Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3124/GDĐT-TrH
Về Hướng dẫn thực hiện cụ thể một số nhiệm vụ chuyên môn Giáo dục Trung học năm học 2017-2018

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 8 năm 2017

 

Kính gửi:

- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện;
- Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, trường phổ thông nhiều cấp học (có cấp trung học phổ thông).

Căn cứ công văn số 3718/BGDĐT-GDTrH ngày 15 tháng 8 năm 2017 về việc Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Trung học năm học 2017-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT);

Căn cứ công văn số 3120/GDĐT-TrH ngày 28 tháng 8 năm 2017 về việc Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục Trung học năm học 2017-2018 của Sở GDĐT.

Sở GDĐT hướng dẫn cụ thể việc thực hiện một số nhiệm vụ Giáo dục Trung học năm học 2017-2018 như sau:

I. THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH VÀ TỔ CHỨC DẠY HỌC

1. Tổ chức hoạt động chuyên môn trong hè

- Sắp xếp luân phiên cho giáo viên nghỉ hè.

- Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên theo kế hoạch của Sở GDĐT và nhà trường.

- Tổ chức hoạt động hè cho học sinh (HS).

* Định hướng chỉ đạo thực hiện

Việc tổ chức hoạt động cho học sinh trong hè cần đảm bảo các yêu cầu:

- Các Phòng GDĐT, các trường THCS, THPT có kế hoạch cho HS tại đơn vị tham gia hoạt động hè tại nhà trường hoặc địa phương trên tinh thần HS được nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động văn thể, mỹ, tăng cường rèn luyện các kỹ năng sống, các trải nghiệm thực tiễn, tham gia các hoạt động xã hội, tham gia các câu lạc bộ văn học nghệ thuật, câu lạc bộ ngoại ngữ, câu lạc bộ khoa học kỹ thuật…

- Các trường có kế hoạch mở cửa trường, mở cửa thư viện và các cơ sở vật chất khác để hỗ trợ HS đọc sách, hoạt động thể dục thể thao, vui chơi, tham gia các sinh hoạt câu lạc bộ đội, nhóm, các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống.

- Các trường không tổ chức dạy học, ôn tập văn hoá trong hè.

- Các hoạt động hè có thu phí của HS phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện của HS và cha mẹ HS khi tham gia.

- Các Trung tâm dạy thêm, học thêm trong nhà trường phải được cấp phép của Sở GDĐT, Phòng GDĐT và thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về dạy thêm, học thêm của Bộ GDĐT, của UBND TP, thực hiện các kê khai và báo cáo đầy đủ trên trang mạng thông tin của Sở GDĐT (http://csdavthemhocthem.hcm.edu.vn/), đảm bảo nguyên tắc không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá, HS tham gia trên cơ sở tự nguyện, chọn lựa nội dung học theo trình độ và nguyện vọng.

- Các trường ngoài công lập, chỉ được tập trung HS và tổ chức dạy học ôn tập trong vòng 1 tháng trước ngày tựu trường quy định của thành phố và không được thu học phí cho thời gian học, ôn tập (nếu có) trước ngày tựu trường.

- Các trường chỉ tập trung HS để thực hiện các công việc chuẩn bị năm học vào thời điểm sát ngày tựu trường, không tổ chức dạy học, bồi dưỡng, phụ đạo HS đầu cấp trước ngày tựu trường, không tổ chức thi (hoặc kiểm tra, khảo sát…) ở bất kỳ khối lớp nào để xếp lớp cho HS khi chuẩn bị vào năm học.

- Bắt đầu thực hiện chương trình dạy học của năm học khi học sinh tựu trường vào thời điểm quy định (theo Quyết định số 3966/QĐ-UBND ngày 26/7/2017 về Kế hoạch thời gian năm học 2017-2018 trên địa bàn TP.HCM của UBNDTP).

2. Tổ chức dạy, học trong năm học

- Thực hiện theo chương trình quy định, theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, có tăng cường năng lực vận dụng thực tiễn, giảm lý thuyết hàn lâm.

- Mở rộng số lượng trường thực hiện dạy, học 2 buổi/ngày.

* Định hướng chỉ đạo thực hiện

- Thực hiện đúng kế hoạch dạy học, đảm bảo đủ thời lượng dạy học và chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình các bộ môn được Bộ GDĐT quy định, không dạy dồn, dạy trước chương trình.

- Trường học 1 buổi/ngày: thực hiện theo chương trình của Bộ GDĐT. Không thực hiện tăng, giảm tiết chính khoá.

- Trường học 2 buổi/ngày: có kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, gửi về Phòng GDĐT (với trường THCS) và Phòng GDTrH (với trường THPT).

Chú ý tổ chức cân đối các mặt hoạt động giáo dục văn hoá và hoạt động phong trào, hoạt động xã hội, giáo dục kỹ năng sống, hoạt động hướng nghiệp, không chỉ thiên về tổ chức dạy học các môn văn hoá ở buổi 2.

Thực hiện đúng quy định về nội dung và thời lượng dạy học của trường 2 buổi/ngày.

Các trường dạy học 2 buổi/ngày có kế hoạch chi tiết và tách biệt giữa chương trình học chính khoá và chương trình buổi hai. Việc thực hiện tách biệt các chương trình này cần thể hiện rõ trong sổ đầu bài. Thời lượng cho chương trình buổi hai dành một nửa cho luyện tập văn hoá, một nửa cho các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, trải nghiệm thực tiễn, phát triển năng khiếu. Cần có kế hoạch chi tiết để mọi HS trong nhà trường đều được tham gia các hoạt động này.

- Các Trung tâm dạy thêm, học thêm nhà trường phải được cấp phép của cơ quan quản lý và thực hiện đúng quy định hiện hành và theo hướng dẫn trên trên trang mạng thông tin của Sở GDĐT (http://csdaythemhocthem.hcm.edu.vn/), như dạy học ôn tập tách biệt với chương trình chính khoá, HS tham gia tự nguyện và chọn lựa lớp theo trình độ, nguyện vọng…

3. Tổ chức ôn tập cuối năm học cho các lớp cuối cấp

- Các trường đã có nhiều hình thức phong phú, đa dạng để tổ chức ôn tập cho học sinh nhằm đạt kết quả cao trong các kỳ thi.

- Các học sinh yếu được đặc biệt quan tâm kèm cặp, bồi dưỡng để giúp các HS bổ sung, hoàn chỉnh các kiến thức cơ bản nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

* Định hướng chỉ đạo thực hiện

- Tổ chức ôn tập từ sau kiểm tra học kỳ II đến 26/5/2018: được thực hiện chính khoá, nhằm hoàn tất chương trình và củng cố, bổ sung, luyện tập, ôn tập.

- Tổ chức các chuyên đề ôn tập từ sau 26/5/2018 (nếu có): thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, không ép buộc, áp đặt.

- Việc tổ chức các chuyên đề ôn tập cần được thực hiện khoa học về nội dung và thời gian.

- Thời gian học chính khoá của HS khối 12 được dùng để thực hiện và hoàn tất chương trình lớp 12. Việc ôn tập chương trình lớp 11 được thực hiện trong thời gian ôn tập cuối năm học và trong chương trình buổi 2 (với các trường dạy 2 buổi ngày), chương trình ngoại khoá các chủ đề văn hoá theo hình thức tự nguyện (với các trường dạy 1 buổi ngày).

4. Tổ chức kiểm tra định kỳ

- Các đơn vị đã thực hiện khá nghiêm túc việc kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ, kiểm tra lại.

- Nội dung kiểm tra bước đầu có định hướng cho các nội dung vận dụng thực tiễn, sát với cuộc sống theo yêu cầu phát triển năng lực học sinh.

* Định hướng chỉ đạo thực hiện

- Tổ chức các kỳ kiểm tra nghiêm túc, đúng quy định, đúng lịch kiểm tra thống nhất, đúng thời lượng quy định, đúng nội dung và hình thức theo yêu cầu.

- THCS: kiểm tra học kỳ theo đề chung của Phòng GDĐT.

- Thực hiện đúng lịch kế hoạch thời gian tổ chức kiểm tra học kỳ do Sở GDĐT quy định.

- Điểm số: Hiệu trưởng theo dõi việc thực hiện kiểm tra tại đơn vị đúng quy định, điểm số kiểm tra phù hợp với trình độ học sinh.

- Hồ sơ, sổ sách điện tử: thực hiện theo quy định của Sở GDĐT.

5. Khung kế hoạch thời gian năm học

- Học kỳ 1: Từ 14/8/2017 đến 30/12/2017.

Kiểm tra học kỳ 1: Từ 11/12/2017 đến 23/12/2017.

- Học kỳ 2: Từ 02/01/2018 đến 26/5/2018

Nghỉ Tết Âm lịch: Từ 12/02/2018 đến ngày 24/02/2018.

Kiểm tra học kỳ 2: Từ 16/4/2018 đến 12/5/2018 (mỗi Phòng GDĐT, trường THPT chỉ tổ chức kiểm tra học kỳ cho cấp lớp trong thời gian không quá 2 tuần).

II. ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC

1. Thực hiện chương trình chủ động, linh hoạt và xây dựng các chủ đề dạy học

Sở GDĐT đã tập huấn đến lãnh đạo các trường THPT, các Phòng GDĐT quận, huyện và đến Tổ trưởng, mạng lưới chuyên môn các bộ môn về việc thực hiện chương trình chủ động, linh hoạt và xây dựng các chủ đề dạy học. Các đơn vị đã triển khai thực hiện chủ động, linh hoạt chương trình theo các hướng dẫn của Bộ GDĐT và Sở GDĐT.

Hoạt động này đã bắt đầu được triển khai ở nhiều trường trung học, tạo sự chủ động cho GV và hứng thú cho HS.

* Định hướng chỉ đạo thực hiện

- Các trường xây dựng Kế hoạch năm học và các Kế hoạch giáo dục trong nhà trường (Kế hoạch hoạt động và kế hoạch thời gian của các tổ, nhóm chuyên môn, Kế hoạch hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm thực tiễn, trải nghiệm sáng tạo, tư vấn hướng nghiệp…), thực hiện trước ngày tựu trường và gửi về Phòng GDĐT (với các trường THCS) hoặc Phòng GDTrH (với các trường THPT).

- Việc thực hiện chương trình chủ động, linh hoạt và xây dựng chủ đề dạy học cần đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình theo quy định.

- Trường THCS khi thực hiện các điều chỉnh chương trình theo hướng chủ động, linh hoạt và xây dựng các chủ đề dạy học cần có kế hoạch chi tiết báo cáo Phòng GDĐT và được chấp thuận trước khi thực hiện. Phòng GDĐT có báo cáo tổng hợp việc thực hiện tại quận, huyện cho Phòng GDTrH mỗi cuối học kỳ.

- Tổ bộ môn trường THPT khi thực hiện các điều chỉnh chương trình theo hướng chủ động, linh hoạt và xây dựng các chủ đề dạy học cần có kế hoạch chi tiết báo cáo Hiệu trưởng, chuyên viên bộ môn Phòng GDTrH học Sở GDĐT và được chấp thuận trước khi thực hiện. Hiệu trưởng có báo cáo tổng hợp việc thực hiện tại nhà trường cho Phòng GDTrH mỗi cuối học kỳ.

- Khi thực hiện chủ động, linh hoạt chương trình và xây dựng các chủ đề dạy học, cần chú trọng việc phát triển năng lực vận dụng thực tiễn của học sinh.

- Thực hiện chương trình trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định. Sách giáo khoa không phải là tài liệu pháp lệnh để thực hiện chương trình. GV sử dụng sách giáo khoa, các tư liệu, thông tin chính thức để xây dựng, soạn thảo nội dung dạy học. Sử dụng hoặc phối hợp sử dụng cùng với sách giáo khoa các bộ Tài liệu dạy học THCS các bộ môn (Vật lý, Toán, Hoá học…) để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học.

2. Triển khai các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học

- Sở GDĐT đã tập huấn đến lãnh đạo các trường THPT và các Phòng GDĐT quận, huyện về các phương pháp dạy học tích cực. Các đơn vị cũng đã triển khai thực hiện 3 phương pháp dạy học tích cực: phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”, phương pháp dạy học theo dự án, phương pháp nghiên cứu khoa học trong HS trung học theo các hướng dẫn của Sở GDĐT.

Các phương pháp dạy học tích cực này đã được triển khai ở nhiều trường trung học, phát huy được tính tích cực, chủ động trong học tập của HS.

Các đơn vị cũng đã tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học và Cuộc thi GV dạy học theo chủ đề tích hợp, HS vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống do Sở GDĐT và Bộ GDĐT tổ chức.

Các hoạt động này ngày càng được triển khai rộng tại các đơn vị.

* Định hướng chỉ đạo thực hiện

- Tổ chức dạy học theo chủ đề gắn với thực tiễn cuộc sống.

- Tiếp tục triển khai các phương pháp dạy học tích cực: phương pháp “Bàn tay nặn bột, dạy học theo dự án, dạy học theo phương pháp nghiên cứu khoa học… và bước đầu triển khai phương pháp giáo dục STEM.

- Tham gia các Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học, GV dạy học theo chủ đề tích hợp, HS vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn…

- Đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn theo nghiên cứu bài học.

- Triển khai dạy học tích hợp ở các mức độ khác nhau.

- Triển khai hoạt động chuyên môn trên trang mạng Trường học trực tuyến.

- Tổ chức các chuyên đề nhằm hướng dẫn HS tự học, thực hiện các nhiệm vụ học tập theo các hình thức dạy học do nhà trường triển khai.

3. Triển khai đổi mới kiểm tra, đánh giá

* Nguyên tắc: Đánh giá năng lực HS theo quá trình và theo kết quả.

* Định hướng chỉ đạo thực hiện: Đa dạng hoá các nội dung và hình thức kiểm tra, đánh giá.

- Bài kiểm tra trên lớp : tăng dần các dạng câu hỏi vận dụng, câu hỏi liên hệ với việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống.

Tham khảo nội dung bài khảo sát lớp 7, khảo sát tuyển sinh vào lớp 6 Trần Đại Nghĩa.

- Tăng cường kiểm tra, đánh giá qua các hình thức thuyết trình, thực hành thí nghiệm, dụng cụ thí nghiệm tự làm, sản phẩm ứng dụng kiến thức lý thuyết…

- Mở rộng đánh giá qua các hoạt động trong và ngoài nhà trường khi thực hiện các khoá học thực tiễn ngoài nhà trường, qua tổ chức dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”, dạy học theo dự án, nghiên cứu khoa học, bài vận dụng kiến thức liên môn trong giải quyết tình huống thực tiễn, các hội thi chuyên môn (Hội khoẻ Phù Đổng, Robotacon, Văn hay chữ tốt, Hội thi đọc sách, Khéo tay kỹ thuật, Sáng tác ảnh, Đầu bếp trẻ, Nét vẽ xanh, Giải Lê Quý Đôn trên báo Khăn Quàng Đỏ, Thi máy tính cầm tay…).

- Tăng dần câu hỏi vận dụng, câu hỏi giải quyết tình huống trong bài kiểm tra học kỳ.

- Phòng GDĐT ra đề kiểm tra học kỳ THCS.

- Đổi mới đề tuyển sinh 10 ở cả các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ.

- Đề HS giỏi THCS, THPT: tăng các câu hỏi vận dụng thực tiễn.

- Tổ chức thi HS giỏi THCS: duy trì các môn thi Kiến thức tổng hợp thực tiễn, Thực nghiệm Khoa học tự nhiên.

- Tổ chức thi HSG THPT: tiếp tục thực hiện như năm học vừa qua.

- Tiếp tục tổ chức thi Olympic tháng 4 TP.HCM cho HS khối 10, 11. Tiếp tục mở rộng quy mô tổ chức. Tiếp tục đưa môn thi STEM và Robot vào kỳ thi.

- Các đơn vị đăng ký tham gia các cuộc thi qua trang mạng của Sở GDĐT, không giải quyết các trường hợp trễ hạn đăng ký.

- Khi dự giờ GV thực hiện các tiết dạy bài học, chủ đề dạy học, cần căn cứ vào kế hoạch dạy học bộ môn trong năm học và có thể sử dụng “Phiếu ghi nhận, đánh giá bài dạy, chủ đề dạy học bậc trung học” đã được Sở GDĐT phổ biến từ năm học 2014-2015.

4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ

Tiếp tục thực hiện đa dạng các môn ngoại ngữ trong trường trung học: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Nhật, Tiếng Đức, Tiếng Hàn…

* Định hướng chỉ đạo thực hiện

- Tiếp tục thực hiện đa dạng các chương trình ngoại ngữ trong trường trung học: Tiếng Anh đại trà, Tiếng Anh theo đề án 2020, Tiếng Anh tăng cường, chương trình song ngữ và ngoại ngữ 2, chương trình tích hợp Toán, Tiếng Anh và Khoa học, giảng dạy Toán và Khoa học bằng Tiếng Anh… Các đơn vị có tổ chức dạy chương trình nước ngoài, sử dụng GV nước ngoài trong dạy học tại trường phải thực hiện đúng và đủ các văn bản và báo cáo theo quy định của Bộ GDĐT và Sở GDĐT.

- Tuỳ theo thực tiễn của đơn vị và đội ngũ giáo viên, các quận huyện và nhà trường xây dựng và thực hiện một số chuyên đề dạy học tự chọn hướng dẫn HS sử dụng sách song ngữ (Tiếng Việt và Tiếng Anh), hướng dẫn HS năng lực đọc và tự học một số bộ môn văn hoá qua sách song ngữ Việt - Anh.

- Triển khai bước đầu ở một số đơn vị về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nội dung chuyên môn để kiểm tra ngoại ngữ qua cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; chuẩn bị để mở rộng dần kiểm tra ngoại ngữ 4 kỹ năng với quy mô rộng hơn trong các năm sau.

- Triển khai sử dụng và phối hợp sử dụng cùng với sách giáo khoa các bộ Tài liệu dạy học THCS, THPT bộ môn Tiếng Anh (Spark, Smart Time, Access, I-Learn Smart World…) để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học.

5. Triển khai phương pháp giáo dục STEM

Bước đầu triển khai phương pháp giáo dục STEM trong các trường THCS, THPT theo chỉ đạo của chính phủ và Bộ GDĐT.

* Định hướng chỉ đạo thực hiện

- Sở GDĐT triển khai hướng dẫn chuyên môn về GD STEM

cho Hiệu trưởng THPT, Trưởng phòng GDĐT (các vấn đề về nguyên tắc và định hướng) vào tháng 8/2017.

cho Phó Hiệu trưởng THPT phụ trách chuyên môn, Phó Trưởng phòng GDĐT phụ trách THCS (một số vấn đề về nguyên tắc và cách thức tổ chức thực hiện) vào tháng 9/2017.

cho Tổ trưởng chuyên môn trường THPT, chuyên viên bộ môn và GV mạng lưới THCS (cách thức thực hiện và một số chủ đề minh họa) vào tháng 9/2017.

- Trong mỗi học kỳ của năm học 2017-2018, mỗi Cụm chuyên môn THPT, mỗi Phòng GDĐT tổ chức soạn thảo và thực hiện ít nhất một đề tài GD STEM tại mỗi trường.

- Triển khai xây dựng tại một số nhà trường một số phòng học bộ môn STEM (xây dựng mới hoặc lồng ghép, bổ sung từ các phòng học bộ môn sẵn có).

- Sở GDĐT hướng dẫn một số công ty, tổ chức xã hội trong lĩnh vực giáo dục xây dựng, tổ chức các dịch vụ về GD STEM cho nhà trường và thẩm định về chuyên môn các đề tài, các chủ đề, các trang thiết bị về GD STEM của các đơn vị thực hiện dịch vụ GD STEM.

- Tổ chức các Câu lạc bộ ngoại khoá về GD STEM tại một số nhà trường, công ty thuộc lĩnh vực giáo dục, tổ chức xã hội.

- Tổ chức một số cuộc thi chuyên môn về lĩnh vực GD STEM ở cấp trường, Cụm chuyên môn THPT, Phòng GDĐT và ở cấp Sở GDĐT (cuộc thi HS giỏi THCS về thực nghiệm khoa học tự nhiên, kỳ thi Olympic Tháng 4 TP.HCM bộ môn STEM, cuộc thi Robotacon…).

- Cuối học kỳ I và cuối năm học Phòng GDTrH tổ chức tập hợp các đề tài, các chủ đề, các cách thức tổ chức GD STEM tại các đơn vị và tổ chức hội thảo để trao đổi, phổ biến các kết quả, kinh nghiệm thực hiện về GD STEM của các đơn vị.

Nhận được công văn này, yêu cầu lãnh đạo các đơn vị có kế hoạch triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Giám Đốc (để báo cáo);
- Lưu VP, GDTrH.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Nguyễn Văn Hiếu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3124/GDĐT-TrH năm 2017 về hướng dẫn thực hiện cụ thể một số nhiệm vụ chuyên môn Giáo dục Trung học năm học 2017-2018 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 3124/GDĐT-TrH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/08/2017
  • Nơi ban hành: Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Văn Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản