vụ Kế hoạch - Tài chính;
- Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố;
- Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, TCDS (10b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Xuân Tuyên

 

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG

CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU CHỈNH MỨC SINH ĐẾN NĂM 2030

TỈNH……………..

(Ban hành kèm theo công văn số 3369/BYT-TCDS ngày 19 tháng 6 năm 2020)

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. Mục đích

Xây dựng Chương trình điều chỉnh mức sinh của địa phương nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020, bảo đảm phù hợp với mức sinh của từng địa phương (Chương trình Điều chỉnh mức sinh).

II. Yêu cầu

1. Phân tích lựa chọn nguyên nhân mức sinh thấp hoặc mức sinh cao, những yếu tố tác động đến mức sinh để làm cơ sở đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp can thiệp phù hợp với đặc điểm của từng tỉnh, thành phố.

2. Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình Điều chỉnh mức sinh và bảo đảm yêu cầu điều chỉnh mức sinh phù hợp với từng địa phương.

3. Xác định yếu tố quyết định thành công của Chương trình Điều chỉnh mức sinh của địa phương là huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu.

B. CẤU TRÚC VÀ NỘI DUNG

Căn cứ đặc điểm của từng địa phương để xây dựng các nội dung Chương trình phù hợp theo bố cục như sau:

I. Sự cần thiết

II. Căn cứ pháp lý

III. Đối tượng, phạm vi

1. Đối tượng

2. Phạm vi

IV. Thực trạng mức sinh trên địa bàn tỉnh

1. Kết quả đạt được

2. Tồn tại, hạn chế

3. Nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế

4. Bài học kinh nghiệm

V. Mục tiêu

1. Mục tiêu

2. Chỉ tiêu

VI. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền

2. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi

3. Điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích

4. Mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ liên quan

5. Các nhiệm vụ khác: Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng; Nghiên cứu khoa học và hệ thông tin quản lý; Hợp tác quốc tế; Kiểm tra, giám sát, đánh giá; …

VII. Kinh phí

1. Nhu cầu kinh phí

2. Nguồn kinh phí

3. Giải pháp huy động vốn

VIII. Tổ chức thực hiện

1. Sở Y tế

2. Sở Lao động, Thương binh và xã hội

3. Sở Xây dựng

4. Sở Tài chính và Sở Kế hoạch - Đầu tư

5. Các sở, ban, ngành liên quan khác

Phần Phụ lục

1. Kế hoạch hoạt động và kinh phí

2. Dự toán kinh phí chi tiết theo từng năm triển khai