Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3053/LĐTBXH-NCC | Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2014 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015”, ngày 01/8/2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình Tổng rà soát thời gian qua và bàn giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Được sự thống nhất của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo kết quả như sau:
I. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI
1. Tại Trung ương
- Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp triển khai:
+ Ký kết Chương trình phối hợp số 4836/CTr-BLĐTBXH-MTTW ngày 05/12/2013 về “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015” (sau đây gọi tắt là Chương trình Tổng rà soát).
+ Ngày 06/3/2014 đã phối hợp tổ chức làm thí điểm và hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình Tổng rà soát tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
+ Ban hành Hướng dẫn số 684/HD-BLĐTBXH-MTTW ngày 12/3/2014 về thực hiện Chương trình Tổng rà soát.
+ Ngày 18/3/2014 phối hợp tổ chức tập huấn trực tuyến triển khai thực hiện Tổng rà soát trong phạm vi cả nước.
- Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông: Đã ký kết Chương trình phối hợp số 110/CTr-BTTTT-MTTW ngày 09/01/2014 về “Tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015”.
- Ban Thường Trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Đã ban hành Kế hoạch số 426/KH-MTTW-BTT ngày 14/12/2013 phân công các đồng chí trong Ban Thường trực chỉ đạo việc thực hiện Tổng rà soát gắn cụ thể với từng đối tượng thuộc diện rà soát và địa bàn phụ trách trong cả nước; từ tháng 4 đến tháng 6/2014 đã ban hành 03 công văn đôn đốc việc thực hiện Chương trình Tổng rà soát. Chỉ đạo Ban Phong trào thường xuyên cập nhật tình hình triển khai của các tỉnh, thành phố; tổ chức 02 cuộc họp giao ban giữa các ban, đơn vị, ban hành 03 báo cáo1 về tình hình triển khai và tiến độ thực hiện gửi MTTQ các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan để phối hợp thực hiện.
- Bộ Lao động - Thương binh và xã hội: Đã biên tập tài liệu hướng dẫn, mẫu biểu rà soát và phát đến đến xã, phường thuộc 63 tỉnh, thành phố; ban hành công văn số 1730/LĐTBXH-KHTC ngày 26/5/2014 hướng dẫn về công tác tài chính cho việc rà soát. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác tại chính trong việc rà soát tại các địa phương.
- Bộ Tài chính: Đã ban hành Công văn số 4827/BTC-HCSN ngày 15/4/2014 hướng dẫn kinh phí thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
- Bộ Quốc phòng: Đã ban hành Hướng dẫn số 891/HD-VP ngày 21/5/2014 về việc tiếp nhận, tổng hợp, xử lý và quản lý phiếu cung cấp thông tin về nơi đã chôn cất liệt sĩ trong chiến tranh (ngoài nghĩa trang liệt sĩ), phục vụ tìm kiếm, quy tập liệt sĩ.
- Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Đã ban hành Hướng dẫn 08/HD-ĐCT ngày 02/4/2014 đến các cấp Hội để phối hợp thực hiện Chương trình. 100% Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh/thành phố đều có công văn hướng dẫn các cấp Hội tham gia rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng; liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Đồng thời các cấp Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đều cử lãnh đạo tham gia Ban rà soát; 100% chi hội trưởng phụ nữ là thành viên của tổ rà soát và trực tiếp tham gia rà soát tại các thôn/xóm/tổ dân phố. Đã có báo cáo2 thực hiện chương trình rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng; liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.
- Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Đã ban hành Kế hoạch số 170-KH/TWĐTN ngày 07/4/2014, hướng dẫn Đoàn thành niên các cấp phối hợp thực hiện Chương trình; đã triển khai văn bản kiểm tra, giám sát và có báo cáo3 kết quả bước đầu việc rà soát chính sách đối với người có công giúp đỡ cách mạng và cựu thanh niên xung phong.
- Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam: Đã ban hành Công văn số 130/CV-CCB ngày 31/3/2014 chỉ đạo các cấp Hội phối hợp thực hiện Chương trình Tổng rà soát.
- Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam: Đã ban hành Kế hoạch số 30/KH-HTGĐLS ngày 20/3/2014 triển khai thực hiện Chương trình Tổng rà soát; báo cáo4 thực hiện rà soát chính sách đối với người có công với cách mạng thuộc đối tượng Liệt sĩ, gia đình liệt sĩ.
- Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: Đã ban hành Hướng dẫn số 63/HD-TWH ngày 24/3/2014 triển khai thực hiện Chương trình Tổng rà soát.
- Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam: Đã ban hành Hướng dẫn số 20/HD-TWHCTNXP ngày 17/01/2014 triển khai thực hiện Chương trình Tổng rà soát; ban hành văn bản đôn đốc tổ chức thực hiện và báo cáo5 kết quả thực hiện bước đầu việc rà soát chính sách.
Sau hội nghị triển khai và tập huấn của Trung ương, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hội nghị triển khai thực hiện tại địa phương. Tại nhiều địa phương, tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình Tổng rà soát như: Thành phố Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện, số lượng rà soát nhiều, phạm vi rộng nhưng thành phố đã triển khai khẩn trương, toàn diện, kịp thời ban hành công văn hướng dẫn bổ sung những nội dung cần thiết và thường xuyên báo cáo về Trung ương; Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa chủ động kết hợp rà soát về nhà ở và một số chính sách khác đối với người có công, tổ chức việc đặt hòm phiếu để nhân dân phản ánh; MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 38/CT-TU của Ban Thường vụ về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về Chương trình Tổng rà soát; Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND chỉ đạo thực hiện Tổng rà soát...
Đến nay 63/63 tỉnh, thành phố có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc Tổng rà soát báo cáo về Trung ương; trong đó Ủy ban nhân dân 40 tỉnh, thành phố6 ban hành kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện Tổng rà soát; 14 tỉnh7 MTTQ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký kết Chương trình phối hợp; 04 tỉnh8 MTTQ và Sở Thông tin và Truyền thông ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền; 26 tỉnh, thành phố9 Ban Thường trực MTTQ có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Công tác tuyên truyền, tập huấn
Các tỉnh, thành phố đã triển khai công tác tập huấn, bám sát văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; hướng dẫn việc thành lập các Ban rà soát ở các cấp và Tổ rà soát ở khu dân cư; hướng dẫn việc ghi phiếu, xác định đối tượng, lập danh sách và niêm yết danh sách. Tổ chức tuyên truyền Chương trình Tổng rà soát trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương với hệ thống truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn, khu dân cư; nội dung tuyên truyền đã bám sát Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn số 684/HD-BLĐTBXH-MTTW của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thực hiện nội dung công tác chỉ đạo điểm, mỗi huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chỉ đạo 1 điểm cấp xã để rút kinh nghiệm trước khi thực hiện Tổng rà soát đại trà ở tất cả các xã, phường, khu dân cư trong toàn quốc.
Tính đến ngày 30/7/2014 có 23 tỉnh, thành phố10 đã báo cáo kết quả chỉ đạo điểm. Trong đó, có 201 xã, phường được chọn làm điểm chỉ đạo; số người được rà soát là 42.204 người, thống kê ban đầu cho thấy: số người hưởng đầy đủ chế độ chính sách là: 39.839 (chiếm 94,40%); số người hưởng thiếu (chưa đầy đủ) là: 1.021 (chiếm 2,42%); số người hưởng sai là: 71 (chiếm 0,17%); số người chưa được hưởng là: 1.273 (chiếm 3,01%) đã có hồ sơ đang chờ công nhận và trong quá trình rà soát phát hiện đề nghị được hưởng.
- Thực hiện phân công của Ban Thường trực và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 6 đoàn kiểm tra việc thực hiện Tổng rà soát tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh: Thanh Hóa, Bắc Ninh, Kiên Giang, Nam Định.
- Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức 03 đoàn kiểm tra tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắk Nông, Đắk Lắc.
- Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã phối hợp tổ chức đi kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện ở khu dân cư của một số xã, phường làm điểm thuộc 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
- Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6/2014 đã lồng ghép tổ chức 2 đoàn kiểm tra việc triển khai Chương trình Tổng rà soát tại một số địa phương: Thái Nguyên, Hà Nam, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Qua công tác kiểm tra của lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các đoàn thể, tổ chức được phân công đã có tác dụng thiết thực: Nhiều địa phương đã tổ chức họp Ban rà soát tỉnh, các huyện, các xã chỉ đạo điểm cùng làm việc với Đoàn kiểm tra như một hình thức để giao ban công tác Tổng rà soát; chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí thực hiện Chương trình Tổng rà soát. Sau kiểm tra các tỉnh, thành phố đã tiếp thu ý kiến của đoàn kiểm tra, đã có văn bản gửi các cấp ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác Tổng rà soát; yêu cầu các địa phương báo cáo tiến độ thực hiện Tổng rà soát, những trường hợp phát hiện hưởng chưa đầy đủ, hưởng sai yêu cầu các cấp chính quyền và ngành chức năng kiểm tra giải quyết theo quy định chính sách, pháp luật, không chờ rà soát xong mới giải quyết.
4. Về công tác giải quyết đơn thư của công dân
Bộ phận thường trực đã tiếp nhận và xử lý một số đơn, thư của công dân; trực tiếp trả lời và giải đáp nhiều ý kiến thắc mắc, phản ánh qua điện thoại, các ý kiến tập trung kiến nghị cách thức triển khai rà soát; phản ánh những việc làm chưa đúng quy trình của địa phương và người đi ghi phiếu rà soát; thắc mắc những căn cứ để phát hiện người không thuộc diện hưởng các chính sách của người có công...
III. NHẬN XÉT CHUNG
1. Mặt được
- Công tác Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong thời gian qua được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, đây là việc mới diễn ra quy mô toàn quốc, nhưng đã được sự quan tâm chú ý đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền đã được các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Đại đoàn kết, Báo Lao động và Xã hội, báo chí của các tổ chức thành viên....đã tích cực tuyên truyền cho Chương trình Tổng rà soát.
- Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, các đoàn thể đã có các văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Tổng rà soát.
- Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đã phát huy vai trò chức năng nhiệm vụ để thực hiện Chương trình Tổng rà soát; đặc biệt thu hút được sự quan tâm của nhiều hội viên Cựu chiến binh, Cựu Thanh niên xung phong, người tham gia kháng chiến. Nhiều ý kiến trực tiếp của nhân dân, của các đối tượng gia đình chính sách đã điện thoại trực tiếp về Trung ương thể hiện quan điểm đồng tình, cũng như ý kiến tham gia đóng góp, trình bày những băn khoăn, thắc mắc, mong muốn với Đảng, Nhà nước và Mặt trận thực hiện tốt Chương trình Tổng rà soát và tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Nhiều địa phương khi triển khai đã có những biện pháp sáng tạo linh hoạt, có địa phương chủ động kết hợp rà soát một số chính sách khác đối với người có công như thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Nam Định.
- Quá trình triển khai tổ chức thực hiện làm điểm trong thời gian qua đã có kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng, đó là: Công tác lãnh đạo chỉ đạo, triển khai thực hiện phải có sự tập trung vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể liên quan từ Trung ương, tỉnh đến cơ sở. Có sự phối hợp thống nhất giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để tham mưu cho cấp ủy chính quyền; coi trọng công tác tập huấn, hướng dẫn trước khi tiến hành rà soát để cán bộ được phân công nắm chắc nội dung, công tác Tổng rà soát. Phân công nhiệm vụ cho thành viên của các đoàn thể phụ trách rà soát theo từng nhóm quy định, đồng thời có trách nhiệm nghiên cứu các chế độ ưu đãi của từng nhóm để thực hiện việc rà soát, nhận định kết quả được chính xác.
- Coi trọng công tác tuyên truyền để nhân dân biết và tham gia. Ở khu dân cư việc rà soát phải được thực hiện chặt chẽ, có sự tham gia của cán bộ đoàn thể theo phân công; việc công khai danh sách cho dân biết, giám sát, việc phát hiện sai trái trong hưởng chính sách cần có biện pháp tập hợp, lắng nghe và tổng hợp để kịp thời có biện pháp giải quyết. Kinh phí cho công tác giám sát cần được quan tâm nhất là khâu rà soát tại cơ sở, khu dân cư.
- Các bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương chưa tập trung đúng mức nên tiến độ Tổng rà soát chậm (khoảng 1 tháng) so với kế hoạch; việc thu thập thông tin chưa đồng đều, cần sớm khắc phục (đến nay mới có 23 địa phương báo cáo về Trung ương kết quả làm điểm). Công tác thông tin tuyên truyền nhiều nơi còn hạn chế.
- Việc rà soát liên quan đến nhiều chính sách và nhiều đối tượng, cán bộ rà soát ở khu dân cư đa số không nắm chắc chính sách người có công nên khi triển khai có khó khăn, lúng túng. Hầu hết các tỉnh, thành phố chưa được hỗ trợ kinh phí, đều ứng ngân sách của địa phương để thực hiện.
- Một số nơi chưa thực hiện tốt việc niêm yết, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định hoặc có niêm yết nhưng nhân dân chưa được biết rộng rãi. Một số nơi trong nhân dân dư luận có người phát hiện ra đối tượng hưởng sai về chính sách nhưng không mạnh dạn thông tin cho tổ rà soát, còn nể nang do quan hệ làng xóm, láng giềng. Có nơi do thời gian triển khai thực hiện kế hoạch chậm nên một số quận, huyện không thực hiện rà soát thí điểm, mà tiến hành thực hiện rà soát đại trà nhằm đảo bảo tiến độ chung theo quy định, thậm chí có biểu hiện hình thức, chưa huy động sự tham gia của người dân; do hiểu chưa rõ một số mẫu biểu nên trong quá trình rà soát vẫn có phiếu tẩy xóa, thông tin ghi chưa đầy đủ. Nhiều gia đình không còn lưu giữ được các thông tin nên trong quá trình nhận định kết quả thực hiện chính sách không được chính xác.
Việc tổ chức rà soát diễn ra vào dịp Đại hội Mặt trận Tổ quốc cấp huyện và tỉnh nên một số tỉnh, thành phố thực hiện tiến độ chậm. Ở khu dân cư các gia đình đang vào mùa vụ sản xuất nông nghiệp nên việc gặp gỡ các gia đình để thu thập thông tin có nơi khó khăn phải đi lại nhiều lần.
IV. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình Tổng rà soát và Kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ngành, các cấp cần đẩy nhanh tiến độ và sớm có biện pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thời gian qua, cụ thể:
- Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, rà soát các biểu mẫu để bổ sung, điều chỉnh cho hợp lý; phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết đơn thư, khiếu nại của công dân và hướng dẫn địa phương trong giải quyết đơn thư tại địa phương, tập hợp những kiến nghị của nhân dân trong thời gian qua để trả lời và thông tin rộng rãi đến người dân. Định kỳ giao ban tổng hợp và tiến hành sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Tổng rà soát tại các địa phương.
- Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức được phân công cần chú ý: Phối hợp với ngành Lao động và Thương binh và Xã hội nắm bắt và tổng hợp tình hình Tổng rà soát trong phạm vi toàn quốc. Những nơi khó khăn, các đồng chí lãnh đạo phải đến trực tiếp để hướng dẫn thực hiện. Những nơi rà soát không có trường hợp nào hưởng sai, địa phương phải sớm công bố để nhân dân giám sát và rà soát kỹ lại. Những nơi chưa có kinh phí, chưa có báo cáo làm điểm cần phải nắm bắt kịp thời để đôn đốc.
- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân để biết đến việc rà soát, biết thời gian kết thúc, biết nơi niêm yết danh sách được rà soát, biết nơi hỏi khi thắc mắc, chưa rõ.
- Trong tháng 8/2014 tiếp tục tổ chức kiểm tra việc Tổng rà soát và kết quả đã thực hiện tại địa phương, cần có sự phối hợp để tránh chồng chéo. Tập trung kiểm tra những nơi người dân có nhiều đơn, thư, nơi các đoàn thể chưa thực sự tham gia vào cuộc, những địa phương thực hiện chậm tiến độ.
- Tăng cường công tác chỉ đạo, tiến hành sơ kết Chương trình Tổng rà soát, chú ý rút kinh nghiệm nghiêm túc đợt làm thí điểm để thực hiện đại trà đảm bảo hiệu quả, tránh làm hình thức, không đảm bảo chất lượng. Tiếp tục kiểm tra, giám sát quá trình Tổng rà soát những nơi còn lại. Chú ý việc tổng hợp, thống kê biểu bảng chính xác về số người hưởng đúng, hưởng chưa đủ, hưởng sai và chưa được hưởng. Chủ động giải quyết từ cơ sở, tránh để người dân bức xúc khiếu kiện vượt cấp.
- Những nơi chưa thực hiện tốt việc công khai thông qua việc niêm yết, họp ở khu dân cư, phát thanh trên đài truyền thanh xã, phường, chưa có sự tham gia giám sát của Mặt trận, đoàn thể cần có biện pháp tổ chức bổ sung cho đầy đủ.
- Tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân biết về chương trình Tổng rà soát, để nhân dân đồng thuận và cùng tham gia trong quá trình Tổng rà soát.
- Đối với các địa phương cần thiết kéo dài thời gian để thực hiện Tổng rà soát, chậm nhất trước ngày 30/11/2014 phải rà soát xong và công bố kết quả rà soát.
Trên đây là thông báo kết quả triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong thời gian qua, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành, đoàn thể liên quan nghiên cứu, phối hợp chỉ đạo thực hiện Chương trình Tổng rà soát./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
1 Báo cáo số 592/BC-MTTW-BTT ngày 12/5/2014; Báo cáo 602/BC-MTTW-BTT ngày 11/6/2014;
Báo cáo số 616/BC-MTTW-BTT ngày 20/7/2014 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
2 Báo cáo ngày 28/7/2014 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
3 Báo cáo ngày 28/7/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
4 Báo cáo ngày 28/7/2014 của Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.
5 Báo cáo 236/2014/HCTNXPVN ngày 31/7/2014 của Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam.
6 Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng; Đắk Nông, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Nam Định, Quảng Ngãi, Thái Bình, Tuyên Quang, Bình Phước, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Bình Định, Nghệ An, Phú Thọ, Đắk Lắk, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hậu Giang, Quảng Trị, Ninh Thuận, Gia Lai, Bắc Giang, Bắc Ninh Tây Ninh, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Cao Bằng, Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Hà Nam, Sơn La.
7 Tỉnh Đồng Tháp, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bến Tre, Quảng Ngãi, Long An, Tiền Giang, An Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Trà Vinh.
8 Tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Trà Vinh, Tiền Giang.
9 Thành phố Hải Phòng, Hồ Chí Minh; tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, Nam Định, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Long An, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Yên Bái, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cao Bằng, Phú Yên, Trà Vinh, An Giang, Quảng Ninh, Hà Giang, Tây Ninh, Hưng Yên, Đắk Lắk, Lai Châu.
10 Thành phố Hà Nội, Hải Phòng; tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh, Trà Vinh, Quảng Bình, Nam Định Lai Châu, Kiên Giang, Hà Nam, Gia Lai, Bắc Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kom Tum, Ninh Bình, Thái Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Tĩnh.
- 1Công văn về việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
- 2Chỉ thị 23/CT-TTg năm 2013 tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Hướng dẫn 684/HD-BLĐTBXH-MTTW thực hiện Chương trình Tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm (2014-2015) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành
- 4Chương trình 4836/CTr-BLĐTBXH-MTTW năm 2013 về Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm (2014 - 2015) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành
- 5Công văn 4827/BTC-HCNS năm 2014 hướng dẫn kinh phí thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng do Bộ Tài chính ban hành
- 6Chỉ thị 05/CT-UBND thực hiện Chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015 do tỉnh Vĩnh Long ban hành
- 7Công văn 1730/LĐTBXH-KHTC năm 2014 về kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thực hiện rà soát chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo Chỉ thị 23/CT-TTg do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 8Công văn 4371/LĐTBXH-KHTC sử dụng kinh phí hỗ trợ tổ chức Hội nghị tập huấn chính sách người có công năm 2014 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Công văn 3053/LĐTBXH-NCC năm 2014 về thực hiện Chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- Số hiệu: 3053/LĐTBXH-NCC
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 21/08/2014
- Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Người ký: Doãn Mậu Diệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra